Báo Đồng Nai điện tử
En

"Xóm" vé số xa quê

09:06, 12/06/2019

Ở TP.Biên Hòa, người bán vé số có mặt khắp nơi từ quán nước, quán nhậu, nhà ga đến các con hẻm nhỏ đi sâu vào các khu dân cư. Nhiều người bán vé số từ các địa phương xa xôi về đây lập nghiệp với mong muốn có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng.

Ở TP.Biên Hòa, người bán vé số có mặt khắp nơi từ quán nước, quán nhậu, nhà ga đến các con hẻm nhỏ đi sâu vào các khu dân cư. Nhiều người bán vé số từ các địa phương xa xôi về đây lập nghiệp với mong muốn có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng.

Nhiều người bán vé số ở TP.Biên Hòa đều đã lớn tuổi
Nhiều người bán vé số ở TP.Biên Hòa đều đã lớn tuổi

Không ít người bán vé số là phụ nữ chấp nhận xa gia đình, rời quê vào đây mưu sinh, sống với nhau thành các “xóm” cùng làm công việc bán vé số. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng đều chịu thương chịu khó, mong có thu nhập ổn định, gửi về quê giúp gia đình, người thân và lo cho con học hành.

* Xa quê lập nghiệp

Xung quanh “xóm” vé số của bà Lê Thị Hậu (quê tỉnh Nghệ An) ở phường Trung Dũng có hơn chục người đến từ mọi tỉnh trên cả nước. Họ sống tạm trong các căn phòng trọ chật hẹp, thường thì 2-3 người/phòng với giá tiền từ 800 ngàn -1,2 triệu đồng.

Chị Hậu cho hay, cuộc sống ở quê nhà vất vả nên 15 năm nay chị một mình vào Đồng Nai kiếm sống. Từ làm phụ hồ, giúp việc nhà đến bán vé số, công việc nào chị cũng trải qua nhưng gắn bó lâu nhất vẫn là bán vé số. Trung bình mỗi tháng, chị Hậu gửi về quê 3 triệu đồng để trang trải tiền thuốc cho chồng bị bệnh nặng và tiền học cho con trai chuẩn bị bước vào lớp 5.

Chị Nguyễn Thu Ngọc (quê tỉnh Phú Yên, tạm trú phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết: “Chỉ khi ốm đau không thể bước ra đường chúng tôi mới chịu nằm yên. Những lúc này, chị em lại động viên nhau mau khỏi bệnh để còn lo cho con. Dù có vất vả mấy chúng tôi cũng chịu được, chỉ mong các con tốt nghiệp ra trường, kiếm được việc làm và có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Không những thế, chị Hậu còn giúp nhiều chị em ở cùng quê có hoàn cảnh khó khăn vào Đồng Nai đi bán vé số. Một số người chưa quen việc chị cho ở chung mà không phải trả tiền trọ, đến khi thu nhập khá thì có thể dọn ra riêng.

“Mấy năm nay, bệnh của chồng ngày càng nặng, đi lại khó khăn nên phải nhờ người thân ở quê chăm sóc. Cứ 3-4 tháng tôi lại khăn gói về quê một lần, ở lại phụ thuốc thang, cơm nước cho chồng con vài ngày rồi lại đi. Nhưng thấy con được học hành như các bạn đồng trang lứa, cực mấy tôi cũng ráng ” - chị Hậu xúc động nói.

Chị Trần Thị Phúc (cùng quê với chị Hậu) có dáng người mảnh khảnh, gương mặt sạm nắng trông có vẻ khắc khổ. Với giọng nói rặt xứ Nghệ Tĩnh, chị cho hay, ở quê cả nhà 4 người chỉ có 2 sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ gạo ăn. Mọi chi tiêu trong nhà theo kiểu mượn bên này, đắp bên kia nên mãi không thoát được cảnh nghèo túng. Muốn có đồng ra đồng vào lo cho con ăn học, cách đây 2 năm, sau nhiều đêm suy tính, chịn bạc rồi được chồng đồng thuận, chị quyết định theo chân người làng vào đây bán vé số dạo.

Chị Phúc kể, để giảm tối đa các chi phí phát sinh, nhóm đồng hương trong xóm gồm 3 chị em cùng thuê một phòng trọ rộng khoảng 15m2 với giá 1,2 triệu đồng, chia đều 400 ngàn đồng/người/tháng. Phòng trọ chủ yếu để ngủ qua đêm nên không đồ đạc gì đáng giá. Việc chi tiêu của mỗi người cũng hết sức tằn tiện để dành dụm tiền gửi về quê.

“Nếu bán lâu năm, có uy tín tạo được những mối quen có thể bán được hơn 300 tờ/ngày. Trung bình mỗi tờ vé số lời 1 ngàn đồng, trừ mọi chi phí sinh hoạt, sẽ tiết kiệm khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. So với ở quê thì đây là số tiền lớn. Chưa kể lấy vé của các đại lý khá giả, bán càng được nhiều sẽ được chia hoa hồng” - chị Phúc tâm sự.

* Mong tương lai tươi sáng

Nhiều năm nay, xung quanh Trường đại học Lạc Hồng (phường Bửu Long,  hình thành nên “xóm” bán vé số dạo. Trong đó, có không ít phụ huynh khăn gói theo con vào ở trọ gần trường, chọn mưu sinh bằng công việc bán vé số dạo vừa để chăm sóc, bảo ban chuyện học hành vừa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, lo tiền học phí cho con.

Chị Lê Thị Hậu (bìa phải) cùng các chị em làm nghề bán vé số dạo sau một ngày lao động vất vả tại phòng trọ ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa)
Chị Lê Thị Hậu (bìa phải) cùng các chị em làm nghề bán vé số dạo sau một ngày lao động vất vả tại phòng trọ ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa)

Mới chân ướt chân ráo vào Nam nhưng chị Lê Thị Duyên (quê tỉnh Bình Định, tạm trú phường Bửu Long) đã làm quen ngay với việc bán vé số vì được nhiều người trong “xóm” vé số gần Trường đại học Lạc Hồng giúp đỡ.

Mỗi ngày, chị Duyên dậy sớm bắt xe buýt ra khu vực Công viên 30-4 (phường Tân Biên) đi khắp nơi từ các cửa hàng, quán nước, hàng ăn để bán vé số. Những ngày ế khách, có khi đến tối mịt chị mới quay về nhà. Đi riết thành quen, đôi chân cũng trở nên cứng cáp dù phải cuốc bộ vài chục cây số mỗi ngày. Nếu may mắn không gặp trời mưa gió, mỗi ngày chị cũng bán được từ 200-250 tờ.

Chị Nguyễn Thu Ngọc (quê tỉnh Phú Yên, tạm trú phường Bửu Long) cho biết thêm, phần lớn phụ nữ làm công việc bán vé số ở trọ cùng chị đều đã có tuổi, ít vốn liếng nên khó xin làm công nhân hay mở tiệm buôn bán nhỏ. Với việc bán vé số, họ chỉ cần lấy công làm lời. Không bị áp lực bởi tuổi tác, sức khỏe. Hôm nào khỏe thì đi, hôm nào mệt thì nghỉ.

Tuy nhiên, đi bán vé số dạo cũng rất vất vả. Một ngày của những người làm công việc bán vé số dạo bắt đầu thức giấc từ mờ sáng, rồi tỏa đi khắp các ngõ hẻm, quán xá để mưu sinh. Tất cả chỉ trở về xóm trọ khi đêm đã khuya. Ngày mưa cũng như nắng, đối với họ không có khái niệm ngày nghỉ vì sợ mất mối khách quen.

Với những người hành nghề bán vé số dạo, đội nắng chang chang ngoài đường đã mệt, đội mưa còn mệt và khổ hơn. Ngày nào trời mưa, vé số không bán được nên ế ẩm, phải nhanh chóng trả lại cho đại lý trước 15 giờ mỗi ngày để không bị trừ tiền. Cuộc mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo tuy nhọc nhằn, cực khổ là thế nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề với mong muốn con của họ được học hành tới nơi tới chốn để có một tương lai tươi sáng hơn.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều