Báo Đồng Nai điện tử
En

'Thổi hồn' cho bình dừa ủ trà

08:02, 18/02/2021

Đường vào nhà ông Phạm Văn Rớ (tên thường gọi Tư Rớ, 73 tuổi, ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) loanh quanh khó tìm. Tuy vậy, do ông là người duy nhất làm bình dừa ủ trà ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch nên nhiều người mê uống trà vẫn lặn lội đến tìm.

Đường vào nhà ông Phạm Văn Rớ (tên thường gọi Tư Rớ, 73 tuổi, ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) loanh quanh khó tìm. Tuy vậy, do ông là người duy nhất làm bình dừa ủ trà ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch nên nhiều người mê uống trà vẫn lặn lội đến tìm.

Ông Tư Rớ giới thiệu bình dừa ủ trà cách đây 40 năm do chính tay ông làm
Ông Tư Rớ giới thiệu bình dừa ủ trà cách đây 40 năm do chính tay ông làm

Nhấp ngụm trà Phú Hội được ủ ấm trong lớp vỏ quả dừa khô, ông Tư Rớ cho biết: “Nay chỉ có mình tui làm cái nghề này và ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch chỉ còn duy nhất cây dừa Bưng (dừa Bị) của ông Ba Trứ tại ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch có thể làm bình ủ trà. Vì lẽ đó mà tui nổi danh, sản phẩm làm ra chỉ vừa đủ bán cho những người mê uống trà, hoài cổ”.

* Nghề độc đáo

40 năm về trước, ông Tư Rớ học lóm nghề làm bình dừa ủ trà từ ông Ba Trứ (đã mất năm 2010). Ông Tư Rớ kể, ông mua 1 bình dừa ủ trà thành phẩm của ông Ba Trứ rồi nhìn theo đó mà mày mò đục đẽo. Mất chục trái dừa Bưng và gần 1 tháng tự học, ông mới làm được cái bình ủ trà ưng ý. Sản phẩm đầu tiên này, hiện ông vẫn còn lưu giữ làm kỷ niệm. Những chiếc bình ủ trà tiếp theo ông đem tặng cho người thân. Khi được mọi người khen và ghi nhận tay nghề, ông mới dám bán sản phẩm do mình làm ra.

“Khâu khó nhất là cưa trái dừa ra 2 phần: nắp và bình. Cưa làm sao để khi gắn lại nó khít với nhau. Như vậy, khả năng giữ nhiệt của bình mới lâu và chỉ cần nhìn đường cưa là khách hàng đánh giá người thợ có tay nghề giỏi”- ông Tư Rớ nói.

Người cộng sự đắc lực của ông Tư Rớ giúp tạo ra đường cưa sắc sảo này là bà Lý Ánh Châu (vợ ông). Vì cưa quả dừa phải cần 2 người, ông Tư Rớ đứng ra cưa, còn bà Châu phụ giữ quả dừa. Mỗi khi cảm giác đường cưa chuẩn bị lệch hướng, bà Châu liền nhắc để ông điều chỉnh cho chuẩn.

Ông Tư Rớ và vợ cưa trái dừa thành 2 phần nắp và thân
Ông Tư Rớ và vợ cưa trái dừa thành 2 phần nắp và thân

Ông Tư Rớ tuy là nông dân "chính tông" của vùng đất Phú Hội nhưng do có năng khiếu hội họa nên bình dừa ủ trà của ông không dừng lại là những quả dừa khô mộc mạc được khoét rỗng ruột và tô bên ngoài bằng chất liệu dầu bóng hoặc đánh  vecni rồi thôi. Bên ngoài vỏ bình trà còn được ông tỉ mỉ vẽ lên phong cảnh, linh thú, bonsai, câu đối nhằm tăng thêm sự hấp dẫn và hợp với tâm lý yêu thiên nhiên, thích hoa hòe, màu sắc sặc sỡ của người nông thôn quê ông. Sau này, ông còn vẽ theo yêu cầu của khách hàng lên vỏ bình dừa ủ trà cho phù hợp với thị hiếu và thẩm mĩ của mỗi người.

“Do nhà nghèo quá nên mới học lớp 5 tui phải nghỉ học, phụ gia đình làm ruộng. Do đó, cái nghề vẽ, làm bình dừa ủ trà cũng do tui tự học, chứ chẳng được thầy nào dạy” - ông Tư Rớ tâm sự.

Ông Tư Rớ bán được cái bình dừa ủ trà đầu tiên vào năm 1981 với giá 10 đồng, bằng một ngày công của người làm phụ hồ. Nay giá công thợ hồ cao gấp đôi so với giá mỗi cái bình dừa ủ trà, ông Tư Rớ vẫn giữ giá bán từ 250-300 ngàn đồng/sản phẩm. Ông Tư Rớ lý giải, dù sản phẩm của ông làm ra tinh xảo, hiện không bị người trong huyện, tỉnh cạnh tranh, tuy vậy, nếu ông bán mắc quá sẽ không ai mua, mà ít người mua thì nét văn hóa này sẽ bị mai một.

* Lo nghề bị mai một

Cũng theo ông Tư Rớ, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ còn cây dừa Bưng duy nhất của ông Ba Trứ. Trước đó, ở TT.Long Thành (H.Long Thành) còn 2 cây; nhiều xã ở H.Nhơn Trạch còn nhiều cây như: xã Phú Hội còn 3 cây, xã Phước An còn 3 cây, xã Đại Phước còn 1 cây, xã Long Tân còn 6 cây… nên nguồn nguyên liệu làm bình dừa ủ trà không thiếu. Tuy nhiên, hiện nay loại dừa Bưng này bị nông dân chặt bỏ để lấy đất cất nhà hoặc cây chết vì sâu bệnh khá nhiều. Vì vậy, để có dừa Bưng làm bình ủ trà ông phải đặt mua từ tỉnh Bến Tre với giá từ 40-50 ngàn đồng/trái.

Ông Tư Rớ đang chế tác trái dừa thành bình dừa ủ trà
Ông Tư Rớ đang chế tác trái dừa thành bình dừa ủ trà

Vì là người làm nghề nên ông Tư Rớ rất hiểu đặc tính cây và trái dừa Bưng (một loại dừa to trái, giống cũ). Cây dừa Bưng trồng 7-8 năm, thân cao 7-8m mới cho trái. Buồng ít, thưa trái, nước không ngọt nên ít người trồng. Buồng nào có từ 1-4 trái thì mới ra sản phẩm bình loại 1, buồng 6-8 trái thì chỉ là bình loại 2, loại 3. Cho nên, giống dừa này ngày càng quý hiếm đối với người làm bình dừa ủ trà. “Một khi giống dừa này tuyệt chủng thì tui cũng bỏ nghề luôn” - ông Tư Rớ đượm buồn tâm sự.

Chính vì vậy, ông Tư Rớ không ngừng hỏi thăm nông dân, khách hàng mua bình dừa ủ trà để tìm hiểu thêm ngoài cây dừa Bưng duy nhất của ông Ba Trứ thì còn cây nào khác ở đâu nữa không. Ông nghe nói một số nơi ở H.Tân Phú, H. Định Quán và tỉnh Lâm Đồng có trồng giống dừa này nhưng không biết cụ thể ở hộ dân nào để đến đặt mua.

2 cháu nội của ông Tư Rớ chăm chú xem ông vẽ tranh lên bình dừa ủ trà
2 cháu nội của ông Tư Rớ chăm chú xem ông vẽ tranh lên bình dừa ủ trà

Thiếu nguồn nguyên liệu nên ông Tư Rớ chỉ làm cầm chừng theo đơn đặt hàng. Mặc dù ông rất muốn mở rộng sản xuất, khách hàng đặt mua sản phẩm do chính đôi tay ông làm ra nhằm duy trì và truyền thụ nghề thủ công này lại cho thế hệ trẻ nhưng không phải dễ. Ông Tư Rớ thổ lộ: “Thời gian qua, có rất nhiều người đặt mua với số lượng lớn, giá cao nhưng tui từ chối. Vì dừa Bưng ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch bị chặt hạ hết rồi, chỉ còn đủ để bán lẻ cho người dân trong vùng ”.

Năm 2010, ông Ba Trứ (ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) mất thì ông Tư Rớ trở thành người duy nhất làm bình dừa ủ trà ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch. “Một khi cây dừa Bưng của ông Ba Trứ chết thì giống dừa Bưng vùng đất này bị tuyệt chủng. Tui mất người thầy, nếu mất luôn cây dừa quý hiếm thì buồn lắm” - ông Tư Rớ tâm sự.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều