Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm phỏng dựng Văn miếu Trấn Biên: Sống mãi với thời gian

09:12, 23/12/2018

Chỉ cần gõ cụm từ "Văn miếu Trấn Biên" và tìm kiếm trên Google, chưa đầy 0,4 giây sẽ có 902 ngàn kết quả được hiển thị.

Chỉ cần gõ cụm từ “Văn miếu Trấn Biên” và tìm kiếm trên Google, chưa đầy 0,4 giây sẽ có 902 ngàn kết quả được hiển thị.

Các vận động viên thể thao của Đồng Nai về dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên. ảnh: Văn miếu Trấn Biên cung cấp
Các vận động viên thể thao của Đồng Nai về dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên. ảnh: Văn miếu Trấn Biên cung cấp

Điều đó cho thấy sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng của một di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia đối với người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và với cả người dân trong nước, bạn bè quốc tế nói chung.

* Kết nối văn hóa

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng năm Ất Mùi (1715), được xem là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại vùng đất phương Nam. Đến năm 1861, Văn miếu bị đốt phá. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên được phỏng dựng lại. Đến nay, công trình phỏng dựng Văn miếu Trấn Biên đã tròn 20 tuổi, trở thành biểu tượng văn hóa có ý nghĩa tôn vinh những giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo… trong lòng người dân Đồng Nai.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới và ThS.Trần Đăng Ninh tri ân ban quý tế các đình, miễu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: H.Dung
PGS-TS.Huỳnh Văn Tới và ThS.Trần Đăng Ninh tri ân ban quý tế các đình, miễu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: H.Dung

Từ những ngày đầu phỏng dựng, các công trình, hạng mục, hiện vật được sắp đặt, trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên đều mang tính kết nối văn hóa cộng đồng sâu sắc. Ở ngay chính giữa Nhà bái đường - vị trí trang trọng nhất, văn miếu dành để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Từ năm 2005 đến nay, Văn miếu Trấn Biên đã 13 lần tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi thức dân gian Nam bộ, qua đó đã kết nối, quy tụ hơn 60 Ban quý tế, đình, đền, miếu trên địa bàn TP.Biên Hòa cùng tham gia.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới cho hay, Văn miếu Trấn Biên đã kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa phương Nam, kết tinh dòng mạch văn hóa Đại Việt, kết nối với các hoạt động văn hóa trong khu vực, kết nối những tấm lòng hướng về nguồn cội.

Bên cạnh đó, 18kg đất, 18 lít nước được lấy từ Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ được lưu giữ tại Văn miếu Trấn Biên là biểu tượng cho sự kết nối với văn hóa đất Tổ Hùng Vương. Trống cái có đường kính 1,8m đặt trong Nhà bái đường - một trong bộ ba trống hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội là biểu trưng cho sự kết nối văn hóa Đồng Nai với văn hóa Thăng Long. Bia đá nặng 2,8 tấn mang nội dung “hiền tài là nguyên khí quốc gia” phục chế theo mẫu bia ghi danh thế kỷ XVII là sự kết nối với Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, Văn miếu Trấn Biên còn xây dựng vườn tượng nghệ thuật với 26 tượng nghệ thuật của 22 tác giả đến từ nhiều vùng miền trong cả nước kết nối những nghệ nhân lại với nhau. Đặc biệt, công trình vườn tượng danh nhân -  thành quả do các em học sinh trong tỉnh đóng góp thông qua phong trào kế hoạch nhỏ, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp.

Tất cả những điều ấy đã cho thấy vị trí của Văn miếu Trấn Biên trong lòng mỗi người dân. Bằng tất cả những tình cảm trân quý, họ dâng tặng Văn miếu Trấn Biên những điều tốt đẹp nhất, để từ đây tạo sức lan tỏa rộng khắp đến với cộng đồng.

* Đi vào lòng người

20 năm kể từ thời điểm phỏng dựng Văn miếu Trấn Biên ở vùng đất phương Nam còn rất khiêm tốn so với lịch sử 320 năm hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nhưng chừng ấy năm cũng đã đủ để dần đưa nơi đây trở thành biểu tượng, thiết chế văn hóa của khu vực. Ở tuổi 20, Văn miếu Trấn Biên đang căng tràn sức sống, luôn luôn có thêm những điều mới mẻ và thú vị. Nhiều người ở xa khi đến Biên Hòa - Đồng Nai sẽ khó có thể bỏ qua một địa điểm tuyệt vời để tham quan, thưởng lãm.

Học sinh Trường tiểu học Quang Trung (huyện Thống Nhất) chăm sóc cây đa búp đỏ do Văn miếu Trấn Biên trao tặng.
Học sinh Trường tiểu học Quang Trung (huyện Thống Nhất) chăm sóc cây đa búp đỏ do Văn miếu Trấn Biên trao tặng.

Theo ThS.Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, chính sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng đã giúp Văn miếu Trấn Biên có được những điều tốt đẹp ấy.  Cũng từ Văn miếu Trấn Biên, 300 cây đa búp đỏ đã được trao tặng cho 300 trường học trong toàn tỉnh để mỗi khi học sinh nhìn thấy cây đa búp đỏ trong trường học của mình, các em sẽ kết nối và tìm hiểu nhiều hơn nữa về Văn miếu Trấn Biên, về những giá trị mà nơi đây mang lại. Lễ Tết Thầy được tổ chức vào mùng 3 tết hằng năm cũng nhằm khích lệ học sinh, thầy cô giáo không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo, thi đua dạy tốt - học tốt để góp phần xây dựng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thời gian qua, Văn miếu Trấn Biên không chỉ là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài của vùng đất phương Nam mà  còn là nơi để tôn vinh các cá nhân, tập thể đã đóng góp tích cực cho quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đây cũng là địa điểm để các văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh gặp gỡ, chia sẻ và thực hiện việc dâng tặng các ấn phẩm văn học nghệ thuật, các tư liệu về con người và vùng đất Đồng Nai.

“Không chỉ dừng lại ở những gì đã đạt được, trong thời gian tới, Văn miếu Trấn Biên sẽ còn tiếp tục tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, là nhịp cầu kết nối những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại và tương lai” - ThS.Trần Đăng Ninh nhấn mạnh.   

Nhân kỷ niệm 320 năm Biên Hòa- Đồng Nai, vào ngày 27-12, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức chương trình dâng tập sách ảnh Văn miếu Trấn Biên - Hào khí phương Nam. Tập sách gồm 300 ảnh tư liệu thể hiện hào khí của vùng đất thiêng Trấn Biên qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử do PGS-TS.Huỳnh Văn Tới và ThS.Trần Đăng Ninh đồng chủ biên.

Nội dung sách gồm 5 phần chính: Các văn miếu xưa; Sử sách ghi nhận; Quá trình phục dựng; Khoa cử xưa và nay; Kết nối lan tỏa. Qua tập sách này, các tác giả hy vọng sẽ cung cấp nguồn tư liệu cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Văn miếu Trấn Biên đến với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều