Báo Đồng Nai điện tử
En

Căng sức giữ rừng mùa khô

09:03, 04/03/2021

Tháng 3 cũng là thời điểm mùa khô năm 2020-2021 bắt đầu bước vào giai đoạn gay gắt, nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Chính vì vậy, lực lượng bảo vệ rừng càng phải căng sức, dõi mắt cảnh giác trước sự "rình rập" của "thần lửa"...

Tháng 3 cũng là thời điểm mùa khô năm 2020-2021 bắt đầu bước vào giai đoạn gay gắt, nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Chính vì vậy, lực lượng bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn) căng sức, dõi mắt cảnh giác trước sự "rình rập" của “thần lửa” để giữ rừng mãi xanh, chim thú an toàn.

Lực lượng kiểm lâm Suối Trầu, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi tuần rừng theo những con suối cạn mùa khô. Ảnh: Đoàn Phú
Lực lượng kiểm lâm Suối Trầu, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi tuần rừng theo những con suối cạn mùa khô. Ảnh: Đoàn Phú

“Mùa khô đến, chúng tôi tung hết lực lượng cán bộ, kiểm lâm bám rừng, bám dân. Chỉ khi nào anh em có chuyện gia đình đặc biệt, đột xuất, lãnh đạo mới giải quyết chuyện nghỉ phép. Cho nên, mùa khô chính là mùa thử thách, trui rèn và hun đúc tình yêu rừng trong trái tim từng cán bộ bảo vệ rừng” - ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn tâm sự.

* Không lơ là, chủ quan

Khu bảo tồn có trên 100ha rừng tự nhiên, rừng trồng và mặt nước, với trên 1,4 ngàn loài thực vật, hơn 1,7 ngàn động vật hoang dã, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm, cần bảo tồn nghiêm ngặt. Mùa khô năm 2020-2021, Khu bảo tồn thi công trên 970ha đường băng cản lửa, kiện toàn lực lượng bảo vệ tại 14 chòi canh và 66 điểm gác rừng cố định, thực hiện công tác tuyên truyền và ký cam kết phòng chống cháy rừng với trên 400 người dân trong vùng. Đặc biệt, 180 kiểm lâm viên tại Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn và 18 trạm trực thuộc luân phiên nhau tuần tra, túc trực lại những điểm xung yếu để làm tốt công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã trước nguy cơ cháy rừng từ những hành động vô tình hay cố ý của người dân sống trong rừng hoặc những người đi rừng thiếu trách nhiệm.

Đứng trên chòi sắt cao 21m, kiểm lâm viên Hồ Thái Nguyên (Trạm Kiểm lâm Suối Cốp) có thể quan sát bằng ống nhòm xa 10km và bằng mắt thường trong vòng 5km bao quát nhiều khu vực rừng. Ông Nguyên bày tỏ, những đám trắng chập chờn không lay động trên những tán rừng ban trưa là mây. Còn khói lửa của người dân đốt thực bì, dọn rẫy và xe cộ là những cuộn trắng nhỏ chuyển động. Do đó, ngoài tinh mắt, anh phải có kinh nghiệm mới phân biệt mây trời và khí lửa từ khoảng cách rất xa.

Kiểm lâm viên Hồ Thái Nguyên, Trạm Kiểm lâm Suối Cốp quan sát rừng trên chòi cao bằng ống nhòm. Ảnh: Đoàn Phú
Kiểm lâm viên Hồ Thái Nguyên, Trạm Kiểm lâm Suối Cốp quan sát rừng trên chòi cao bằng ống nhòm. Ảnh: Đoàn Phú

“Người trực chòi canh còn phải có sức khỏe để thường xuyên leo lên, leo xuống chòi canh tuần tra, quan sát, phát hiện đám cháy từ xa; đồng thời phải chịu được cái nóng trưa hừng hực trên độ cao 21m. Người không quen làm việc này rất mệt, mồ hôi đầm đìa, hoa mắt” - ông Nguyên chia sẻ.

Với 14 chòi sắt quan sát rừng và voi, 66 điểm gác phòng chống cháy rừng mùa khô cố định thôi chưa đủ để đối chọi với “thần lửa”, tất cả 180 cán bộ, kiểm lâm viên cơ động của hạt kiểm lâm và các trạm phải chia ca tuần tra canh gác rừng 24/24 giờ suốt mùa nắng hạn. Nhất là khi mức độ cảnh báo phòng chống cháy rừng ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm trong năm nên bước chân các anh luôn cảnh giác với những tiếng lá khô nổ giòn tí tách dưới chân, sẵn sàng triển khai các phương án chữa cháy khi nhận tin báo từ đồng đội qua bộ đàm.

* Quyết tâm giữ rừng

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn cho biết thêm, mùa khô năm nào cũng gay gắt, luôn rình rập nguy cơ cháy rừng, rồi tình trạng săn bẫy thú rừng, đe dọa đến sự bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Tuy nhiên, Khu bảo tồn vẫn quyết tâm không để xảy ra các vụ cháy, động vật rừng bị săn bẫy trộm vì lý do lơ là trong canh phòng, tuần tra. Quyết tâm của lãnh đạo Khu bảo tồn được quán triệt sâu sắc, kỹ lưỡng với từng kiểm lâm viên, người dân.

Ông Tăng Ngọc Phước (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) tham gia công tác phòng chống cháy rừng tại Trạm Kiểm lâm Suối Cốp. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Tăng Ngọc Phước (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) tham gia công tác phòng chống cháy rừng tại Trạm Kiểm lâm Suối Cốp. Ảnh: Đoàn Phú

“Thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng tại gốc đối với rừng đặc dụng là rất khó khăn, vất vả, nguy hiểm, cán bộ kiểm lâm phải đối mặt với đối tượng vi phạm có hung khí, liều lĩnh. Trong năm 2020, xảy ra 1 trường hợp  lâm tặc gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm khi bị bắt giữ. Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn cũng lập hồ sơ chuyển Công an H.Vĩnh Cửu xử lý 2 vụ tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép” - ông Hảo nói.

Tháng 3-2021, các con suối lớn, suối nhỏ, ụ nước trong rừng bắt đầu khô cạn, thú rừng trong Khu bảo tồn được cán bộ kiểm lâm các trạm bổ sung thêm nguồn nước uống, muối tại những điểm thường lui tới, để hạn chế tình trạng thú rừng ra ngoài kiếm thức ăn và bị săn bắt.

“Để xảy ra dù một đám cháy nhỏ là chúng tôi có lỗi với rừng, với lãnh đạo, nhân dân. Cho nên, mùa nắng đến, đa phần anh em ăn bữa cơm vội giữa rừng, giấc ngủ không yên tại những điểm gác, ca trực. Tất cả vì màu xanh của rừng, sự  yên tĩnh cho muôn thú” - Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Rang Rang Võ Văn Thanh bộc bạch.

Bữa cơm giữa rừng của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Trau. Ảnh: Đoàn Phú
Bữa cơm giữa rừng của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Trau. Ảnh: Đoàn Phú

Đến thời điểm này, rừng Khu bảo tồn vẫn bình yên, khoe màu xanh với nắng. Ông Nguyễn Hoàng Hảo cho hay, dù tập thể, cá nhân trong Khu bảo tồn nỗ lực bảo vệ cho màu xanh của rừng nhưng đơn vị vẫn còn gặp một số khó khăn  trong công tác quản lý rừng như: diện tích rừng và đất lâm nghiệp Khu bảo tồn quản lý rất lớn, trên 100 ngàn ha, trải dài gần 120km, tiếp giáp với nhiều địa phương, khu dân cư sinh sống. Những khu vực xung yếu khi mùa khô làm cây mai dương (mắt mèo) khô chết tạo lớp thảm mục dày, dễ bắt lửa gây cháy. Những khu vực dân cư sinh sống, làm nghề đánh bắt thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng như: nấu nướng, đốt dọn...

“Việc tồn tại nhiều cụm dân cư phân bố rải rác và nằm sâu trong rừng; Khu bảo tồn có nhiều đường be đi xuyên qua các khu rừng tự nhiên và rừng trồng thường xuyên có người qua lại; tập quán phát dọn, đốt rẫy vào mùa khô của người dân vùng tiếp giáp với rừng Khu bảo tồn luôn rình rập nguy cơ cháy lan vào rừng trong mùa khô. Nhất là việc các đối tượng xâm hại rừng bị lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, xử lý nên dễ nảy sinh hành vi trả đũa bằng việc lén lút đốt rừng cũng là mối lo ngại cho rừng vào mùa khô, khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt” - ông Hảo chia sẻ.

“Khu vực rừng tại các trạm kiểm lâm như: Khu ủy, Dakinde, Cù Đinh, Suối Ràng sóng điện thoại chập chờn hoặc không có. Để đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác tuần tra, phòng chống cháy rừng, anh em phải tìm những đồi cao, chọn hướng gió để bắt sóng. Tuy vậy, anh em ở đây vẫn nỗ lực vượt qua để thông tin liên lạc với lãnh đạo, đồng đội được thông suốt, kịp thời” - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Võ An Giang cho biết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều