Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả nghề thu gom rác

08:07, 19/07/2018

Khác với công nhân thu gom rác của công ty dịch vụ môi trường, những người thu gom rác tự do phải tự bỏ tiền ra mua xe vận chuyển rác, thuê người hoặc trực tiếp đi nhặt rác. Công việc thường xuyên tiếp xúc với đủ loại rác thải bẩn thỉu, ô nhiễm nhưng những người thu gom rác tự do không có các chế độ bảo hiểm, độc hại…

Khác với công nhân thu gom rác của công ty dịch vụ môi trường, những người thu gom rác tự do phải tự bỏ tiền ra mua xe vận chuyển rác, thuê người hoặc trực tiếp đi nhặt rác. Công việc thường xuyên tiếp xúc với đủ loại rác thải bẩn thỉu, ô nhiễm nhưng những người thu gom rác tự do không có các chế độ bảo hiểm, độc hại…

Một người thu gom rác tự do ở TP.Biên Hòa đang phân loại rác.
Một người thu gom rác tự do ở TP.Biên Hòa đang phân loại rác.

Rất dễ nhận ra những người thu gom rác tự do. Đa phần họ chạy xe ba gác, xe tự chế len lỏi vào các hóc hẻm ở trong khu dân cư để thu gom rác. Người nào khá hơn thì mua xe tải nhưng chủ yếu vẫn là xe cũ, máy nổ lịch bịch...

* Sống nhờ rác

Những người thu gom rác tự do chấp nhận sống với rác và chỉ biết kiếm tiền từ rác. Ngoài tiền công từ chủ hoặc đầu mối thu gom rác trả hằng tháng thì họ có thể kiếm thêm thu nhập từ việc tận dụng phế liệu rác mà người dân thải ra. Đó là bao ny-lông, quần áo cũ, máy móc hỏng, ve chai... tất cả đều được thu nhặt cẩn thận, đem phân loại để bán lấy tiền.

Điểm chung của những người làm nghề thu gom rác là ai cũng quần áo nhàu nhĩ, lấm lem. Mới đầu vào làm có người không chịu nổi mùi rác, mùi chuột bọ, chó mèo chết... nhưng làm lâu rồi ai cũng quen.

Nhiều năm qua, vợ chồng bà Đặng Thị Hà (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn cần mẫn lao động và chưa bỏ bữa thu gom rác nào. Ban đầu họ đi gom rác thuê cho các chủ rác, sau này có điều kiện sắm thêm xe, bắt được mối với các công ty vệ sinh môi trường thì đứng ra làm riêng.

Thông thường sau khi nhận về một khu vực cần gom rác, chồng bà Hà lái xe chở bà đi lấy rác từ sáng cho đến khi nào rác ở các nhà trong khu vực đều được lấy sạch, sau đó chở rác đến điểm tập kết, chờ xe ép rác mang đi chôn lấp. Công việc cứ lặp lại như vậy trung bình mỗi tuần 3 lần, vào các dịp cao điểm như lễ, tết có khi phải “tăng ca” nhiều hơn.

Người làm rác không sợ nắng, nhưng lại ngán ngại nhất là những ngày mưa gió triền miên. Đường sá lúc nào cũng ngập nước khiến rác trôi khắp nơi nên việc thu gom rất cực khổ. Hơn nữa, mưa cũng khiến những túi rác nặng nề hơn, mỗi chuyến thu gom có khi phải đi vài đợt mới xong.

“Ở đây người ta trả công theo từng khu vực. Khu đông dân cư, nhà dân ở san sát nhiều rác nên tiền công cũng phải xứng đáng. Trung bình, mỗi tháng 2 vợ chồng tôi được người ta trả 12 triệu đồng. Nếu tằn tiện cũng đủ trang trải cuộc sống” - bà Hà bộc bạch.

Tháo chiếc khẩu trang nhem nhuốc rồi ngồi bệt xuống đất bên những túi rác của người dân chất thành đống ở bên đường, ông Hoàng Văn Khoa (ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết số tiền chủ trả chưa tính tiền xăng xe. Mọi hư hao, sửa chữa xe cộ đều do mình tự bỏ tiền túi sửa. Trừ trường hợp xe hư hỏng nặng thì chủ mới chịu hỗ trợ thêm ít tiền sửa chữa.

Vì vậy để có thể sống được với nghề, người làm công việc này phải chịu khó, lượm lặt từ trong các túi rác dơ bẩn bất cứ thứ gì có thể đem bán được. Đó là ve chai, đồ máy móc, áo quần cũ... Ngay cả những bao ny-lông đã qua sử dụng, bẩn thỉu cũng được gom lại vào bao tải. Những món đồ này không đáng là bao, chỉ vài trăm đồng mỗi kg, nhưng thêm được đồng nào đỡ đồng đó, nếu dồn lại cuối tháng đem bán có khi cũng đủ tiền xăng xe.

“Nghề này coi vậy chứ cũng cạnh tranh ghê gớm lắm. Ai làm lâu, quen được với các công ty dịch vụ môi trường thì được thu gom ở những khu đông dân cư, khu nhà giàu còn không thì dạt ra vùng ven, khu nhà nghèo. Khu nhà nghèo thường chỉ có rác, ít có đồ bán thêm, còn lấy rác ở khu dân cư khá giả thường khấm khá bởi nhiều phế liệu, ve chai bán được giá cao” - một người thu gom rác tự do cho biết.

* Nghề vất vả

Những ai làm nghề này đều biết công việc rất vất vả, hiếm khi làm nghề một mình được. Mỗi xe thu gom rác thường ít nhất có 2 người làm, một người đảm nhận việc lái xe, người còn lại đi vào các nhà dân gom rác rồi chất hết lên xe. Mọi thứ rác rưởi đều được gom sạch, sau đó đến công đoạn bươi rác, phân loại các phế phẩm có thể bán kiếm tiền. Cuối cùng là theo xe đến điểm tập kết rác. Vì vậy, công việc này kéo dài từ sáng sớm đến tối muộn mới xong.

Vợ chồng bà Đặng Thị Hà thu gom rác ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa).
Vợ chồng bà Đặng Thị Hà thu gom rác ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa).

“Làm nghề này ai cũng sợ bẩn, sợ khó. Chỉ khi không xin được công việc nào phù hợp mới vào đây làm thôi. “Công nhân” rác là những lao động tự do, có cả thanh niên đến những người đứng tuổi đến từ khắp mọi nơi. Dù vậy, nếu làm chăm chỉ và trách nhiệm thì nghề này không bỏ đói một ai. May mắn nhất là có khi lượm được một vài món đồ quý giá người ta để quên trong đống đồ” - ông Tám Vinh, chuyên thu gom rác ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) tâm sự.

Đi gom rác thì dù nắng hay mưa cũng phải xuống đường kiếm sống, chấp nhận đủ loại rác thải, nước bẩn bắn tung tóe, thấm vào người mà không có cách nào ngăn được. Tuy nhiên, với ông Tám Vinh đây không phải là trở ngại lớn nhất, mà mối hiểm nguy luôn rình rập trong các túi rác.

 Chuyện rách tay chân do kim tiêm, mảnh chai, dao lam lẫn trong rác như cơm bữa. Làm lâu rồi thành quen, nhiều người coi đây như thử thách với nghề, nếu như sợ bẩn, sợ nguy hiểm thì không trụ được lâu. Nhưng để hạn chế nguy hiểm, mỗi người tự trang bị cho mình các món đồ bảo hộ như: ủng cao su, bao tay hoặc dùng cây sắt để rạch tung bao rác.

Vất vả là vậy, nhưng cũng nhờ đi làm rác mà gia đình ông Tám Vinh có đồng vô đồng ra. Trong số 4 người con của ông, có 2 người theo cha đi làm rác. Đông người và các con còn trẻ, còn sức nên ông đứng ra nhận đến 3 khu vực thu gom rác. Vì vậy, trong gia đình hầu như các ngày trong tuần đều làm lấp kín, không có ngày nghỉ. 

“Công việc này tuy ai cũng ngán ngại, suốt ngày tiếp xúc với rác rưởi bẩn thỉu nhưng tôi vẫn dạy các con phải làm đàng hoàng, dọn rác sạch sẽ, không được để vương vãi thì mới giữ được uy tín, giữ được chân thu gom rác, việc làm mới ổn định”  - ông Tám Vinh tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều