Báo Đồng Nai điện tử
En

Mai một làng gốm Lái Thiêu

10:09, 08/09/2018

Bình Dương là tỉnh vốn có truyền thống về nghề làm gốm, nhưng thời gian qua với tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu, cụm công nghiệp thi nhau mọc lên kéo theo sự mai một của các làng nghề truyền thống.

Bình Dương là tỉnh vốn có truyền thống về nghề làm gốm, nhưng thời gian qua với tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu, cụm công nghiệp thi nhau mọc lên kéo theo sự mai một của các làng nghề truyền thống.

Thợ làng gốm Lái Thiêu (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) nặn heo đất.
Thợ làng gốm Lái Thiêu (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) nặn heo đất.

Làng gốm Lái Thiêu (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) từng khá nổi tiếng cả vùng Nam bộ vào đầu thế kỷ 20 với các sản phẩm gia dụng mộc mạc mà tinh tế. Đây cũng được xem là “cái nôi” nghề gốm truyền thống ở Bình Dương.

* Cặm cụi với nghề

Đến thăm làng gốm cổ Lái Thiêu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi Ba Phúc), là dân thổ địa, đã ở Lái Thiêu được nửa thế kỷ và có thâm niên làm khu phố trưởng KP.Bình Đức 1 hơn 20 năm, nên ông hiểu từng ngõ ngách và tâm tư của người dân, đặc biệt dân làm nghề gốm truyền thống.

Ông Ba Phúc cho biết KP.Bình Đức 1 có 19 gia đình chuyên làm gốm truyền thống 4-5 đời và hàng trăm hộ làm thợ, mua bán ở các lò gốm bên bờ sông này. Bây giờ chính quyền có chủ trương dời lò nung gốm đốt bằng củi đi xa, hạn chế gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Hiện tại tình hình làm ăn ở các lò gốm rất khó khăn, phần lớn các lò gốm đều ngừng hoạt động

Chúng tôi theo chân ông Ba Phúc rẽ vào làng nghề gốm Lái Thiêu (nay thuộc KP.Bình Đức 1). Dọc theo con đường làng cũ êm ả, bề rộng khoảng 4m đã được trải nhựa vẫn còn vương mùi đất và những chiếc lu vại, chum chóe, nồi đất, lò đất, heo đất… bày biện một cách trật tự rải rác dọc 2 bên đường làng đủ kích thích óc tò mò của khách đến thăm bởi vẻ đẹp mộc mạc vốn có của gốm truyền thống Lái Thiêu thuở nào.

May mắn là vẫn còn 1 lò gốm của bà Hà Thị Tám duy trì hoạt động nhào đất, nặn sản phẩm và phơi phóng. Những hàng cột xiêu vẹo và mái ngói cổ bám dính rêu phong minh chứng sự hiện diện cả trăm năm. Một phụ nữ lớn tuổi cặm cụi chỉnh sửa con heo đất trước khi cho vào lò, một nhóm khác nhào trộn ba bốn thứ đất, tạo nên hình hài những chú heo đất tròn trĩnh trước khi mang ra sân phơi để chuyển đến lò nung. Tất cả cứ thoăn thoắt, nhịp nhàng và cần mẫn như những con ong thợ đang xây tổ.

Cố gắng tiếp cận, trò chuyện với một phụ nữ ngoài 50 tuổi, bà chỉ tay về phía một người thợ mặc mỗi chiếc quần cộc, đang bê một khuôn sứ chứa con heo đất mang ra sân phơi nắng rồi nói: “Ông chủ đi vắng, có chú Năm trông coi”.

Gương mặt của người thợ cao niên này mang đầy vẻ đăm chiêu khi lò nung đã phải dời đi xa hàng chục cây số, đất nguyên liệu cũng phải lấy xa hơn, công việc sa sút, thu nhập kém...

Ông Ba Phúc nói thêm vào: “Trước đây khu phố này giàu lắm, các lò cạnh tranh lẫn nhau, xây được nhiều biệt thự cũng nhờ thời gian đua nhau làm gốm sau khi Nhà nước bỏ ngăn sông cấm chợ, cho bung ra làm kinh tế tư nhân hồi những năm 1988-1992, nhưng giờ điêu tàn rồi...”

* Vắng vẻ bến sông

Theo một con đường nhựa xuyên qua làng gốm Lái Thiêu mà giờ đã lên phường với nhà cửa kiên cố xây cất san sát, chúng tôi ra tới bến sông của làng gốm. Đang là mùa mưa, mùa con nước lên nhưng ghe thuyền khá thưa thớt, phải đi hết con đường mới thấy được 2 chiếc ghe loại vài chục tấn đang bốc hàng. Đám thanh niên, thợ thuyền đang bốc vác, luân chuyển từng lô hàng lên tàu qua chiếc cầu gỗ tạm.

Trên bờ, ở phía đối diện là những cửa hàng bày biện các loại vật phẩm làm bằng gốm sứ. Ông Nguyễn Văn Đức (Chín Đức) - một người sinh ra và đã ở làng gốm này 58 năm, phân trần: “Dạo này hàng bán ế nên bỏ la liệt nơi vỉa hè. Tôi mua bán cầm chừng, đủ sống”. Khi chúng tôi thắc mắc “mua bán ế, nhưng các cửa hàng nào cũng xây nhà tầng?”, ông Đức liền nói: “Xây nhà từ tiền tích lũy mấy chục năm rồi. Tôi sống ở đây từ nhỏ, chỉ làm nghề gốm, bán đồ gốm, bây giờ các lò gốm chuyển đi, dân có đất làm nhà, làm cửa hàng, giàu lên nhưng mất vui”.

Trên con phố Châu Văn Tiếp dài hơn 600m có khoảng 30 hộ chuyên buôn bán hàng gốm, ngoài hàng Lái Thiêu, một số cơ sở còn nhập thêm hàng gốm từ Bát Tràng (Hà Nội) về bán vì hàng Hà Nội sắc nét lại rẻ hơn gốm truyền thống Lái Thiêu vốn dày và nặng. Tính sơ sơ chủng loại hàng gốm cũng khá phong phú, lên tới cả trăm món.

Ông Đức tâm sự thật lòng: “Buôn bán nghề gốm truyền thống này không phải nộp thuế vì được Nhà nước khuyến khích nhưng phải chịu khó, thức đêm dậy sớm làm cũng cực, mỗi năm lời khoảng 100-200 triệu đồng. So với cách đây 5 năm, lượng hàng ngày càng giảm”.

Gia đình của bà Vương Khôn Oanh là một trong những gia đình gắn bó lâu đời với nghề làm gốm truyền thống ở Lái Thiêu. Bà Oanh vốn là thợ nặn - là đời thứ 5 làm nghề gốm và giờ đã sang đời thứ 6. Tài sản trong đời làm gốm mà ông nội và cha mẹ của bà Oanh để lại cho con cháu là dãy nhà 5 căn biệt thự phố.

Bà Oanh cho biết mảnh đất xây biệt thự này trước đây là lò gốm, nhà trại, sân phơi làm phương tiện hành nghề. Bây giờ phải di dời lò đi xa, nên giờ khách đặt gì làm nấy; chủ yếu vẫn là đồ sành sứ như chậu kiểng trồng lan, con thú (12 con giáp), niêu đất... cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Tây.

Giọng bà Oanh đượm buồn: “Trước đây xưởng tôi có làm gốm men màu, giờ chủ yếu làm gốm đất, vốn ít làm ăn liền, bọn trẻ giờ không theo nghề, địa phương lại có chủ trương di dời không cho làm lò nung tại chỗ nên có... buồn cũng chịu vậy!”.

Chia tay làng gốm, chúng tôi thầm cảm phục sự khéo léo trong tổ chức sản xuất của người xưa khi làng gốm nằm sát bên vàm Lái Thiêu chảy ra sông Sài Gòn, nhưng thầm lo, với cơn lốc của thời đại công nghiệp 4.0 đang quét qua thì chỉ ít năm nữa thôi, làng nghề gốm sứ truyền thống Lái Thiêu có thể cũng chỉ còn là quá khứ...

Quang Phú

Tin xem nhiều