Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật diễn xướng dân gian Đồng Nai xưa

09:07, 07/07/2018

Cũng như những địa phương khác ở Nam bộ, tài liệu thư tịch ở Đồng Nai xưa đề cập đến các hoạt động diễn xướng dân gian rất ít ỏi và sơ lược. Tuy nhiên, có nhiều chứng cớ cho thấy trong thực tế dòng chảy loại hình nghệ thuật này rất mạnh mẽ, có sức sống bền bỉ và mang tính sáng tạo độc đáo.

Cũng như những địa phương khác ở Nam bộ, tài liệu thư tịch ở Đồng Nai xưa đề cập đến các hoạt động diễn xướng dân gian rất ít ỏi và sơ lược. Tuy nhiên, có nhiều chứng cớ cho thấy trong thực tế dòng chảy loại hình nghệ thuật này rất mạnh mẽ, có sức sống bền bỉ và mang tính sáng tạo độc đáo.

Tứ thiên vương trong xây chầu - đại bội ở đình Bình Trước (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa).
Tứ thiên vương trong xây chầu - đại bội ở đình Bình Trước (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa).

Trong Đại Nam nhất thống chí từng đề cập đến sinh hoạt diễn xướng ở Đồng Nai với nhận xét chung là “ưa sự hát múa”, phần nào cho thấy tâm hồn yêu thích nghệ thuật của người dân Biên Hòa - Đồng Nai xưa cũng như sự phát triển của các loại hình diễn xướng dân gian lẫn truyền thống. Ngoài các hình thức diễn xướng dân gian đơn giản như: hò, hát, lý, nói vè, nói thơ..., nghệ thuật diễn xướng ở Đồng Nai như: hát bội, hát chầu, bóng rỗi... vừa có sự kế thừa truyền thống vừa mang tính giao thoa văn hóa, tạo thành nét riêng.

* Hát bội: vang bóng một thời

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, năm 1762 Đặng Đại Độ được bổ nhiệm làm Ký lục dinh Trấn Biên. Trong thời gian tại nhiệm, ông từng ra lệnh đánh chết 2 viên cai đội hầu cận chúa Nguyễn tại chợ Biên Hòa, vì 2 người này khi vào Trấn Biên bắt ca nhi (đào hát) về kinh đô biểu diễn giải sầu cho chúa đã lợi dụng cậy thế khinh người, làm điều bậy bạ. Sự kiện này cho thấy nghệ thuật diễn xướng, cụ thể là hát bội ở Đồng Nai vào giữa cuối thế kỷ 18 đã phát triển hoặc nổi tiếng ở một mức độ nào đó.

Một trong những hình thức diễn xướng dân gian ở Đồng Nai đã bị thất truyền là hát sắc bùa. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức khi đề cập đến tiết cuối năm của Nông Nại (Đồng Nai) có miêu tả sinh hoạt hát sắc bùa: “Đêm 28 tháng Chạp, na nhân (tục danh nậu sắc bùa) đánh trống, gõ phách, một bọn 15 người đi theo dọc đường, trông nhà nào hào phú mở cửa ngõ thì dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú rồi nổi trống phách lên, ca xướng những lời chúc mừng. Người chủ nhà dùng cỗ bàn, chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ; xong nhà này sang nhà khác, cũng làm như vậy cho đến hết buổi trừ tịch mới thôi. Ấy là có ý đuổi tà chống ma, trừ cũ rước mới vậy”. Hát sắc bùa có nguồn gốc từ miền Trung, nhưng chưa hiểu vì sao lại không phát triển ở Đồng Nai. Ngoài ra còn hình thức diễn xướng cầu mưa cũng chỉ nghe truyền miệng, không thấy tài liệu cụ thể.

Từ đó, phỏng đoán hát bội có mặt ở vùng đất mới khá sớm. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí miêu tả mức độ thịnh hành của hát bội: “Tụi có cầu đảo được việc vui mừng đều mở cuộc diễn lý (hát xướng). Như nhà tên Giáp sắp khởi cuộc hát xướng ắt trước tiên giết heo phân tống cho người quen biết, cho biết nhật kỳ mời đến xem hát chơi, gọi là phiên lễ. Đến ngày, tùy tình hậu bạn, đem tiền đến làm lễ mừng, coi hát, ăn uống no say rồi về. Sau người quen biết ấy có mở trường hát thì cũng đưa phiên lễ đến cho tên Giáp, thì Giáp thế nào cũng phải đi”.

Như vậy, hát bội không chỉ có mặt trong các buổi cúng đình, lễ kỳ yên, lễ hội mà còn trở thành sinh hoạt quen thuộc trong các dịp quan, hôn, tang, tế. Cho đến đầu thế kỷ 20, nhiều đình làng ở Đồng Nai vẫn còn giữ lệ 3 năm/lần (tam niên đáo lệ) rước gánh hát bội về diễn cho người dân xem. Sau một thời gian gián đoạn, gần đây nhiều đình làng đã khôi phục lệ này. Khu vực Long Thành (nay là huyện Long Thành), An Hòa (nay thuộc TP.Biên Hòa), Vĩnh Cửu (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) trước đây có nhiều gánh hát bội nổi tiếng như: gánh bầu Truyện, gánh bầu Làm, gánh bầu Bòn, gánh bầu Bo...

Học giả Trương Vĩnh Ký trong giáo trình Hát lý, hò An Nam (năm 1886) viết: “Hát bội cũng dùng vô việc lễ nhạc, cho nên nơi đình miễu, chùa chiền đều có làm nhà võ ca, để khi ai có khấn, có vái một chầu thì đem bạn hát tới đó mà hát. Tuồng hát thì chẳng thiếu gì tuồng, mặc ý chủ đám lựa lấy tuồng nào thì bọn hát phải giáp tuồng ấy mà hát”.

Trong thực tế, hát chầu cúng thần không chỉ là hát cúng trả lễ của cá nhân mà đã trở thành hoạt động của cộng đồng thôn xóm. Ở đây, diễn viên hát bội đảm nhận hát chầu không chỉ diễn các tuồng tích lẫn với nghi thức Tôn vương, mà còn thực hiện hệ thống tiết mục nghi lễ gọi là xây chầu.

Do mục tiêu của nghi thức Tôn vương, các tuồng tích được chọn biểu diễn phải “mang tính chính trị”, tức là kết thúc phe trung phải thắng phe nịnh, sau đó phe trung thực hiện lễ Tôn vương, xây dựng triều đại mới. Với ý nghĩa này, tuồng San hậu thường được chọn hát nhiều nhất ở các buổi hát chầu ở đình vì kịch bản xây dựng theo công thức: vua băng - nịnh tiếm - Bà thứ lên chùa - chém nịnh - định đô - tôn vương - tức vị, thực tế là “sân khấu hóa” cuộc nội chiến trong thế kỷ 17-18 và kết cuộc là nhà Nguyễn lên ngôi. Nói cách khác, lễ Tôn vương ở các đình ở Nam bộ, trong đó có Đồng Nai nhằm mục đích tôn vinh triều Nguyễn và “giáo dục truyền thống” cho thế hệ sau.

* Diễn xướng dân gian: phong phú

Hệ thống tiết mục xây chầu - đại bội trong lễ cúng đình nhằm biểu hiện quan niệm về sự hình thành vũ trụ, sự vận động và phát triển của tạo hóa theo quan niệm về thế giới của Nho giáo - hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến.

Bà bóng biểu diễn múa lu trong hát bóng rỗi.
Bà bóng biểu diễn múa lu trong hát bóng rỗi.

Trong đó, xây chầu là nghi thức đánh trống, như là màn mở đầu sự phân khai của trời đất mà tiếng trống biểu thị tiếng sấm khởi đầu sự chuyển động khai mạc vũ trụ. Còn đại bội là các tiết mục “sân khấu hóa” sự phân khai, tiến hóa của vũ trụ và vạn vật. Các tiết mục gồm: mở cửa trời (ông Bàn Cổ tượng trưng cho thái cực, tay cầm bó nhang và múa, vũ trụ chuyển khai), xang Nhật - Nguyệt (thái cực chuyển khai thành lưỡng nghi, còn gọi là âm - dương; một kép hát cầm vật tròn màu đỏ tượng trưng cho trời, một đào cầm vật màu vàng tượng trưng cho đất, trời và đất chạm vào nhau biểu thị âm dương giao hòa, nảy sinh vạn vật), tam tài (3 ông Phước - Lộc - Thọ chúc tụng), tứ thiên vương (lưỡng nghi sinh tứ tượng, là 4 vị thần cai quản 4 phương trời, dâng 4 câu liễn chúc tụng), ngũ hành (5 nguyên tố cơ bản kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, từ đó vạn vật tồn tại và vận động, phát triển), bát tiên hiến thọ (tứ tượng sinh bát quái, cũng mang ý nghĩa chúc tụng).

Về nguồn gốc, các nghi lễ này xuất phát từ cung đình. Sau khi Gia Long lên ngôi đã quy định về nghi thức tế lễ trong cúng đình ở Nam bộ, trong đó có Đồng Nai. Vì vậy, có thể diễn xướng xây chầu - đại bội hình thành từ năm 1802 trở đi. Tuy nhiên, ở Đồng Nai diễn xướng này xuất hiện thêm một số tiết mục mang tính dân gian như: gia quan tấn tước, ông Địa dâng liễn, và đặc biệt là chặp Địa - Nàng.

Một hình thức diễn xướng dân gian khác khá phổ biến ở Đồng Nai là hát bóng rỗi, xuất phát ban đầu từ chức năng thực hành nghi lễ thờ cúng các nữ thần (Bà), nhưng trong sự phát triển lại không quá rạch ròi giữa nghi lễ và tính giải trí. Từ các nghi lễ ban đầu như múa Dâng bông, Dâng mâm mà ý nghĩa là dâng lễ vật lên nữ thần, các bà bóng (người làm công việc thực hành nghi lễ) đã phát triển thành tiết mục giải trí để giúp vui như: múa lu, múa trống, múa lông công, múa ghế, thậm chí có bà bóng đội cả chiếc xe máy lên đầu và múa.

Hát đưa linh là hình thức diễn xướng dân gian chỉ dùng trong tang lễ, bao gồm cả ca nhạc, múa và diễn trò, có nguồn gốc từ miền Trung (tình tiết chàng Lía, một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa, về làng đưa quan tài của mẹ về Truông Mây an táng) sau này theo lưu dân ngũ Quảng vào Đồng Nai. Nội dung các bài hát đưa linh thường được biến tấu, có cả cảm tác theo hoàn cảnh nhưng nói chung tuân thủ yếu tố: tình cảm của gia đình đối với người đã khuất, nguyện cầu cho hương linh người mất được siêu thoát. Hát đưa linh vừa thể hiện tình cảm đối với người đã khuất, cũng vừa là tiết mục biểu diễn nên có sức thu hút người xem, người nghe. Ban đầu, hát đưa linh mang tính biểu diễn tuồng, nhưng sau khi vào Đồng Nai và Nam bộ có pha phách thêm cải lương.

Đánh động cũng là hình thức diễn xướng trong tang lễ (sau này cũng được thực hiện trong lễ tống ôn), nhưng chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo, mà trực tiếp là tích Tây du ký. Trò đánh động có thể coi là “trích đoạn” của Tam tạng thỉnh kinh, nội dung chủ yếu là thầy trò Tam tạng đánh dẹp các động yêu ma quỷ quái trên đường đưa linh cữu người chết từ nhà ra mộ.

Ngày nay, tuy không còn phổ biến như trước đây nhưng các hình thức diễn xướng truyền thống và dân gian ở Đồng Nai vẫn còn được gìn giữ; tuy nhiên đang đứng trước nguy cơ mai một.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều