Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Nâng chất các mô hình giữ an ninh trật tự

08:08, 20/08/2018

Tinh thần tự nguyện, dũng cảm của người dân khi tham gia các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, ra tay chống lại cái xấu rất đáng được trân trọng. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm gì để hỗ trợ, bảo vệ những "hiệp sĩ" này hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

[links()]Tinh thần tự nguyện, dũng cảm của người dân khi tham gia các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, ra tay chống lại cái xấu rất đáng được trân trọng. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm gì để hỗ trợ, bảo vệ những “hiệp sĩ” này hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh đến thăm hỏi và động viên gia đình “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam.
Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh đến thăm hỏi và động viên gia đình “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam.

Gác lại ước mơ còn dang dở, bỏ lại gia đình với nhiều hy vọng, anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã dũng cảm hy sinh khi tham gia bắt cướp ở TP.Hồ Chí Minh vào ngày 13-5.

* Nguy hiểm rình rập

Ông Nguyễn Hiếu Hoàng, cha của anh Nam chia sẻ: “Tôi lo cho con nên từng ngăn cản không cho làm “hiệp sĩ” nhưng Nam cứ lờ đi, bảo nếu ai cũng sợ thì lấy ai giúp đời. Nghe con nói vậy, dù lo nhưng tôi cũng thấy vui vì con sống có chí khí, nghĩa hiệp”.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết trong thời gian tới Công an tỉnh sẽ xem xét, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng hành lang để bảo vệ các mô hình giữ gìn an ninh trật tự hoạt động theo quy củ. Đặc biệt, lực lượng công an sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xử lý các tình huống cho thành viên các mô hình giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình hoạt động để biết bảo vệ chính mình khi gặp tình huống nguy hiểm.

Tương tự, đến nay dù anh Đỗ Huy Thắng (sinh năm 1989, từng là dân phòng phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã hy sinh gần 7 năm nhưng nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi ngoai đối với người thân của anh Thắng. Vào ngày 9-2-2011, khi tham gia bắt đối tượng đánh nhau trên địa bàn phường, anh Thắng bị nghi can dùng dao đâm tử vong. Sau đó, anh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ vì có công trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

“Lúc đó, cả nhà đang ăn cơm thì Thắng nhận được điện thoại nhờ đi hỗ trợ. Con tôi bỏ dở chén cơm rồi vội đi. Tưởng như những lần khác con đi rồi về, ai dè lần đó Thắng đi mãi mãi” - ông Đỗ Văn Cường, cha của anh Thắng xúc động kể lại.

Từng nhiều phen đối đầu với tội phạm, anh Trần Anh Luật (Câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết do đam mê nên anh chấp nhận nguy hiểm. Trong thời gian tham gia CLB, anh cùng các thành viên trong CLB gặp rất nhiều tình huống đe dọa đến sự an toàn nhưng anh đều tìm cách giải nguy bằng kinh nghiệm thực tế là chính chứ không có nghiệp vụ.

Còn ông Nguyễn Thiên Báo, CLB săn bắt cướp Biên Hòa cho biết mỗi lần tham gia bắt tội phạm, các thành viên trong đội đều phải tự tìm cách bảo vệ mình. Khó khăn nhiều, nguy hiểm cũng chồng chất vì các thành viên chỉ bằng tay không bắt cướp.

Đại tá Võ Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh cho biết các CLB phòng chống tội phạm đang hoạt động ở các phường, xã đều nhờ vào công tác xã hội hóa tại các địa phương. Chỉ một số ít mô hình an ninh trật tự được trang bị công cụ hỗ trợ là gậy cao su. Bên cạnh đó, nghiệp vụ của thành viên các CLB phòng chống tội phạm cũng chưa được đào tạo bài bản, đến nơi đến chốn.

* Tháo gỡ khó khăn, bất cập

CLB phòng chống tội phạm phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động đạt hiệu quả cao và hỗ trợ kịp thời cho lực lượng công an. Tuy nhiên theo Trung tá Đào Văn Phú, Trưởng Công an phường Long Bình Tân thì hiện nay CLB hoạt động không có nguồn kinh phí, các thành viên hầu như tay không bắt cướp.

“Để CLB phòng chống tội phạm hoạt động hiệu quả và lâu dài, đòi hỏi các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ về cả kinh phí lẫn công cụ hỗ trợ, đồng thời động viên kịp thời để khích lệ tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của các thành viên và người dân” - Trung tá Đào Văn Phú nhận định.

Cùng chung quan điểm này, Thiếu tá Vũ Duy Nhân, Phó trưởng Công an phường Long Bình cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên mà không có bất kỳ một khoản hỗ trợ nào thì việc duy trì hoạt động của các mô hình giữ gìn an ninh trật tự là rất nan giải. Trước thực tế đó, theo Thiếu tá Nhân, các cấp chính quyền cần phải sớm tìm giải pháp, tìm kiếm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm.

Đối với một số CLB phòng chống tội phạm tự phát trong dân, điều mong mỏi lớn nhất của các thành viên là được công nhận và hỗ trợ về mặt nghiệp vụ; đồng thời được các cơ quan chức năng có giải pháp để bảo vệ sự an toàn cho các thành viên trong đội khi tham gia hoạt động.

“CLB của chúng tôi đã thành lập được hơn 3 năm nhưng hiện vẫn chưa có một “danh phận”. Điều này gây khó khăn khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương. Nếu có được sự ủng hộ từ người dân và công nhận từ chính quyền thì hoạt động của chúng tôi sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn” - ông Nguyễn Thiên Báo, CLB săn bắt cướp Biên Hòa kiến nghị.

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Đàng, Phó trưởng Công an huyện Long Thành cũng cho rằng sở dĩ huyện duy trì nhiều mô hình giữ gìn an ninh trật tự hoạt động có hiệu quả là do Công an huyện không để các mô hình tự phát hoạt động tràn lan, thiếu kiểm soát. Lực lượng Công an huyện và xã cũng thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đồng thời tranh thủ sự đóng góp về vật chất để hỗ trợ kinh phí, xăng xe cho thành viên của các mô hình giữ gìn an ninh trật tự yên tâm hoạt động.

Đại úy Huỳnh Văn Tấn Đông, Phó trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh cũng cho biết để khích lệ tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm, trong năm 2014 Ban giám đốc Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ cho những người bị thương, bị chết, thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đó, ngoài việc được thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong quá trình điều trị, người bị thương còn được giám định khả năng lao động tại Hội đồng pháp y theo quy định pháp luật để nhận mức hỗ trợ phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt, người chết sẽ được xem xét đề nghị công nhận liệt sĩ, bởi lẽ : “Hành động nghĩa hiệp vì cộng đồng, hy sinh cả tính mạng vì chính nghĩa cần được, tôn vinh trong xã hội” - Đại úy Huỳnh Văn Tấn Đông nhấn mạnh.

Tố Tâm - Trần Danh

Tin xem nhiều