Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nhập phải tính ngay từ sân nhà

10:02, 10/02/2017

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất con giống.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất con giống. Tại triển lãm ngành chăn nuôi - công nghiệp chế biến thịt (Vietstock 2016), HTX đã được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) trao bằng khen là HTX sản xuất heo giống tốt nhất nước. Người gắn bó và xây dựng thương hiệu cho HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú là ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc.

Ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc
Ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc

Theo ông Phan Văn Danh, cơn khủng hoảng của thị trường chăn nuôi heo đang diễn ra là cơn sốc cần thiết để chăn nuôi Việt Nam thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

* Cơn sốc cần cho ngành chăn nuôi

 Ông nhìn nhận như thế nào về cơn khủng hoảng đang diễn ra với thị trường chăn nuôi heo?

- Hiện thị trường thịt heo của Việt Nam có 2 loại nhu cầu là: thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc. Suốt một thời gian dài, người nuôi heo trong nước quá tập trung vào thị trường Trung Quốc và bỏ quên thị trường nội địa. Hậu quả là ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi họ ngưng mua đột ngột đã gây ra cơn sốc về nguồn cung.

Tôi cho rằng đây là cơn sốc cần phải có cho ngành chăn nuôi, giúp sàng lọc, loại bỏ bớt những yếu kém của ngành này. Đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi nhìn lại, thay đổi tư duy sản xuất; để những cơ quan chức năng ngồi lại đánh giá và đưa ra những chính sách sát thực tế hơn, quan tâm tổ chức lại nguồn dữ liệu thông tin về ngành chăn nuôi để cân đối hoạt động sản xuất.

 Ông nhận xét gì về nhu cầu tiêu thụ heo thịt của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới?

- Giá thành sản xuất heo thịt của Trung Quốc hiện cao hơn Việt Nam khoảng 30%. Người chăn nuôi Trung Quốc bị áp lực cạnh tranh heo giá rẻ của Việt Nam nên nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ của họ. Trung Quốc đang tập trung quy hoạch lại sự phát triển chăn nuôi, nhất là về mặt chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi với mục tiêu người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tiêu thụ thịt heo nội địa. Theo tôi, thị trường Trung Quốc sẽ phai dần, không còn là thị trường tiềm năng lớn và mãi mãi cho sản phẩm heo thịt Việt Nam. Mà cơ hội xuất khẩu cho con heo Việt sang các nước khác là rất khó vì sự kiểm duyệt dịch bệnh rất khắt khe.

 Vậy người chăn nuôi phải tính toán ra sao?

- Đã đến lúc, người chăn nuôi nên quay về sân nhà và phải ý thức rõ thị trường trong nước mới là yếu tố chính quyết định sự phát triển và tồn tại của chăn nuôi nội địa. Câu chuyện hội nhập của ngành chăn nuôi phải bắt đầu từ việc giữ vững được sân nhà. Vấn đề cạnh tranh ở đây là ở giá và chất lượng.

Chúng ta không nên ỷ lại quá nhiều vào thói quen tiêu dùng thịt “nóng”, vì thói quen này sẽ thay đổi dần theo thời gian. Hiện vấn đề sức khỏe được đặt lên trên hết và người tiêu dùng sẽ chọn lựa thực phẩm dựa trên chất lượng, sự an toàn. Sự sống còn của ngành chăn nuôi là do người chăn nuôi quyết định. Nếu làm ra sản phẩm được người tiêu dùng nâng niu thì sẽ thắng, còn sản phẩm không đạt bị bỏ qua là chuyện bình thường.

 Có hay không cơ hội để ngành chăn nuôi heo xuất khẩu ra thị trường thế giới?

- Hội nhập, cánh cửa giao thương ngày càng mở rộng, họ bước vào được thì ta cũng có thể bước ra. Thịt heo Việt Nam tham gia xuất khẩu là điều hoàn toàn có thể khi chúng ta phát triển chăn nuôi công nghiệp, kiểm soát được dịch bệnh.

* Cần tính bước dài

 Theo quan sát của riêng ông, chăn nuôi Việt Nam đang ở vị trí nào so với mặt bằng chung của thế giới?

- Chăn nuôi trong nước vẫn phát triển nhỏ lẻ, manh mún. Nếu so với mặt bằng chung của thế giới thì ngành chăn nuôi Việt Nam đang ở mức yếu kém. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp; thị trường quá nhỏ, trước đây có thị trường Trung Quốc, giờ chỉ còn nội địa. Chất lượng thịt của Việt Nam đang có vấn đề. Về con giống, chúng ta cũng kém chất lượng, chưa có một chiến lược phát triển bài bản.

Ví dụ, ở Canada có một trung tâm quản lý về cải thiện heo giống. Trung tâm đó thu lọc các số liệu từ các trại chăn nuôi và đưa ra đánh giá về chỉ số năng suất con heo giống của từng trại. Và người chăn nuôi sẽ dựa trên thông tin đánh giá độc lập đó để chọn mua con giống. Chính vì vậy, ở nước họ giá một con giống heo nọc tốt có thể lên đến 190 ngàn USD dù chỉ sử dụng được trong khoảng 3 năm. Ở các nước đều do tư nhân đầu tư vào chăn nuôi nhưng làm rất bài bản với chiến lược phát triển lâu dài.

 Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến chăn nuôi trong nước vẫn manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp?

- Các nước trên thế giới phát triển chăn nuôi dựa trên cơ sở khoa học. Ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển một cách tự phát quá lâu, kể cả ứng dụng khoa học - công nghệ cũng theo cách tự phát. Chăn nuôi Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng vấn đề là người chăn nuôi của ta quá nóng vội và chỉ nhìn về lợi nhuận trước mắt nên chưa có sự đầu tư đúng mức về con giống; chăn nuôi còn lạm dụng kháng sinh, chất cấm làm thị trường trong nước nhỏ lại vì người tiêu dùng kém tin tưởng. Người Việt Nam rất chuộng thịt heo, nhưng tôi có nhiều người bạn từng nói 10 năm nay không dám ăn thịt heo vì nỗi ám ảnh thịt heo không an toàn, dù ra nước ngoài vẫn rất thích ăn món thịt này. Người chăn nuôi phải ngồi lại, thay đổi nhận thức để sản xuất an toàn.

Tại nhiều nước, do có nguồn dữ liệu nên dự toán được thị trường tăng, giảm một cách chính xác nhiều năm tới để điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi. Thông tin về ngành chăn nuôi của ta rất ít dữ liệu, có thì cũng thiếu chính xác và tính tổng quát nên quy hoạch chăn nuôi còn xa thực tế và cũng khó dò về mặt thị trường.

 Ông có thể chia sẻ quá trình gắn bó của mình với ngành chăn nuôi và kế hoạch phát triển của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú trong thời gian tới?

- Sang định cư ở Úc từ thời trẻ, tôi học đại học ngành thương mại, từng làm thanh tra tài chính rồi thành lập công ty tư vấn về thuế, kinh doanh, thương mại. Khi có dịp về Việt Nam, nhận thấy người trong gia đình đầu tư chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp, tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chung của người chăn nuôi trong nước nên bỏ thời gian tìm hiểu. Tôi từng đến nhiều vùng chăn nuôi ở Úc, Mỹ, Canada... để học cách làm chăn nuôi.

Năm 2004, tôi thuê trại nuôi heo giống gia công tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Với tôi, trại heo là trường, con heo là “ông thầy”, nó không nói được nhưng có những dấu hiệu và người chăn nuôi phải nhìn vào đó để học và tìm ra cách xử lý.

Năm 2015, tôi mua lại trại heo gia công, đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất giống. HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú cũng được tổ chức lại, hoạt động năng động, hiệu quả hơn. Với quy mô đàn gần 700 con heo nái, trung bình mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 con heo giống; đồng thời cũng tổ chức hoạt động chuyển giao kỹ thuật - công nghệ mới trong nuôi heo cho nông dân. Tôi vừa nhập thêm 50 con heo giống từ Canada. Giống heo này sau khi lai tạo sẽ cho ra con heo giống có nhiều tính trạng trội, như: tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon, đặc biệt thịt heo có mỡ vắt như thịt bò Kobe. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung phát triển dòng heo đặc sản này theo chuỗi liên kết từ sản xuất con giống, chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.

 Xin cảm ơn ông!

Hiện có bao nhiêu người chăn nuôi Việt Nam tổ chức sản xuất dựa vào căn cứ khoa học - kỹ thuật? Đội ngũ thú y của Việt Nam về chuyên môn cũng còn rất nhiều vấn đề. Họ thường là đại lý bán cám, bán thuốc cho doanh nghiệp. Họ không quan tâm đến việc hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, công nghệ để nâng “chất” cho ngành chăn nuôi, như: nâng năng suất, chất lượng con giống... Ngành chăn nuôi rất cần có một chính sách về đào tạo để có những thế hệ nông dân làm việc một cách chuyên nghiệp, khoa học.

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều