Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên mọi nẻo đường quê

10:01, 25/01/2019

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, không khí đón xuân của người dân hiện diện rất rõ trên những tuyến đường quê thời nông thôn mới sạch sẽ, khang trang, rực rỡ cờ hoa.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, không khí đón xuân của người dân hiện diện rất rõ trên những tuyến đường quê thời nông thôn mới sạch sẽ, khang trang, rực rỡ cờ hoa.

Những vườn bưởi trĩu quả của nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) chuẩn bị bán tết
Những vườn bưởi trĩu quả của nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) chuẩn bị bán tết

Xuân năm nay, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) bừng lên sức sống nông thôn mới. Tuy là địa phương đạt nông thôn mới muộn nhất trong tổng số 133 xã của tỉnh nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Sơn vẫn tự hào vì cuối cùng họ đã “vượt lên chính mình” trong điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

* Chộn rộn đón xuân

Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho biết, tết năm nay xã Thanh Sơn đã có nhiều nét mới khi vừa về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018. Đó là số hộ nghèo giảm còn dưới 50 hộ (dưới 1% dân số), các tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy” nhanh chóng được bê tông hay xi măng hóa, thu nhập từ nông nghiệp tăng, thương mại - dịch vụ phát triển.

Ông Tòng Văn Út (người dân tộc thiểu số Chơro ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới đã thay đổi được tư duy trong trồng trọt của đồng bào dân tộc thiểu số Chơro. Bà con biết chuyển đổi sang trồng những loại cây có năng suất cao, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên có thu nhập ngày càng cao hơn”.

“Sau khi được tỉnh công nhận đạt nông thôn mới, bán đảo Thanh Sơn có thêm động lực, sức bật, sự quan tâm để hướng tới nông thôn mới nâng cao và khai thác lợi thế về quỹ đất, điều kiện tự nhiên, sức dân còn bỏ ngỏ” - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn bộc bạch.

Cũng ở vùng sâu, vùng xa, bà con vùng bến cá Bến Nôm (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) đang chộn rộn đón xuân. Nhiều ghe, xuồng của bà con được sơn sửa, trét dầu chai nhìn như đóng mới. Ngư dân Ba Đỉnh ôm mấy tay lưới mới xuống chiếc xuồng máy để chờ trời nổi gió Nam thì cùng vợ rời bờ đi đánh bắt cá. Mùa xuân là mùa cá trẻm, cá trắm, lóc, rô phi... sinh trưởng ở nhiều nơi trong lòng hồ Trị An. Do đó, những ngư dân làm nghề chài lưới ở Bến Nôm tranh thủ con nước ngày xuân đánh bắt cho đến ngày 28 tháng Chạp mới nghỉ ngơi.

Ông Ba Đỉnh vui vẻ cho biết, mấy chục năm bám lòng hồ Trị An làm nghề, ông rất tỏ tường con nước, con cá ngày xuân. Ngày xuân nước trong xanh, cá, tôm càng thêm “nhát” lưới nên khó đánh bắt. Bù lại giá trị cá, tôm những ngày gần tết cao hơn ngày thường nên các ngư dân vẫn tranh thủ đi đánh bắt để kiếm thêm thu nhập ăn tết. “Dù lượng thủy sản ở hồ Trị An không còn nhiều so với những năm về trước nhưng do giá cả bán ra luôn ở mức cao, nếu chịu khó đánh bắt cá, các ngư dân ở đây vẫn sống khỏe” - ông Ba Đỉnh chia sẻ.

* Niềm vui đổi mới

Càng gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ở các vùng quê, khu định canh - định cư của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng nô nức mong chờ xuân mới với hy vọng mùa vụ thu hoạch đạt năng suất cao. Nhờ chuyển đổi giống cây trồng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trong tỉnh ngày càng nâng cao. Bà con ngày càng chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Làng hoa ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) của người dân tộc thiểu số Chơro đang chuẩn bị thu hoạch bán tết
Làng hoa ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) của người dân tộc thiểu số Chơro đang chuẩn bị thu hoạch bán tết

Điển hình như người Khmer ở ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) nhờ chuyển từ trồng hoa màu sang trồng cây thuốc lá vào vụ đông - xuân nên cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Cây thuốc lá được nông dân Khmer ở ấp Võ Dõng 3 trồng trên những đồi đá từ tháng 9 (Dương lịch), đến tháng 12 thì cây thuốc lá cho thu hoạch và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nhờ những vụ thuốc lá, nông dân Khmer ở ấp Võ Dõng 3 có cuộc sống, việc làm tốt hơn ở quê nhà (tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng).

Nhìn ra vườn cây thuốc lá xanh tốt, nông dân Thạch Khen tâm sự, đồng bào Khmer ở đây có được Tết Nguyên đán của người Việt và tết cổ truyền của người Khmer vui hay buồn đều trông vào vụ thuốc lá. Năm nay, cây thuốc lá được mùa nên bà con rất phấn khởi, hứa hẹn đón một cái tết sung túc, đủ đầy hơn.

Tương tự, đời sống người dân tại các khu định cư của đồng bào Chơro, Tày, Nùng, Khmer ở ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh) cũng ngày càng ổn định hơn. Trải qua 71 mùa xuân định cư nơi vùng rừng Bàu Trâm, già làng Thổ Đực cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất và đồng bào Chơro theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Già làng Thổ Đực bộc bạch:  “Việc xây dựng nông thôn mới, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ trồng hoa màu sang trồng cây ăn trái đã giúp các khu định cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bàu Trâm sung túc, văn minh và phát triển hơn. Mùa xuân này, lòng già vui và sung sướng nhất khi trong ấp, xã không còn hộ Chơro nào thuộc diện hộ nghèo, nhà tạm bợ, thiếu việc làm”.

Cũng nhờ biết chuyển đổi cây trồng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) cũng ngày càng phát triển. Trước đây, đồng bào Chơro chỉ quen du canh - du cư trồng lúa, hoa màu để kiếm cái ăn. Hiện nay, vào vụ đông - xuân, người Chơro đã biết trồng thêm hoa bán tết, biết các kỹ thuật canh hoa ra đúng dịp tết để có thu nhập cao hơn.Vùng hoa ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường  rộng gần 20 hécta đang rực rỡ dưới nắng xuân và chờ ngày thu hoạch.

Xuân nào cũng vậy, sau khi thu hoạch xong bắp, đậu, ông Tòng Văn Út (người dân tộc thiểu số Chơro) đều làm đất, xuống giống 3 sào hoa: thọ, lay ơn, cúc. Ông Út tâm sự, trước đây vào mùa đông - xuân trồng trọt khó khăn do thiếu nước, nếu có trồng cũng cho năng suất không cao. Nhờ chuyển đổi sang trồng hoa vào mùa đông xuân, thu nhập của nông dân trong những ngày tết tăng cao.

Càng cận kề thời điểm kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới, các nẻo đường nông thôn đều bừng lên sắc xuân với nhiều nhà mới xây khang trang, sạch đẹp; cờ hoa, bảng hiệu chúc mừng năm mới Kỷ Hợi 2019 “an khang, thịnh vượng” rực rỡ. Phấn khởi hơn, khi người dân ở các vùng nông thôn tôi ghé thăm đều bày tỏ niềm tin vào chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đã giúp cho đời sống người dân vùng quê ngày càng nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách thành thị với nông thôn, có cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc hơn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều