Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người giữ mái đình trăm tuổi

04:03, 19/03/2020

Bên lề cuộc sống nhộn nhịp, năng động của đô thị loại I, TP.Biên Hòa vẫn còn những khoảng lặng, không gian yên tĩnh ở các ngôi đình cổ hơn trăm tuổi thờ phụng các vị tiền nhân có công mở đất thuở xưa.

Bên lề cuộc sống nhộn nhịp, năng động của đô thị loại I, TP.Biên Hòa vẫn còn những khoảng lặng, không gian yên tĩnh ở các ngôi đình cổ hơn trăm tuổi thờ phụng các vị tiền nhân có công mở đất thuở xưa.

Ông Lâm Văn Lang (bìa phải), Trưởng ban quý tế đình Tân Lân thực hiện nghi lễ cúng trong Lễ kỳ yên năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Lâm Văn Lang (bìa phải), Trưởng ban quý tế đình Tân Lân thực hiện nghi lễ cúng trong Lễ kỳ yên năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều ngôi đình vẫn gìn giữ được những kiến trúc, nghi lễ thờ cúng, nét văn hóa xưa, thu hút nhiều du khách gần xa. Để gìn giữ các ngôi đình cổ này phải kể đến sự đóng góp quan trọng của bao thế hệ ban quý tế của mỗi đình - những người có tâm huyết với việc xã hội và uy tín ở địa phương.

* Nặng lòng với đất và người

Nép dưới tán cây to xanh um, bên cạnh là ao cá của các hộ dân lân cận, đình Bình Quan (đóng tại P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2004) vẫn giữ được kiến trúc xưa dù đã qua nhiều lần được người dân nơi đây trùng tu, sửa chữa.  Rảo bước trên thềm gạch, ông Phạm Văn Đúng (ngụ P.Hiệp Hòa) - Trưởng ban quý tế đình Bình Quan cho biết, 3 thế hệ trong nhà của ông từng tham gia công việc ở đình.

Theo Ban quý tế các đình ở TP.Biên Hòa như: Bình Quan, Bình Tự (đóng tại P.Hiệp Hòa), Tân Lân (đóng tại P.Hòa Bình), các ngôi đình này đều được nhận sắc phong vào năm thứ 5 dưới triều vua Tự Đức (1852). Sắc thần là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền theo tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Nối bước cha và ông nội, khi tròn 14 tuổi, ông Đúng bắt đầu tham gia công việc ở đình, học các bậc cao niên làm lễ cúng, bảo quản và tôn tạo công trình bền vững. Đến nay, đã 56 năm tham gia việc ở đình, ông vẫn giữ nguyên suy nghĩ phải nỗ lực gìn giữ ngôi đình cùng những kiến trúc, nghi thức thờ cúng, nét văn hóa xưa... để thế hệ sau còn có nơi hương khói cho các vị có công mở đất, lập làng.

“Tôi làm Trưởng ban quý tế đình Bình Quan được 4 năm nay, công việc này đòi hỏi phải có tâm, phải có lòng gắn bó với địa phương và bản thân phải có đạo đức, uy tín để vận động bà con trong vùng. Bên cạnh thờ Thành Hoàng, đình hiện tại còn thờ các liệt sĩ địa phương nên ngoài lệ kỳ yên, cúng các rằm lớn và các ngày lễ khác thì chúng tôi còn tổ chức lễ vào ngày 27-7 nữa. Đây cũng là một nét đặc sắc của đình Bình Quan từ nhiều năm nay so với các đình khác” - ông Phạm Văn Đúng chia sẻ.

Để gìn giữ được các ngôi đình trăm tuổi, bên cạnh đạo đức, uy tín trong cộng đồng địa phương, đòi hỏi người ở vị trí trưởng ban quý tế phải có tâm, ham tìm tòi và khao khát gìn giữ “hồn” của đình làng Nam bộ. Đây là yếu tố mà theo nhiều người nói phải có “duyên”, có “nghiệp” với mái đình, với các bậc tiền nhân mở đất mới làm được.

Và đó cũng là những điều mà ông Lâm Văn Lang (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), Trưởng ban quý tế đình Tân Lân (đóng tại  P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991) tâm niệm suốt 30 năm tham gia công việc của đình. Cũng vì ham tìm tòi, kính ngưỡng Đức ông Trần Thượng Xuyên và có “duyên” nên năm 1994, ông Lang đã tìm lại được phần mộ của Đức ông (tại H.Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Ông Lang tâm sự, ông quê gốc ở chính mảnh đất Biên Hòa này, lớn lên đã thấy đình Tân Lân. Khi trưởng thành, ông thường đến lễ Đức ông Trần Thượng Xuyên trong những ngày đình tổ chức nghi thức cúng. Từ cuối những năm 1980, các bậc tiền bối ở đình đã vận động ông tham gia công việc ở đình. Mãi đến đầu những năm 1990, ông mới chính thức nằm trong Ban quý tế.

“Sau này khi có dịp tiếp xúc nhiều với các tài liệu cổ và có dịp gặp các bậc cao niên, tôi mới may mắn tìm được linh vị, tượng của Đức ông đang thờ tại chùa Thanh Lương ở P.Bửu Hòa, rồi tìm được mộ Đức ông. Để rồi đến năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương đã công nhận mộ Đức ông là di tích cấp tỉnh” - ông Lang cho biết

* Xây dựng lớp kế tục giữ đình cổ

Mỗi đình ở TP.Biên Hòa đều có một số người tham gia ban quý tế nhất định, nhưng chỉ một phần trong đó là thường xuyên tham gia các nghi lễ và được bố trí vai trò nhất định trong các ngày lễ. Để nắm bắt rõ các ngày lễ, các nghi thức, cách hoạt động của mỗi đình đều đòi hỏi thời gian dài quan sát, học hỏi từ những người đi trước truyền đạt lại.

Ông Phạm Văn Đúng (phải), Trưởng ban quý tế đình Bình Quan xem bản sao sắc phong của đình Bình Quan. ẢnhL M.THÀNH
Ông Phạm Văn Đúng (phải), Trưởng ban quý tế đình Bình Quan xem bản sao sắc phong của đình Bình Quan. ẢnhL M.THÀNH

Ông Ngô Văn Triến (ngụ P.Hiệp Hòa) tham gia công việc trong đình Bình Tự (đóng tại P.Hiệp Hòa) hơn 30 năm qua nhưng mới được làm Trưởng ban quý tế đình Bình Tự khoảng 6 năm. Năm nay, ở cái tuổi 78, ông vẫn được nhận sự hỗ trợ, cố vấn từ những người đi trước trong Ban quý tế đình.

 “Trong Ban quý tế đình Bình Tự  hiện nay người có tuổi đời nhỏ nhất cũng đã khoảng 50, trong khi lớp trẻ thì tập trung vào làm kinh tế hoặc đi làm ăn xa nên rất khó vận động tham gia công việc ở đình. Vì vậy, chúng tôi cũng vận động con cháu tham dự những ngày lễ lớn tại đình để thấy được nét đẹp văn hóa của tiền nhân và có dịp cúng bái ông bà tổ tiên bao thế hệ đang được thờ tại đình. Qua đó sẽ tìm những người trẻ có tâm, có “duyên” với đất, với đình để kêu gọi tham gia công việc chung này” - ông Triến bày tỏ.

Theo ban quý tế các đình, một trong những việc khó khăn nhất khi tìm kiếm thế hệ kế thừa chính là việc tiếp cận các thông tin, nguồn sử liệu do tiền nhân để lại. Vì tất cả sắc phong, văn bản, hoành phi, câu đối đều không được viết bằng chữ Quốc ngữ (mà viết bằng chữ Hán, chữ Nôm), nên ngay cả bây giờ nhiều người trong các ban quý tế cũng không đọc và hiểu được. Chỉ có một ít tư liệu, ghi chép từ giữa thế kỷ XX được lưu giữ đến nay là dùng chữ Quốc ngữ hoặc có người bỏ công dịch ra nên mới dễ tìm đọc.

Tuy nhiên, qua thăng trầm lịch sử, nhiều tư liệu, tài liệu đã hư hại hoặc bị thất lạc, số người biết được các thông tin đó ít dần. Vì vậy, tìm được người trẻ có tâm huyết để tìm tòi, hệ thống lại rồi qua đó có thể tìm về nguồn cội của người mở đất, hiểu thêm về các vị có công và tham gia công việc ở đình là điều khá khó khăn.

Ông Lang tâm tư: “Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nên việc tìm kiếm tư liệu lịch sử với những người trẻ dễ dàng hơn trước đây. Việc có trong tay tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm rồi tìm người đọc, dịch ra cũng không còn quá khó khăn. Nhưng cốt yếu vẫn là ở tấm lòng, sự nhiệt huyết đối với công việc chung. Do đó, để tìm được thế hệ kế thừa lâu dài mà giao trọng trách chăm lo việc đình vẫn không phải dễ”.

Minh Thành

Tin xem nhiều