Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi ở Thống Nhất

09:06, 23/06/2019

Mặc dù một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi nhưng tại huyện Thống Nhất, "thủ phủ" chăn nuôi heo của tỉnh với 2,7 ngàn trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 313 ngàn con heo, vẫn bảo vệ được đàn heo an toàn trước dịch bệnh.

Mặc dù một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi nhưng tại huyện Thống Nhất, “thủ phủ” chăn nuôi heo của tỉnh với 2,7 ngàn trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 313 ngàn con heo, vẫn bảo vệ được đàn heo an toàn trước dịch bệnh.

Hố sát trùng trên đường do người dân ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) làm để khử trùng các xe ra vào trại chăn nuôi heo. Ảnh: V.NHUỆ
Hố sát trùng trên đường do người dân ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) làm để khử trùng các xe ra vào trại chăn nuôi heo. Ảnh: V.NHUỆ

Để có được kết quả trên, Công an huyện Thống Nhất đã cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương chủ động triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

* Nhiều cách làm hay

Đến các xã của huyện Thống Nhất vào thời điểm này, tại các hộ, trang trại chăn nuôi đều cổng đóng, then cài. Cổng ra vào và xung quanh trang trại đều phủ trắng những lớp vôi bột dày đặc.

Để phòng ngừa dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi của huyện Thống Nhất cũng đã cấp miễn phí hơn 4 ngàn lít thuốc sát trùng và hơn 180 tấn vôi bột cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện để sát trùng, tiêu độc.

Lý giải cho tình trạng này, ông Phạm Quốc Minh (ngụ ấp Nam Sơn, xã Quang Trung) cho biết, đó là một cách để ngăn chặn mầm bệnh của dịch tả heo châu Phi tấn công đàn heo khỏe mạnh. Trong “chiến dịch” phòng, chống dịch tả heo châu Phi, trang trại của ông Minh cũng như các trang trại và hộ chăn nuôi khác phải thường xuyên rắc vôi bột và xịt thuốc khử trùng hằng ngày, tuyệt đối không cho người ra vào tự do như trước mà chỉ được phép quan sát ở vòng ngoài từ xa. Nếu người ngoài thực sự cần thiết phải vào trang trại phải qua các lớp xịt thuốc sát trùng. Xe bắt heo cũng phải xịt thuốc sát trùng ngoài ngõ để khô xe mới cho vào trang trại. Nhờ đó, đàn heo thịt hơn 200 con của ông Minh vẫn an toàn vượt qua dịch bệnh.

Tuy không nuôi nhiều heo như ông Minh, nhưng ông Trần Hữu Trung (ngụ ấp Long Đức 2, xã Gia Tân 2) cũng nuôi gần 50 con heo nái, heo thịt và heo con. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn an toàn sinh học và áp dụng VietGAP, cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương trong việc tập huấn nâng cao nhận thức phòng, chống dịch tả heo châu Phi, ông Trung đã tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh và thực hiện nghiêm ngặt nội quy ra vào chuồng. Do vậy, mặc dù dịch bệnh bùng phát ở các địa bàn giáp ranh với huyện Thống Nhất, nhưng đàn heo nhà ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Không chỉ áp dụng kiến thức, kinh nghiệm làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh ở đàn heo nhà mình, ông Trung còn chủ động đề đạt với chính quyền địa phương xây hố chứa nước sát trùng trên đoạn đường thường xuyên có phương tiện ra vào địa bàn xã để phun xịt các xe, ngăn chặn dịch bệnh lan vào chuồng, trại chăn nuôi heo. Ông Trung tự đứng ra vận động các hộ chăn nuôi đóng góp kinh phí để làm hố chứa nước, chính quyền địa phương hỗ trợ thuốc sát trùng.

Những hộ chăn nuôi, chủ trang trại heo trên địa bàn huyện Thống Nhất đều áp dụng cách làm như ông Minh và ông Trung nên đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Thống Nhất chưa phát hiện bất cứ ổ dịch tả heo châu Phi nào.

* Phòng dịch hơn chống dịch

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi huyện Thống Nhất cho hay, quan điểm của huyện phòng dịch hơn chống dịch. Do đó, ngay từ khi có dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, Đội kiểm tra liên ngành của huyện đã tăng cường kiểm tra tất cả các lò giết mổ heo trên địa bàn huyện; tuyên truyền đến các hộ thương lái, người có trách nhiệm chính trong trang trại; thường xuyên kiểm tra các hộ chăn nuôi, sông suối đề phòng vứt heo bệnh bệnh, heo chết...

Ông Trần Hữu Trung (ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) rắc vôi bột sát trùng xung quanh chuồng nuôi heo. Ảnh: V.NHUỆ
Ông Trần Hữu Trung (ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) rắc vôi bột sát trùng xung quanh chuồng nuôi heo. Ảnh: V.NHUỆ

Theo Trung tá Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Thống Nhất, kết quả có được là sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, các chủ trang trại và hộ chăn nuôi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng ngừa dịch bệnh. Các lực lượng của Công an huyện đã phối hợp cùng các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng dịch; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

 Công an huyện đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 4 vụ/4 đối tượng vi phạm về vệ sinh thú y, tịch thu tiêu hủy gần 1 tấn thịt heo, xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, sau khi nghe thông tin bà Đào Thị Mộng Thu (ngụ xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) vận chuyển 120kg thịt heo nhiễm virus dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, bị lực lượng chức năng huyện Nhơn Trạch bắt giữ, Công an huyện Thống Nhất liền cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra điểm giết mổ heo tại nhà bà Thu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 1 con heo còn sống và 1 bộ lòng heo nên tiến hành tổ chức tiêu hủy; đồng thời triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi của gia đình bà Thu và các khu vực lân cận nhằm ngăn ngừa không để dịch bệnh lây lan.

Trung tá Nguyễn Văn Lý cho rằng, đến nay huyện Thống Nhất chưa để xảy ra dịch tả heo châu Phi là một tín hiệu rất đáng mừng, nhưng không vì vậy mà chủ quan, bởi lẽ hiện vẫn còn số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thờ ơ với dịch bệnh. Mặt khác, huyện có nhiều cửa ngõ thông thương với nhiều huyện giáp ranh nhưng chỉ có duy nhất một chốt kiểm dịch cố định nên đối tượng vận chuyển heo sẽ lợi dụng để trốn chốt, tiềm ẩn nguy cơ dịch tả xâm nhập vào địa bàn.

Do vậy, để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch, ngoài phát huy những biện pháp đã làm như trong thời gian qua, các ngành chức năng ở địa phương cũng đề xuất kiến nghị lập thêm chốt kiểm dịch cơ động và hỗ trợ kịp thời kinh phí cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Huyện Thống Nhất cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn thừa của các quán cơm hoặc thu gom của công nhân trong các công ty về cho heo ăn, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện.

Văn Nhuệ

Tin xem nhiều