Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề lái xe công nghệ 'thất thế'

10:12, 17/12/2020

Những ngày qua, những người làm nghề lái xe công nghệ (GrabBike, GrabCar) đều lo lắng khi mức thuế, phí tăng khiến cho thu nhập giảm. Nhiều tài xế phải xoay xở nhiều cách kiếm tiền để bù đắp cho các khoản chi phí và đời sống ngày càng khó khăn.

Những ngày qua, những người làm nghề lái xe công nghệ (GrabBike, GrabCar) đều lo lắng khi mức thuế, phí tăng khiến cho thu nhập giảm. Nhiều tài xế phải xoay xở nhiều cách kiếm tiền để bù đắp cho các khoản chi phí và đời sống ngày càng khó khăn.

Mức cước đi lại tăng, đồng nghĩa với việc xe công nghệ sẽ chịu sự cạnh tranh với xe taxi truyền thống. Trong ảnh: Xe taxi công nghệ và truyền thống chờ đón khách trước khu vực Bệnh viện Quân y 7B (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Mức cước đi lại tăng, đồng nghĩa với việc xe công nghệ sẽ chịu sự cạnh tranh với xe taxi truyền thống. Trong ảnh: Xe taxi công nghệ và truyền thống chờ đón khách trước khu vực Bệnh viện Quân y 7B (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

So với TP.HCM, loại hình kinh doanh xe công nghệ ở Đồng Nai phát triển chậm hơn và chỉ thực sự xuất hiện phổ biến trong khoảng 3 năm trở lại đây. Thời gian đầu, chỉ có vài chục người chạy GrabBike, tập trung thành các nhóm nhỏ ở các tuyến đường, khu vực trung tâm TP.Biên Hòa như: ngã tư Amata, khu vực BigC Tân Hiệp… Đến nay, mạng lưới GrabCar, GrabBike phủ kín ở TP.Biên Hòa và nhiều địa phương lân cận.

* Công việc không còn hấp dẫn

Anh Đinh Văn Hoàng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, từ những ngày đầu tháng 12-2020, theo quy định mới, tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabBike phải nộp cho hãng lên đến hơn 30% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân). Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của tài xế sau một cuốc xe đặt qua ứng dụng xe công nghệ giảm đi rất nhiều.

Theo anh Hoàng, với cách tính hiện tại mức cước phí xe công nghệ không còn hấp dẫn với người tiêu dùng nên những ngày gần đây số cuốc xe anh nhận cũng bị hạn chế. Để chứng minh, anh bấm điện thoại, mở lịch sử hiện chi tiết số cuốc xe đã nhận, chi phí phải đóng, tổng thu nhập một ngày chỉ bằng 2/3 so với trước đây.

“Làm lái xe được hơn 3 năm, nhưng chưa khi nào công việc lại khó khăn như lúc này. Từ sáng tới trưa chỉ được một chuyến xe đi trong nội ô thành phố với giá 90 ngàn đồng. So với lúc chưa tăng giá, thuế; xe của tôi chạy liên tục và ít khi phải chờ đợi. Hiện tại, để có thêm thu nhập tôi phải nhận chạy xe vào ban đêm nhưng cũng rất lo lắng vì nhiều rủi ro” - anh Hoàng bộc bạch.

So với số lượng tài xế xe taxi công nghệ - GrabCar, đội ngũ những người hành nghề xe ôm công nghệ GrabBike ở TP.Biên Hòa khá lớn và chiếm chủ yếu. Do đó, khi công ty ứng dụng gọi xe công nghệ điều chỉnh mức chiết khấu cho tài xế xuống mức thấp thì hầu hết những người hành nghề chạy xe ôm đều chịu áp lực và lo lắng.

Ông Trần Ngọc Tài, Đội trưởng xe GrabBike tại TP.Biên Hòa chia sẻ, một cuốc xe ôm chỉ vài chục ngàn, trừ các khoản chiết khấu, lái xe còn lại không được nhiều. Trong khi đó, họ còn phải tự chi trả các khoản như: khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa… Chưa kể, sức khỏe cũng bị “bào mòn” bởi môi trường làm việc không an toàn, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Thu nhập thực của lái xe máy chỉ 60-65% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho các chi phí khác. Tính ra, nếu tổng doanh thu của tài xế được ghi nhận trên ứng dụng là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập thực tế dưới 6 triệu đồng/tháng. Nếu muốn có thêm thu nhập, lái xe phải nhận thêm các công việc khác như: giao hàng, giao đồ ăn cho các cửa hàng, shop thời trang…” - ông Tài cho hay.

“Trước đây, sau khi trừ các khoản thuế, phí tôi để dành khoảng 10 triệu đồng. Phần lớn trong số đó được gửi về quê cho vợ nuôi con nhưng sắp tới đây, số tiền này sẽ giảm xuống nên rất buồn. Năm nay, dịch Covid-19 kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và thu nhập. Nay hãng xe lại tăng thuế, phí chắc chắn kinh tế sẽ eo hẹp hơn dù tôi đã xoay xở đủ cách” - ông Tài nói.

* Lo lắng khi thu nhập giảm

Tiện ích của xe công nghệ là cước phí đi lại thấp, dễ dàng, thuận tiện trong việc đặt xe nên người tiêu dùng dần chuyển từ xe ôm, taxi truyền thống sang đi xe công nghệ. Vì vậy, nhiều năm qua, lái xe công nghệ là một trong những công việc được nhiều người lựa chọn bởi thời gian làm việc linh hoạt và nguồn thu nhập khá cao.

Anh Đinh Văn Hoàng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lái xe GrabBike với nỗi lo lắng khi thu nhập từ chạy xe công nghệ giảm xuống so với trước đây. Ảnh: Thanh Hải
Anh Đinh Văn Hoàng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lái xe GrabBike với nỗi lo lắng khi thu nhập từ chạy xe công nghệ giảm xuống so với trước đây. Ảnh: Thanh Hải

Ngoài ra, khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, các hãng xe công nghệ đã đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn cùng các khoản thưởng để thu hút lái xe. Chính vì thu nhập tốt so với một số công việc khác nên nhiều người đua nhau vay tiền mua xe chạy taxi công nghệ. Tuy nhiên, khi nghề này không còn hấp dẫn, chịu sự cạnh tranh gay gắt và thu nhập giảm mạnh thì không ít người đã thực sự “vỡ mộng”.

Tài xế chạy GrabCar Nguyễn Trung Hòa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây 3 năm anh được người bạn rủ chạy xe công nghệ. Dù đang làm công nhân với mức lương ổn định nhưng hy vọng có được thu nhập cao hơn, lại không bị bó buộc thời gian, anh quyết định vay tiền mua một chiếc ô tô mới để hành nghề.

Để có nhiều khách hàng, anh quyết định chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM làm việc. Mong muốn có nguồn thu nhập cao và trả được nợ ngân hàng, ngày nào anh cũng phải chạy xe liên tục. Không phụ sức người, sau khi trừ chi phí, các khoản, anh thu về hơn 20 triệu đồng/tháng đủ để trang trải cuộc sống. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu sắm xe để chạy dịch vụ khiến thu nhập của anh giảm lại. Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách ít đi thì anh thực sự “thấm đòn” bởi việc mưu sinh ngày càng khó khăn. Mới đây, anh chuyển chạy xe từ TP.HCM xuống Đồng Nai để tìm kiếm khách hàng mới nhưng cũng không mấy khả quan.

“Nghề này chịu sự cạnh tranh khốc liệt, không chỉ những hãng xe khác mà còn cả xe taxi truyền thống, xe cá nhân. Chưa kể nếu lái xe không chấp hành tốt các quy định của Grab sẽ bị từ chối hoạt động. Trong khi mỗi lái xe phải vay ngân hàng từ 500-700 triệu đồng để mua xe thì việc thu nhập giảm hoặc không còn hành nghề nữa không biết có trụ nổi không” - anh Hòa buồn bã nói.

Không chỉ anh Hòa mà giờ đây, nhiều người chạy xe công nghệ cũng cho biết đang cố gắng xoay xở đủ cách, kiếm thêm tiền để lấy thu bù chi và nuôi sống gia đình. Bởi phía sau họ là “gánh nặng” gia đình, tất cả đều phụ thuộc từng ngày vào mỗi cuốc xe chạy trên đường.

Anh Trần Xuân Soạn, một lái xe GrabCar thường chờ khách ở khu vực Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, anh mới tham gia công việc này khoảng hơn 1 năm. Từ sau đợt dịch Covid-19 đến nay, doanh thu chạy xe của anh giảm hẳn. Ngoài chi phí dầu nhớt, xăng xe mỗi tháng và bảo dưỡng xe định kỳ thì nỗi lo lớn nhất là khoản tiền ngân hàng phải trả lên đến gần 8 triệu đồng/tháng.

“Bây giờ cứ ra đường là thấy xe công nghệ chạy khắp nơi nên giành khách nhau là chuyện thường ngày. Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng khó khăn trước mắt vẫn chưa hết. Giờ tôi muốn bỏ chạy xe Grab cũng không được vì chẳng còn việc gì để làm. Tôi không thể bắt đầu công việc khác khi tiền nợ mua xe chưa trả hết và kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19” - anh Soạn thở dài nói.

Bà Chu Ngọc Quỳnh (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây, tôi thường xuyên lựa chọn xe công nghệ để di chuyển vì giá cạnh tranh, nhiều khuyến mãi nhưng gần đây, tôi đã dần chuyển sang các hãng xe taxi, xe ôm truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu do xe công nghệ ít khuyến mãi, giá lại cao, đặc biệt trong giờ cao điểm thì giá tăng cao và phải chờ đợi lâu hơn so với trước đây”.

Thanh Hải

Tin xem nhiều