Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân làm thêm sau giờ tan ca

10:03, 27/03/2019

Sau giờ tan ca, thay vì về phòng trọ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì không ít công nhân lại vất vả với công việc mưu sinh khác vì mong muốn cải thiện thu nhập.

Sau giờ tan ca, thay vì về phòng trọ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì không ít công nhân lại vất vả với công việc mưu sinh khác vì mong muốn cải thiện thu nhập.

Chị Hà Thị Trang (quê tỉnh Thanh Hóa) kiếm thêm tiền từ phụ việc tại các vựa ve chai, giúp việc nhà
Chị Hà Thị Trang (quê tỉnh Thanh Hóa) kiếm thêm tiền từ phụ việc tại các vựa ve chai, giúp việc nhà

Đối với những công nhân này, họ chỉ có mong muốn rất đơn giản là làm sao có sức khỏe vừa đảm bảo công việc ở công ty, vừa có thể làm thêm một công việc khác sau giờ tan ca để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Để làm được điều này, họ đã phải cố gắng rất nhiều.

* Đủ nghề… “tay trái”

Chị Hà Thị Trang (quê tỉnh Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, chị nhận giúp việc nhà theo giờ cho một gia đình ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa). Công việc khá vất vả, chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa mỗi tuần 4 lần, mỗi lần làm khoảng 2 giờ. Những ngày đầu tuần, công việc diễn ra từ 17-19 giờ, cuối tuần thì chuyển sang buổi sáng.

Hiện nay, đa số công nhân là lao động nhập cư ở trọ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để có thêm tiền trang trải chi phí cho đời sống, nhiều công nhân xa quê không ngại vất vả làm thêm sau giờ làm ở công ty, cố gắng bám trụ mưu sinh khi mức lương còn thấp và chưa ổn định.

Từ khi có việc làm thêm, thu nhập của chị mỗi tháng được tăng lên gần 2 triệu đồng, chưa kể những ngày lễ còn được chủ nhà bồi dưỡng thêm. Làm việc này không phải thấp thỏm như các đồng nghiệp khác bán hàng rong ở vỉa hè, chỉ cần siêng năng, cẩn thận và giữ uy tín là được. Nhưng một khi đã bắt tay vào việc thì phải làm việc liên tục, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

“Sau khi tan ca mà không được nghỉ ngơi cũng mệt lắm nhưng cuộc sống còn nhiều thứ phải lo, chỉ có đồng lương công nhân chi tiêu không đủ nên tôi phải kiếm thêm việc làm. Miễn có thu nhập và việc làm chính đáng là tôi làm. Những lúc không ai thuê làm việc nhà, tôi còn xin vào các vựa ve chai để phân loại hàng, ít khi chịu ngồi yên một chỗ” - chị Trang bộc bạch.

Cũng như chị Trang, một số công nhân cho biết ai chẳng muốn đi làm ở công ty về được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, mức lương thấp không thể không làm thêm. Một số văn phòng dịch vụ việc làm gần các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa còn giới thiệu cho công nhân nhiều việc làm thời vụ.

Với anh Hoàng Ngọc Bình (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), công nhân sửa chữa điện tử, điện lạnh, ngoài công việc của công ty, ngày cuối tuần anh được một cửa hàng điện máy nhận đi bảo trì, sửa chữa và lắp đặt hệ thống điện lạnh tại nhà khách hàng. Công việc cho thu nhập khá, nhưng đòi hỏi phải có tay nghề chuyên môn.

Anh Bình cho hay, hiện nay vợ anh phải nghỉ công ty để ở nhà chăm sóc con nhỏ. Kinh tế của gia đình hoàn toàn do anh lo liệu. Nếu không làm thêm thì tiền lương của anh không đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình 4 người. “Tăng ca” những ngày nghỉ là việc cực chẳng đã, nhưng với công nhân đó là cách để tăng thêm thu nhập, nhất là với những ai đã có gia đình, phải ở trọ.

“Nghề bảo trì, sửa chữa điện lạnh thu nhập không đều, chủ yếu đắt khách vào mùa nóng nên từ sau tết đến nay tôi có việc thường xuyên. Cuối tuần nào tôi cũng đi làm thêm, có thu nhập gần bằng với lương ở công ty đủ để đóng tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước. Nhờ vậy mà cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn” - anh Bình tâm sự.

* Vượt qua khó khăn

Nhiều công nhân cho biết, thời điểm đầu năm các công ty thường ít việc, công nhân được cho về sớm hơn cũng là lúc nhiều người tìm việc làm ngoài giờ. Chưa kể hiện nay, nhiều nơi chủ nhà trọ bắt đầu tăng giá cho thuê phòng, tiền điện lên mức giá mới nên cuộc sống của họ vốn vất vả càng thêm khó khăn.

Anh Nguyễn Trọng Tuấn (bên phải) cùng nhóm bạn của mình tranh thủ chạy xe ôm công nghệ vào những ngày nghỉ, dịp cuối tuần
Anh Nguyễn Trọng Tuấn (bên phải) cùng nhóm bạn của mình tranh thủ chạy xe ôm công nghệ vào những ngày nghỉ, dịp cuối tuần

Khoảng hơn 1 tháng nay, anh Nguyễn Trọng Tuấn (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cùng người bạn của mình kiếm thêm thu nhập bằng nghề chạy xe ôm công nghệ (GrabBike). Tuổi trẻ, cộng với khoảng thời gian rảnh rỗi những dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ nên 2 người thử sức với công việc mới.

Theo anh Tuấn, công việc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến thời gian làm việc ở công ty nên anh đã đi làm để có thêm thu nhập trang trải chi tiêu cá nhân. Thời điểm cuối tuần cũng là lúc khách đi xe ôm công nghệ nhiều nên mỗi ngày có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng. Đến nay, sau khi đã quen việc, buổi tối anh Tuấn còn nhận đi giao hàng thêm.

“Chạy xe ôm công nghệ không bó buộc về thời gian, rảnh lúc nào cũng có thể tham gia được. Do còn đi làm ở công ty nên tôi chọn cho mình những cuốc xe gần, loanh quanh khu vực TP.Biên Hòa và các huyện lân cận chứ không đi xa. Đây chỉ là công việc phụ, không tốn nhiều thời gian và công sức nên hy vọng sẽ gắn bó lâu dài” - anh Tuấn nói.

Chỉ mới đến Đồng Nai gần 1 năm, mức lương chưa cao nên khi được anh Tuấn rủ chạy GrabBike, anh Trần Văn Nhân (quê tỉnh Nghệ An) quyết định thử sức. Lúc đầu anh cũng ngại, vì ngày nghỉ bạn bè ai nấy đều đi chơi, tổ chức ăn nhậu còn mình phải đi làm. Nhưng nghề phụ không phải bỏ vốn, chỉ cần bản thân chịu khó một tí cũng có thu nhập nên anh gắn bó đến nay.

“Một tháng, tôi có thêm thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng đủ để chi trả tiền thuê trọ. Tiền lương làm công nhân được tích góp để gửi về quê phụ giúp gia đình. Hiện nay công nhân lâu năm có mức lương ổn định còn đỡ, nhưng công nhân trẻ sẽ rất khó khăn, nếu không chịu khó và cố gắng thì cuộc sống rất chật vật” - anh Nhân tâm sự.      

Dương Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích