Báo Đồng Nai điện tử
En

NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc: Theo quy luật, chúng ta vẫn phải trông chờ vào thế hệ sau

10:01, 13/01/2017

Đã qua tuổi 80, nhưng NSƯT, đạo diễn kịch nói Trần Minh Ngọc vẫn đi đây đó khắp nơi hoạt động nghệ thuật, từ chấm thi cho các đoàn kịch không chuyên đến giảng dạy nghệ thuật, dựng các vở kịch mới, hướng dẫn học trò tập kịch...

Đã qua tuổi 80, nhưng NSƯT, đạo diễn kịch nói Trần Minh Ngọc vẫn đi đây đó khắp nơi hoạt động nghệ thuật, từ chấm thi cho các đoàn kịch không chuyên đến giảng dạy nghệ thuật, dựng các vở kịch mới, hướng dẫn học trò tập kịch... Đam mê sân khấu, nhưng đạo diễn Trần Minh Ngọc còn là một người thầy. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường nghệ thuật sân khấu 2, nay là Trường đại học sân khấu và điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, từng là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Sân khấu thành phố, Trưởng ban Lý luận phê bình - Hội  Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, và Tổng biên tập Báo Sân khấu TP.Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp đạo diễn ở nước ngoài, chuyên dựng kịch nói, sau này còn dựng cả cải lương.

Được nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn trân trọng gọi là “thầy Ngọc”, đạo diễn Trần Minh Ngọc đã có gần 60 năm hoạt động sân khấu và hơn 40 năm giảng dạy nghệ thuật, là một trong những giảng viên đầu tiên của khóa đào tạo đại học đạo diễn sân khấu và thiết kế mỹ thuật sân khấu đầu tiên của miền Nam mở ra sau ngày đất nước thống nhất, góp phần đào tạo nhiều tên tuổi lớn của sân khấu miền Nam, như: Thành Hội, Minh Hạnh, Khánh Hoàng, Mỹ Khanh, Lê Nguyên Đạt, Tấn Phát, Trường Long, Thái Quốc, Mai Hương, Võ Yến... Nói về sân khấu, ông có rất nhiều tâm tư, song vẫn cho rằng theo quy luật, sân khấu Việt Nam vẫn phải đặt nhiều kỳ vọng ở những lớp đàn em.

* Giảng dạy làm tôi “trẻ” lại

 Gần 60 năm hoạt động trong nghề, điều gì “giữ” ông ở lại với sân khấu trong thời gian dài đến thế?

- Tôi muốn nói một cách đơn giản thôi, điều giữ cho tôi đi qua những thăng trầm suốt 60 năm làm nghề chính là sự yêu thích đối với sân khấu. Tôi cũng rất thích công việc đào tạo và giảng dạy. May mắn là sau hàng chục năm, cảm giác yêu thích đó vẫn còn rất đầy đặn khiến tôi chưa bao giờ có ý định rời xa nghề nghiệp dù có vấp phải những khó khăn. Gắn bó với sân khấu gần 60 năm và ở vai trò người thầy cũng hơn 40 năm, một trong những điều khiến tôi luôn cảm thấy ấm áp là ngoài việc đóng góp trực tiếp cho hoạt động sân khấu thông qua những vở kịch, vở cải lương… thì tôi còn có thể góp một chút công sức nhỏ trong việc đào tạo nên những thế hệ diễn viên, đạo diễn cho sân khấu.

 Hơn 80 tuổi, ông vẫn tự chạy xe máy đi tập kịch, giảng dạy, chấm thi... với sức làm việc không thua gì một người trẻ tuổi?

- Việc đào tạo có một điều mà tôi cho rằng ít người nghĩ tới, đó là việc mỗi khóa, mỗi năm học, người thầy lại được tiếp xúc thêm một lần với thế hệ trẻ, và điều đó giúp người thầy cũng trẻ lại. Một trong những điều “đáng sợ” của người làm nghệ thuật là sự già cỗi trong tâm hồn. Tôi cố gắng mỗi ngày để trí óc mình không chai sạn đi, để có thể tiếp tục sáng tạo và may mắn thay, bản thân các thế hệ học trò với sự trẻ trung và sức sống của mình, cũng tiếp sức cho tôi rất nhiều trên phương diện đó.

 Đam mê và tính kỷ luật có vai trò gì đối với một người hoạt động nghệ thuật sân khấu?

- Tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà yếu tố nào nắm quyền chi phối trong sự nghiệp của họ. Riêng với tôi thì nhẹ nhàng hơn. Vì yêu thích thật sự nên mỗi vở diễn mới, mỗi nhân vật mới lại truyền cho tôi một cảm hứng khác nhau. Nghề nghiệp cũng có nhiều hoạt động thay đổi dù đều liên quan đến sân khấu: đạo diễn, biên kịch, giảng dạy... nên có lẽ nhờ đó mà tôi có góc nhìn khá đa dạng với hoạt động sân khấu để biết được những điểm mạnh, yếu của sân khấu qua từng thời kỳ, và qua đó, sự yêu thích đam mê cũng được duy trì.

* Sân khấu vẫn nặng về giải trí

 Phong trào xã hội hóa sân khấu và đặc biệt là các rạp hát kịch nói tư nhân nở rộ hiện tại có là hiện thân của một đời sống sân khấu mạnh mẽ và năng động chưa? Và ông có hài lòng?

- Tôi hài lòng một phần, đặc biệt là vui với sự sôi động của sân khấu kịch nói phía Nam. Đây là cả một nỗ lực lớn khi suốt một thời kỳ dài, hoạt động sân khấu chỉ trông vào nguồn ngân sách và các sân khấu do Nhà nước thành lập. Vậy nên tư duy mở rộng là rất đáng khuyến khích. Sân khấu tư nhân rất năng động, TP.Hồ Chí Minh có rất nhiều đơn vị tư nhân, họ tạo nên được một đời sống sân khấu, kích thích lòng say mê đóng góp của lớp trẻ.

Mặc dù vậy, hoạt động sân khấu nhìn chung vẫn đang thiếu những “đỉnh cao”, ở đây tôi đề cập đến những vở diễn, những kịch bản ở tầm cao của nghệ thuật và được thừa nhận giá trị lâu dài. Chịu chi phối bởi nhu cầu thưởng thức của số đông công chúng và quy luật cung - cầu và cả lợi nhuận nên hoạt động sân khấu nhìn chung vẫn khá đều đều và thiếu những điểm nhấn quan trọng. Đây là điều mà chúng ta vẫn phải chấp nhận.

 Thế nào là một đời sống sân khấu “khỏe mạnh”, phải bắt đầu từ đâu để xây dựng?

- Khi có một đời sống sân khấu thực sự năng động và khỏe mạnh thì mới có được những người tài năng thực sự tham gia vào hoạt động sáng tạo, tạo nên những vở diễn có tính nghệ thuật cao. Sân khấu cần có những đội ngũ sáng tác mạnh và phải thừa nhận hiện tại, đội ngũ sáng tác ở mảng kịch nói hiện nay vẫn chưa mạnh, còn né tránh nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Do đó, tôi nghĩ rằng khởi nguồn của một sân khấu mạnh phải là đội ngũ sáng tác mạnh, họ chứ không ai khác sẽ cung cấp những chất liệu tốt cho sân khấu.

 Là một người thầy, ông có sợ hào quang sân khấu và sự nổi tiếng nhất thời sẽ lấy đi đam mê của những người trẻ, và họ lỡ cơ hội xây dựng một sự nghiệp lâu dài nhưng nhiều gian khổ?

- Đây là việc có tính 2 mặt. Hiện tại, tôi thấy mình có những học trò rất đam mê sân khấu với sức sáng tạo rất tốt. Tuy nhiên, phải đặt vấn đề ngược lại là sân khấu có phải là cái nền tốt để nuôi dưỡng những đam mê đó hay không. Họ phải được tham gia vào các sân khấu đa dạng, tham gia các hoạt động sáng tạo, có cơ hội tiến bộ và cả những cơ hội giành lấy những vinh quang trong nghề. Năm nào Trường đại học sân khấu và điện ảnh TP.Hồ Chí Minh tuyển sinh, chúng tôi đều thấy sinh viên đến đăng ký kín các ngành. Vậy nên, tôi nghĩ là những người đi trước, chúng ta chưa nên đổ lỗi cho hào quang nổi tiếng sẽ “lấy” đi đam mê của các em, mà hãy cố gắng tạo những môi trường tốt nhất để hỗ trợ các em giữ gìn những đam mê đó.

 Danh tiếng, trong mắt nhìn của ông, có vai trò thế nào trong đời sống một người hoạt động sân khấu?

- Danh tiếng của người theo nghiệp diễn, trong quan sát của tôi thì cũng chỉ có một thời. Những lớp khán giả ái mộ những người diễn viên đi trước rồi cũng mất dần, đó là thực tế phải chấp nhận. Theo quy luật, chúng ta phải đặt kỳ vọng vào lớp trẻ, nuôi dưỡng tài năng cho lớp trẻ để thời nào cũng có những tên tuổi lớn cho sân khấu.

 Trăn trở lớn nhất sau hơn 60 năm hoạt động sân khấu của ông là gì?

- Vẫn là làm sao cho sân khấu của Việt Nam thăng hoa thêm nữa. Nói đơn giản hơn là làm sao để khi rạp hát sáng đèn thì cũng kín khách. Tôi đau lòng khi nhìn những rạp hát hoành tráng nhưng im lìm, đèn đóm tắt hết vào ban đêm, thỉnh thoảng mới sáng một hôm thì loe hoe khách. Sân khấu tư nhân, điều tôi lo lắng là đang đến thời kỳ bão hòa sau một thời gian chạy theo các đề tài xã hội: đồng tính, ma cỏ, tiền bạc… Ngoài ra, sân khấu chúng ta hiện tại dường như chỉ có một cách kể chuyện, trong khi lẽ ra phải có nhiều cách thì các vở diễn mới hấp dẫn. Sân khấu không phải chỉ để tả thực. Tôi thấy nước ngoài nghĩ khác mình lắm, họ có nhiều cách, nhiều hình thức kể chuyện và rất thu hút khán giả. Đó là cả một vấn đề.

 Xin cảm ơn ông!

Bất cứ một nền nghệ thuật nào cuối cùng cũng phải hướng đến những giá trị nhân sinh cốt lõi nhất, nhân bản nhất và phản ánh được các vấn đề về con người. Chúng ta còn khá xa điều đó, thay vào đó vẫn đi ngoài rìa, phản ánh những gì trước mắt mà chưa thể đào sâu thêm. Nói cách khác, nghệ thuật có nhiều chức năng, nhưng chúng ta vẫn đang nặng về chức năng giải trí.

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều