Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề làm đẹp cho hoa ở Đà Lạt

08:08, 11/08/2018

Khi nói đến xứ sở sương mù Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ai cũng ấn tượng về nơi có ngàn hoa khoe sắc. Thế nhưng không phải ai cũng biết để cho muôn sắc hoa lung linh khắp phố núi này là nhờ bàn tay chăm sóc của phần lớn những lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung...

Khi nói đến xứ sở sương mù Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ai cũng ấn tượng về nơi có ngàn hoa khoe sắc. Thế nhưng không phải ai cũng biết để cho muôn sắc hoa lung linh khắp phố núi này là nhờ bàn tay chăm sóc của phần lớn những lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung...

Người làm vườn thuê cho các vườn hoa, lagim ở TP.Đà Lạt.
Người làm vườn thuê cho các vườn hoa, lagim ở TP.Đà Lạt.

Chúng tôi rời Đồng Nai đến TP.Đà Lạt vào những ngày giữa tháng 7 mưa phùn. Có mặt tại vườn hoa cẩm tú cầu ở phường 3, TP.Đà Lạt, chúng tôi cùng nhiều du khách khác thích thú tạo dáng chụp hình giữa vườn toàn hoa cẩm tú cầu thì ở cuối vườn có những cái bóng lúp xúp lấm lem bùn đất vẫn chăm chỉ vun gốc, cắt bông, tỉa lá. Họ là những người làm vườn thuê cho chủ vườn hoa này.

* Cho hoa thêm hương sắc

Thấy chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm, ông Hồ Văn Ba (tạm trú ở phường 3, TP.Đà Lạt) có hơn 10 năm bám xứ sở sương mù kiếm sống bằng nghề chăm cây cảnh chia sẻ mỗi ngày ông mang kéo, kiềm đi tỉa, tạo dáng cây cảnh thuê được trả công 300 ngàn đồng. Có hôm ông Ba kiếm được trên 500 ngàn đồng nhờ tạo dáng cây đẹp mắt nên được các ông chủ vườn, chủ biệt thự hào phóng cho thêm.

Hiện nay, du khách đến với Đà Lạt thường ghé thăm những làng hoa nổi tiếng như: Thái Phiên (phường 12), Hà Đông (phường 8), Vạn Thành (phường 5)... Đây là những vườn hoa hình thành cách đây gần 80 năm của di dân từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế... Mỗi làng hoa ở đây đều có những loài hoa bản địa, nhập ngoại mang biểu tượng của xứ sở Đà Lạt sương mù như: cúc, lay-ơn, hồng, cẩm tú cầu, đồng tiền, địa lan...

Vốn có tay nghề tạo dáng bonsai ở Huế, ông Ba vào Đà Lạt mưu sinh. Khách hàng của ông Ba phần lớn là các ông chủ vườn, biệt thự, hoa viên gốc Huế với các sở thích tạo dáng long, lân, quy, phụng cho bonsai. Trong khi dân Đà Lạt gốc người miền Nam và miền Bắc thì có sở thích tạo dáng cho bonsai theo kiểu: đồi thông, đồi tùng, mẫu tử, thác đổ... Để vừa lòng các chủ vườn, ông Ba phải học hỏi thêm cách tạo dáng bonsai từ những người thợ cây cảnh miền Bắc, miền Nam.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hoa (quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú ở phường 8, TP.Đà Lạt) chỉ làm công việc chăm sóc vườn thông thường cũng được chủ trả công từ 200-250 ngàn đồng/ngày. Mỗi ngày bà Hoa đều có mặt tại các vườn hoa, vườn rau để nhổ cỏ, tỉa ngọn, tỉa lá, bắt giàn... Nhờ chịu thương chịu khó lao động, bà Hoa được nhiều chủ vườn mời gọi làm việc nên 5 năm nay bà chưa hề bị thất nghiệp. Có thu nhập ổn định, bà Hoa gửi tiền về quê phụ với chồng nuôi con ăn học.

Để ngàn hoa khoe sắc bốn mùa, người trồng hoa ở Đà Lạt cần một lực lượng lao động làm vườn rất lớn đến từ các tỉnh, thành nổi tiếng về hoa, cây cảnh như: Hà Nội, Thừa Thiên -  Huế, Đồng Tháp, Nghệ An... Theo nhà vườn Nguyễn Thanh Lâm (ngụ số 88 Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt), làng hoa Thánh Mẫu thu hút gần 500 lao động, hầu hết đều ngoại tỉnh. Mỗi sáng tinh mơ, đoạn đường Thánh Mẫu tấp nập người lao động qua lại. Công việc chăm sóc, thu hoạch hoa, rau, củ, quả... phần lớn các nhà vườn thuê lao động ngoại tỉnh vì lao động địa phương khan hiếm. Nguyên nhân dân Đà Lạt lâu nay ngại công việc “dầm sương, dãi nắng” và thu nhập không cao bằng công việc buôn bán, dịch vụ, du lịch...

* Nghề dễ mà khó

Trong khu nhà trọ ở KP.2, phường 8 (TP.Đà Lạt), ông Trần Hương (quê tỉnh Quảng Bình) điềm tĩnh truyền đạt kinh nghiệm với anh chàng cùng dãy nhà trọ quê tỉnh Bình Định Huỳnh Văn Tú về công việc mới nhận được. Ông Hương dặn dò chàng trai Tú hãy làm theo những gì ông đang làm, đừng nói gì nhiều với chủ vườn về cách tỉa dáng, tạo cành cho mấy cây xanh trong vườn. Như vậy, dễ làm lộ bí quyết nghề nghiệp. Đó là kinh nghiệm chục năm trong nghề mà ông Hương muốn nói cho chàng trai trẻ Tú biết cách giữ “nồi cơm”.

Bởi theo ông Hương, nghề chăm sóc cây cảnh dễ mà cũng khó. Nếu chịu khó học hỏi, có tay nghề, sáng tạo, thẩm mỹ tạo ra những thế cây đẹp, giàn hoa rực rỡ, làm vừa lòng chủ vườn thì thu nhập rất khá vì ngoài tiền công còn được chủ thưởng thêm. Tuy nhiên, nếu người thợ “ba hoa” về tay nghề dễ bị các chủ vườn tẩy chay khi thấy sản phẩm không như quảng cáo. Với những người sành chơi bonsai, cây cảnh, nếu tay nghề người thợ kém, làm việc hời hợt, qua quýt thì dễ bị chủ vườn cho nghỉ việc.

Tại vườn dâu của ông Ngô Bình (KP.5, phường 3, TP.Đà Lạt), 2 chị Nguyệt, Liên (quê tỉnh Thanh Hóa) vừa chuyện trò vừa thoăn thoắt tỉa nụ, tỉa lá dâu già. Để thành tạo với công việc này, Nguyệt và Liên phải thử việc cho vườn dâu này mất 1 tuần. Theo giao ước, qua 1 tuần thử việc người làm vườn không nắm được kỹ thuật tỉa hoa, lá dâu thì không được nhận vào làm việc. Chị Nguyệt cho biết, mỗi ngày chị làm việc 8 tiếng, lương 6 triệu đồng/tháng và được nghỉ ngày lễ, tết, chủ nhật, hỗ trợ tàu xe cuối năm khi về thăm quê. Mức lương này không cao so với các công việc khác của thành phố du lịch như Đà Lạt. Tuy vậy, nhờ tiết kiệm trong chi tiêu, mỗi tháng chị cũng có gần 3 triệu đồng gửi về quê cho gia đình.

Còn theo bà Đào Thị Khuyên (ngụ KP.5, phường 10, TP.Đà Lạt) nghề làm vườn cũng cần có tay nghề, sự khéo léo chứ không đơn thuần là ra vườn nhặt cỏ, bón phân. Bởi vì, các nhà vườn nay đều ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trồng hoa trong nhà lưới, nếu người làm công không nắm kỹ thuật sẽ làm hư hết cây, hết hoa.

Mang câu chuyện người làm vườn thuê kể với một phóng viên ở Báo Lâm Đồng, anh bạn đồng nghiệp khen chúng tôi tinh ý dù lạc giữa ngàn hoa vẫn phát hiện ra những cái bóng lúp xúp dưới chân hoa. Những người làm vườn này dù bám xứ sở sương mù để mưu sinh nhưng công việc mỗi ngày của họ cũng góp phần tạo thêm sắc, thêm hương, thêm dáng mới cho thành phố ngàn hoa mãi làm say đắm lòng du khách gần xa...

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích