Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng cứu chữa cho bệnh nhân phong

09:03, 18/03/2019

Tại Khoa điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai có một khu nội trú dành cho bệnh nhân phong. Điều đặc biệt của khoa này là phần lớn bệnh nhân đều  chọn ở hẳn trong bệnh viện để tiện bề chữa trị và không muốn gia đình, người thân bị ảnh hưởng vì căn bệnh của mình.

Tại Khoa điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai có một khu nội trú dành cho bệnh nhân phong. Điều đặc biệt của khoa này là phần lớn bệnh nhân đều chọn ở hẳn trong bệnh viện để tiện bề chữa trị và không muốn gia đình, người thân bị ảnh hưởng vì căn bệnh của mình.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Trưởng khoa Điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân phong
Bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Trưởng khoa Điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân phong

Nhiều năm nay, một số bệnh nhân xem Khoa Điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai là nhà, các bác sĩ, nhân viên của khoa là người thân. Có bệnh nhân đã sống tại bệnh viện hơn 30 năm.

* Xem bệnh viện là nhà

Bệnh nhân gắn bó với bệnh viện lâu nhất là bà D.T.Tr. (68 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế). Bà Tr. cho biết, vào khoảng năm 1988, bà tốt nghiệp Trường đại học tổng hợp Hà Nội với bao hoài bão, ước mơ. Đùng một cái, bà phát hiện mình bị bệnh phong khiến cuộc đời rơi vào bi kịch.

Bệnh viện da liễu Đồng Nai đang quản lý và chữa trị cho 277 bệnh nhân phong, trong đó có 8 bệnh nhân đang được đa hóa trị liệu, 27 bệnh nhân đã điều trị và chuyển sang giai đoạn giám sát (3-5 năm), số còn lại là những bệnh nhân ngừng giám sát và chăm sóc tàn tật.

“Ngày trước khi nói đến bệnh phong cùi ai nấy đều sợ hãi và tránh thật xa. Khi đó cha đem tôi trốn vào rẫy sâu để không ai biết tôi bị bệnh và tôi chỉ còn chờ chết từng ngày. Tâm trạng đó thật kinh khủng. Sau đó cha tôi lặn lội đi hỏi cơ sở y tế địa phương thì biết được Bệnh viện da liễu Đồng Nai mới mở và điều trị bệnh phong nên cha đem tôi đi chữa, rồi ở mãi cho đến bây giờ” - bà Tr. bộc bạch.

Ngày ấy bà Tr. đến với Bệnh viện da liễu Đồng Nai duy nhất chỉ có một bộ đồ đã cũ trên người và đôi chân, bàn tay đang hoại tử. Rồi đến một ngày, khi cha bà đến thăm con gái chưa kịp quay về thì bị đột quỵ ngay tại bệnh viện. Trước hoàn cảnh của bà Tr., các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đứng ra lo mai táng cho cha bà. Từ đó đến nay đã 31 năm bà xem bệnh viện cũng là nhà.

Vừa rời khỏi phòng bệnh của bà Tr., chúng tôi đi ra ngoài hành lang của Khoa Điều trị phong thì gặp ông K’T.  (60 tuổi, ngụ huyện Định Quán) đang đẩy xe lăn đi dạo. Ông K’T. cho biết, khi mới 20 tuổi thì ông phát hiện mình bị bệnh và lúc ấy cũng mới lấy vợ chưa đầy 1 năm. Biết ông bị bệnh, mọi người thân đều không ai dám lại gần, thậm chí vợ cũng bỏ ông đi.

“Nói đến bị phong là ai cũng hắt hủi nên tôi đâu dám đi bác sĩ. Mà lúc đó có đi bác sĩ cũng không giải quyết được gì vì chưa có thuốc chữa. Nghĩ cuộc đời mình sẽ chết sớm nên tôi phó mặc cho số phận” - ông T. kể lại.

Khi bị cơn đau hành hạ dữ dội, ông được người thân đưa đến Bệnh viện da liễu Đồng Nai chữa trị và ở lại đến nay đã hơn 20 năm. Ông T. tâm sự : “Bệnh viện cho tôi biết thế nào là nhà, thế nào là tình thân và ở đây dù có đau đớn về bệnh tật, có buồn về phận đời mình, có chán nản khi bị gia đình bỏ rơi thì tôi vẫn luôn được mọi người động viên để sống tốt hơn, lạc quan hơn”.

* Chữa trị bằng cả tấm lòng

Cứ mỗi sáng, bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Trưởng khoa Điều trị phong Bệnh viện da liễu Đồng Nai lại đi một vòng các phòng bệnh để khám và thăm hỏi bệnh nhân rất ân cần. Vị bác sĩ có 24 năm chữa trị cho bệnh nhân phong luôn tâm niệm, các bệnh nhân điều trị di chứng phong là người thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm nên ông muốn dành nhiều thời gian điều trị, quan tâm thăm hỏi để bù đắp phần nào nỗi đau mà bệnh nhân đang gánh chịu.

Nhiều bệnh nhân phong coi Bệnh viện da liễu Đồng Nai như là nhà. Ảnh: T.TÂM
Nhiều bệnh nhân phong coi Bệnh viện da liễu Đồng Nai như là nhà. Ảnh: T.TÂM

Tốt nghiệp Trường đại học y Hà Nội, thay vì chọn bệnh viện lớn để làm việc đúng chuyên ngành thì bác sĩ Ba lại cống hiến cả sự nghiệp của mình cho bệnh nhân phong. Nói về ngã rẽ trong nghề nghiệp, bác sĩ Ba cho biết:  “Lúc mới nhận nhiệm vụ này tôi cũng có chút e ngại. Ngại vì mình không học chuyên ngành chữa trị bệnh phong và bệnh này cũng chưa có thuốc điều trị. Trước đây, bệnh nhân phong còn bị xã hội kỳ thị. Thế nhưng cứ nghĩ ai cũng chọn nơi tốt để làm thì ai sẽ chữa trị cho bệnh nhân phong nên tôi quyết định ở lại Bệnh viện da liễu Đồng Nai chữa bệnh cho tới nay”.

Theo bác sĩ Ba, biểu hiện ban đầu của bệnh phong là trên da xuất hiện các mảng màu lạ và tại vị trí đó hoàn toàn mất cảm giác. Khi chưa có thuốc chữa trị, bệnh nhân phong bị hoại tử dần từng bộ phận trên cơ thể và chỉ nằm chờ chết.  Nhưng hiện nay đã có thuốc đặc trị được cấp hoàn toàn miễn phí nên nếu phát hiện bệnh sớm thì bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoàn toàn. “Trong nhiều năm qua chúng tôi chứng kiến quá nhiều bệnh nhân đến đây nhưng hầu hết đều quá muộn nên không trị dứt điểm cho họ được” - bác sĩ Ba cho biết.

Điều nghịch lý nhất chính là thay vì người bệnh tự tìm đến bác sĩ để điều trị thì với bệnh nhân phong họ vì sự kỳ thị của xã hội nên thường che giấu bệnh. Thế nên mỗi lần các bác sĩ đến nhà thuyết phục người bệnh đi chữa trị đều bị xua đuổi, thậm chí là hành hung.

Bác sĩ Hồ Hùng Dũng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện da liễu Đồng Nai cho biết, dù bệnh phong đã được chữa khỏi bằng thuốc nhưng người dân vẫn còn kỳ thị khiến bệnh nhân mặc cảm. Theo bác sĩ Dũng, bệnh phong rất khó lây, do chỉ lây qua đường nhiễm dịch nên khả năng lây không cao. Quan trọng là trong quá trình điều trị, người bệnh tự vệ sinh sạch sẽ, biết cách chăm sóc bản thân tùy theo từng mức độ bệnh. Khi điều trị, bệnh nhân sẽ được đa hóa trị liệu. Đến quá trình giám sát thì bệnh nhân tự chăm sóc cơ thể và bác sĩ sẽ tổ chức thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề phát sinh khác.

Bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện da liễu Đồng Nai cho biết, hiện nay số bệnh nhân phong ngày càng giảm nhưng họ vẫn bị di chứng rất nặng nên việc chăm sóc và điều trị gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng nhất là nếu xã hội cùng chung tay và không còn sự kỳ thị đối với bệnh nhân phong thì cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp và lạc quan hơn rất nhiều.          

Tố Tâm

Tin xem nhiều