Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi

08:11, 20/11/2017

Ngày 14-9-2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 105/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1-11-2017), bao gồm: hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu...

Ngày 14-9-2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 105/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1-11-2017), bao gồm: hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu...

Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng (ảnh trên) cho biết nghị định này được xem là giải pháp kiểm soát trong việc sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng rượu.

 Ông đánh giá như thế nào về thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu ở Đồng Nai?

- Ở Đồng Nai việc sản xuất rượu lâu nay chủ yếu làm thủ công, tập trung ở TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.085 cơ sở sản xuất rượu và hơn 1.300 điểm bán lẻ rượu. Tuy nghiên, chỉ có khoảng 4% cơ sở và điểm bán lẻ rượu được cấp phép, trong đó doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp đều có giấy phép kinh doanh theo quy định. Vì thế, công tác quản lý về sản xuất và kinh doanh rượu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều điểm nấu rượu số lượng ít để lấy hèm dùng trong chăn nuôi nên việc tuân thủ các quy định về sản xuất và kinh doanh rượu còn hạn chế; một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện, như: không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy công bố hợp quy và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đồng Nai hiện có Hợp tác xã rượu Bến Gỗ được xem là mô hình mẫu trong sản xuất rượu đạt chất lượng với phương thức hoạt động theo thể thức Luật Hợp tác xã. Nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước về số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ cũng như chất lượng sản phẩm, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương cấp huyện về việc tuyên truyền vận động các hộ nấu rượu thành lập hợp tác xã; cam kết đảm bảo sản phẩm rượu bán ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chất lượng.

 Thưa ông, thói quen khá phổ biến của người dân, nhất là nam giới, trong việc sử dụng rượu như là một nhu cầu hàng ngày. Vậy khi áp dụng nghị định có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của họ không? 

Từ tháng 1-2013 đến tháng 9-2017 Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra 115 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Qua đó xử lý 90 vụ vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tịch thu 149 chai rượu ngoại nhập lậu, 958 chai rượu giả mạo nhãn hiệu Vodka và men các loại, 20 chai rượu hết hạn sử dụng, 170 lít rượu Gò đen không có tem. Nội dung vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, kinh doanh hoặc nấu rượu nhỏ lẻ không có giấy phép, kinh doanh rượu chai ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu theo quy định.

-  Thực tế, hiện nay giá rượu trên thị trường khá rẻ và việc mua bán, sử dụng lại dễ dàng. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn lạm dụng rượu, bia trong đời sống xã hội, dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là tình trạng bạo lực gia đình và trật tự an toàn xã hội. Nghị định 105/2017/NĐ-CP có nhiều nội dung được dư luận quan tâm, như sau:

 Hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công; nghiêm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi… Mọi trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng.

 Đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

 Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất rượu phát triển, đáp ứng yêu cầu về nhu cầu tiêu thụ, đồng thời đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng rượu đã được kiểm soát chất lượng.

 Việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi lâu nay diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát. Phải chăng vấn đề này bị bỏ ngỏ?

- Bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, việc kiểm soát thực trạng này thực tế gặp nhiều khó khăn do liên quan đến quy định về cách thức triển khai và công tác giám sát trong hoạt động kinh doanh rượu.

Khách hàng chọn mua rượu tại một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: K.LIỄU
Khách hàng chọn mua rượu tại một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: K.LIỄU

Để thực hiện tốt chủ trương không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và yêu cầu người cung cấp, phân phối rượu phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

 Nghị định 105 được xem là giải pháp kiểm soát về sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng đối với rượu. Vậy cơ quan chức năng sẽ làm gì để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ?

- Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, doanh nghiệp đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định. Mặt khác, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn hoàn thiện các thủ tục theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu; qua đó giám sát chặt chẽ các cơ sở trong việc chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; tiến hành thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; thường xuyên lấy mẫu sản phẩm rượu để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều