Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đất ấm tình người

10:01, 20/01/2019

Khi mới đến Christchurch, điều làm tôi ngạc nhiên là ở Trường đại học Lincoln nơi tôi theo học có khá đông những anh chị người Việt Nam đang theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại đây. Đa phần các anh chị đều có học bổng từ Việt Nam hoặc của Chính phủ New Zealand.

[links()]Khi mới đến Christchurch, điều làm tôi ngạc nhiên là ở Trường đại học Lincoln nơi tôi theo học có khá đông những anh chị người Việt Nam đang theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại đây. Đa phần các anh chị đều có học bổng từ Việt Nam hoặc của Chính phủ New Zealand.

Du học sinh và cộng đồng người Việt ở Christchurch họp mặt dịp lễ Giáng sinh 2018 Ảnh: Q.HUY
Du học sinh và cộng đồng người Việt ở Christchurch họp mặt dịp lễ Giáng sinh 2018 Ảnh: Q.HUY

Ngạc nhiên, là vì trước đó tôi nghe nói người Việt ở Christchurch không nhiều như ở thủ đô Wellington hay TP.Auckland. Người có thâm niên sinh sống lâu nhất ở đây là vợ chồng cô Hà - chú Truyền, ở Nhà hàng Hello Việt Nam. Những người đã nhập cư thường làm những nghề quen thuộc như mở nhà hàng hay làm nails. Cho dù làm gì, cộng đồng người Việt ở Christchurch đã cho tôi nhiều tình cảm ấm áp trong những ngày đầu xa gia đình, xa quê hương, bỡ ngỡ nơi vùng đất lạ.

* Chuyện học

Giống như nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, giáo dục ở New Zealand chú trọng khả năng tự học, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng vận dụng kiến thức. Khi lên lớp, giảng viên chỉ gợi mở, khái quát kiến thức để sinh viên tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Các giáo sư luôn mong muốn sinh viên tự học trước, còn thời gian lên lớp dành để trao đổi và thảo luận với nhau. Hiếm có tình trạng giáo sư nói thao thao còn sinh viên cắm cúi chép bài. Thực tế, chuyện học thuộc lòng kiến thức hay một phương pháp giải bài tập không được khuyến khích. Phương pháp giáo dục này khiến sinh viên như tôi và các bạn đến từ Trung Quốc, Ấn Độ thấy khá lúng túng trong thời gian đầu.

Phương pháp giảng dạy như vậy đòi hỏi phương pháp học tập phù hợp. Sinh viên được khuyến khích tự học và học nhóm. Một học kỳ chỉ có 3-4 môn học, mỗi tuần tổng thời gian lên lớp khoảng 6 tiếng, còn khoảng thời gian tự học hay thảo luận nhóm với sinh viên là rất quan trọng. Ngoài ra, sự tương tác của sinh viên với giáo sư sau giờ lên lớp rất được chú trọng.

Ở trường đại học có một quy định bất thành văn là cửa phòng làm việc của các giáo sư không được đóng. Cửa phải luôn mở để tiện cho sinh viên đến liên hệ. Hơn thế nữa, nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên là cực kỳ quan trọng. Sinh viên được cấp một tài khoản, qua đó có thể truy cập miễn phí đến nhiều cơ sở dữ liệu uy tín. Nếu không có những tài khoản này, người bình thường phải trả những khoản phí không hề nhỏ.

Môi trường học tập thuận tiện cũng là điểm nhấn của các trường đại học nơi đây. Sinh viên có thể truy cập wifi mọi nơi và mọi lúc trong khuôn viên trường thông qua tài khoản sinh viên. Ở văn phòng bộ môn luôn có sẵn bánh quy, trà hay cà phê cho sinh viên tự phục vụ. Thư viện trường cũng có sảnh tự học dành cho sinh viên 24/7, kể cả ngày lễ, tết. Nhiệt độ thư viện luôn được điều chỉnh cho phù hợp dù là trong mùa nào. Nơi đây trang bị hàng trăm máy tính công cộng cho sinh viên sử dụng, thậm chí phòng nghỉ hay phòng thư giãn cũng có. Ngoài cơ sở vật chất, còn có một đội ngũ nhân viên hỗ trợ sinh viên tất cả các vấn đề trong học tập như: tiếng Anh học thuật, cách viết bài luận, cách xử lý số liệu hay cách trích dẫn tài liệu. Thực tế, học tập ở thư viện còn thoải mái hơn cả ở nhà.

* Chuyện ăn

Hồi ở Biên Hòa, cả nhà tôi hay ăn ngoài đường, một cái pizza ở quán The Company Pizza trên đường Võ Thị Sáu giá từ 250-300 ngàn đồng trong khi bún bò Huế ở quán Sen Vàng trên đường Hà Huy Giáp chỉ 40 ngàn đồng/tô. Ở Christchurch thì ngược lại, thức ăn nhanh như pizza và hot dogs rẻ hơn rất nhiều so với vào quán ăn gọi tô bún bò. Vì là một thành phố với đa dạng sắc dân, Christchurch có đủ các quán ăn với món Tây, Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Việt Nam. Các quán Việt Nam thì nổi tiếng nhất là Nhà hàng Hello Việt Nam, không chỉ vì là quán ăn lâu đời mà, cô Hà và chú Truyền cực kỳ tốt bụng, thường dẫn dắt và đùm bọc du học sinh người Việt Nam khi họ bỡ ngỡ sang đây.

Ở Christchurch, người Việt có thể dễ dàng chọn mua các loại gia vị và thực phẩm từ quê nhà. Tại khu chợ người Hoa ngay trung tâm TP.Christchurch có một cửa hàng của người Việt và dĩ nhiên có bán đủ các loại như: mì gói Hảo Hảo, nước tương Chinsu và cả mắm tôm, mắm ruốc từ Việt Nam. Giá cả các mặt hàng lại rất phải chăng. Cảm giác nhớ nhà, xa quê sẽ vơi đi phần nào khi được thưởng thức các món ăn thân quen như thịt kho mắm ruốc, thịt luộc chắm mắm nêm hay bún đậu mắm tôm.

Du học sinh người Việt chúng tôi thường hay đi chợ mua giò heo về nấu ăn vì giá rất rẻ, chỉ 1 NZD/kg (khoảng 15 ngàn đồng). Hồi mới chân ướt chân ráo sang tôi còn “sĩ diện”, phân trần rằng mua giò heo về nấu cho “con ki”. Khi đã quen, đến khu chợ người Hoa mới thấy mọi người cũng mua về ăn rầm rầm, mua cả nội tạng vì giá rất rẻ bởi người bản xứ không có thói quen ăn những món này.

* Chuyện người

Thân thiện và nhiệt tình là những từ phù hợp để mô tả về con người ở New Zealand. Gặp nhau trên đường họ thường mỉm cười và chào bạn “buổi sáng/ trưa/ chiều/ tối tốt lành”. Tôi không thể quên được, khi mới tuần đầu tiên sang đây, bác Grant đã thân thiện chào hỏi tôi như thế nào. Bác còn đưa tôi đi tham quan khắp thị trấn, chỉ cho tôi: “tiệm này cắt tóc rẻ, giá cho sinh viên đó” hay là “tiệm pizza này rẻ mà ngon lắm, lại gần nhà của cháu, đói bụng thì cứ chạy ra đây”. Bác hỏi han sinh hoạt ở Việt Nam, nói bác rất quý những người nhập cư. Đối với bác, ngôn ngữ nước khác như Trung Quốc, Việt Nam hay Ấn Độ dù nghe không hiểu nhưng rất thú vị. Nghe những chia sẻ của bác, tôi thấy sự khác biệt trong tư tưởng so với người dân của một số đất nước khác. Và phải nhấn mạnh rằng trước đó tôi và bác chẳng hề quen biết, chỉ là vô tình gặp nhau trên đường.

Khuôn viên Trường đại học Lincoln
Khuôn viên Trường đại học Lincoln

Tôi còn có một kỷ niệm khó quên khác. Đó là một ngày mưa to gió lớn, thấy vợ chồng tôi bước ra cửa siêu thị và loay hoay với cây dù, một phụ nữ đã đến hỏi: “2 bạn đi về đâu? Tôi có thể cho 2 bạn quá giang. Thời tiết này không nên đi bộ”. Và cô ấy đã chở chúng tôi về đến tận nhà. Đúng là tình người ấm áp trong một ngày mưa lạnh giá.

Ý thức của người dân nơi đây cũng làm tôi chú ý. Không khó để bắt gặp cảnh người đi đường cúi xuống nhặt một mẩu rác bên đường. Trong thư viện trường hay trong lớp học, sinh viên có thể để đồ đạc trên bàn rồi bỏ đi cả ngày mà chẳng lo mất mát. Khi vào siêu thị cũng không cần phải gửi ba lô hay niêm phong giỏ xách như ở Co.opmart Biên Hòa mà cứ thoải mái đem vào. Để thuận tiện, siêu thị nào cũng có quầy cho khách tự tính tiền và thanh toán. Ở thị trấn Lincoln nơi tôi ở, với số dân là 6.100 người nhưng chỉ có 4 cảnh sát ở đồn. Công việc của họ cũng không nhiều, lúc mới sang tôi hay ghé qua tán gẫu với họ. Sống giữa môi trường như vậy, tôi cảm thấy thật sự thoải mái và rất mến con người ở đây.

Quang Huy

Tin xem nhiều