Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về những người làm công tác quản giáo

09:07, 15/07/2019

Trại tạm giam (Trại B5) Công an tỉnh là nơi tạm giam, tạm giữ hơn 600 phạm nhân, nghi can, nghi phạm chủ yếu của các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: cướp tài sản, giết người... Trại cũng là nơi giam giữ 15 tử tù đang chờ thi hành án. Do đó, công tác quản giáo khá áp lực, phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.

Trại tạm giam (Trại B5) Công an tỉnh là nơi tạm giam, tạm giữ hơn 600 phạm nhân, nghi can, nghi phạm chủ yếu của các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: cướp tài sản, giết người... Trại cũng là nơi giam giữ 15 tử tù đang chờ thi hành án. Do đó, công tác quản giáo khá áp lực, phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.

Thượng tá Đỗ Khắc Hồng (phải), Phó trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh thường xuyên hỏi thăm người bị tạm giam, tạm giữ
Thượng tá Đỗ Khắc Hồng (phải), Phó trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh thường xuyên hỏi thăm người bị tạm giam, tạm giữ

Với những cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo, để quản lý, cảm hóa giáo dục những người từng vi phạm pháp luật nghiêm trọng không phải là công việc nhẹ nhàng, đơn giản.

* Vất vả, nguy hiểm

Làm công tác quản giáo đã hơn 30 năm nên Trung tá Trịnh Cao Thiên, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại B5 Công an tỉnh cho biết, bản thân người làm công tác quản giáo phải có cái tâm với nghề và sự nhạy bén để có thể thấu hiểu từng hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân, nghi phạm từ đó có cách giáo dục cho phù hợp, tránh tình trạng xảy ra chống phá, thông cung, trốn trại, tự tử, tự sát trong trại.

Công việc của quản giáo thường xuyên phải đối diện với các tình huống khá căng thẳng và nguy hiểm khi tham gia khống chế, giữ các đối tượng quá khích đòi tự tử hoặc lên cơn nghiện ma túy.

Thượng tá Đỗ Khắc Hồng, Phó trưởng Trại B5 Công an tỉnh bộc bạch, làm công tác quản giáo phải giúp cho người bị giam, giữ tự nhận thức được lỗi lầm của bản thân, từ đó thực hiện cải tạo tốt để sớm quay về với gia đình.

Trung úy Vũ Trọng Phúc làm công tác quản giáo 10 năm cho biết, mỗi buổi sáng anh phải đi từng dãy buồng để mở phòng giam kiểm danh, kiểm diện nghi can, phạm nhân và không quên động viên họ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.

Trong một lần đi kiểm tra buồng giam, Trung úy Phúc nhận được thông tin phạm nhân V.T. (32 tuổi) đập đầu vào kính và la hét đòi tự tử. Trung úy Phúc kể lại: “Ngay lập tức tôi chạy đến buồng giam và cùng với mọi người đưa T. ra ngoài. Trong lúc hoảng loạn, T. chống cự rất dữ dội, thậm chí có hành động đánh lại lực lượng quản giáo. Tôi cùng mọi người đã cố gắng giữ không cho T. hủy hoại bản thân. Sau khi hỗ trợ về mặt sức khỏe cho T., tôi phải dành hẳn 1 ngày nói chuyện, động viên để T. bớt căng thẳng và ổn định tinh thần. Sau đó, T. đã dần hồi phục và bình tĩnh lại, yên tâm cải tạo”.

Trung tá Trần Quốc Hoàn, Quyền Đội trưởng Đội Hậu cần kiêm Bệnh xá trưởng Trại B5 Công an tỉnh (có gần 30 năm gắn bó với nghề) cho biết, điều nguy hiểm của những người làm công tác trong trại tạm giam không chỉ là sự chống đối của người bị giam, giữ mà còn dễ bị lây nhiễm bệnh: HIV, lao phổi, da liễu... từ những đối tượng này. Hơn nữa với những người nghiện ma túy thì hiện công tác cai nghiện trong trại tạm giam rất khó khăn do đội ngũ y, bác sĩ thiếu và cơ sở vật chất đã xuống cấp. 

“Dù có nhiều nguy hiểm, khó khăn, thử thách nhưng chúng tôi vẫn trực tiếp điều trị, chăm sóc các bệnh nhân, khích lệ họ vượt qua mọi hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật, cải tạo tốt, sớm về với gia đình” - Trung tá Hoàn bộc bạch.

Nói về các cán bộ quản giáo trong trại giam, bà D.T.H. (66 tuổi, ngụ xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa), đang thi hành mức án 7 năm tù về tội mua bán ma túy ở Trại B5 cho biết: “Khi mới vào trại, tôi bị chấn thương cột sống gãy 3 xương sườn nên cử động rất khó khăn. Hầu hết các sinh hoạt trong trại đều nhờ cán bộ quản giáo giúp đỡ và đội ngũ y, bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa. Tôi là phạm nhân mà họ còn giúp đỡ nhiều như thế nên tôi rất cảm động và biết ơn rất nhiều”.

* Cảm hóa bằng lòng bao dung

Nói về nghề quản giáo, Trung tá Trịnh Cao Thiên chia sẻ: “Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà còn có nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình”.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát công tác tạm giam, tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát công tác tạm giam, tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh

Với những người phạm tội mới bị đưa vào trại thường rất hoang mang và lo sợ, việc trấn an tinh thần cho họ là điều rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó cán bộ quản giáo phải có đạo đức và luôn gần gũi, động viên để nghi can, phạm nhân phấn chấn tinh thần, chấp hành nội quy của nơi giam giữ. Trung tá Thiên kể, có những người sau khi được cải tạo ra khỏi trại trở về địa phương sinh sống nhưng hằng năm vẫn quay lại cảm ơn lực lượng quản giáo vì đã giúp họ làm lại cuộc đời.

Như trường hợp anh V.Q. (ngụ huyện Định Quán, từng vướng vào tội cố ý gây thương tích). Sau khi mãn hạn tù, anh Q. đã trở về nhà chí thú làm ăn, đầu tư trồng cây ăn trái trên mảnh đất của cha mẹ cho. Sau khi có thu nhập ổn định từ vườn trái cây, anh Q. đã quay lại cảm ơn cán bộ quản giáo vì đã động viên anh trong quá trình cải tạo.

 Đặc biệt, đối với các tử tù, các quản giáo ở Trại B5 cũng khá vất vả để giúp họ trấn an tinh thần. Kể về những người tử tù cận kề cái chết, giọng Trung tá Bùi Quốc Hùng chùn xuống: “Những người bị kết án tử hình chẳng còn gì và cũng không có gì để mất nên họ thường đòi yêu sách hoặc la hét để giải tỏa hết những nỗi niềm vô vọng. Cũng chính vì thế mà những người tử tù thường muốn tự tử để giải thoát cho bản thân”.

“Chúng tôi thường xuyên phải nói chuyện, động viên tinh thần thì họ mới an tâm chấp hành tốt nội quy của nơi giam giữ. Sau khi được lực lượng quản giáo quan tâm, khuyên bảo thì họ dần hiểu ra vấn đề bản thân còn gia đình, vợ con nên chấp nhận bản án và khao khát được sống dù là ở trong tù” - Trung tá Hùng cho hay. 

Gắn bó với trại tạm giam đã hơn 30 năm nên Thượng tá Đỗ Khắc Hồng, Phó trưởng Trại B5 Công an tỉnh cũng đã trải qua nhiều nguy hiểm và vất vả trong công tác. Thượng tá Hồng cho biết, Ban giám thị tại trại tạm giam luôn tổ chức tốt mọi hoạt động và lĩnh vực giam giữ, quản lý, cải tạo và giáo dục phạm nhân. Công tác xét giảm án cũng được thực hiện công bằng, dân chủ, công khai và đạt hiệu quả cao. Lực lượng quản giáo luôn thực hiện đúng quy định pháp luật, vừa nghiêm khắc vừa mềm mỏng, luôn mang tính nhân đạo, nhân văn, giúp phạm nhân, nghi phạm, nghi can sớm trở về làm lại cuộc đời.

Tố Tâm

Tin xem nhiều