Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào vùng đất và người Cù lao Phố

10:12, 26/12/2018

Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đang đổi thay từng ngày từ khi có 3 cây cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa và An Hảo nối cù lao với các tuyến đường huyết mạch ra vào trung tâm thành phố. Giữa nhịp sống phố thị, Cù lao Phố đang dần đô thị hóa nhưng vẫn lưu giữ được nhiều di tích, nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Trấn Biên nổi tiếng năm xưa.

Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đang đổi thay từng ngày từ khi có 3 cây cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa và An Hảo nối cù lao với các tuyến đường huyết mạch ra vào trung tâm thành phố. Giữa nhịp sống phố thị, Cù lao Phố đang dần đô thị hóa nhưng vẫn lưu giữ được nhiều di tích, nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Trấn Biên nổi tiếng năm xưa.

Cầu Hiệp Hòa nối liền trung tâm TP.Biên Hòa với Cù lao Phố.
Cầu Hiệp Hòa nối liền trung tâm TP.Biên Hòa với Cù lao Phố.

Sinh ra và lớn lên ở Cù lao Phố, ông Ba Sơn (Trương Văn Sơn, 66 tuổi, ấp Nhất Hòa) hiểu vùng đất Cù lao Phố như lòng bàn tay. Ông Ba Sơn tự hào khi dòng họ Trương của ông gắn bó lâu đời với mảnh đất thanh bình này và hiện có trên 300 người đang sinh sống trên đất Cù lao Phố.

* Gìn giữ nếp xưa

Ông Ba Sơn cho biết, một trong những nét đặc sắc của Cù lao Phố là có nhiều đình, đền, chùa cổ. Hầu như mỗi làng trong ấp đều có đình để thờ cúng các vị thành hoàng. Mỗi đình thần đều có ban quý tế đình thần do dân lập ra để tôn tạo, sửa chữa, duy tu, tổ chức các hoạt động tế lễ hằng năm. Nếp sinh hoạt này đã được duy trì nhiều năm qua.

Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) được con sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) bao bọc, vun đắp phù sa,  có diện tích gần 700 hécta, dân số trên 1,6 ngàn hộ. Nơi đây có 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 đình thần, 3 miếu.

Đến Cù lao Phố, chỉ cần đi một đoạn ngắn trên đường Đặng Văn Trơn, Đỗ Văn Thi (2 tuyến đường chính của xã Hiệp Hòa) mọi người sẽ nhìn thấy cổng chính hoặc các bảng chỉ dẫn hướng vào các đình, đền, chùa cổ nổi tiếng như: Tân Giám, Hưng Phú, Đại Giác, Chùa Ông, Bình Xương, Nguyễn Hữu Cảnh... Khuôn viên các ngôi chùa, đình thần, miếu vùng đất Cù lao Phố còn mang nét đặc trưng của vùng Nam bộ là có rất nhiều cây dầu trên 100 tuổi to, cao chót vót, chụm lại tỏa bóng che mát cả một xóm dân cư.

Nói đến Cù lao Phố, người dân xã Hiệp Hòa còn tự hào quê hương mình từng là một thương cảng sầm uất nhất vùng đất phương Nam. Theo sử sách ghi lại, người có công lớn trong công cuộc phát triển vùng Cù lao Phố là Tổng binh Trần Thượng Xuyên. Bởi không chịu quy phục nhà Thanh nên ông đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần vào năm 1679 và được cho vào đây cư trú. Khi đến Cù lao Phố, Trần Thượng Xuyên cùng người dân địa phương biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng đất phương Nam.

Theo ông Năm Kỉnh (70 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) các đình, đền, miếu thờ được người dân vùng đất Cù lao Phố năm xưa lập lên để thờ cúng các vị thần, tưởng nhớ những người có công lao khai phá vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Do đó, chính quyền địa phương và người dân trong vùng luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn, trùng tu các đình, đền, chùa cổ ở Cù lao Phố để giữ được nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

* Sống nghĩa tình

Nhiều người dân sống lâu năm ở Cù lao Phố cho biết, vùng đất trù phú này trước và sau năm 1975 vốn là vườn, ruộng. Ngoài những ruộng lúa 3 vụ nơi cánh đồng Nhất Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa xanh tốt, năng suất cao, ở các vùng gò cao nông dân xã Hiệp Hòa còn trồng nhiều loại cây ăn trái thích hợp với đất phù sa như: chuối, mít, mãng cầu, bưởi. Trong số những cây thơm trái ngọt thì trái bưởi Thanh Trà một thời nổi tiếng nơi vùng đất Cù lao Phố, được nông dân xứ bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) lấy giống về trồng.

Người dân làng Bình Tự (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) hội tụ bên nhau dưới mái đình làng bàn chuyện cúng đình vào dịp cuối năm.
Người dân làng Bình Tự (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) hội tụ bên nhau dưới mái đình làng bàn chuyện cúng đình vào dịp cuối năm.

Hiện nay, xã Hiệp Hòa đang trong quá trình đô thị hóa và phấn đấu lên thành phường. Cù lao Phố không ngừng đón một lượng lớn dân từ nơi khác về đây mua đất, cất nhà, thuê trọ để sinh sống, lao động.  

Nói về sự thay đổi của Cù lao Phố, ông Năm Râu (60 tuổi, ngụ ấp Nhất Hòa) cho biết, đường Đặng Văn Trơn (nối từ cầu Hiệp Hòa đến cầu An Hảo) trước kia là con đường cấp phối nhỏ, 2 bên đường thưa dân và toàn là ruộng đồng. Nay đường được mở rộng, láng nhựa nên nhà cửa, cửa hàng kinh doanh, nhà hàng sang trọng xuất hiện rất nhiều. Cũng vì vậy mà đất Cù lao Phố rất đắt đỏ, dân địa phương thấy đất có giá nên chuyển nhượng nhiều và nay không còn nhiều đất trống như trước nữa.

Tuy vậy, dân gốc Cù lao Phố vẫn còn đó và giữ đậm nét nghĩa tình, khẳng khái của mình. “Dân Cù lao Phố vốn thật thà, tốt bụng, khẳng khái, không phân biệt sang hèn” - ông Ba Sơn bộc bạch.

Đơn cử như vào các dịp cúng đình, đền, người dân Cù lao Phố luôn phát tiếng trống mời gọi người dân trong làng đến hội họp, bàn thảo việc tạ ơn các bậc tiền hiền, rồi vui vẻ với nhau bên mâm tiệc. Ông Đào Khởi (ấp Nhất Hòa) bộc bạch, cứ đến dịp cúng đình, người dân gốc Cù lao Phố và người mới đến định cư lại ngồi bên nhau dưới tán dầu trăm tuổi để bàn chuyện xóm làng. Để rồi không biết từ bao giờ, nhiều người xa quê cũng coi vùng đất thân thương này là quê hương thứ hai của chính mình.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Triệu Trung Tính cho biết, việc xây dựng thành công nông thôn mới vào năm 2015 đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của Cù lao Phố. Người dân rất phấn khởi khi trên địa bàn xã đang có nhiều dự án quy hoạch xây dựng đô thị sẽ được triển khai. Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi nhất là việc triển khai các dự án này phải giữ được các giá trị lịch sử, văn hóa, không gian yên tĩnh, hữu tình vốn có của vùng đất này.

Theo nhiều người dân ở Cù lao Phố, họ rất đồng tình với ý kiến phát biểu của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương tại tọa đàm Nhìn nhận và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và không gian mảng xanh trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị tại Cù lao Phố, do Hội Kiến trúc sư Đồng Nai phối hợp với UBND TP.Biên Hòa tổ chức cách đây hơn 1 năm được các cơ quan truyền thông đăng tải. Ông Lý Thành Phương đã nói rằng việc quy hoạch Cù lao Phố cần lưu ý sự hài hòa giữa không gian kiến trúc với không gian cảnh quan sông nước, môi trường sinh thái; hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo tồn và phát huy giá trị di sản; hài hòa quyền lợi cư dân tại chỗ với quyền lợi xã hội... Điều này nhằm mục đích tạo nên không gian sống văn minh, hiện đại và hướng đến bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của Cù lao Phố.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều