Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giữ hồn" cho đặc sản Phú Hội

04:02, 27/02/2020

Vùng đất Phú Hội (H.Nhơn Trạch) có nhiều đặc sản như: trà (búp, lá, ba giảo); cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng, mít, bưởi); thức ăn (bánh bèo, bánh tráng, cơm rượu...). Để đặc sản làng quê không bị mai một, chính quyền xã Phú Hội đang tìm cách vực dậy các làng nghề.

Vùng đất Phú Hội (H.Nhơn Trạch) có nhiều đặc sản như: trà (búp, lá, ba giảo); cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng, mít, bưởi); thức ăn (bánh bèo, bánh tráng, cơm rượu...). Để đặc sản làng quê không bị mai một, chính quyền xã Phú Hội đang tìm cách vực dậy các làng nghề.

Trà Phú Hội, đặc sản của vùng đất Phú Hội (H.Nhơn Trạch) đang được địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: Đoàn Phú
Trà Phú Hội, đặc sản của vùng đất Phú Hội (H.Nhơn Trạch) đang được địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: Đoàn Phú

“Mong muốn của chúng tôi là giữ gìn đặc sản của vùng đất Phú Hội để con em Phú Hội đi xa luôn có cái để nhớ về quê hương và giới thiệu với du khách gần xa hương vị đặc trưng của ẩm thực quê nhà ” - ông Lê Đức Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội bộc bạch.

* Đặc sản khó quên

Nói về đặc sản nơi vùng đất anh hùng Phú Hội thì không thể không nhắc đến trà Phú Hội (chế biến thủ công). Trà Phú Hội có 3 loại: trà búp, lá, ba giảo. Tùy theo chất lượng từng loại trà mà có giá trị khác nhau.

Trà búp (loại thượng hạng, giá từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/kg) được người trồng trà xã Phú Hội chọn những đọt xanh mơn mởn. Sau khi đọt chè được thu hoạch sẽ được ủ, phơi sấy và tẩm ướp chung với lá sen và các loại trà khác như trà phật, lài, dứa... Còn trà lá (loại trung hạng, giá từ 500-600 ngàn đồng/kg) là những lá non xanh còn lại sau khi hái đọt để chế biến trà búp. Kỹ thuật ủ, chế biến trà lá cũng bằng thủ công giống như trà búp.

“Bên cạnh việc giới thiệu hàng hóa theo kiểu truyền thống, địa phương đang chuẩn bị triển khai việc giới thiệu và bán đặc sản Phú Hội qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo... để ngày càng có nhiều người biết đến đặc sản quê hương. Qua đó giúp đời sống nông dân xã Phú Hội ngày càng khá giả và tự hào về món ngon mà mình làm ra” - Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội Lê Đức Tài nói.

Riêng trà ba giảo (chỉ chế biến dùng trong gia đình) là những cành, nhánh non (sau khi thu hoạch búp, lá), cắt từng đoạn ngắn từ 1,5-2cm. Sau đó đem giã giập rồi phơi sấy khô làm thức uống. Loại trà này chỉ có người bình dân Phú Hội xưa kia ưa dùng vì giá rẻ. Cái tên ba giảo bắt nguồn từ cách chế biến loại trà này làm thức uống.

Ông Phạm Văn Phát (60 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội) cho biết, cách chế biến trà ba giảo của giới bình dân như sau: nước mưa hoặc nước giếng mạch Bà đổ vào 1/3 ấm đun sôi. Khi nước sôi lần thứ nhất thì bỏ trà vào rồi tiếp tục đun sôi. Nước sôi lần thứ 2 thì đổ vào ấm thêm 1/3 nước nữa rồi tiếp tục đun sôi. Nước sôi lần thứ 3 thì đổ tiếp 1/3 ấm, tiếp tục đun sôi sùng sục và đem ra dùng.

“Ngày xưa, cha và ông tôi thường đãi bạn hữu tới chơi nhà hoặc bạn bè cùng làm ruộng, rẫy tụ hội nhau buổi sáng nói chuyện phiếm, bàn bạc chuyện mùa, đồng áng” - ông Phát nói.

Ngoài trà, ông Phát và nhiều người dân vùng đất Phú Hội đều “nghiện” món bánh bèo, bánh tráng, mắm sắc, chanh muối, cơm rượu do chính bàn tay các chị, các mẹ chế biến từ hạt gạo, cá đồng, cây trái từ vườn nhà. “Cho nên trên bàn tiệc ngày giỗ của người dân Phú Hội đến tận bây giờ vẫn còn những món này để đãi khách” - ông Phát cho biết.

Mít tố nữ, sầu siêng, măng cụt, dâu, chôm chôm, bưởi... trồng trên đất Phú Hội cũng có hương vị rất riêng và nổi tiếng không thua kém trà. Ông Tư Nô (71 tuổi, ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội) cho hay, có lẽ do thiên nhiên tạo cho vùng đất Phú Hội loại thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây ăn trái. Cho nên, dù cùng một giống cây nhưng đem trồng trên vùng đất Phú Hội thì chất lượng trái luôn ngon, ngọt, thơm, giòn mà các vùng đất khác không thể có được.

 “Nhà vườn tụi tôi trồng cây ít sử dụng phân, thuốc hóa học nên giá có cao hơn so với thị trường nhưng vẫn không có đủ số lượng mà bán, cung cấp theo đơn đặt hàng” - ông Tư Nô chia sẻ.

* “Giữ hồn” cho đặc sản

Quá trình đô thị hóa đã làm cho các loại cây đặc sản của Phú Hội thu hẹp diện tích. Những năm 1990 trở về trước, tổng diện tích cây ăn trái và trà ở xã Phú Hội trên 1 ngàn ha. Nay toàn xã chỉ còn dưới 40 ha cây ăn trái và trà. Do đó, các loại đặc sản ở Phú Hội hiện cung không đủ cầu.

Bà Tám Điệp (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) giới thiệu về cơm rượu do gia đình sản xuất. Ảnh: Đoàn Phú
Bà Tám Điệp (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) giới thiệu về cơm rượu do gia đình sản xuất. Ảnh: Đoàn Phú

 Để phục hồi vùng đặc sản và các sản phẩm quê hương, chính quyền địa phương vận động, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục và từng bước tăng diện tích vườn cây. Đồng thời, địa phương chú trọng xây dựng các tổ hợp tác làng nghề (bánh bèo, mắm sắc, bánh tráng, chế biến trà và trồng trà, chanh muối, cơm rượu...) và đăng ký thương hiệu độc quyền trà Phú Hội.

Ông Lê Đức Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết thêm, có 2 hướng khôi phục lại vườn cây đặc sản. Thứ nhất, giữ lại giống cũ trong quá trình cải tạo vườn tạp song song với việc đưa các giống mới, năng suất cao vào. Thứ hai, tận dụng diện tích đồi, dốc, cây trồng kém năng suất để trồng trà, cây ăn trái cho phù hợp.

“Muốn nông dân tiếp tục gắn bó với các loại cây đặc sản và thực hiện đúng với cam kết, định hướng phát triển nông nghiệp sạch của địa phương chúng tôi phải song hành cùng nhà nông trong việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra, giới thiệu nông sản giúp bà con” - ông Tài nói.

Để “giữ hồn” cho đặc sản Phú Hội, ông Nguyễn Huy Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã - cho biết thêm, Hội chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề... Đặc biệt, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn phối hợp với UBND xã, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững; gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với du lịch, dịch vụ.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Sang, từ hướng đi đúng này, Hội đã tập hợp nhà nông, hội viên nông dân liên kết nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, CLB... thông qua việc hỗ trợ nhau vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra cho đặc sản.

“Địa phương đã phân định rõ trách nhiệm cho Hội và các ngành, đoàn thể là phải hỗ trợ nhà nông tích cực, trách nhiệm trong việc xây dựng và giới thiệu hàng hóa. Chẳng hạn trách nhiệm của nông dân là sản xuất hàng hóa sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa ra thị trường, địa phương và Hội thì hỗ trợ nhà nông trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, nông sản (đăng ký nhãn hiệu, quy trình sản xuất) và quảng bá sản phẩm.

Trong khi đó lão nông Tư Nô (ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội) bộc bạch đầy tâm huyết, vùng đất Phú Hội vốn có nhiều đặc sản làng quê, muốn “giữ hồn” cho đặc sản, ngoài việc địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng trọt, quảng bá sản phẩm..., nông dân phải bảo tồn được nguồn giống cây trồng bản địa, sản xuất sạch thì chính quyền địa phương cũng phải sớm có giải pháp bảo tồn làng nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho những người có tay nghề, kinh nghiệm trồng, chế biến các đặc sản của vùng đất Phú Hội anh hùng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích