Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "đại thụ" trên một nẻo sông

10:12, 14/12/2018

Trong bài Nhớ anh Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Hoàng Văn Bổn viết: "Tân Uyên cũng là quê hương của nhà văn Bình Nguyên Lộc, đối diện bên kia sông là ấp Bình Ninh, là quê hương của nhà văn Lý Văn Sâm, cách một cái bàu quanh năm nước phèn là nhà của tôi, xế bên trong gần chi khu Cây Đào là thuở thiếu thời của nhà văn Trần Bạch Đằng".

Trong bài Nhớ anh Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Hoàng Văn Bổn viết: “Tân Uyên cũng là quê hương của nhà văn Bình Nguyên Lộc, đối diện bên kia sông là ấp Bình Ninh, là quê hương của nhà văn Lý Văn Sâm, cách một cái bàu quanh năm nước phèn là nhà của tôi, xế bên trong gần chi khu Cây Đào là thuở thiếu thời của nhà văn Trần Bạch Đằng”. Và nhà văn cũng tự hỏi: “Không hiểu những ngày binh lửa ấy, anh Nghệ có thì giờ suy ngẫm cái ngã ba sông Đồng Nai kỳ lạ ấy không: cái ngã ba sông có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều chỉ huy, tướng lĩnh quân sự của ba chục năm tao loạn”.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại hội thảo khoa học “Người của miền đất ven sông - Hoàng Văn Bổn”. Ảnh: VĂN TRUYÊN
PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại hội thảo khoa học “Người của miền đất ven sông - Hoàng Văn Bổn”. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Đúng là kỳ lạ. Chỉ một ngã ba sông đã có đến 4 cây đại thụ của nền văn chương xứ Đồng Nai. Đó là: Huỳnh Văn Nghệ, Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm và Bình Nguyên Lộc.

* 4 “đại thụ” xứ Đồng Nai

Trong 4 “đại thụ”, Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) được mệnh danh là “Thi tướng chiến khu xanh”, nhà thơ mới của Đồng Nai có tập thơ được xuất bản đầu tiên trong kháng chiến ở Nam bộ. Huỳnh Văn Nghệ còn được mệnh danh là “Người chép sử quê hương bằng thơ”. Qua thi ca, “Thi tướng” phản ánh khá đa dạng đời sống kháng chiến; từ hình ảnh quê hương khói lửa đến những chiến công oanh liệt, gương dũng cảm hy sinh… Thơ Huỳnh Văn Nghệ được cán bộ, chiến sĩ và đông đảo quần chúng truyền bá cho nhau đến thuộc lòng, phổ biến rộng ra cả nước. Trong đó, nổi tiếng nhất là những vần thơ của bài Nhớ Bắc: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Huỳnh Văn Nghệ còn để lại cho đời nhiều áng văn xuôi, những bài bút ký xuất sắc.

Lý Văn Sâm (1921-2000) xuất hiện khá bất ngờ trên Tiểu thuyết thứ Bảy với truyện Kòn Trô, rồi một loạt các truyện ngắn khác như: Thần ngư động, Xác Mu-mi trên núi đá, Răng Sa Mát, Voi đội đèn, Ngăn rạch bắt sấu, Mũi Tổ... sau đó được Nhà xuất bản Tân Việt tập hợp in thành sách. Lần lượt với những tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết như: Sương gió biên thùy, Sau dãy Trường Sơn, Chiếc vòng ngọc thạch, Mười lăm năm hận sử…, ông nghiễm nhiên trở thành nhà văn đầu tiên và duy nhất ở miền Nam sáng tác thể loại truyện đường rừng.

Nhưng Lý Văn Sâm không chỉ viết truyện lịch sử, truyện đường rừng mà còn viết cả những truyện lấy đề tài xã hội đương thời. Nhà nghiên cứu văn học Hoài Anh nhận xét: “Tất cả những sáng tác của Lý Văn Sâm đều nhằm vẽ lên chân dung con người Nam bộ trong quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác, những con người hào hiệp, phóng khoáng, dũng cảm, thương người, từ chỗ xa đời nên bị đời xa, đến chỗ giác ngộ lý tưởng cách mạng dần dần trở thành những con người Việt Nam điển hình với đầy đủ phẩm chất anh hùng tổng hợp tính dân tộc và thời đại. Từ sau những chân dung đó hiện lên chân dung của chính tác giả, một nhà văn của “hào khí Đồng Nai”.  

Động cơ cầm bút của người lính trẻ Hoàng Văn Bổn (1930-2006) khá đơn giản: “…Nói có sách, mách có chứng. Khi đã thành giấy trắng mực đen, người đời dễ tin hơn. Thế là, dọc con đường hành quân từ Biên Hòa xuống tận mũi Cà Mau, tôi tranh thủ lúc đóng quân sau một đêm trời vượt lộ, vượt sông, chiến đấu mở đường, để viết tiểu thuyết. Viết để người ta tin rằng ở miền Đông Nam bộ ấy, giặc Pháp tàn bạo lắm; rằng ở đấy, bộ đội, cán bộ cơ quan phải phát rừng đại ngàn để trồng khoai, trồng lúa tự túc đánh giặc…”. Thế là Vỡ đất ra đời và là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi được viết và xuất bản trong bưng biền. Ngay trong năm 1951, tác phẩm này đoạt giải nhất Tiểu thuyết Cửu Long Giang.

Nhà lý luận văn học Bùi Quang Huy cho biết: “40 năm vào nghề, Hoàng Văn Bổn viết trên vài chục tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký… Một thời, người ta đã trích in vào sách giáo khoa môn văn cho học sinh học… Công bằng mà nói, đến nay chưa có nhà văn nào được những trang viết ấm áp chất liệu cuộc sống kháng chiến của người miền Đông Nam bộ như Hoàng Văn Bổn. Ông đem vào văn chương một cuộc sống trần trụi. Dường như nhà văn không muốn tô vẽ thêm gì cho bộ mặt thật của nó”.

Còn nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) được công chúng biết đến với 52 quyển tiểu thuyết đã xuất bản, trong đó nổi bật là Đò dọc (năm 1959), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương, Hoa hậu Bồ đào (năm 1963)… cùng hơn 1 ngàn truyện ngắn đã được đăng trên báo, tạp chí văn nghệ; cùng với những công trình biên khảo gây sốt trong giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa như: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lột trần Việt ngữ… TS.Nguyễn Q. Thắng - tác giả nhiều công trình biên khảo văn hóa, sử học đánh giá: “Bình Nguyên Lộc là một nhà văn lớn của Việt Nam về cả số lượng lẫn chất lượng. Có thể nói, ông là một nhà văn độc nhất Việt Nam có số truyện ngắn nhiều nhất về lượng, Bình Nguyên Lộc là nhà văn có số tác phẩm đồ sộ nhất so với các nhà văn tiền bối cùng thời. Nhưng về chất của mỗi tác phẩm - truyện ngắn- đều có nội dung phong phú, đa dạng; nếu không muốn nói là rất độc đáo. Mỗi chủ đề của từng truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca, cho đến các công trình biên khảo đều mang một ý hướng, một chủ đề nhất định mà tác giả muốn gởi trao đến độc giả”.

* Những văn nghệ sĩ gắn bó với Đồng Nai

Ngoài Hoàng Văn Bổn với những trang văn ngồn ngộn chất Đồng Nai, thì người thứ hai sở hữu nhiều trang viết đậm đặc sử liệu về miền đất - con người ven sông Đồng Nai  chính là Trần Bạch Đằng.

Do theo người cha bị thực dân Pháp đày biệt xứ, năm 1931 lúc mới 5 tuổi Trần Bạch Đằng (1926-2007)  đã có mặt ở Biên Hòa. Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, tiểu thuyết gia, kịch gia, nhà báo chính luận Trần Bạch Đằng từng bộc bạch: “Nếu tính theo thời gian, tôi sống ở Biên Hòa không lâu so với tuổi đời của tôi - lối mười năm. Và mười năm khi tôi là chú bé ngồi trên chiếc gióng của mẹ để giáp mặt với dòng Đồng Nai cho đến khi tôi hiểu đôi điều về cách mạng trong lứa tuổi học sinh. Thế nhưng, Biên Hòa lại sống trong tôi dai dẳng”. Ông còn cho biết thêm: “Bài học vỡ lòng bao giờ cũng sống dai dẳng trong chúng ta - nó quyết định hướng đi cho cả cuộc đời. Biên Hòa giữ vai trò như vậy trong tôi. Tôi theo Đồng Nai, nước trong và ngọt, lặng lẽ hiền hòa nhưng đôi khi cũng nổi giận cực kỳ hung hãn, theo những đợt sóng và những cánh buồm, bềnh bồng gần suốt đời khắp đất nước với kỷ niệm về những con người Biên Hòa không thể nào quên… Cho nên, không ngẫu nhiên, khi tập thơ đầu tay của tôi mang tên Theo sóng Đồng Nai và quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi - Chân dung một quản đốc - lấy bối cảnh chính ở Biên Hòa. Có thể nói, đất Biên Hòa góp phần quan trọng vào quá trình hình thành tâm hồn và giác ngộ cách mạng trong tôi”.

Một cây bút lịch sử - văn hóa nổi tiếng khác cũng là người Biên Hòa, đó là Lương Văn Lựu (1916-1992). Từ năm 1935, Lương Văn Lựu có bài đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy, 1948-1955 làm chủ bút nguyệt san Biên Hùng của Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa do Lý Quí Phát (thân phụ nhà báo Chánh Trinh) làm chủ nhiệm. Lương Văn Lựu đã dành hơn 30 năm nghiên cứu, biên soạn ra bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên, gồm 5 quyển: Trấn Biên cổ kính, Biên Hùng oai dũng, Đồng Nai thơ mộng, Biên Hòa tân tiến, 300 năm người Việt gốc Hoa trên đất Đồng Nai. Công trình chưa thực sự hoàn chỉnh, nhưng được giới nghiên cứu đánh giá đây có thể xem là bộ dư địa chí tiên khởi của Đồng Nai.

Năm 1943, Lương Văn Lựu với bút danh Nhứt Lưu đã cùng với nhà văn Lý Văn Sâm (bút danh Trọng Khanh) cùng 2 người bạn khác là Nguyễn Văn Lý  (con trai bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa) và nhà thầu Huỳnh Sanh mướn một căn nhà khá to ngay góc đường Gallimard - Nguyễn Hữu Cảnh (nay là đường Quang Trung - Cách Mạng Tháng Tám, đối diện với Trụ sở Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa) mở nhà sách Sông Phố. Nhà sách đầu tiên trên đất Biên Hòa này tập hợp được đến 1.500 đầu sách, phần lớn là truyện Trung Quốc và tiểu thuyết xã hội. Ngoài việc cho mướn sách, bán báo tiếng Pháp còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới trí thức trẻ, học sinh trong thị xã với 2 cây bút lớn của Biên Hòa là Lý Văn Sâm và Lương Văn Lựu.

Một nhà thơ không sinh ra ở Biên Hòa, nhưng có tác phẩm nổi tiếng liên quan đến vùng đất “gian lao mà anh dũng” này, đó là nhà thơ Giang Nam. Sau năm 1954, được tổ chức phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động, vợ chồng nhà thơ Giang Nam về sống ở Biên Hòa tại đường 30-4 hiện nay. Năm 1962, Giang Nam sáng tác bài thơ Quê hương nổi tiếng.

Trong một lá thư viết cho nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, nhà thơ Giang Nam cho biết bài thơ Quê hương ra đời từ cảm xúc về người vợ bị giặc bắt đi mất tích ở Biên Hòa: “Còn bài Lá thư thành phố, tôi viết năm 1958. Lúc này, vợ tôi đang ở đường Trịnh Hoài Đức, Biên Hòa với cháu gái mới sinh, còn tôi thì “lang bạt” làm công nhân ở Long Khánh. Hoàn cảnh của chúng tôi lúc ấy thật cực khổ vì phải tránh địch, che giấu tung tích mình…”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều