Báo Đồng Nai điện tử
En

Lái xe ở Mỹ

09:12, 07/12/2018

2 người bạn của tôi có gia đình sống ở Mỹ nên hằng năm đều bay qua sống một vài tháng ở đây. Một người kể, lái xe ở Mỹ quá hồi hộp vì rất dễ bị phạt, không chỉ phạt tiền mà có khi còn phải ở tù. Người kia thì lại tấm tắc khen lái xe bên Mỹ sướng lắm do đâu đó rõ ràng. Vậy rốt cuộc việc lái xe ở Mỹ là thế nào?

2 người bạn của tôi có gia đình sống ở Mỹ nên hằng năm đều bay qua sống một vài tháng ở đây. Một người kể, lái xe ở Mỹ quá hồi hộp vì rất dễ bị phạt, không chỉ phạt tiền mà có khi còn phải ở tù. Người kia thì lại tấm tắc khen lái xe bên Mỹ sướng lắm do đâu đó rõ ràng. Vậy rốt cuộc việc lái xe ở Mỹ là thế nào?

TP.Los Angeles (Mỹ) hằng năm đón hàng chục triệu du khách nhưng giao thông rất trật tự.
TP.Los Angeles (Mỹ) hằng năm đón hàng chục triệu du khách nhưng giao thông rất trật tự.

* Nguyên tắc 1, 2, 3

Chị My Nguyen, người Mỹ gốc Việt sống hơn 40 năm tại San Jose (bang California) cho biết, lái xe ở Mỹ sẽ là “bi kịch” nếu như vẫn theo thói quen lái xe ở Việt Nam. Nghĩa là không thể có vụ “tạt qua tạt lại”, thấy làn này có vẻ ùn tắc thì chạy sang làn kế bên; cũng không thể tự do cho xe vượt bên phải. Càng không thể  “cắt đầu” dòng xe đối diện giành ưu tiên khi quẹo trái ở ngã tư. Nhưng ở Mỹ, người tham gia giao thông có tỷ lệ an toàn cao hơn vì phần lớn đều tuân theo luật giao thông.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, Thái Lan là nước có tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn giao thông cao nhất thế giới, lên tới 36,2/100.000 người (cứ 100.000 người dân thì có 36,2 người tử vong do tai nạn giao thông). Tỷ lệ này tại Việt Nam là 24,5;  Mỹ là 10,6 trong khi tỷ lệ trung bình của toàn thế giới là 17.

Theo đánh giá của chị My Nguyen,  lái xe ở Mỹ luôn phải nằm lòng một số quy định “bất di bất dịch”. Chẳng hạn, khi lái xe từ đường nhỏ ra đường lớn, dù trên đường lớn lúc ấy không có xe nhưng người cầm lái bắt buộc phải dừng lại, đếm 1, 2, 3 (tức 3 giây) rồi mới được lái xe vào đường lớn. Quy định này nhằm để người lái xe có thời gian quan sát kỹ, hạn chế gây tai nạn.

“Nguyên tắc 1, 2, 3” cũng được áp dụng trong nhiều trường hợp khác. Ở Mỹ vẫn có những giao lộ không có bảng tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ. Trong trường hợp đó, người lái xe căn cứ vào biển báo dừng chờ (stop sign), đường nào có biển báo này phải nhường ưu tiên đi trước cho bên không có biển báo, và kể cả khi không có xe nào khác ở các chiều ưu tiên, lái xe vẫn cứ phải dừng lại, nhẩm đếm 1, 2, 3 rồi mới chạy tiếp. Tương tự, khi xe rẽ phải mặc dù đã có tín hiệu cho phép nhưng lái xe phải dừng lại đếm 1, 2, 3 rồi quan sát hướng rẽ nếu không có người đi bộ thì mới di chuyển; nếu có người đi bộ thì nhất định phải dừng xe và đợi.

Những thành phố tôi đã được đi qua ở Mỹ như: San Francisco, Los Angeles, Garden Grove, San Diego, New York, Seattle… ít thấy bóng dáng cảnh sát trên đường (trừ ở San Francisco vào buổi tối), vậy làm thế nào giữ gìn trật tự an toàn giao thông?

Anh Trần Ngọc Hải, hướng dẫn viên chuyên tour du lịch Mỹ của Vietravel cho biết đó là nhờ hệ thống các camera giám sát giao thông tự động được lắp tại nhiều tuyến đường trong đô thị, nhất là những khu vực có đông người đi bộ và xung quanh trường học. Người vi phạm luật giao thông ngoài bị phạt tiền còn bị “tích điểm” phạt bởi mỗi bang đều theo dõi và quản lý tài xế bằng hệ thống tính điểm phạt, nếu điểm vi phạm tới ngưỡng sẽ bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền lái xe.

Tuy nhiên, luật giao thông của Mỹ quy định phải đặt biển báo có camera giám sát giao thông cách nơi đặt camera khoảng 100m. Cách làm này cho thấy việc bố trí camera nhằm làm cho lái xe “cảnh giác” và tuân thủ luật chứ không chăm chăm vào mục tiêu phạt.

* Quy định chống kẹt xe

 Ở New York, nơi có gần 23 triệu dân và khoảng 35 triệu du khách mỗi năm, được mệnh danh là “thành phố siêu kẹt xe” xếp thứ 3 trên thế giới. Lúc chúng tôi từ sân bay quốc tế John F. Kennedy về khách sạn ở đại lộ số 8 (Eighth Avenue) gần Quảng trường Thời đại (Times Square) là 23 giờ, gần nửa đêm nhưng vẫn xảy ra kẹt xe. Có điều phần lớn các vụ kẹt xe ở đây chỉ là “kẹt cục bộ” khoảng 10-20 phút, cao lắm chừng 30 phút, nguyên nhân là do có quá nhiều xe phải chờ lần lượt đến phiên, chứ không kẹt xe vì mạnh ai nấy giành chạy.

Ở TP.New York (Mỹ), người lái ô tô quẹo trái phải dừng chờ người đi bộ qua đường theo luật.
Ở TP.New York (Mỹ), người lái ô tô quẹo trái phải dừng chờ người đi bộ qua đường theo luật.

Anh Trần Ngọc Hải cho biết, theo luật giao thông của Mỹ, nếu phía bên kia ngã tư các phương tiện chưa thoát đi được, thì ngay cả khi đèn xanh các xe ở các phía khác vẫn phải dừng chờ. Chỉ khi nào bên kia ngã tư đã có đủ khoảng trống thì các phương tiện mới được di chuyển. Quy định này nhằm tránh tình trạng các phương tiện gây cản trở giao thông tại giao lộ.

 “Nếu đèn xanh mà ai cũng cố chạy lên dù phía trước chẳng còn có khoảng trống thì khi đèn chuyển sang đỏ rất có thể xe sẽ bị kẹt giữa ngã tư dẫn đến chẳng ai đi được. Đây là quy định hết sức cần thiết để tránh kẹt xe. Ai vi phạm sẽ bị xếp vào hành vi cản trở giao thông, phải bị phạt”  - anh Hải nói.

Lưu thông ở bất cứ bang nào ở Mỹ, người đi bộ cũng được ưu tiên số một, tất cả các phương tiện đều phải nhường. Luật giao thông ở đây đã quy định, kể cả người đi bộ vi phạm luật khi băng qua đường (như băng không đúng phần vạch “sọc vằn”), người lái xe vẫn phải dừng lại và nhường người đi bộ đi trước.  Ở nước ta, bài học đầu tiên cho người học lái xe là nhường đường cho người đi bộ và Luật Giao thông đường bộ cũng quy định điều này, nhưng trong thực tế người đi bộ vẫn xếp vào nhóm yếu thế, phải nhường tất cả các phương tiện khác kể cả khi đang đi đúng phần đường của mình.

Cũng trong diện ưu tiên số một là học sinh. Khi thấy xe đưa rước học sinh dừng bên đường, đèn đỏ chớp tắt hoặc có bảng STOP đưa ra, các xe khác bất kể ở bên nào đường cũng phải lập tức dừng lại chờ cho đến khi đèn đỏ của xe đưa rước tắt hoặc bảng STOP được cất mới được quyền đi tiếp, tuyệt đối không được vượt qua vì có thể có học sinh băng qua đường. Lái xe nào vi phạm quy định này có thể bị phạt lên đến 1 ngàn USD. Tương tự, những xe chạy quá tốc độ cho phép ở khu vực trường học cũng bị phạt rất nặng.

Nói đến chuyện vi phạm luật giao thông ở Mỹ, chị My Nguyen cho biết dù người lái xe đúng hay sai cũng đừng hòng phân trần, cự cãi hay “hối lộ” với cảnh sát, nếu không sẽ bị lãnh thêm tội chống người thi hành công vụ. Thậm chí, cảnh sát có quyền bắn nếu như người vi phạm có hành động, cử chỉ nào đó bị nhận định là gây nguy hiểm, như thọc tay vào túi (để lấy súng?), “cố thủ” trong xe… Nếu cho rằng cảnh sát phạt sai hay mình bị “oan”, người lái vẫn phải chấp hành rồi kiện ra tòa sau.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều