Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dân sống "tốt đời, đẹp đạo"

10:12, 12/12/2018

Con đường đất đỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ tổ 9, ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) nhà dân thưa thớt, xung quanh là những rẫy xoài trĩu quả. Trong cái se se lạnh những ngày đầu tháng 12, ông Thọ sôi nổi bàn tính chuyện đón Giáng sinh cùng các giáo dân trong tổ.

Con đường đất đỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ tổ 9, ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) nhà dân thưa thớt, xung quanh là những rẫy xoài trĩu quả. Trong cái se se lạnh những ngày đầu tháng 12, ông Thọ sôi nổi bàn tính chuyện đón Giáng sinh cùng các giáo dân trong tổ.

Ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) kiểm tra các mắt ghép xoài Đài Loan, xoài tượng trên thân xoài ba mùa.
Ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) kiểm tra các mắt ghép xoài Đài Loan, xoài tượng trên thân xoài ba mùa.

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Thọ, Trùm chánh giáo họ Martino (Giáo xứ La Ngà) luôn nỗ lực cùng Ban Điều hành ấp 5, chính quyền xã La Ngà chăm lo vật chất, tinh thần, khuyến học cho người dân và con em trong ấp, trong giáo họ.

 * Vươn lên từ vùng đất khó

 Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Thọ cưới vợ và được gia đình cho 1 hécta đất rẫy ở tổ 9, ấp 5, xã La Ngà để xây dựng tổ ấm. Năm 1997, vùng đất tổ 9 toàn là rẫy mía, tràm, đồi trọc nên dân cư rất thưa thớt. Do đó, xung quanh cái chòi nhỏ được lợp bằng tranh của vợ chồng ông Thọ lúc đó chỉ có 3 hộ gia đình của dân nhập cư. Đêm về, vùng đất heo hút này chỉ có ánh đèn dầu, bếp củi bập bùng từ 4 cái chòi tranh của 4 hộ gia đình các ông: Thọ, Trung, Tính, Ngâu.

Ông Cao Văn Toan, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà cho hay, nhờ chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang trồng: xoài, mít, sầu riêng, tiêu... cuộc sống của người dân ở ấp 5 nói chung và xóm đạo ở tổ 9 nói riêng giờ đã thoát khỏi khó khăn, có cuộc sống ổn định hơn. Từ đó, người dân, giáo dân và các chức sắc trong ấp có thêm nhiệt huyết, trách nhiệm cùng chính quyền, Ban Điều hành ấp xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.      

Hồi đó hết tháng mưa, rẫy vườn ở tổ 9 để mặc cho nắng nóng làm cho khô cằn, ông Thọ và 3 hộ dân trong tổ rủ nhau đạp xe ra trung tâm xã tìm việc làm để tránh cái đói giáp hạt. Nhìn vườn đất bị bỏ hoang xác xơ, ông Thọ không khỏi xót xa nên lân la học hỏi, nông dân ở các ấp khác cách trồng xoài để thoát nghèo. Nghe ông Thọ về thuyết phục, 3 hộ dân: Trung, Tính, Ngâu cùng nhất trí đăng ký vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng xoài.

Trong thời gian chờ cây xoài ra trái, vợ chồng ông Thọ trồng bầu, bí, đậu, dưa... xen canh giữa các hàng xoài để có thu nhập hằng ngày. Do nhà chưa có xe máy, từ 3 giờ sáng ông Thọ đã thức dậy dùng xe đạp thồ rau nhà trồng đi bỏ mối cho các tiểu thương 2 chợ xã: La Ngà, Ngọc Định.

Cây xoài sau 3 năm chăm sóc bắt đầu cho lứa trái đầu tiên. Nhìn 1 hécta xoài trái trĩu cành, cây sung sức, tiểu thương liên tục vào gạ giá. Vụ xoài năm đó, vợ chồng ông Thọ thu được 120 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời có được số tiền “khủng”, vợ chồng ông Thọ mua ngay chiếc xe máy để tiện bề chở con đi học và hàng hóa đi bán, số còn lại mở rộng thêm diện tích trồng xoài.

Cũng nhờ  cách “lấy ngắn nuôi dài” này, trong 3 năm vợ chồng ông Thọ đã trả xong số nợ vay ngân hàng, mua thêm 1 hécta đất. Riêng 3 hộ dân: Trung, Tính, Ngâu năm đó nhà nào cũng rủng rỉnh tiền nhờ xoài trúng mùa, được giá. Những năm sau đó, gần chục hộ di dân đã kéo về đây sang nhượng đất rẫy của người dân địa phương lập vườn xoài.

Ông Thọ rất chịu khó học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng. Ông tự ghép thành công xoài Đài Loan, xoài tượng trên thân xoài ba mùa để cho thu nhập cao hơn. Đến nay,  2 hécta trồng xoài của ông mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, diện tích đất thấp sát lòng hồ Trị An, ông Thọ trồng dừa đạt thu nhập 30 triệu đồng/sào.

* Sống nhân ái, uy tín

Kinh tế ổn định, vợ chồng ông Thọ có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ những hộ dân đến sau về kỹ thuật, giống cây trồng, phương tiện sản xuất, vốn. Cũng chính vì vậy, khi dân nhập cư và dân địa phương có vườn rẫy tại tổ 9 lần lượt kéo nhau về đây dựng nhà, sinh sống, lập nghiệp ngày một nhiều, ông Thọ được mọi người bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn tín chấp ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thọ (phải), ngụ xã La Ngà (huyện Định Quán) trồng xen sầu riêng giữa các hàng xoài để tăng thêm hiệu quả việc sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Thọ (phải), ngụ xã La Ngà (huyện Định Quán) trồng xen sầu riêng giữa các hàng xoài để tăng thêm hiệu quả việc sử dụng đất.

 Ông Thọ cho biết, tổ vay vốn tín chấp của ông có 23 thành viên. Đến hạn trả lãi hoặc gốc cho ngân hàng, hộ nào khó khăn thì vợ chồng ông vui vẻ cho mượn tiền để trả nhằm giữ chữ tín với ngân hàng.

Vốn là người có uy tín trong tổ, ấp, làm kinh tế giỏi (nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện), nuôi dạy con ngoan, học giỏi (có 2 con đại học), năm 2011, ông Thọ được giáo dân, chức sắc giáo họ Martino (giáo xứ La Ngà) bầu làm Trùm chánh, đại diện cho trên 350 giáo dân ở ấp 5, xã La Ngà.

Qua khảo sát của Ban Điều hành ấp 5, trong ấp có 7 hộ giáo dân/20 hộ dân còn khó khăn về nhà ở. Để xóa nhà tạm cho dân, Ban Điều hành ấp bàn bạc với ông Thọ, giáo họ Martino nỗ lực lo nhà ở cho 7 hộ giáo dân, số còn lại ấp cùng xã tìm nguồn chăm lo. Nhờ vậy, đến nay 6/7 hộ giáo dân đã được ông Thọ vận động giáo dân xây tặng được 6 nhà tình thương (trị giá từ 50-60 triệu đồng/căn).

Ông Thọ bộc bạch, chính quyền chăm lo cho dân cũng là chăm lo cho giáo dân. Do đó, với trách nhiệm là người công giáo kính Chúa, yêu nước, ông phải có bổn phận chung tay, góp sức trong việc lo nhà tình thương cho hộ khó khăn về nơi ở, hỗ trợ vốn vay giảm nghèo, vận động học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... để chung sức với chính quyền hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mùa Giáng sinh đang về rộn ràng khắp xóm đạo tổ 9, ấp 5. Ông Thọ dù tất bật cùng giáo dân chuẩn bị mừng ngày Chúa giáng sinh nhưng vẫn dành thời gian đến từng hộ giáo dân trong xóm đạo động viên con em giáo dân và gia đình chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt lệnh nhập ngũ trong mùa tuyển quân 2019. Hộ giáo dân và con em nào còn chần chừ, chưa thật sự hợp tác, ông Thọ lại đến nhà nhắc nhở, thuyết phục. Từ cách làm trách nhiệm, sự tích cực phối hợp của ông Thọ, mùa tuyển quân nào cũng vậy, thanh niên giáo dân ở ấp 5 trúng tuyến, chấp hành lệnh nhập ngũ đạt 100%.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều