Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề 'đo' gió 'đếm' mây

09:04, 01/04/2020

Để kịp thời cung cấp thông tin chính xác về tình hình thời tiết, nhân viên của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh phải quan sát và đo đạc các thông số khí tượng (mây, độ ẩm không khí, nhiệt độ, tốc độ gió...) và thủy văn (nhiệt độ nước, mực nước, dòng chảy...) liên tục trong 24 giờ. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm mưa bão hay mùa khô như hiện nay, công việc càng vất vả hơn.

Để kịp thời cung cấp thông tin chính xác về tình hình thời tiết, nhân viên của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh phải quan sát và đo đạc các thông số khí tượng (mây, độ ẩm không khí, nhiệt độ, tốc độ gió...) và thủy văn (nhiệt độ nước, mực nước, dòng chảy...) liên tục trong 24 giờ. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm mưa bão hay mùa khô như hiện nay, công việc càng vất vả hơn.

Chị Đỗ Thị Mai Hương, nhân viên Trạm Thủy văn môi trường Biên Hòa đo nhiệt độ nước sông Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng
Ông Hoàng Quốc Việt, nhân viên Trạm Khí tượng Biên Hòa kiểm tra máy đo nhiệt độ và độ ẩm tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đăng Tùng

* “Bắt bệnh” của trời

Trong các ca trực, ông Hoàng Quốc Việt, nhân viên Trạm Khí tượng Biên Hòa, thuộc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đều đặt đồng hồ báo thức lúc 0 giờ 50 để dậy chuẩn bị dụng cụ đo đạc, quan trắc thời tiết, khí tượng của một ngày mới.

Theo quy định, mỗi ngày có 4 mốc thời gian phải quan trắc, ghi chép lại những thay đổi của khí tượng, bất kể mưa to gió lớn hay đêm tối là: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Vì vậy, 4 nhân viên của Trạm Khí tượng Biên Hòa phải thay phiên nhau trực, ghi chép, báo cáo số liệu sớm, chính xác. Nhờ đó, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh mới có cơ sở dữ liệu tổng hợp và đưa ra dự báo chính xác về tình hình thời tiết địa phương trong thời gian sắp tới.

“Công việc của người làm trong ngành khí tượng thủy văn là phản ánh về những biểu hiện và dự báo khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm...; sự vận động, phân phối, chất lượng của nước. Có thể nói chúng tôi là những người “bắt bệnh” của trời vì chỉ thông qua quan sát, đo đạc để nắm được sự thay đổi của thời tiết như: mưa, gió, dông bão... Từ đó, cơ quan cấp trên sẽ đưa ra dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết trong ngày hoặc những ngày sau” - ông Hoàng Quốc Việt bộc bạch.

Hiện nay, việc thu thập số liệu khí tượng, thủy văn, nắm tình hình về thời tiết, thủy văn tại khu vực tỉnh Đồng Nai và đưa ra thông báo, dự báo là do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện thông qua báo cáo từ các trạm khí tượng cấp dưới. Mạng lưới quan trắc trên toàn tỉnh gồm có các trạm khí tượng, thủy văn tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán và một số trạm đo mưa khác.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nguyễn Phước Huy cho hay: “Hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, chúng tôi ra các bản tin dự báo thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Trong ngày, tùy theo mùa hoặc các biến động nguy hiểm của thời tiết sẽ có thêm các bản tin dự báo như: cảnh báo nắng nóng, cảnh báo mưa dông kèm sấm sét, triều cường, lũ trên các sông”.

* Đóng góp thầm lặng

Để đảm bảo việc đo đạc được chính xác, các trạm khí tượng thủy văn thường được đặt sát nguồn nước hoặc những nơi cao, rộng, bằng phẳng để bóng cây, công trình xây dựng cao tầng không ảnh hưởng đến kết quả đo đạc.

Chị Đỗ Thị Mai Hương, nhân viên Trạm Thủy văn môi trường Biên Hòa đo nhiệt độ nước sông Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng
Chị Đỗ Thị Mai Hương, nhân viên Trạm Thủy văn môi trường Biên Hòa đo nhiệt độ nước sông Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng

6 năm qua, Trạm Thủy văn môi trường Biên Hòa nằm sát bờ sông Đồng Nai, đoạn trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chỉ có 1 nữ nhân viên là chị Đỗ Thị Mai Hương làm nhiệm vụ đo đạc thủy văn nên gần như các ngày trong tuần, kể cả ngày cuối tuần, lễ, tết, chị vẫn phải đến trạm làm việc.

“Mỗi ngày vào 7 giờ và 19 giờ, tôi đều phải có mặt ghi nhận thông tin về nhiệt độ, mực nước, nửa tháng lại lấy mẫu một lần. Những lần các thiết bị máy bị hư, tôi phải đo đạc bằng thủ công. Cực nhất là những ngày có mưa lớn, bão, triều cường biến động liên tục, tôi cũng phải trực liên tục 24/24 giờ tại trạm để đo đạc, cập nhật thông tin báo cáo về  Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đến khi nào bão tan thì thôi”.

Ông Hoàng Quốc Việt là người có hơn 20 năm làm việc trong ngành khí tượng, từng công tác tại những nơi có điều kiện làm việc khó khăn, vất vả như: Nhà giàn DK1/7 (Biển Đông), đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang)... “Thời điểm đó, tác nghiệp tại những nơi này rất khó khăn vì ngoài nhà giàn không có điện mặt trời mà chủ yếu là đèn dầu, điện dùng để cấp cho máy móc nên chỉ dùng hạn chế, đó là chưa kể đến thiếu nước sinh hoạt, đi lại trên biển nguy hiểm” - ông Việt kể lại

Tuy nhiên, theo ông Việt, hiện nay, điều kiện tác nghiệp đã đầy đủ hơn nhưng nghề khí tượng thủy văn vẫn còn không ít vất vả, nhất là vào mùa mưa bão. Khi ấy nhân viên của đài khí tượng phải đội mưa ra ngoài trời để cập nhật thông tin mưa, bão liên tục cứ mỗi 30 phút/lần nên lúc đó toàn bộ người của trạm phải “căng sức” ra trực, mỗi ca trực đúng giờ”.

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nguyễn Phước Huy, để làm tốt công việc quan trắc, đo đạc khí tượng, thủy văn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng vì những sai sót khi đo đạc có thể dẫn tới dự báo về thời tiết thiếu chính xác. Muốn vậy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức mới để sử dụng các thiết bị hiện đại nhằm đo đạc chính xác hơn. Hiện tại, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có thiết bị đo bức xạ mặt trời rất hiện đại mà không phải tỉnh nào cũng có nên nhân viên ở đài đều được tập huấn để sử dụng thành thạo thiết bị này, góp phần dự báo chính xác thời tiết địa phương, nhất là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sắp xảy ra để người dân chủ động phòng ngừa.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh hiện trực thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên - môi trường) được thành lập từ sau ngày giải phóng, đến năm 1993 thì Đài Khí tượng thủy văn tỉnh trở thành Trạm Dự báo phục vụ khí tượng thủy văn tỉnh, sau đó đổi thành Trung tâm Dự báo phục vụ khí tượng thủy văn tỉnh. Đến năm 2009, trung tâm lại tiếp tục được đổi tên thành Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh và đến cuối năm 2018 thì đổi tên thành Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều