Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân nhiều đất nhất Xóm Gò

09:10, 30/10/2018

Về Xóm Gò (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) hỏi ông Hai Trang (47 tuổi, tên thật Lê Trọng Kim) ai cũng biết. Bởi nông dân Hai Trang tuy có nhà biệt thự, ruộng vườn nhiều nhất Xóm Gò nhưng sống rất giản dị, thường xuyên giúp đỡ bà con chòm xóm suốt nhiều năm nay.

Về Xóm Gò (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) hỏi ông Hai Trang (47 tuổi, tên thật Lê Trọng Kim) ai cũng biết. Bởi nông dân Hai Trang tuy có nhà biệt thự, ruộng vườn nhiều nhất Xóm Gò nhưng sống rất giản dị, thường xuyên giúp đỡ bà con chòm xóm suốt nhiều năm nay.

Nông dân Hai Trang ở Xóm Gò, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu).
Nông dân Hai Trang ở Xóm Gò, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu).

Sinh ra, lớn lên và lấy vợ là dân Xóm Gò, nông dân Hai Trang thuộc làu từng đường ngang, ngõ dọc trong xóm. Sau bao nhiêu năm đổi mới, xóm nghèo này đã đổi thay rất nhiều nhưng với nông dân Hai Trang vẫn không thể nào quên những tháng ngày cơ cực, từ đôi tay trắng làm lên tất cả nên cách sống, cách nghĩ của ông cũng không thay đổi nhiều.

* Vượt qua gian khó

Nông dân Hai Trang kể: “Cha mẹ tui có tới 6 người con. Vì tui là con trai đầu nên học tới lớp 3 trường làng, tui  phải nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng nuôi em. Tui nhớ năm đó tui mới 12 tuổi, cao bằng cái lưỡi cày nhưng vẫn điều khiển được đôi trâu, đôi bò kéo những xe lúa cao ngất ngưởng băng đồng sình lầy về nhà”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Văn Thành cho biết, từ nông dân không có đất sản xuất, phải thuê ruộng để cày cấy, vợ chồng ông Hai Trang trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã và là người có nhiều ruộng đất nhất trong xã, đồng thời hay giúp đỡ người khác, tích cực đóng góp cho phong trào địa phương.

Năm 1983, vùng đất Xóm Gò chỉ có nhà tranh, nhà ván, lúa chỉ làm được một vụ chính vào mùa mưa nên mùa nắng để đồng khô cháy và chăn thả gia súc. Cho nên, nhà nông Xóm Gò còn có thêm nghề tay trái là vào rừng chặt củi, đốt than kiếm sống. Cậu bé Hai Trang mới 12 tuổi lại theo cha đánh xe bò, xe trâu vào rừng kiếm củi.

“Tờ mờ sáng xe trâu, xe bò Xóm Gò lũ lượt kéo nhau vào rừng. Chiều, xe nào cũng đầy củi khô, củi tươi, than nối đuôi nhau về lại xóm. Lũ trẻ con như tui khoái chí hò hét trên lưng trâu, bò mặc cho người lớn vẻ mặt vui buồn toan tính số củi, than bán được bao nhiêu” - ông Hai Trang kể lại.

Vì giỏi giang chuyện đồng áng từ nhỏ nên khi trưởng thành, thanh niên Hai Trang nổi tiếng trong vùng về việc nhà nông, chưa có thanh niên Xóm Gò nào sánh kịp. Nông dân Năm Đài Loan (70 tuổi, ấp Vàm) nói: “Cũng là nông dân với nhau nhưng đường cày, cách cuốc bờ của Hai Trang vừa nhanh vừa thẳng nên rất nhiều người muốn vần đổi công hoặc thuê Hai Trang làm ruộng khi tới mùa vụ”.

Năm 22 tuổi, chàng trai Hai Trang kết hôn với thôn nữ Xóm Gò Trương Thị Trang. Ngay sau đám cưới của Hai Trang, nông dân Xóm Gò giật mình thấy đôi bạn trẻ lúi cúi dọn về cái chòi lá chơ vơ giữa đồng để xây tổ ấm, lo làm ruộng sinh sống. Ai hỏi gì, Hai Trang cũng cười nói muốn ra riêng làm ăn để có cơ ngơi riêng, không phụ thuộc cha mẹ nữa.

Nhờ siêng năng cày cấy, vợ chồng ông Hai Trang dần lập nên kỳ tích tại Xóm Gò. Nông dân Hai Đây (Trưởng ấp Vàm) cho biết: “Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng Hai Trang đã tạo dựng được 8 hécta đất ruộng, trở thành người có ruộng vườn nhiều nhất Xóm Gò, có nhà trọ cho thuê, máy móc nông nghiệp đủ loại”.

* Nông dân thời @

Xóm Gò giờ đây đã thay da đổi thịt nhờ nông thôn mới. Nhiều gia đình đổi đời, thoát nghèo nhờ đi làm công nhân, buôn bán, cho thuê nhà trọ... Riêng vợ chồng ông Hai Trang tuy có của ăn, của để nhưng vẫn “bám” ruộng vườn, chịu khó lao động, lấy nông nghiệp là nghề chính.

Ông Hai Trang (trái) thăm mô hình trồng rau sạch do ông mua lại.
Ông Hai Trang (trái) thăm mô hình trồng rau sạch do ông mua lại.

Khi chúng tôi về thăm, ông Hai Trang dẫn đi thăm một vòng cánh đồng rộng mênh mông của gia đình ông ở Xóm Gò khi lúa đang xanh mơn mởn. Trong bộ quần áo cũ, sờn vai, nông dân Hai Trang say sưa nói về kinh nghiệm trồng trọt ở Xóm Gò, mùa mưa thì cày cấy đất trồng lúa rất tốt; mùa nắng trồng đậu, hoa màu và lấy gốc rạ khô ủ nấm rơm cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Ông còn đầu tư các loại máy móc để giảm công sức lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt để cho năng suất cao. Nhờ đó, thu nhập từ nông nghiệp vẫn đều đặn mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhiều người dân ở Xóm Gò cho rằng nông dân Hai Trang “khác người”, dù ở nhà cao cửa rộng nhưng vẫn giản dị, khi ra đường ông chỉ mặc bộ quần áo đi cày, nước da rám nắng, khắc khổ. Thế nhưng ông không tiếc tiền khi bỏ ra 200 triệu đồng để mua lại mô hình trồng rau sạch của một nông dân trong ấp làm ăn không hiệu quả. Sau đó, ông tìm tòi khắc phục những hạn chế của mô hình để nâng cao năng suất, chất lượng cho vườn rau. 

“Tính tui vậy đó. Tui chỉ thích làm bạn, ngồi ăn, tâm sự với nông dân. Tui mê các mô hình làm nông nghiệp theo cách mới. Nói gì thì nói, thời buổi này làm nông ngoài kinh nghiệm cần biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại vô thì mới hiệu quả. Còn với bà con chòm xóm khi cần gì tui giúp được sẽ giúp, không có nề hà gì” - ông Hai Trang bộc bạch.

Bà Sáu (chủ quán cà phê cóc ở cuối đường Xóm Gò) cho biết, cứ năm nào trúng mùa lúa, vợ chồng ông Hai Trang lại mang gạo cho người dân khó khăn trong ấp, trong xã. Còn người nào lỡ thiếu lúa ăn, lúa giống hay cần máy móc cày, bừa mà chưa có tiền, vợ chồng ông Hai Trang lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ nên ở xóm này, ông bà luôn được nhiều người dân quý trọng.

Nay Xóm Gò (xã Thiện Tân) đang trong quá trình đô thị, ruộng đất có giá, không ít nông dân bán đất để lấy tiền xây nhà, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm thoát ly nông thôn. Riêng nông dân Hai Trang vẫn gắn bó với ruộng vườn, lo làm ăn làm giàu, cùng chung sức với địa phương trong việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều