Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười: Nghệ sĩ cần một "hệ sinh thái" hỗ trợ cho sáng tạo

10:12, 09/12/2016

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (bút hiệu là Uyên Huy), sinh năm 1950, quê ở Gò Vấp, Gia Định, nguyên là giảng viên, Trưởng khoa Hội họa và Khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ông đuợc phong danh hiệu nhà giáo nhân dân, hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (bút hiệu là Uyên Huy), sinh năm 1950, quê ở Gò Vấp, Gia Định, nguyên là giảng viên, Trưởng khoa Hội họa và Khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ông đuợc phong danh hiệu nhà giáo nhân dân, hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

14 tuổi, ông bắt đầu học mỹ thuật tại Trường trung học trang trí mỹ thuật Gia Định. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Sài Gòn. Từ đó cho đến khi về hưu (năm 2010), ông giảng dạy mỹ thuật tại Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ngoài giảng dạy, ông còn làm quản lý, sáng tác liên tục, viết rất nhiều giáo trình và sách nghiên cứu về mỹ thuật. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nền mỹ thuật Việt Nam, ông đã ra mắt tập sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900 đến 1975, tập hợp nhiều ảnh minh họa quý hiếm từng xuất hiện tại đô thị miền Nam vào đầu thế kỷ 20.

* Chỉ 10% sinh viên làm nghề thuần túy

 Vừa là nhà giáo vừa là họa sĩ, với ông thì 2 vai trò này có mâu thuẫn với nhau không?

- Với tôi thì không có khoảng cách nào giữa vai trò thầy giáo và họa sĩ. Tôi được học cả về mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình nên làm việc và sáng tác trên cả 2 lĩnh vực. Tôi đến với nghề giáo theo sự hướng dẫn của người thầy mà tôi tôn kính: họa sĩ - nhà giáo Bùi Văn Kỉnh - người từng bị tra tấn đến cụt tay dưới thời thực dân Pháp. Tôi còn may mắn được học với các thầy giỏi và tâm huyết: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Siên, Trương Thị Thịnh, Văn Đen, Trần Kim Hùng, Đới Ngoạn Quân (Tai Wan Kiun), Tú Duyên (Nguyễn Văn Duyên), Võ Long Tê, Đỗ Trọng Huề, Nghiêm Thẩm…

Giữa vai trò nhà giáo và họa sĩ thì nhìn mặt nào đó, sẽ có khoảng cách do nhà giáo sẽ có những khuôn mẫu nhất định, trong khi nghệ sĩ nghiêng về sự bay bổng, sáng tạo. Song nếu hiểu được cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của cả 2 vai trò, tôi tin mình có thể dung hòa được. Thêm một điều quan trọng, tôi không thể đứng trên bục giảng truyền thụ cho các em nếu bản thân tôi không phải là một nghệ sĩ có lao động sáng tác thực thụ.

 Bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ngành mỹ thuật có thể trở thành nghệ sĩ thực sự và sống được với nghề?

- Tôi dạy mỹ thuật từ năm 1974 đến nay, số lượng sinh viên thực sự sống với nghề như một nghệ sĩ thuần túy khoảng 10%. Trong mỹ thuật có 2 lãnh vực lớn: mỹ thuật tạo hình (plastic art) và mỹ thuật ứng dụng (applied art). Cũng có khoảng 10% trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp sống thực sự bằng sáng tác và bán tranh. Đa số là sống bằng cả hai lĩnh vực: vừa làm trong lĩnh vực ứng dụng để kiếm sống, còn sáng tác tranh và sống do bán tranh thì khó.

 Môi trường cho nghệ thuật, đặc biệt là hội họa phát triển tại Việt Nam dưới góc nhìn của ông ra sao?

- Xét về khía cạnh tài năng hay sáng tạo, tôi không nghĩ nghệ sĩ Việt Nam thua kém nghệ sĩ ở các nơi khác. Nhưng “hệ sinh thái”, hay nói đúng hơn là môi trường để họ phát triển và nuôi dưỡng tài năng thì chưa bằng. Chúng ta thiếu những thiết chế cần thiết, bao gồm: nhà triển lãm, thị trường tranh, các cuộc thi, hệ thống các phòng tranh và nhà sưu tập tư nhân, bảo tàng... Đành rằng nghệ sĩ sẽ phải tự tìm tòi và phát triển tài năng của mình, nhưng để tạo nên những thiết chế, môi trường có tính khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo thì bản thân những người nghệ sĩ không làm được, mà phải là Nhà nước.

 Cụ thể, “hệ sinh thái” để cho người nghệ sĩ phát triển là gì?

- Môi trường đó, theo tôi có nhiều yếu tố, nhưng có vài yếu tố quan trọng: một là bản thân nghệ sĩ phải yêu nghề và có điều kiện hoạt động trong không gian chuyên nghiệp. Ở TP.Hồ Chí Minh, không gian này tuy có nhưng chưa tốt lắm, một phần do chưa đầu tư thỏa đáng; hai là tương tác giữa chủ thể quản lý với nghệ sĩ. Nếu chủ thể quản lý hiểu tâm lý nghệ sĩ, tạo cho họ môi trường tự do sáng tác thì tốt. Phần nữa là phương tiện truyền thông: cần đưa thông tin đầy đủ, trọn vẹn và có tính khuyến khích nghệ thuật chân chính. Vậy nên, môi trường đó muốn có thì phải sự kết hợp nhịp nhàng. Hiện nay, giữa chủ thể quản lý và chủ thể sáng tạo vẫn còn có khoảng cách. Chủ thể quản lý hiếm khi hiểu biết về chuyên môn, thậm chí rất ít khi đến xem triển lãm. Nghị định của Chính phủ 113 quy định khi thành lập hội đồng nghệ thuật thì phải có 2/3 trên tổng số thành viên hội đồng phải là nhà chuyên môn, nhưng trên thực tế số thành viên chuyên môn không tới 1/2. Những người không chuyên môn lại nằm trong hội đồng nghệ thuật.

 Nhu cầu mua tranh của xã hội hiện tại ra sao? Nhìn nhận chung của ông về tiếp nhận mỹ thuật so với các bộ môn nghệ thuật khác?

- Điều này nếu xét ở TP.Hồ Chí Minh thì chưa tốt lắm. Thực tế là các họa sĩ đang đơn độc trong việc tìm thị trường cho mình. Mỗi người nỗ lực tìm cho mình những nhà sưu tập, những người mua riêng, có người tìm được và có người không. Còn tạo thành một thị trường lớn thì không riêng TP.Hồ Chí Minh mà cả nước hầu như chưa có. Chúng ta thiếu hẳn hệ thống các nhà bảo tàng, hệ thống hội chợ nghệ thuật, các nhà sưu tập… nên có thể nói chưa tạo thành một thị trường chung.

* Có lỗ hổng trong đào tạo mỹ thuật

 Là một nhà giáo, ông nhận xét ra sao về đào tạo mỹ thuật hiện nay?

- Có một thời gian rất dài chúng ta phủ định văn hóa nghệ thuật của chủ nghĩa tư bản, sống trong nền kinh tế bao cấp, khép kín. Không tiếp xúc với dòng chảy lịch sử mỹ thuật thế giới từ hiện đại (modern art, từ cuối thế kỷ 19 cho đến cuối 1970) cho đến hậu hiện đại (post-modern art): từ cuối 1970 cho đến ngày nay). Trong gần hơn 60 năm qua, trong chương trình lịch sử mỹ thuật, các sinh viên chỉ được học đến khuynh hướng hậu ấn tượng (post impressionism) mà thôi. Toàn bộ hơn 25 khuynh hướng, trường phái nghệ thuật, mỹ thuật của dòng chảy mỹ thuật thế giới được toàn cầu nghiên cứu và học tập, sáng tạo... không được đưa vào giảng dạy. Lỗ hổng cực lớn ấy là sự thiệt thòi cho mỗi người nói chung... đặc biệt là thế hệ trẻ từ 7X, 8X, 9X cho  đến bây giờ!

Từ năm 1975 cho đến nay, chưa hề có cuộc tọa đàm hay hội thảo nào bàn về việc thay đổi nội dung, phương pháp giảng dạy lịch sử mỹ thuật. Chưa kể lỗ hổng và hệ thống các thiết chế: bảo tàng, nhà triển lãm chuyên nghiệp, hiện đại không có... Hầu hết các bảo tàng mỹ thuật hiện nay là dùng tạm các kiến trúc có sẵn, không có các công năng cần thiết của một bảo tàng. Không có hệ thống giáo dục mỹ thuật đổi mới thật sự, không có bảo tàng mỹ thuật, nhà đấu giá, hệ thống nhà triển lãm, nhà trưng bày chuyên nghiệp, hiện đại..., không có biện pháp giáo dục mới, toàn diện để ngắn khoảng cách giữa chủ thể quản lý và chủ thể sáng tạo cũng như công chúng thì nền mỹ thuật chỉ có bề nổi mà thôi.

 Có thể dạy cho học sinh từ phổ thông cách phân biệt và thưởng thức một bức tranh đẹp hay không, để khi lớn lên biết thưởng thức thì mới có nhu cầu mua tác phẩm và hỗ trợ nghệ sĩ phát triển?

- Trong nhiều năm qua, người ta bảo: “Nghệ sĩ sáng tác phải làm cho công chúng hiểu!”. Điều này chỉ đúng vào 50-60 năm trước. Nhưng điều nghịch lý là trong hệ thống, chương trình giáo dục phổ thông ở các cấp từ mẫu giáo cho đến đại học thì môn mỹ thuật giảng dạy quá yếu. Lẽ ra việc hiểu và có kiến thức mỹ thuật phải được giảng dạy trong các lớp học phổ thông và đại học (giáo dục dần trong khoảng 15 năm). Khi ấy người dân sẽ không bỡ ngỡ khi đứng trước tác phẩm mỹ thuật, cho dù thuộc trường phái nào. Có như vậy, giữa nghệ sĩ và công chúng có khoảng cách không lớn; kèm với hệ thống truyền thống: sách báo, tạp chí mỹ thuật phong phú và các kênh truyền hình... sẽ tương tác làm cho người dân hiểu biết về nghệ thuật, chứ không “khoán trắng” cho nghệ sĩ phải làm cho công chúng hiểu về nghệ thuật, mỹ thuật.

 Để một họa sĩ tự tồn tại được bằng nghề của mình, hiện tại có khó quá không?

- Khó, thực sự là khó. Có những nghệ sĩ có duyên bán tranh, nhưng số này không nhiều. Dĩ nhiên, bán được tranh không phải là bảo chứng toàn bộ cho tài năng, song nếu bán được thì quá mừng. Còn lại những nghệ sĩ có tài hoặc những tài năng trẻ chưa có nhiều mối quan hệ thì đang khá vất vả trong việc tồn tại với nghề. Thực sự, tài năng là yếu tố ban đầu, nhưng một nghệ sĩ tồn tại lâu dài và muốn làm nên tên tuổi lớn cần một hệ thống hỗ trợ khá chuyên nghiệp: công chúng có khả năng thưởng thức, nhà sưu tập, nhà tài trợ, thiết chế văn hóa, các hoạt động mua bán trao đổi tác phẩm, giao lưu quốc tế, nhà phê bình, truyền thông... Đa số nghệ sĩ đang làm nghề tay trái để nuôi tay phải, và chúng ta phải chấp nhận đó là chuyện bình thường.

 Xin cảm ơn ông!

Nhiều nghệ sĩ tự mày mò để có mối quan hệ với các nhà sưu tập, mời họ về nhà, hoặc tự tìm tòi gửi tác phẩm đi thi… chứ không thông qua sự tạo điều kiện của Nhà nước. Rất hiếm khi Nhà nước bỏ tiền cho nghệ sĩ đi dự triển lãm nước ngoài. Có thể chúng ta còn nghèo, song nếu coi văn hóa là một lĩnh vực đầu tư xứng đáng thì tôi tin vẫn có cách để làm.

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều