Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Chất vấn không phải để dồn người khác vào tường

10:10, 04/10/2013

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc sinh năm 1947, quê gốc Bến Tre, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một nhà sử học và ĐBQH Việt Nam các khóa XI, XII, XIII đơn vị tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc sinh năm 1947, quê gốc Bến Tre, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một nhà sử học và ĐBQH Việt Nam các khóa XI, XII, XIII đơn vị tỉnh Đồng Nai. Ông cũng là Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay và Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Ông nói: “Nguyên tắc của tôi là luôn tôn trọng người đối thoại, vì tôi biết “nói dễ, làm khó”, phải tự hỏi, nếu mình ở vị trí ấy, liệu mình có làm tốt hơn không?”

* Ông nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn trước nghị trường và báo giới, và không ít lần vấp phải những phản ứng tiêu cực. Ông có bao giờ hối hận vì mình đã quá thẳng thắn?

- Tôi chưa bao giờ hối hận vì những phát biểu của mình. Trước khi phát biểu điều gì, tôi luôn cân nhắc thận trọng. Cân nhắc ở đây không phải là những tính toán cá nhân, mà là cân nhắc xem mình phát biểu đã đúng chưa, đối tượng mình chuyển tải đến đã hợp lý chưa. Nguyên tắc của tôi là luôn tôn trọng người đối thoại, vì tôi biết “nói dễ, làm khó”, phải tự hỏi, nếu mình ở vị trí ấy, liệu mình có làm tốt hơn không? Đương nhiên, có lúc cũng phát biểu sai vì nhận thức chưa tới. Nếu sai, tôi sẽ tìm cơ hội nói lại, hoặc đơn giản là nói lời xin lỗi.

* Ông cư xử rất mềm mỏng mỗi khi bị “ném đá” trước những phát biểu của mình, điều này là do tính cách cá nhân hay do bản lĩnh chính trị?

- Quan niệm của tôi là không coi thường dư luận, nhưng cũng không lệ thuộc dư luận. Con người không ai toàn vẹn, nhưng tôi làm theo lẽ phải và chịu trách nhiệm với việc làm đó. Ngay cả việc để xảy ra bê bối của Vinashin, tôi vẫn thấy trách nhiệm của chính Quốc hội trong đó. Vì sao Quốc hội lại chỉ biết phê phán Chính phủ, trong khi chính Quốc hội đã làm nên Luật Ngân sách Nhà nước? Với vụ việc này, tôi từng nói rằng “Vina - xin” không phải là tất cả tai họa, tai họa lớn nhất chính là “Vina - cho”.

Tôi thấy được sự thay đổi tích cực từ cả phía người dân lẫn những người trả lời chất vấn. Người dân tỏ ra quan tâm hơn, lên tiếng nhiều hơn, và các Bộ trưởng cũng ý thức được trách nhiệm một cách rõ ràng hơn.

* Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ông đã đưa ra câu hỏi chất vấn Thủ tướng: “Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”. Đến giờ này, ông có còn giữ quan điểm trên về “văn hóa từ chức” không?

- Điều tôi nói ra, chính là điều tôi mong muốn. Tôi muốn Chính phủ đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, chịu trách nhiệm với điều hành của mình. Tôi cho đây là một quan niệm rất bình thường, một dạng “liêm sỉ” cá nhân. Các cụ vẫn nói “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nếu từ chức do không hoàn thành nhiệm vụ, thì cũng chỉ là một cách “tu thân”.

* Theo ông, không khí chất vấn trong nghị trường nói riêng và sự phản biện trong xã hội nói chung hiện tại đã có sự cải thiện rõ ràng về chất lượng so với trước đây chưa? Ông đã hài lòng chưa?

- Là người chứng kiến những chuyển biến trong sinh hoạt Quốc hội hơn 10 năm nay, tôi thấy được sự thay đổi tích cực từ cả phía người dân lẫn những người trả lời chất vấn. Người dân tỏ ra quan tâm hơn, lên tiếng nhiều hơn, và các Bộ trưởng cũng ý thức được trách nhiệm một cách rõ ràng hơn.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Trước mỗi kỳ họp, có vài vị Bộ trưởng tìm tôi nhờ tham vấn cách trả lời trước nghị trường, tôi chỉ có một lời khuyên, đừng xem mình đang “bị chất vấn” mà là đang “được chất vấn”, là cơ hội để đối thoại rõ ràng, thẳng thắn. Tôi cũng quan niệm, nghị trường không phải là nơi “dồn ai đó vào tường” hay để giới thiệu các màn “trình diễn cá nhân”, mà là nơi để các vấn đề bức xúc của người dân được phơi bày và giải quyết.

Mong muốn thì rất nhiều, nhưng nhìn cả một quá trình thì mới công bằng, tôi thấy khá hài lòng với sự biến chuyển tích cực và căn bản trong việc chất vấn tại nghị trường.

* Ông nghĩ gì về hoạt động của các ĐBQH hiện nay?

- Băn khoăn nhất của tôi là sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác của các ĐBQH. Đầu tiên là tỷ lệ không chuyên trách rất cao. “Nghề” làm ĐBQH cũng như các nghề khác, đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức để làm tốt, và phát biểu hay chất vấn điều gì cũng cần dựa trên sự hiểu biết đầy đủ.

Tiếp nữa, “hạ tầng” dành cho hoạt động của các ĐBQH hiện cũng chưa đầy đủ, nhiều đại biểu sống một nơi, nhưng làm việc lại ở một nơi khác, mỗi năm chỉ có thể vài lần đi tiếp xúc với dân. Ngoài ra, ĐBQH cũng cần sự phối hợp thường xuyên, cung cấp thông tin thường xuyên từ phía các đoàn ĐBQH địa phương, điều này đang rất yếu.

* Với tư cách là một ĐBQH, ông quan tâm điều gì nhất hiện nay trong điều hành của Chính phủ?

- Năng lực lắng nghe của Chính phủ là điều tôi quan tâm nhất, tiếp đó là năng lực để xử lý những thông tin nghe được. Có nhiều ý kiến xác đáng nhưng lại chưa được trân trọng đúng mức. Nếu chỉ thích nghe những điều thuận tai thì năng lực điều hành sẽ bị hạn chế.

* Phản biện xã hội đang ngày một lan rộng, đặc biệt trong giới chuyên môn và trí thức. Nhiều người cho rằng đây là một trong những biểu hiện của sự tiến bộ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Phản biện xã hội rất quan trọng, nó giúp nhà nước thu hút được kiến thức và thông tin từ nhiều phía, nhiều hướng. Tuy vậy, tôi cho rằng, Chính phủ phải có bản lĩnh lắng nghe và bản lĩnh phân xử trước nhiều luồng phản biện khác nhau. Phải có khẳng định rõ ràng, không chập chờn, mập mờ. Về phía người phản biện, cần có chuyên môn và hiểu biết đủ để lên tiếng. Sẽ trở nên nguy hiểm khi người phản biện bất kể mình là ai, cái gì cũng “nhảy vào” phản biện và lên tiếng.

Trong suy nghĩ của tôi, Đồng Nai là một địa phương cởi mở và năng động, chính quyền phải đối diện với nhiều vấn đề lớn trong quá trình phát triển, trong đó cái khó nhất là giữ được sự hài hòa và chia sẻ giữa chính quyền với người dân.

* Là một ĐBQH gắn bó với Đồng Nai lâu năm, nhưng mỗi năm chỉ có thể tiếp xúc vài lần với cử tri Đồng Nai, ông có thấy “thiếu thốn”? Vì sao ông gắn bó với cử tri Đồng Nai lâu đến thế?

- Tôi có tình cảm với Đồng Nai lần đầu tiên là do có điều kiện tham gia, trò chuyện với anh em trong ngành lịch sử khi xây dựng Văn miếu Trấn Biên.

Đúng là số lần tiếp xúc trực tiếp với cử tri Đồng Nai của tôi không nhiều, và thú thực khả năng sâu sát là hạn chế. Tuy nhiên, thông tin từ Đồng Nai khá phong phú và tôi có thể theo dõi thường xuyên. Trong suy nghĩ của tôi, Đồng Nai là một địa phương cởi mở và năng động, chính quyền phải đối diện với nhiều vấn đề lớn trong quá trình phát triển, trong đó cái khó nhất là giữ được sự hài hòa và chia sẻ giữa chính quyền với người dân.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều