Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đặt tên đường

08:07, 30/07/2018

Xã Phú Hội - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc huyện Nhơn Trạch có 22 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, tên của mẹ Đào Thị Phấn được lấy đặt cho con đường khang trang nhất ở xóm Cây Dầu.

Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Phấn.
Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Phấn.

Xã Phú Hội - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc huyện Nhơn Trạch có 22 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số đó, tên mẹ Đào Thị Phấn (1911-2009) được lấy đặt cho con đường khang trang nhất ở xóm Cây Dầu, xã Phú Hội.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội Hồ Minh Lực cho biết bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Phấn (còn gọi là Hai Phấn) ngoài những đức tính “kiên cường - bất khuất - trung hậu - đảm đang” như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, còn nổi bật trong việc “bám đất, bám vườn” nuôi giấu cán bộ. Đặc biệt mẹ đã dạy con có tấm lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cầm súng diệt thù.

* CHỒNG HY SINH, TIỄN CON TIẾP BƯỚC

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Vườn, Phú Mỹ 1 (nay là ấp Phú Mỹ, thuộc xã Phú Hội ), năm 1930 mẹ Hai Phấn lập gia đình với ông Lư Văn Nén bên Xóm Hố (cũng trong xã Phú Hội) và có 5 người con.

Tháng 8-1945, như bao thanh niên khác trong xã Phú Hội, ông Hai Nén tham gia Thanh niên tiền phong và sau đó trở thành cán bộ Hội Nông dân cứu quốc xã. Khi quân Pháp tái chiếm Biên Hòa, cùng với cơ quan, đoàn thể, ông Hai Nén chuyển vào căn cứ Phước An. Kể từ đó, mọi công việc gia đình, nuôi dạy 5 người con đều do mẹ Hai Phấn quán xuyến.

Để mưu sinh, mẹ Hai Phấn đặt mua một cối đá và khuôn ép rồi tự tay xay bột làm bún, gánh bán khắp xã. Công việc cực nhọc, vất vả nhưng cũng đắp đổi cho cuộc sống trong vùng nông thôn thời kháng chiến.

Vào cuối năm 1950, quân Pháp tăng cường đánh phá chiến khu Phước An, chiếm đóng vùng tự do cuối cùng của Long Thành - Nhơn Trạch. Tình thế cách mạng đang hết sức khó khăn. Trong một trận đột kích của địch, một số cán bộ cách mạng hy sinh, trong đó có ông Lư Văn Nén.

Nghe tin, mẹ Hai Phấn rụng rời tay chân, cố gượng lại để đi tìm xác chồng về chôn cất nhưng khi nhìn thấy thi thể của chồng mình chỉ còn mỗi cái quần cụt khiến mẹ Hai Phấn không khỏi căm phẫn, xót xa...

Chồng mất, mẹ Hai Phấn lại gạt nước mắt lặng lẽ cho người con trai lớn nhất của mình là Tư Gương (Lư Văn Gương, sinh năm 1935) mới 16 tuổi vào rừng tham gia kháng chiến. 

* NHỮNG NGƯỜI CON TRUNG LIỆT

Đến năm 1960, thấy con trai kế tiếp của mình (Sáu Trực, Lư Văn Trực, sinh năm 1939) sắp đến tuổi bị địch bắt đi quân dịch, không muốn con cầm súng giặc chống lại đồng bào, mẹ Hai Phấn động viên anh Sáu Trực bỏ hết việc nhà, vào rừng gia nhập Đơn vị 19-5. Đầu năm 1961, trong một trận đụng độ ở Phước Thiền, anh Sáu Trực bị thương nặng và rơi vào tay địch. Bị bắt đưa về Biên Hòa tra hỏi, anh Sáu Trực vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, không khai báo.

Con đường khang trang nhất ở xóm Cây Dầu, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) mang tên bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Phấn.
Con đường khang trang nhất ở xóm Cây Dầu, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) mang tên bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Phấn.

Ngày 2-2-1962, mẹ Hai Phấn lại rụng rời nghe tin người con trai tuổi mới đôi mươi của mình bị đưa về xử bắn tại sân bia quận Nhơn Trạch. Sáu Trực - người chiến sĩ Đơn vị 19-5 - ngã xuống khi trên người chỉ có chiếc quần cụt. Một hình ảnh rất giống với tình cảnh cách đó hơn 10 năm về trước mà mẹ Hai Phấn đã chứng kiến khi tìm thấy xác của chồng.

Căm thù chồng chất, mẹ Hai Phấn lại gạt nước mắt, lặng lẽ tiễn biệt người con trai thứ tư là Bảy Hào (Lư Văn Hào, còn gọi là Lư Văn Hòa, sinh năm 1941) gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh để được trực tiếp cầm súng giết giặc trả thù cho cha và  anh. Và rồi lại thêm một lần nữa, mẹ Hai Phấn ở Xóm Hố khóc ngất khi nghe tin báo là con trai mẹ bị pháo địch bắn mất xác ở Suối Quýt - Cẩm Đường trong ngày 29-12-1964.

Đồng chí Hồ Minh Lực, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội cho biết thêm từ những năm 1952-1953, mẹ Hai Phấn đã nuôi giấu cán bộ Việt Minh nằm vùng. Trong vai người gánh bún đi bán ngang qua đường bờ, mẹ Hai Phấn nhận ám hiệu để biết thời gian, địa điểm đến đem cơm, báo cáo tình hình... Địa điểm gặp thường là trong đám cây rậm rạp có lạch nước nằm sát đường bờ, nơi mọc rất nhiều rau choại (dân địa phương hay gọi là rau chạy).

Chiến trường Nhơn Trạch ngày càng trở nên ác liệt, đầu năm 1964 Huyện ủy, Ủy ban huyện phải cử một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy về Xóm Hố bí mật chỉ đạo phong trào. Đánh hơi được, địch liên tục càn quét và tìm mọi cách “tát” dân ở Xóm Hố, Cây Dầu dạt ra ven lộ 17. Có thời điểm trong Xóm Hố chỉ còn 2 căn nhà của bà Sáu Lụa và bà Hai Phấn.

Bà mẹ ở Xóm Hố vốn đã kiên cường, mà khi nghe câu nói: “Chị mà đi nữa thì ai nuôi tụi tui” của Hai Minh, Ba Thành, Ba Hạnh, Tư Lồng... thì mẹ chỉ biết ứa nước mắt mà nhủ trong lòng: “Thương anh em quá”. Thế rồi từ món bún, mẹ Hai Phấn lại hì hụi làm thêm chao, tàu hũ và bánh ít... để vừa bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình vừa có điều kiện hợp lý để cải thiện bữa cơm cho anh em.

Cũng trong thời điểm này, con trai út của mẹ Hai Phấn là Tám Kiệt (Lư Văn Kiệt) đến tuổi 17. Quyết không để con cầm súng chống lại cách mạng, chính tay mẹ sắm một số vật dụng cần thiết cho con rồi gửi con vô rừng để theo mấy anh, mấy chú “đánh Mỹ, giải phóng quê hương”.

 Thấy cán bộ, nhân dân Phú Hội đấu tranh kiên cường quá, địch nhận định “Phú Hội là ổ chứa Việt Cộng”, nên năm 1967-1969 đưa thêm Tiểu đoàn Biệt động quân thiện chiến có danh xưng “Mãnh hổ” về hỗ trợ chiến dịch, “hốt” khoảng 2 ngàn đồng bào nơi đây ra khỏi địa bàn. Trong tình thế hiểm nghèo đó, mẹ Hai Phấn vẫn “một tấc không đi, một ly không rời” khỏi Xóm Hố.

Nhưng chiến tranh thường ác nghiệt đến khó ngờ, mẹ lại phải một lần nữa đón nhận tin sét đánh: Tám Kiệt, người con trai út của mẹ lọt vào ổ phục kích của địch, hy sinh ngày 16-11-1971 tại xã Bàu Hàm.    

 Lúc đã ở vào tuổi 97, khi được Đoàn cán bộ tỉnh và huyện đến thăm, tặng quà nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ năm 2008, mẹ Hai Phấn rất xúc động: “Chồng và các con của mẹ đã mãi mãi không về nhưng khi được các con thường xuyên đến thăm hỏi, động viên như thế này, mẹ rất vui như thấy chính hình ảnh của các con của mẹ vẫn còn sống mãi.”

Bùi Thuận

Tin xem nhiều