Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ Công đoàn phải thực sự vì người lao động

08:11, 14/11/2017

Theo PGS-TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, việc người lao động và người sử dụng lao động có quyền lựa chọn thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình là yêu cầu khách quan...

Theo PGS-TS. Vũ Quang Thọ (Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), việc người lao động và người sử dụng lao động có quyền lựa chọn thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp là yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

PGS-TS. Vũ Quang Thọ.
PGS-TS. Vũ Quang Thọ.

Do đó, để đứng vững và phát huy hiệu quả, tổ chức Công đoàn hiện nay phải khắc phục những điểm yếu của mình. Cán bộ Công đoàn phải thực sự có tâm huyết, biết lắng nghe, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

* Khắc phục những tồn tại

 Theo ông, những điểm yếu của tổ chức Công đoàn hiện nay là gì?

- PGS-TS. Vũ Quang Thọ: Khâu cán bộ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn ở cơ sở đang có nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ Công đoàn không phải do công nhân lao động bầu trực tiếp mà do các tổ chức chính trị - xã hội cơ cấu trước rồi đưa vào đại hội. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở làm chính trị chứ không toàn tâm, toàn ý cho hoạt động Công đoàn. Một số chủ tịch Công đoàn cơ sở chưa biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công nhân lao động.

Có những cán bộ Công đoàn có thể nhận biết nguyện vọng của công nhân lao động nhưng không biết trình bày ý kiến đó như thế nào và ở đâu. Nguyên nhân là do cơ chế, năng lực, trình độ của cán bộ Công đoàn còn hạn chế. Do vậy, nguyện vọng của công nhân lao động không đến được tai người quản lý và không được giải quyết.

 Trên thực tế, nhiều cán bộ Công đoàn không thể “dấn thân” hay toàn tâm toàn ý cho hoạt động này. Ý kiến của ông thế nào?

- Đúng vậy. Trên thực tế, thời gian để cán bộ Công đoàn dành cho hoạt động Công đoàn còn khó khăn. Đa phần cán bộ Công đoàn đều là kiêm nhiệm nên ở nhiều doanh nghiệp, nếu cán bộ Công đoàn là quản lý thì phải chăm chú vào công việc quản lý nhiều hơn. Nếu cán bộ Công đoàn là công nhân trực tiếp sản xuất thì họ phải hoàn thành định mức khối lượng công việc trong thời gian nhất định, không có thời gian cho hoạt động Công đoàn. Mặt khác, cán bộ Công đoàn được chủ doanh nghiệp trả lương nên nhiều khi muốn đứng về phía công nhân cũng khó.

Bởi vậy, để họ thực sự “dấn thân” là điều không hề đơn giản. Đằng sau họ còn có gia đình, còn nhiều vấn đề phải lo toan. Có những trường hợp cán bộ Công đoàn hoạt động mạnh quá đã bị chủ doanh nghiệp gây sức ép, thậm chí cho thôi việc. Có trường hợp bị nhẹ hơn là thuyên chuyển công việc.

* Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa

 Thời gian gần đây xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp “khuyến khích” người lao động có thời gian làm việc từ 15 năm trở lên nghỉ việc. Điều này dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

- Công nhân lao động phải ngừng việc ở trước tuổi 40 đang là vấn đề lớn cần được quan tâm của toàn quốc, không chỉ riêng Đồng Nai. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, đây được xem là sự bắt đầu thời kỳ tan rã của thị trường lao động. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến tan rã hàng loạt, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào Việt Nam.

Thời gian qua, các chủ doanh nghiệp bằng nhiều phương thức khác nhau như: thông tin cho công nhân lao động sẽ thay đổi dây chuyền công nghệ với yêu cầu tay nghề cao hơn; chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, chế độ lương hưu thay đổi gây thiệt thòi nếu người lao động (đặc biệt là lao động nữ) nghỉ hưu sau năm 2017… khiến người lao động hoang mang. Cùng lúc này, doanh nghiệp đưa ra chính sách sẽ hỗ trợ một khoản tiền lớn nếu công nhân lâu năm chấp nhận nghỉ việc. Do nhận thức hạn chế, hàng ngàn công nhân lâu năm đã chấp nhận nghỉ việc. Chủ doanh nghiệp đạt được mục đích, sau đó tuyển lao động trẻ thay thế với mức lương thấp hơn nhiều so với lao động cũ, ít chế độ hơn và không “cứng đầu” hay đe dọa đình công như những lao động cũ.

Sau khi nghỉ việc, những lao động trên 35 tuổi trầy trật tìm kiếm việc làm mới. Có người trở thành người trông trẻ thuê, bán hàng rong, chạy xe ôm hoặc chấp nhận làm bất cứ công việc gì tính công theo ngày, giờ. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng doanh nghiệp ngấm ngầm buộc lao động lâu năm nghỉ việc sẽ còn tái diễn với tốc độ và quy mô lớn hơn.

 Vậy theo ông, đâu là giải pháp và vai trò của tổ chức Công đoàn như thế nào trong vấn đề này?

- Các tổ chức chính trị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa để khoảng 20 triệu công nhân lao động trong cả nước hiểu được quyền và lợi ích của mình.

Về mặt luật, nên đề xuất trong Bộ luật Lao động (nếu sửa đổi) hoặc chưa sửa đổi thì phải có nghị định bổ sung, yêu cầu các chủ doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam hoặc các doanh nghiệp trong nước khi đầu tư làm dự án phải có những cam kết cụ thể về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Còn hiện tại, từ khi công nhân vào khu công nghiệp đến khi ra khỏi khu công nghiệp với 2 bàn tay trắng (do mất việc làm, lớn tuổi không xin được việc làm mới) sẽ mang lại những hệ lụy xấu cho an sinh xã hội.

Một giải pháp rất quan trọng là khâu đào tạo trình độ cho công nhân lao động cần phải được quan tâm. Phải nâng cao được trình độ kiến thức, nhận thức cho người lao động. Đến khi đó, tình trạng người lao động bị chủ doanh nghiệp chèn ép sẽ được hạn chế.

Riêng tổ chức Công đoàn phải đặc biệt chú ý, nắm bắt tình hình để tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đôi bên cùng có lợi. Chỉ khi nào tổ chức Công đoàn thực sự vững mạnh, khi đó tiếng nói của cán bộ Công đoàn đối với chủ doanh nghiệp mới thực sự có hiệu quả và quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

 Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều