Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến từ nhận thức đến hành vi

07:10, 24/10/2017

Sáng nay 24-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (2007-2017). Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh,...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp.

Sáng nay 24-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (2007-2017). Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế sau 10 năm thực hiện luật và những giải pháp nhằm đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết:

- Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, các tầng lớp phụ nữ, nam giới ngày càng có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Vì thế, các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - lao động, GD-ĐT, y tế, văn hóa - thông tin và truyền thông, gia đình... đạt và vượt kế hoạch đề ra.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

 * Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh khá tích cực. Vậy xin bà cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới như thế nào để đạt kết quả này?

Bình đẳng giới không chỉ mang lại quyền bình đẳng cho nữ mà còn đảm bảo quyền bình đẳng cho nam giới. Vậy theo bà, chúng ta cần làm gì để huy động sự vào cuộc của nam giới một cách tích cực hơn?

Nguyễn Hòa Hiệp: Mặc dù Luật Bình đẳng giới có hiệu lực cách đây 10 năm, công tác bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tuy nhiên qua thực tiễn triển khai thực hiện luật cho thấy, sự tham gia của một bộ phận nam giới còn khá hạn chế. Thời gian tới, để Luật Bình đẳng giới ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả; công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất, tôi cho rằng, các cấp các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nam giới về bình đẳng giới để nam giới cùng tham gia thực hiện Luật Bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đưa nội dung bình đẳng giới vào trường học (kể từ cấp học mầm non) cũng là một cách để thay đổi nhận thức của trẻ em trai và trẻ em gái khi lớn lên. Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, các bậc phụ huynh trong gia đình phải làm gương, đảm bảo bình đẳng giới ngay tại tổ ấm của mình để các con học tập và noi theo...

- Ngay từ khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đến các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tiếp đến, để công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Phòng Bình đẳng giới (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) với 5 cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị, thành đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và các luật có liên quan bằng nhiều hình thức; tập huấn kiến thức về giới, pháp luật về bình đẳng giới và các văn bản liên quan cho gần một triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới. Công tác thanh kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới...

* Bên cạnh những kết quả tích cực, sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Theo bà, những tồn tại, hạn chế đó là gì?

- Một số tồn tại, hạn chế theo đánh giá là: các hoạt động triển khai, phổ biến Luật Bình đẳng giới, kiến thức bình đẳng giới còn mang tính hình thức, chưa sâu dẫn đến nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng chưa rõ; công tác lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách chưa được triển khai đồng bộ.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới. Vì thế, việc quy hoạch, đào tạo còn hạn chế dẫn đến việc tỷ lệ nữ tham chính tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đề ra (25%).

Tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới trong công nhân lao động. Trong ảnh: Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cấp tài liệu tuyên truyền Luật Bình đẳng giới tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường, huyện Định Quán. Ảnh minh họa: N.SƠN
Tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới trong công nhân lao động. Trong ảnh: Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cấp tài liệu tuyên truyền Luật Bình đẳng giới tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường, huyện Định Quán. Ảnh minh họa: N.SƠN

Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới chưa nghiêm, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nặng nề nên dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng nạo phá thai, bạo hành trong gia đình... vẫn diễn biến phức tạp.

* CÓ GIẢI PHÁP CHO ĐỐI TƯỢNG ĐẶC THÙ

 *Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà của các nước trên thế giới, bởi đây là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Xin bà cho biết những giải pháp để đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống?

- Theo tôi có 5 giải pháp cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:

+ Các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới, chú trọng vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng, chỉ đạo, điều hành kế hoạch, chương trình công tác của từng ngành và từng địa phương.

+ Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ cần được quan tâm nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới.

+ Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, hướng tới xóa bỏ tư tưởng định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong các tầng lớp nhân dân.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

+ Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm truyền thông mang định kiến giới, các cơ quan truyền thông cần đa dạng hóa hình ảnh của nữ giới với các vai trò, nghề nghiệp khác nhau... Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của nam giới trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới để tiến tới bình đẳng giới thực chất.

* Đồng Nai là tỉnh đông công nhân lao động. Mặc dù các cấp, các ngành thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, song việc tiếp cận, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho công nhân lao động vẫn còn hạn chế. Tỉnh có giải pháp nào riêng dành cho đối tượng này, thưa bà?

- Bên cạnh các hoạt động triển khai chung, thời gian tới để tiếp cận công nhân lao động làm tiền đề cho các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan giải quyết tốt các nhu cầu bức thiết của công nhân lao động, như: gửi trẻ, học tập, vui chơi giải trí cho người lao động.

Ngoài ra, cần phải tăng cường vai trò của các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác phối hợp tuyên truyền Luật Bình đẳng giới đến công nhân lao động trong các doanh nghiệp và khu vực nhà trọ một cách thường xuyên, liên tục...

* Xin cảm ơn bà!

Thực hiện Luật Bình đẳng giới, 10 năm qua Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình là trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Nếu như nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp tỉnh đạt 12%, cấp huyện đạt 17%, cấp xã đạt 21% thì đến nhiệm kỳ 2015-2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp tỉnh đạt 17,3%, cấp huyện đạt 17,65%, cấp xã đạt 23%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) là 18,18% thì đến khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) tăng lên 27,3%.Nếu như nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 30%, cấp huyện đạt 27%, cấp xã đạt 25% thì đến nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đã tăng lên 34,5%, cấp huyện tăng lên 31,2% và cấp xã tăng lên 30,1%...

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế - lao động, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm luôn chiếm khoảng 61,4% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Tỷ lệ trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được tăng cơ hội tiếp cận với giáo dục...

 Nga Sơn (thực hiện)

Tin xem nhiều