Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân Thành Tuy Hạ nghĩa tình

10:11, 11/11/2018

Người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) được bạn bè phương xa thân thương gọi là dân Thành Tuy Hạ. Bởi lẽ họ sinh sống trên vùng đất có kho vũ khí Thành Tuy Hạ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nơi đây cũng từng là căn cứ quân sự lớn của Pháp, Mỹ trên vùng đất Thành Tuy Hạ năm xưa.

Người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) được bạn bè phương xa thân thương gọi là dân Thành Tuy Hạ. Bởi lẽ họ sinh sống trên vùng đất có kho vũ khí Thành Tuy Hạ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nơi đây cũng từng là căn cứ quân sự lớn của Pháp, Mỹ trên vùng đất Thành Tuy Hạ năm xưa.

Thợ hớt tóc Hồ Văn Dũng (ấp 1, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) cần mẫn hớt tóc để có tiền làm từ thiện.
Thợ hớt tóc Hồ Văn Dũng (ấp 1, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) cần mẫn hớt tóc để có tiền làm từ thiện.

Trong chiến tranh, người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) kiên trung, một lòng theo Đảng, nay quê hương bừng sáng nông thôn mới, người dân Phú Thạnh lại sống nghĩa tình, hào hiệp.

* Sẻ chia yêu thương

Tiệm hớt tóc của ông Hồ Văn Dũng nằm trong con hẻm nhỏ tổ 14, ấp 3, xã Phú Thạnh nhưng vẫn được mọi người biết tiếng. Đó là nhờ tay nghề khéo léo và tấm lòng từ thiện của ông Dũng khi ông biết chia sẻ những phần cơm, ổ bánh mì cho những người bán vé số, mua ve chai, bệnh nhân nghèo... trích từ tiền công hớt tóc 250-300 ngàn đồng/ngày của ông.

Xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 và hiện tại đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2019.

Để duy trì tấm lòng nhân ái đó, từ 3 giờ sáng ông Dũng đã ra chợ xã Phú Thạnh nhận rau, củ của các tiểu thương tặng rồi lặng lẽ mang về chế biến thành những món bún, cơm chay để kịp cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân ở trọ quanh khu vực. Khi những phần ăn sáng được trao hết cho người cần, ông Dũng quay về nhà bắt đầu công việc hớt tóc thường ngày.

Ông Dũng cho biết mình duy trì được việc làm này đều đặn là nhờ sự góp sức của bạn bè, người thân ủng hộ gạo, tiểu thương thì cho rau, củ, bún, nước tương, dầu ăn... Nhờ vậy, những phần ăn sáng từ thiện của ông Dũng đầy đặn và chất lượng hơn. Những hôm nào không có ai hỗ trợ, ông bỏ tiền túi mua bánh mì để cấp cho người cần.

Con đường đất đi ra cánh đồng Bàu Sen (tổ 2, ấp 3, xã Phú Thạnh) nhiều vết chân trâu gập ghềnh khó đi, ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Thạnh vẫn chạy xe len lỏi đưa chúng tôi đến tận nơi ông Nguyễn Minh Sang, Tổ phó Tổ tự quản ấp 3 đang chăn trâu ngoài đồng. Ông Sang được người dân trong ấp, xã hết lòng khen ngợi vì có thành tích trong công tác giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp và tặng trâu cho hộ nghèo.

Từ 4 con trâu giống ban đầu, ông Sang gầy dựng lên đàn trâu 200 con và trở thành hộ khá giả ở địa phương. Nhờ đó, hằng năm ông Sang hỗ trợ phong trào giảm nghèo của Hội Nông dân xã, huyện 2 con trâu để giúp cho người nghèo. Đồng thời, ông hỗ trợ riêng cho gia đình anh Thương (hộ nghèo, chăn trâu thuê cho ông Sang) 3 con trâu giống và gia đình anh Thương đã nhân số trâu lên được 16 con, thoát khỏi diện hộ nghèo.

Trên cánh đồng Bàu Sen giữa trưa nắng nóng, ông Sang vừa gạt mồ hôi nhỏ giọt trên mặt vừa tâm sự, việc ông làm không có gì là to tát. Cả xã, ấp đều chung sức chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo nên ông cũng góp một phần để tạo điều kiện cho một số người nghèo làm ăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Nhiều người dân ở xã Phú Thạnh như: bà giáo về hưu Châu Thị Phụng (ấp 2), bà Tạ Thị Bạch Tuyết (ấp 3), ông Nguyễn Thanh Sang (Trưởng ban Chỉ huy quân sự xã), Dương Văn Dè (Tổ trưởng Tổ tự quản ấp 3)... cũng âm thầm góp công, góp sức để cùng với gần 800 hộ dân xã Phú Thạnh và chính quyền xây dựng hình ảnh người dân Thành Tuy Hạ đầy ắp tình người hôm nay.    

* Lòng dân vẫn rạng ngời

Trong những năm kháng chiến, để bảo vệ kho vũ khí lớn Thành Tuy Hạ, quân đội Pháp, Mỹ gây ra nhiều đau thương chết chóc cho người dân nơi đây. Chính vì vậy, bộ đội; thuộc Đoàn 10 đặc công rừng Sác cùng quân và dân xã Phú Thạnh có trận đánh lớn vào đêm 11-11-1972,  tấn công phá hủy 15 kho bom CBU, 17 kho đạn pháo 105 ly, 10 ngàn tấn bom đạn trong 33 nhà kho.

Cán bộ, đảng viên ấp 1 (xã Phú Thạnh) trách nhiệm, nghĩa tình nên được dân quý, dân tin.
Cán bộ, đảng viên ấp 1 (xã Phú Thạnh) trách nhiệm, nghĩa tình nên được dân quý, dân tin.

Rạng sáng 13-12-1972, bộ đội chủ lực tiếp tục đột nhập vào kho vũ khí Thành Tuy Hạ dùng 32 khối thuốc nổ phá hủy 80 dãy nhà kho chứa khoảng 18 ngàn tấn bom bao gồm: 47 gian kho đạn pháo 105 ly, 14 gian kho bom CBU, 14 gian chứa các loại bom đạn khác… Trận đánh này, quân và dân xã Phú Thạnh đã phá hủy khoảng 60% của kho vũ khí Thành Tuy Hạ, trong đó có 80% khu kho bom bị phá hủy, 1 tiểu đoàn địch bị thiệt hại nặng nề.

Chiến tranh kết thúc, vùng đất xung quanh kho vũ khí Thành Tuy Hạ nhanh chóng được chính quyền và nhân dân xã Phú Thạnh nói riêng, huyện Nhơn Trạch nói chung kiến thiết xây dựng lại. Trải qua bao khó khăn, người dân xã Phú Thạnh vẫn vững tin vào chủ trương chính sách “của dân, do dân, vì dân” của Đảng, chính quyền trong việc phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết, an sinh xã hội.

Ông Phạm Văn Sảnh, nguyên Chủ tịch UBND, HĐND, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh cho hay người dân xã Phú Thạnh dù trong kháng chiến gian khổ, hy sinh hay thời bình giao đất để tỉnh, huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế... vẫn vững niềm tin vào Đảng, chính quyền và tỏa sáng sự hào hiệp, nghĩa tình trong cuộc sống đời thường.

Đưa chúng tôi thăm những tuyến đường láng xi măng có nhiều hoa 2 bên đường, ban đêm đèn đường sáng trưng, Trưởng ấp 1 Bùi Văn Lăng xởi lởi tỏ bày, đó là công sức, tiền bạc của dân để cùng huyện, xã xây dựng đường ấp đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ đường ruộng, đường đê trơn trượt, nhỏ hẹp, bà con trong ấp 1 kỳ công mở rộng, xây kè gần 10 năm qua mới được như bây giờ.

Ông Dương Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh cho biết: “Dù địa phương tiếp nhận ngày một nhiều số lao động nhập cư nhưng do người dân Phú Thạnh vẫn giữ được sự chân chất, khẳng khái, hào hiệp, nghĩa tình, sẵn sàng giúp đỡ những người tứ xứ đến đây làm ăn sinh sống. Nhờ đó tình hình an ninh trật tự địa bàn luôn ổn định, giữ được cuộc sống bình yên, không bị tác động quá lớn của quá trình đô thị hóa”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều