Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự kiện nhỏ, ý nghĩa lớn

10:12, 26/12/2018

Trong dòng chảy của lịch sử 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, có một sự kiện mà sang năm 2019 sẽ tròn 60 năm. Đó là trận đánh Nhà Xanh, một sự kiện có thể xem là bản thông điệp "bằng máu" đi vào lịch sử của nhân loại.

Trong dòng chảy của lịch sử 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, có một sự kiện mà sang năm 2019 sẽ tròn 60 năm. Đó là trận đánh Nhà Xanh, một sự kiện có thể xem là bản thông điệp “bằng máu” đi vào lịch sử của nhân loại.

Di tích lịch sử Nhà Xanh - nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam. Ảnh: T.L
Di tích lịch sử Nhà Xanh - nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam. Ảnh: T.L

Sự kiện này diễn ra sau 13 năm (các ngày 16 và 17-2-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp gửi 2 lá thư cuối cùng cho Tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ đề nghị: “Hãy làm tất cả để ngăn chặn cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” và tuyên bố rằng: “Chúng tôi chỉ đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nền độc lập ấy, thực sự không còn xa nữa và có thể giúp đỡ chúng tôi hợp tác với các dân tộc khác, trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình lâu dài - những nguyện vọng chính đáng cần phải được bảo vệ”.

Sự kiện này cũng diễn ra sau 3 năm khi ông Phạm Văn Đồng gửi thư cho ông Ngô Đình Diệm, đề nghị hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng lại bị người đứng đầu miền Nam khước từ. Kể cả trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 6-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Lập lại quan hệ bình thường và quyền đi lại giữa hai miền, tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền Bắc và miền Nam liên lạc với nhau. Mở hội nghị hiệp thương gồm đại biểu của chính quyền hai miền để bàn về vấn đề tổng tuyển cử tự do, nhằm thống nhất đất nước trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ”.

Trận đánh Nhà Xanh là sự kiện nhỏ, chỉ diễn ra chưa đầy 15 phút, nhưng ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của sự kiện này hết sức quan trọng, nếu như Chính phủ Eisenhower và tiếp theo là Tổng thống Kennedy biết lắng nghe bức thông điệp bằng máu của những người yêu nước Biên Hòa - Đồng Nai viết trong ngày gần tàn của chế độ Ngô triều.

Theo những sự kiện lịch sử kể trên, chúng ta có thể hình dung: những người Việt Nam yêu nước ở giai đoạn ấy, từ cụ Hồ đến một công dân bình thường, dù là lương hay giáo đều không muốn chiến tranh, vì chiến tranh đi liền với đau thương, mất mát. Ai cũng khát khao hòa bình thống nhất, để “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” - một nội dung trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ mà cụ Hồ từng trích dẫn, đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945.

Thiện chí hòa bình và mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ của Việt Nam là vậy, nhưng rất tiếc, các Tổng thống Hoa Kỳ từ Harry S.Truman đến Dwight D.Eisenhower đã chối từ. Bởi họ muốn dùng miền Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa làm tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, tháng 12-1955, Hoa Kỳ quyết định viện trợ quân sự cho chính quyền của ông Ngô Đình Diệm thông qua Phái bộ Cố vấn quân sự (Military Assistance Advisory Group, viết tắt là MAAG), do Trung tướng John O’Daniel đứng đầu. Cùng với vũ khí, đô-la, cố vấn Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa được trang bị khí tài tốt hơn, huấn luyện chiến thuật kỹ hơn đối với các đơn vị từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn. Do vậy, các quan chức của chính quyền ở miền Nam đã từng tự hào tuyên bố: “Biên giới và an ninh của Hoa Kỳ kéo dài từ Alaska đến vĩ tuyến 17”.

Trong khi từ chối hòa bình, hô hào “lấp sông Bến Hải, tiền phong Bắc tiến”, chính quyền Sài Gòn, những kẻ dám đem đất nước của mình làm biên giới cho Hoa Kỳ đã thẳng tay khủng bố giết hại những người yêu nước ở miền Nam một cách dã man. Đỉnh điểm là việc tháng 3-1959, chính quyền Sài Gòn đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh và sau đó ngày 6-5-1959 đã ban hành Luật 10-59 về việc thành lập các tòa án quân sự đặc biệt, chỉ xử với mức án tử hình hoặc chung thân khổ sai và phạm nhân không có kháng cáo; lê máy chém khắp miền Nam, chặt đầu những người yêu nước mà họ gọi là Việt Minh, giống như bọn thực dân Pháp từng chặt đầu những người yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Cả miền Nam sôi sục trong căm hờn “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”. Trong bối cảnh ấy, những người yêu nước miền Đông - Đồng Nai - Biên Hòa chuẩn bị viết một bản thông điệp gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D.Eisenhower và chính quyền Sài Gòn để cảnh báo chính quyền Hoa Kỳ chớ có can thiệp sâu vào tình hình Việt Nam. Họ đã chọn đúng ngày 7-7-1959, ngày mà chính quyền đệ nhất cộng hòa gọi là ngày “Song thất” - ngày kỷ niệm 5 năm “chấp chính” của ông Ngô Đình Diệm và đúng 61 ngày sau khi ông ấy ký ban hành đạo luật chặt đầu những người yêu nước ở miền Nam, để gửi bức thông điệp này.

Bức thông điệp được chuẩn bị hết sức công phu, đầy trí tuệ, nhất là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người yêu nước miền Nam với nguyên tắc: “chắc, thắng, an toàn”. Vinh dự lớn này được giao cho 6 chiến sĩ: Huề, Phú, Bé, Sắc, Hưng của C250, do Nguyễn Văn Hoa, Đại đội phó chỉ huy trực tiếp viết bức thông điệp này bằng máu của chính mình và máu của những đứa con tội nghiệp mà các bà mẹ Mỹ mang nặng đẻ đau, bị chính quyền Hoa Kỳ đưa đến đất nước Việt Nam xa xôi. Bằng lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chỉ trong vòng 15 phút, 6 chàng dũng sĩ là con em của người Biên Hòa đã hoàn thành nhiệm vụ bằng những loạt súng dũng mãnh và một tiếng nổ long trời lở đất của quả mìn tự tạo. 2 người lính Mỹ là Thiếu tá Dale Buis và Trung sĩ Chester Ovmand chết ngay tại chỗ, riêng Đại úy Howard Boston bị thương nặng, phải đưa sang Philippines để chữa trị. Phía C250, ngoài chiến sĩ Nguyễn Văn Huề chấp nhận hy sinh thân mình để quả mìn tự tạo nổ tung, còn chiến sĩ Hưng bị thương được đồng đội đưa về căn cứ an toàn.

Nếu không tính Trung tá Peter Deway, một sĩ quan thuộc Cục Tình báo chiến lược OSS, đơn vị mà Bác Hồ đã từng tiếp xúc, bị tử nạn ngày 23-9-1945 và người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng viết thư gửi đến Tổng thống Truman lời chia buồn sâu sắc, thì có lẽ Thiếu tá Dale Buis và Trung sĩ Chester Ovmand là 2 người lính Mỹ đầu tiên chết trận trong kỷ nguyên Việt Nam - Stanlay Karnod, tác giả bộ phim Việt Nam thiên sử truyền hình, nguyên là phóng viên của Tạp chí Tribune International từng đến Biên Hòa đưa tin về sự kiện ấy, đã viết như vậy.

Qua sự kiện nhỏ này, nếu đặt trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh với sự đối đầu giữa 2 siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ, nếu như chính giới Hoa Kỳ cảm nhận được máu của công dân nước mình đã đổ ở nơi mà Tổng thống Thomas Jefferson đã cử người sang Việt Nam để tìm giống lúa mới của nền văn minh lúa nước sông Hồng; đặc biệt, việc sứ thần Bùi Viện đã 2 lần đến nước Mỹ tìm kiếm cơ hội bang giao, họ sẽ nghĩ lại… Rất tiếc, Tổng thống Eisenhower đã bỏ ngoài tai những lời can gián của Thượng nghị sĩ Robert Taft và Đại tướng Hoyt Vandenbon về việc không nên đưa quân xâm lược một nước khác. Chính nỗi ám ảnh của học thuyết “Domino”, khiến 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ, kể cả Nixon cũng không lắng nghe lương tri của Hoa Kỳ qua phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam diễn ra hết sức gay gắt, nên họ ngày càng làm máu con em nước Mỹ đổ ra vô ích với trên 58 ngàn binh sĩ Mỹ phải thiệt mạng và hơn 340 ngàn người bị thương tại Việt Nam. Nước Mỹ lâm vào cơn bạo bệnh có tên “Hội chứng Việt Nam” do họ không chịu nghe tiếng súng vang lên từ Nhà Xanh Biên Hòa - Đồng Nai - Việt Nam. Nếu họ chịu lắng nghe, thì hẳn Hoa Kỳ không phải xây dựng Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam - bức tường đen ám ảnh nước Mỹ mà chỉ cần tấm bia mộ nho nhỏ cho 2 người lính Mỹ đầu tiên chết trận ở Biên Hòa.

Nếu được như vậy, hẳn chiều dài lịch sử sau đó sẽ không diễn ra trong đau thương mất mát cho cả 2 dân tộc Việt - Mỹ. Tất nhiên, tình hình chính trị thế giới sẽ không diễn ra như đã từng diễn ra.

Sau ngày giải phóng, Nhà Xanh - nơi diễn ra sự kiện này, nơi gửi đi bức thông điệp bằng máu của người Biên Hòa - Đồng Nai, được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tòa nhà được xây dựng năm 1912 theo kiến trúc Pháp, là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh về trận tập kích Nhà Xanh thể hiện tương đối đầy đủ về trận diệt Mỹ đầu tiên trước 7 ngày khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Qua đó cho thấy, những người yêu nước của Biên Hòa - Đồng Nai hết sức sáng tạo trước yêu cầu bức xúc của thực tiễn cách mạng miền Nam.

Địa chỉ Nhà Xanh là một trong những địa điểm thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người Biên Hòa - Đồng Nai - Việt Nam trong thế kỷ 20 cần phải được giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị vốn có. Thế hệ hôm nay và mai sau phải xem nơi các thế hệ cha ông viết bức thông điệp bằng máu gửi đến Chính phủ Hoa Kỳ là niềm tự hào âm vang mãi đến mai sau.

Mai Nguyên Cách

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích