Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi "đất lành chim đậu"

10:01, 20/01/2019

Tỉnh Đồng Nai được người dân nhập cư từ mọi miền đất nước xem là vùng "đất lành" để an cư lập nghiệp. Qua giai đoạn khó khăn, người dân nhập cư từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả và tích cực đóng góp cho Đồng Nai ngày càng phát triển.

Tỉnh Đồng Nai được người dân nhập cư từ mọi miền đất nước xem là vùng “đất lành” để an cư lập nghiệp. Qua giai đoạn khó khăn, người dân nhập cư từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả và tích cực đóng góp cho Đồng Nai ngày càng phát triển.

Vườn bưởi 1 hécta của nông dân Nguyễn Quang Đạo, xóm Bình Định, ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm
Vườn bưởi 1 hécta của nông dân Nguyễn Quang Đạo, xóm Bình Định, ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm

Ở Đồng Nai, người nhập cư đã từng bước tập hợp đồng hương tạo nên những xóm dân cư để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi như: Bình Định (ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ); Quảng Trị (ấp 2, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ); Hà Bắc, Bắc Ninh, Bắc Giang (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), Huế (ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu), miền Tây (ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc)...

* Buổi đầu lập nghiệp

Xóm Huế (ấp 2, xã Trị An) được hình thành bởi 30 hộ dân làng An Lai (xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) từ năm 1976. Ông Trần Xuân Tản (74 tuổi) là người Huế đầu tiên về đây khai khẩn đất, sau đó ông gọi thêm anh em, đồng hương thân quen ở làng An Lai cùng về lập xóm. Để đùm bọc người mới, ông Tản chỉ đất cho đồng hương dựng chòi, hướng dẫn mọi người bám lấy triền suối Bà Giá để khai phá đất trồng mì và tỉa đậu, bắp, trồng lúa rẫy.

Ông Hoàng Minh Cư, Phó trưởng ấp 2, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tâm sự, vượt qua những năm tháng khó khăn, đến nay nông dân ở ấp 2, xã Thanh Sơn đã có cuộc sống sung túc hơn, chăm lo cho các con học hành tới nơi tới chốn. Đã từ lâu, người dân nhập cư xem Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình nên luôn sẵn lòng cùng chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, giàu, đẹp hơn.

“Theo nếp quen, người đến trước giúp đỡ người đến sau, hướng dẫn cách thức làm ăn, ra rừng, suối chặt cây, cắt tranh, chặt lá buông về dựng nhà. Cuộc sống những năm tháng ấy rất nghĩa tình và ấm áp” - ông Tản kể.

Ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) trước kia vốn là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, vậy mà dân cư các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vẫn kéo nhau về đây lập nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thành (71 tuổi), Tổ trưởng Tổ nhân dân số 8, ấp Đồi Rìu kể, mùa khô hạn, các hộ dân phải ra các miệng giếng ven suối gánh từng đôi nước về sinh hoạt. Dù khó khăn về nguồn nước cũng như giao thông đi lại, dân nhập cư như ông vẫn kiên trì bám đất, hỗ trợ nhau để vượt qua khó khăn.

Ông Thành chỉ tay về cái cầu bê tông mà ông và bà con tổ 8 làm cách đây 25 năm tốn gần 160 bao xi măng, nói: “Nhờ chiếc cầu này mà bà con trong tổ không bị nước cuốn trôi xe, nông sản khi lũ về, trẻ nhỏ thì thoát được cảnh thất học”.

* Thắt chặt tình đồng hương

Xóm miền Tây (ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) có 32 hộ dân các tỉnh miền Tây Nam bộ sinh sống như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... Ông Bảy Quang (quê tỉnh Tiền Giang) cho biết, năm 1995 ông rời quê về ấp 2 tìm đất lập nghiệp. Lúc đó, xóm miền Tây chỉ có chục nóc nhà. Vườn của ông và ông Năm Cho (dân tỉnh Bến Tre) chỉ cách một đường ranh. Chỗ ở thì mỗi người chọn một góc suối để tiện bề sinh hoạt. Chính vì vậy, chiều tối mời nhau qua nhà chơi, 2 ông phải cất tiếng hú làm tín hiệu.

Từ điểm trường tạm bợ, nay con em khu Bàu Lúa Ma (ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã có trường mẫu giáo, tiểu học khang trang
Từ điểm trường tạm bợ, nay con em khu Bàu Lúa Ma (ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã có trường mẫu giáo, tiểu học khang trang

Ông Bảy Quang xuất thân là dân làm ruộng, do đất ít, ruộng xấu nên mới trôi dạt về đây mua đất lập vườn. Còn ông Năm Cho là thầy giáo nghèo, do con đông nên rời quê tìm vùng đất mới mưu sinh và lo cho các con học hành. Ngày mới vào, 2 ông Bảy Quang và Năm Cho chỉ đủ tiền mua được ít đất sản xuất. Sau đó, nhờ siêng năng lao động và biết dành dụm, đến nay ông Quang có 3 hécta đất, ông Cho thì được gần 2 hécta đất lập vườn nhãn, xoài cho thu hoạch ổn định hằng năm.

Nhìn các vườn, rẫy ở khu vực Bàu Lúa Ma (ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) nhuộm màu xanh của tiêu, xoài, ông Hoàng Minh Cư, Phó trưởng ấp 2 kể, cách đây gần 40 năm, khu vực này toàn cỏ Lúa Ma (loại cỏ lúa, thức ăn khoái khẩu của voi rừng).

Vào năm 1980, khu vực Bàu Lúa Ma đón những đợt dân di cư tự do từ mọi miền đất nước vào khai hoang, lập nghiệp. Từ đó, người dân khai phá khu Bàu Lúa Ma thành những thửa ruộng to, nhỏ trồng lúa nước. Phần đất cao thì khai khẩn trồng bắp, đậu, thuốc lá... Bên cạnh đó, dân nhập cư còn được vùng đất Bàu Lúa Ma ưu đãi về tôm, cá. Đến nay, nhờ chuyển đổi từ trồng hoa màu sang trồng tiêu, xoài nên đời sống của người dân nơi đây đã ổn định hơn, con em đều được đến trường.

Tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) có gần 400 hộ dân đất võ Bình Định sinh sống và hình thành 2 xóm dân cư tỉnh Bình Định tại ấp 4 và ấp 5. Dân nhập cư tỉnh Bình Định hiện nhiều người giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo chính quyền, đoàn thể xã hội tại các ấp và xã. Ông Hồ Đăng Hiếu (hiện ngụ ấp 4, quê xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tâm sự, do dân tỉnh Bình Định ham đất, gắn bó với nông nghiệp chứ không làm công nhân cao su nên nay nhiều đất sản xuất hơn dân nhập cư các tỉnh khác.

Cũng nhờ nhiều đất, chuyển đổi cây trồng phù hợp nên người dân Bình Định tại 2 ấp 4 và 5, xã Sông Nhạn đều có kinh tế khá giả, đầu tư cho con em học đại học, giúp đỡ nhau khi bệnh tật, mùa màng thất bát. Bên cạnh đó, người dân Bình Định còn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào của địa phương, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, đóng góp tiền để làm đường.

Cuối năm 2018, 100% các xã trên địa bàn tỉnh xây dựng nông thôn mới thành công. Đó là niềm vui chung, sự tự hào của chính quyền, hệ thống chính trị và người dân Đồng Nai. Trong niềm vui, tự hào đó có một phần đóng góp không nhỏ của những người di cư đến từ mọi miền đất nước đã góp công, góp sức, trí tuệ biến những vùng đất hoang, đất cằn thành rẫy vườn xanh tươi, những khu dân cư trù phú, những tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy” thành đường bê tông sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều