Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng lòng với học trò nghèo

10:11, 19/11/2018

"Thư viện" nho nhỏ tại nhà cô giáo về hưu Nguyễn Thị Hồng Loan (61 tuổi, ấp 3, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) tạm đóng cửa vài hôm để cô lo tổ chức đám cưới con gái đầu. Tuy vậy, các trò nhỏ và người dân mê đọc sách trong vùng vẫn lọ mọ tới mượn sách.

“Thư viện” nho nhỏ tại nhà cô giáo về hưu Nguyễn Thị Hồng Loan (61 tuổi, ấp 3, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) tạm đóng cửa vài hôm để cô lo tổ chức đám cưới con gái đầu. Tuy vậy, các trò nhỏ và người dân mê đọc sách trong vùng vẫn lọ mọ tới mượn sách.

Góc thư viện nhỏ tại nhà của cô giáo về hưu Nguyễn Thị Hồng Loan.
Góc thư viện nhỏ tại nhà của cô giáo về hưu Nguyễn Thị Hồng Loan.

Bám vùng đất xã Phú Điền dạy học từ năm 1982, đến năm 2011 thì cô Loan về hưu. Ngôi trường THCS Đồng Hiệp (ấp 3, xã Phú Điền) là nơi cô Loan tâm huyết dìu dắt bao thế hệ trò nghèo, học giỏi thành đạt.

* Gắn bó với vùng quê nghèo

Năm 1978, cô Loan một mình khăn gói rời quê nhà ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) vào học tại Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp, cô được phân công về Trường phổ thông cơ sở Phú Ngọc (nay là Trường THCS La Ngà, huyện Định Quán).

Là cựu học sinh Trường THCS Đồng Hiệp, bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền xúc động tỏ bày về cô giáo Nguyễn Thị Hồng Loan của mình: “Nay cô về hưu nhưng vẫn nhiệt huyết với công tác khuyến học. Ngoài việc duy trì thư viện tại nhà, cô Loan vẫn hay cùng tôi vận động tiền, quà, học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi ở địa phương”.

Cô Loan kể, thời điểm năm 1980 chuyện học hành của con em vùng đất Phú Ngọc - La Ngà thiếu thốn đủ thứ. Phần lớn người dân ở đây làm nghề rừng, nghề cá, nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh, gia đình lại đông con. Do đó, phụ huynh không có điều kiện, thời gian quan tâm đến việc học tập của con em như những nơi khác. Tuy vậy, học sinh ở đây vẫn ham học, chấp nhận cảnh một buổi đến trường, một buổi ở nhà phụ giúp gia đình.

Ngày mới về vùng đất Phú Ngọc - La Ngà dạy học, cô Loan phát hiện nhiều học sinh ham học, học giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha mẹ di chuyển nơi ở thường xuyên và việc làm không ổn định đã ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Đứng trước tình cảnh đó, cô Loan và đồng nghiệp chia nhau đến nhà động viên, thuyết phục phụ huynh không để chuyện học con em mình bị dở dang.

Cô Loan dạy học và làm công tác Tổng phụ trách Đội tại vùng đất Phú Ngọc - La Ngà được 2 năm. Năm 1982, cô được điều về Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, huyện Tân Phú). Tại đây, cô quen và kết hôn với cán bộ xóa mù chữ xã là ông Lê Hồng Phúc. Vợ chồng cô được địa phương cấp cho 1 sào đất để tăng gia sản xuất giúp cô có điều kiện làm tốt công việc “gõ đầu trẻ” với đồng lương “ba cọc, ba đồng”.

Dù rất yêu nghề nhưng vì hoàn cảnh gia đình, năm 2011 cô Loan xin nghỉ hưu trước tuổi để tiện bề chăm sóc mẹ chồng lớn tuổi nằm liệt giường để chồng và các con yên tâm đi làm việc và học tập xa nhà.

Cô Loan tâm sự, nghỉ hưu cô rất nhớ trường, đồng nghiệp và học trò. Để cho vơi nỗi nhớ, cô mở hẳn “thư viện” mini tại nhà với trên 1 ngàn đầu sách các loại. Đó là số sách của gia đình cô mua và học sinh cũ ủng hộ. “Thư viện” là địa chỉ thu hút đông học trò nhỏ của Trường THCS Đồng Hiệp và Trường tiểu học Phú Điền, hằng ngày đến đọc sách và cô trò được gặp nhau.

* Nặng tình với khuyến học

Ý tưởng thành lập thư viện nhằm thu hút học sinh ham học hỏi được cô Loan triển khai từ năm 2004. Khi đó cô là Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Khuyến học của Trường THCS Đồng Hiệp.

Cô Nguyễn Thị Hồng Loan (trái) và Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền (huyện Tân Phú) Đinh Thị Hương, học trò cũ của cô.
Cô Nguyễn Thị Hồng Loan (trái) và Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền (huyện Tân Phú) Đinh Thị Hương, học trò cũ của cô.

Cô Loan kể, lúc đó nhà trường chưa có thư viện nên học sinh không có sách học tập, tham khảo. Vì vậy, cô đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường xây dựng thư viện. Để có nguồn sách phong phú, cô tích cực vận động đồng nghiệp, người quen, học trò cũ ủng hộ sách và kinh phí thực hiện. Nhờ vậy, thư viện của Trường THCS Đồng Hiệp sau khi thành lập đã có trên 200 đầu sách, tạo điều kiện tốt cho việc học tập, tham khảo và giải trí của học sinh.

Ngoài chuyện khởi xướng mở thư viện, cô Loan còn được đồng nghiệp, học sinh và người dân trong vùng biết tiếng là một cô giáo luôn nặng tình với học trò nghèo. Hễ phát hiện trong lớp do mình chủ nhiệm có học sinh nào khó khăn, bỏ học, cô lại tìm mọi cách tiếp sức bằng việc vận động sách vở, áo quần, học bổng, hỗ trợ gạo, miễn giảm học phí. “Nhà trồng được lúa nên thỉnh thoảng tôi cũng ủng hộ học trò và người dân nghèo trong xã ít gạo ăn lấy thảo” - cô Loan nói.

Nhờ những phần quà do cô Loan tiếp sức, nhiều học trò nghèo ở Trường THCS Đồng Hiệp tiếp tục được cắp sách tới trường dù có lúc phụ huynh quyết định cho con em mình nghỉ học vì lý do gia cảnh nghèo, bệnh tật không thể lo cho con học. Đó là trường hợp học sinh Phượng (năm học 2006-2007), học sinh Chi (năm học 2007-2008), học sinh Thúy (năm học 2004-2005)...

Cô Loan tâm sự: “Trước đây, học sinh vùng này khó khăn lắm. Khi đến tận nhà thăm và nhìn thấy hoàn cảnh của các em nhiều lần tôi không cầm được nước mắt. Có em ở với ông bà lớn tuổi trong túp lều tranh tồi tàn nơi đồng ruộng. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp các em không phải bỏ học giữa chừng”.

Từ sự kêu gọi mạnh thường quân, nhà trường và bản thân cô Loan chung sức giúp đỡ, nhiều học trò nghèo không bị dang dở việc học và tiếp tục học lên THPT, đại học. Nhiều học sinh thành đạt đã quay về tìm cô Loan xin được góp sức cùng cô giúp đỡ các học sinh khó khăn trong vùng. Cứ vậy, lòng nhân ái của cô Loan được truyền từ thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác suốt 36 năm nay.

Nay về hưu, cô Loan vẫn song hành cùng phong trào khuyến học do xã vận động, đóng góp tiền, gạo, học bổng, sách vở, quần áo cũ hỗ trợ cho học sinh khó khăn trong xã và các xã vùng sâu, xa của tỉnh: Đắk Nông, Nghệ An.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều