Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn nạn ăn xin

09:01, 09/01/2019

Đến hẹn lại lên, tình trạng ăn xin ở TP.Biên Hòa và một số địa phương lân cận lại xuất hiện tràn lan vào những ngày cuối năm. Trên các tuyến đường, khu vực dừng chờ đèn giao thông, tình trạng người lớn, trẻ nhỏ dắt díu, bồng bế nhau xin tiền người đi đường lại xuất hiện nhan nhản.

Đến hẹn lại lên, tình trạng ăn xin ở TP.Biên Hòa và một số địa phương lân cận lại xuất hiện tràn lan vào những ngày cuối năm. Trên các tuyến đường, khu vực dừng chờ đèn giao thông, tình trạng người lớn, trẻ nhỏ dắt díu, bồng bế nhau xin tiền người đi đường lại xuất hiện nhan nhản.

Trẻ em ăn xin liên tục đeo bám người đi đường gây ra tình trạng giao thông, mất an toàn.
Trẻ em ăn xin liên tục đeo bám người đi đường gây ra tình trạng giao thông, mất an toàn.

Trước đây, chỉ có vài người chầu chực ở các ngã đường, khu đông người qua lại để “hành nghề” thì dịp cuối năm lực lượng này đông hơn hẳn. Nhiều trẻ em liên tục đeo bám người đi đường để xin tiền, gây nên cảnh nhếch nhác, lộn xộn và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

* Nở rộ cuối năm

Tại khu vực ngã tư Tân Phong, vào các buổi chiều tối có một số người tụ tập để ăn xin. Trong đó có một nhóm 2-3 trẻ em bất chấp lưu lượng xe cộ đông đúc ở khu vực này, chạy phăng phăng ra đường để xin tiền. Tại khu vực này còn có một cụ bà (khoảng 70 tuổi) cầm tập vé số mời khách nhưng lâu lâu lại bật máy mở nhạc rồi chìa nón ra xin tiền người đi đường.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Việc giải quyết dứt điểm tình trạng người ăn xin hiện nay còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều đối tượng không thừa nhận việc chăn dắt trẻ em làm đối tượng ăn xin nên rất khó để xử lý”.

Quốc lộ 1 đoạn qua ngã tư Amata lâu nay trở thành nơi lui tới, tụ tập nhộn nhịp của những người chuyên hành nghề “cái bang”. Hình ảnh quen thuộc tại đây là những đứa trẻ đen nhẻm, tóc cháy vàng vai đeo túi hoặc một người phụ nữ ốm yếu bế trẻ nhỏ trên tay, liên tục len lỏi giữa dòng người dừng chờ đèn đỏ ngửa nón xin tiền. Thậm chí, nhiều người còn gõ cửa các xe ô tô nài nỉ cho tiền.

“Chị ơi, tôi ở dưới quê mới lên, con bị bệnh không có tiền mua thuốc, nó khóc suốt, xin thương giùm, giúp đỡ chút đỉnh” - thiếu phụ trẻ trong bộ quần áo luộm thuộm đẩy đứa trẻ về phía người phụ nữ đang dừng xe chờ đèn đỏ. Không được cho tiền, người này ôm đứa bé sang níu tay người khác, dưới cái nóng bức giữa trưa nắng gắt. Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, có hơn chục người đi đường cho tiền người phụ nữ này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhóm người ăn xin ở khu vực ngã tư Amata sau khi hành nghề xong, khoảng 19-20 giờ lại dắt nhau hướng về cầu Suối Linh, cách đó vài trăm mét để về nhà nghỉ ngơi. Ngoài cách ẵm con nhỏ, kéo theo mấy đứa trẻ 5-7 tuổi, họ còn đẩy xe có người khuyết tật, trẻ bị bệnh não úng thủy đi xin. Khu vực hành nghề cũng được thay đổi liên tục để lợi dụng lòng tốt của nhiều người đi đường. Lúc thì đứng vạ vật tại các ngã đường ở trung tâm TP.Biên Hòa, lúc lại dạt ra các tuyến đường vùng ven trên quốc lộ 1, quốc lộ 51…

“Chủ yếu là người già, trẻ em, thậm chí mấy đứa bé chỉ 1-2 tuổi cũng được người lớn bế đi ăn xin thấy rất đáng thương. Tôi cho tiền rồi và còn về nhà lấy quần áo, đồ ăn đem ra khu vực ngã tư Amata để cho nhưng không thấy nữa. Trên đường trở về, lại thấy nhóm người đó, cả già lẫn trẻ đã ngồi xin tiền ở khu vực ngã tư Tân Phong” - bà Võ Ngọc Hạ (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết.

* Khó quản lý người ăn xin?

Điều khiến nhiều người đi đường thực sự khó chịu là tình trạng “cái bang” chây ỳ. Tại các nút giao có đèn tín hiệu giao thông, khi đèn đỏ họ bám theo xin tiền người đi đường cho bằng được, đến khi đèn chuyển sang tín hiệu xanh mới chịu buông tha. Nhiều người đi đường do bị đeo bám mãi đành phải cho tiền để khỏi bị làm phiền.

Nhóm người ăn xin tại khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa).
Nhóm người ăn xin tại khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa).

Việc xuất hiện của những người ăn xin tại các ngã tư hoặc nút giao thông phức tạp, có đông người qua lại đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông trên đường, gây mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Thắng (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) kể lại, cách đây gần 1 tháng, ông suýt gây ra tai nạn giao thông vì người ăn xin từ bên đường lao thẳng ra trước đầu xe. Lúc đó ông đang lái ô tô trên quốc lộ 1, chuẩn bị dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bồn Nước thì 2 đứa trẻ tạt ngang đầu ô tô. Theo quán tính, ông đã thắng gấp và may mắn không tông vào người ăn xin. “Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến người chạy xe, nhất là những ai lái xe ô tô khó xử lý kịp. Từ đó trở đi, nếu đến các khu vực thường có người ăn xin là tôi đều quan sát kỹ để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc” - ông Thắng bộc bạch.

Tương tự, tại khu vực Mũi Tàu đi vào quốc lộ 51A và 51B và ngã ba vào Khu công nghiệp Long Thành, thuộc địa bàn xã An Phước (huyện Long Thành) cũng thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em ăn xin. Nguy hiểm nhất là khi đèn tín hiệu giao thông chưa chuyển sang đèn đỏ nhưng các em nhỏ đã lao ra đường xin tiền, trong khi các xe ô tô lưu thông trên quốc lộ thường với tốc độ cao, nguy cơ tai nạn luôn rình rập.

Hiện nay, theo các cơ quan chức năng, đối tượng xin ăn xuất hiện trên địa bàn TP.Biên Hòa chủ yếu là người ở nơi khác đến (chiếm tới 80-90%). Phần lớn những người này đều có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng cũng có một số không chịu lao động lại muốn có thu nhập. Trong đó, không ít đối tượng có hành vi ăn xin tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng người xin ăn bắt đầu xuất hiện và tăng dần với đủ hình thức, mánh khóe nhằm tránh các lực lượng chức năng và xin tiền người đi đường. Một số người còn giả người bệnh, bán vé số, tăm bông, lợi dụng trẻ em để xin ăn.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, lâu nay Sở Lao động - thương binh và xã hội đều phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý người ăn xin trên địa bàn Đồng Nai.

Các đối tượng sau khi được làm việc, nếu là những người vô gia cư, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ đưa về Trung tâm bảo trợ người già, người khuyết tật và người tâm thần tỉnh; nếu xác định được nơi cư trú thì trả về địa phương. Nhiều trường hợp sau khi được ngành chức năng làm việc xong, tổ chức giao về cho địa phương nhưng chỉ vài sau vài ngày đã thấy họ xuất hiện. Vì thế người ăn xin vẫn còn xảy ra tràn lan...

Võ Nguyên

Tin xem nhiều