Báo Đồng Nai điện tử
En

Để dệt may được hưởng nhiều ưu đãi từ các FTA

08:11, 02/11/2017

Dệt may hiện là ngành chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai. Các doanh nghiệp lĩnh vực này rất quan tâm đến việc tận dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do (FTA).

Dệt may hiện là ngành chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai. Do đó, các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này rất quan tâm đến việc tận dụng quy tắc xuất xứ để hưởng các ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do (FTA). Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017 ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, tăng 13-14% so với năm trước. Các DN ngành dệt may đang tận dụng các ưu thế từ những FTA đã ký kết để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu dệt may, xơ sợi dệt ước đạt trên 3,2 tỷ USD.

Vẫn yếu ở khâu nhập nguyên liệu

* DN ngành dệt may Việt Nam đã hưởng được những lợi thế gì từ các FTA đã ký kết? 

- Việt Nam đã hội nhập sâu với trên 10 FTA (hiệp định thương mại tự do) cả song phương lẫn đa phương đã được ký kết, giúp hàng dệt may cũng như nhiều mặt hàng khác thuận lợi hơn trong xuất khẩu nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Riêng ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian qua liên tục giữ được mức tăng trưởng khá. Các DN đã từng bước đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam có ký kết các FTA.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền.

Cụ thể, khi FTA Việt Nam - Chile có hiệu lực 70% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào nước này được hưởng các ưu đãi về thuế; FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức...các DN đều tận dụng khá tốt để tăng xuất khẩu. Điều này được thể hiện qua năm 2010 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam là hơn 12,6 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã tăng lên trên 27 tỷ  USD; năm 2016 khoảng 28,1 triệu USD và dự kiến năm 2017 sẽ cán mốc 30 tỷ USD.

* Vậy theo bà, điểm yếu nhất của các DN dệt may hiện nay cần khắc phục khi xuất khẩu hàng hóa là gì?

- Theo lộ trình các FTA đã ký, trên 90% dòng thuế ở nhiều nhiều mặt hàng sẽ về 0%, trong đó có dệt may. Các DN muốn được hưởng các ưu đãi về thuế phải chú ý đến xuất xứ hàng hóa, nếu không đáp ứng được những quy tắc về xuất xứ hàng hóa thì FTA coi như vô hiệu hóa.

Hiện nay, điểm yếu nhất của DN dệt may là nguồn nguyên liệu sản xuất, 50-80% phải nhập khẩu nên khó đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Trong dệt may có 3 công đoạn là sản xuất sợi, sản xuất vải và may quần áo, tùy theo từng FTA có đòi hỏi về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 1 hay 2 hoặc 3 công đoạn. Vì thế, DN muốn xuất vào thị trường nào Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại phải nắm rõ quy định của ngành hàng về xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế suất, từ đó điều chỉnh nguồn nguyên liệu sản xuất cho phù hợp.

Chỉ mới tận dụng được khoảng 40% ưu đãi

* Có phải vì không đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên nhiều DN dệt may vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế suất?

- Thực tế đúng là như vậy. Dù ngành dệt may của Việt Nam phát triển từ rất sớm, nhưng công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may lại đi sau một bước nên nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, dẫn đến  không hưởng được các ưu đãi về thuế suất. Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng nguyên phụ liệu cho ngành phần lớn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác nên nhiều đơn hàng của các DN khi xuất khẩu vào những nước có ký kết FTA vẫn phải chịu thuế cao làm giảm khả năng cạnh tranh.

Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.
Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.

Tuy nhiên, gần đây nguồn nguyên liệu trong nước tăng lên tạo thêm cơ hội cho DN dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để có thể được hưởng các ưu đãi về thuế. Cụ thể 3 năm trở lại đây, các DN trong nước, DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã chú ý nhiều đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Hiện nay, nhiều dự án lớn về công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may đã đi vào hoạt động, giúp tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dệt may của Việt Nam từ 10-20% đã tăng lên 40-50%. Điều này đồng nghĩa với các DN từng bước cố gắng đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để bắt lấy cơ hội từ các FTA.

* Ngoài dệt may thì nhiều mặt hàng khác DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được quy tắc ưu đãi xuất xứ hàng hóa để giảm thuế. Việc này đem lại tổn thất như thế nào cho DN?

- Theo lộ trình, thuế suất hàng hóa sang các nước là thành viên WTO sẽ giảm mạnh về mức trung bình từ 5-25%, còn thuế suất trong các cam kết FTA chỉ từ 0-5%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA Việt Nam đã ký kết thì hàng hóa của DN phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, tỷ lệ DN Việt Nam tận dụng được quy tắc ưu đãi xuất xứ hàng hóa từ các FTA còn thấp dưới 40%. Việc này đồng nghĩa với hơn 60% số hàng hóa còn lại phải chịu thuế cao hơn 5%. Thuế cao sẽ khiến DN Việt Nam giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và lợi nhuận. Muốn hưởng các ưu đãi về thuế suất, DN buộc phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Điều này đòi hỏi công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu giữa các DN tại Việt Nam phải được chú ý nhiều hơn.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, thị trường xuất khẩu dệt may, xơ sợi dệt lớn của tỉnh là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 85% sản phẩm. Dự báo trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ tăng 7-8%/năm; đồng thời đến năm 2020, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của các DN trên lĩnh vực này.

 Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều