Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi : Nếu nhận thức không đúng thì sự hủy diệt thiên nhiên là điều dễ xảy ra

10:09, 27/09/2013

Sau 12 năm làm Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên,  từ năm 2007 đến nay là Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Sau 12 năm làm Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên,  từ năm 2007 đến nay là Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Với ông,  gần 20 năm gắn bó với  rừng, hễ mỗi lần phải đi  công tác xa hoặc về thành phố nhiều ngày là ông rất nhớ tới sự thanh bình, trong lành của môi trường thiên nhiên hoang dã. Ông nói nếu con người không có nhận thức đúng đắn thì sự hủy diệt thiên nhiên là điều dễ xảy ra.

* Mới đây, sau rất nhiều năm, dự án khẩn cấp bảo tồn voi ở Đồng Nai mới hoàn thành để trình lên Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt. Ông có nuối tiếc về sự chậm trễ này?

- Tôi cũng rất quan tâm đến dự án này. Loài voi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nên Chính phủ đã ban hành chiến lược bảo tồn voi Việt Nam và giao cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chịu trách nhiệm ở 3 tỉnh có quần thể voi hoang dã sinh sống, đó là Đồng Nai, Đắk Lắk và Nghệ An cùng xây dựng dự án để trình Chính phủ phê duyệt triển khai. Nhưng rất tiếc, đến nay chiến lược quan trọng này chưa được thực hiện. Quần thể voi của 3 tỉnh trên đang bị sức ép về môi trường, sinh cảnh sống do diện tích rừng bị thu hẹp.  Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn đàn voi, hạn chế xung đột giữa người và voi, cải thiện và mở rộng sinh cảnh sống nhằm giúp quần thể voi ổn định và phát triển bền vững. Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã có 9 con voi bị chết và một người thiệt mạng vì bị voi tấn công. Nếu dự án bảo tồn voi được triển khai kịp thời thì đàn voi đã không bị suy giảm, đây là điều rất đáng tiếc.

* Còn nhớ khi làm giám đốc ở VQG Cát Tiên,  ông đã rất sung sướng báo tin với giới truyền thông là đã phát hiện ra loài tê giác Java một sừng vẫn còn sống, nay thì đã bị tuyệt chủng. Thế giới cũng đã có ngày 22-9 là Ngày Tê giác thế giới?

- Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể tin là tê giác Java một sừng ở Cát Tiên đã bị tuyệt chủng. Tôi rất buồn khi nghĩ về điều này.  Trong tôi vẫn còn cảm xúc bồi hồi mỗi khi nhớ lại những năm tháng ở VQG Cát Tiên, khi tôi và các cộng sự đã dày công tổ chức khảo sát tìm dấu vết của loài tê giác Java một sừng. Sau rất nhiều lần thất bại, phải đến khi nước ngoài hỗ trợ 30 máy chụp ảnh tự động được lắp đặt trong rừng thì bằng chứng về sự tồn tại của loài tê giác Java mới được chứng minh cụ thể bằng ảnh chụp. Đêm trước ngày chính thức công bố rằng tê giác Java một sừng vẫn còn hiện diện tại VQG Cát Tiên, tôi nằm trằn trọc, không ngủ được. Đan xen cảm giác sung sướng và lo lắng làm thế nào để bảo tồn chúng  trước sự săn bắn của con người.

Nhận thức về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên đã được lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ khẳng định mạnh mẽ. Gần đây nhất là hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tuy không nằm trên địa bàn tỉnh nhưng xuất phát từ lợi ích chung nên lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt phản đối.

* Ông có sợ bị ghét do xung đột giữa công tác bảo tồn với lợi ích  của người dân?

- Đúng là có, vì những hoạt động bảo tồn đôi khi tạo ra mâu thuẫn với lợi ích người dân và bị dân phản ứng là đương nhiên. Hồi ở VQG Cát Tiên, tôi đã có những đề xuất lập dự án di dân ra khỏi vùng lõi. Bao năm qua, nhiều người dân sống bám vào rừng, thu nhập từ chặt cây và săn bắn thú trái phép, chúng tôi ra sức ngăn cản, ngăn cấm thì không bị ghét mới là lạ. Hay khi mới về Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, tôi không đồng ý để người dân nuôi bò thả vào rừng, quyết định này ban đầu vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, nhưng qua trình bày, giải thích về những mối nguy hại có thể gây ra từ việc chăn thả bò trong rừng, như  cháy rừng và lây lan dịch bệnh từ bò nhà sang bò rừng thì người dân đã đồng tình, ủng hộ. Hoặc làm dự án xây dựng “hàng rào điện tử” để ngăn ngừa việc xung đột voi với người dân sống gần rừng, đâu phải là được sự đồng thuận ngay của hầu hết người dân, nhưng vì lợi ích chung vẫn phải làm.  Tất nhiên là tôi cũng có tổ chức đối thoại, làm công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, thông cảm và thực hiện.

* Hoạt động bảo tồn tốn rất nhiều công sức và kéo dài liên tục từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác. Nhưng chỉ vì sự tham lam của con người và lợi ích nhóm sẽ tàn phá hủy diệt thiên nhiên, môi trường trong tích tắc?

- Chính xác. Nếu không có nhận thức đúng thì lòng tham của con người và lợi ích nhóm sẽ khai thác, hủy diệt môi trường một cách vô tội vạ. Người dân nếu phá rừng thì chỉ một diện tích nhỏ, trong khi đó chỉ cần một “chữ ký” có thể phá hàng trăm, hàng ngàn hécta rừng. Hay như dự án xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong vùng lõi của VQG Cát Tiên cũng là một ví dụ về lòng tham của nhóm lợi ích. Tuy nhiên, tôi rất mừng là trên địa bàn Đồng Nai, nhận thức về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên đã được lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ khẳng định mạnh mẽ. Gần đây nhất là hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tuy không nằm trên địa bàn tỉnh, nhưng xuất phát từ lợi ích chung nên lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt phản đối.  Tôi rất tán thành việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thẳng thừng từ chối việc đi khảo sát khu vực dự tính xây hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A theo lời mời của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Cần nói thêm rằng, Đồng Nai ra sức làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo  vệ sự đa dạng sinh học là đem lại lợi ích chung cho cả các tỉnh, thành phố trong khu vực. 

*  Ông có thể nói gì về Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai?

Đến nay, qua giám sát, chúng tôi ước tính đàn voi ở Đồng Nai còn khoảng trên dưới 10 con, trong đó có voi nhỏ, voi vừa và voi trưởng thành, đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ quần thể voi đang phát triển. Nếu không khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo tồn thì đàn voi rất dễ bị tiêu diệt.

- Ngày 28-6-2011, Chương trình Con người và sinh quyển ( MaB) thuộc tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai - Việt Nam nằm trong mạng lưới Khu sinh quyển thế giới. Đây là niềm tự hào và là một minh chứng sinh động về tỉnh Đồng Nai đã và đang thực hiện rất tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đó cũng là một cách để quảng bá hình ảnh Đồng Nai thân thiện với môi trường ra thế giới. Qua đó, chúng ta mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu khoa học, thu hút thêm các chương trình, dự án  có liên quan hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường của các tổ chức thế giới và các nước.

* Được lãnh đạo tỉnh quan tâm và đồng hành trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đấy là một thuận lợi cho công tác bảo tồn thiên nhiên, ông còn mối quan tâm nặng lòng nào cần sẻ chia?

- Đúng là được lãnh đạo các cấp trong tỉnh quan tâm là một thuận lợi cơ bản và những người giữ rừng như chúng tôi cảm thấy mình không đơn độc. Và để làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh hoạt, bảo vệ môi trường thiên nhiên thì vấn đề hàng đầu là phải có nhận thức đúng đắn. Tôi vẫn đang quan tâm đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực này, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Hàng năm, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vẫn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên đến người dân, trong đó có việc in các tập vở, sổ tay sinh quyển hướng dẫn bảo vệ môi trường để phát cho mọi người.

 Xin cảm ơn ông!

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều