Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăm năm nhà cổ

09:06, 09/06/2018

Khi những lưu dân Việt - chủ yếu là người dân xứ Ngũ Quảng đến Đồng Nai sinh sống đã mang luôn cả phong tục, tập quán về nhà ở vào quê mới. Trong dòng chảy 320 năm mở cõi và phát triển, nhà ở tại Đồng Nai đã dần có sự thay đổi theo quy luật, từ những nếp nhà đơn sơ, tạm bợ ban đầu, những công trình kiến trúc có giá trị cũng dần mọc lên tương xứng với sự trù phú, thịnh vượng của vùng đất mới.

Khi những lưu dân Việt - chủ yếu là người dân xứ Ngũ Quảng đến Đồng Nai sinh sống đã mang luôn cả phong tục, tập quán về nhà ở vào quê mới. Trong dòng chảy 320 năm mở cõi và phát triển, nhà ở tại Đồng Nai đã dần có sự thay đổi theo quy luật, từ những nếp nhà đơn sơ, tạm bợ ban đầu, những công trình kiến trúc có giá trị cũng dần mọc lên tương xứng với sự trù phú, thịnh vượng của vùng đất mới.

Nhà từ đường họ đào ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch - một trong những ngôi nhà cổ thuần Việt độc đáo ở Đồng Nai.
Nhà từ đường họ đào ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch - một trong những ngôi nhà cổ thuần Việt độc đáo ở Đồng Nai.

Năm 1998, với sự hỗ trợ của Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Trường đại học kiến trúc TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai tiến hành khảo sát hệ thống các ngôi nhà cổ trên địa bàn Đồng Nai, trên cơ sở đó chọn ra 401 ngôi nhà được xếp loại nhà cổ, mang bản sắc của lớp cư dân thời mở cõi của xứ Đồng Nai. Từ đó, lại chọn lọc ra 25 ngôi nhà kiểu xưa, có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, được xem là tài sản văn hóa của vùng Đồng Nai xưa và cần được bảo tồn.

* Hòa chung dòng mạch văn hóa 

Hệ thống nhà cổ ở Đồng Nai thể hiện rõ nét những đặc điểm văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nói đến nhà cổ, thường được mặc định là những ngôi nhà có giá trị, chỉ gặp ở các tầng lớp quyền quý, giàu có. Mật độ nhà cổ tập trung nhiều ở các xã, phường: Hiệp Phước, Phú Hội, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch); Tân Bình, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu); Hiệp Hòa, Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Điều này phù hợp với tiến trình phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Thuở xưa trong dòng chảy của lưu dân vào Đồng Nai, những vùng đất tập trung đông dân sớm nhất và ngày càng trở nên trù phú là Nhơn Trạch, Biên Hòa (lúc ấy bao gồm luôn cả một phần của huyện Vĩnh Cửu ngày nay). Chỉ tiếc, những kiến trúc nhà cổ ở Cù lao Phố thời hưng thịnh với “mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc như bờ sông liền lạc tới 5 dặm” theo miêu tả của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã không còn trong cuộc chiến nhà Nguyễn - Tây Sơn.

Nhà không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống, là nơi giáo dục các thế hệ nối tiếp trong một gia đình, dòng tộc. Như ngôi nhà cổ của ông Trần Ngọc Khánh (ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), khi tiến hành xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, ngày đặt đòn dông cho ngôi nhà - công đoạn được xem là quan trọng nhất trong quá trình dựng nhà, chủ nhà cho buộc trên đòn dông một cuốn sách, một tấm vải vẽ hình bát quái với tâm nguyện con cháu trong dòng họ được bình an vô sự, học hành tấn tới, hiển đạt. Việc đặt đòn dông cũng do một người đông con nhiều cháu, gia đình hòa thuận thực hiện.

Với đặc điểm đất rộng, người thưa, người Đồng Nai có thể thoải mái chọn đất phù hợp sở thích để xây dựng nhà ở, ít bị gò bó chật hẹp như các vùng khác ở miền Trung, miền Bắc. Nhà thường quay mặt về hướng Đông Nam có nắng ấm, gió tốt, hoặc quay mặt ra sông theo tập quán sinh hoạt “trên bến dưới thuyền”. Nhà cũng theo nguyên tắc về phong thủy là ngõ không đâm thẳng vào cửa chính.

Nhìn chung, nhà cổ Đồng Nai tuân theo một số kiểu kiến trúc cố định. Phổ biến nhất là dạng nhà chữ đinh (trong chữ Hán) - dạng nhà truyền thống của người Việt ở Trung bộ, gồm nhà trên nằm ngang, nhà dưới nằm dọc hông. Kiểu nhà này thuận tiện cho việc sinh hoạt, ra vào, ngoài ra còn mang triết lý âm dương (một ngang một dọc). Theo khảo sát, có 44% trong số 401 nhà cổ được thiết kế theo hình chữ đinh. Còn lại, có 23% nhà cổ được xây dựng theo kiểu nhà sắp đọi (kiểu xây dựng như sắp chén trong tủ, nhà trên và nhà dưới nối tiếp nhau, có chiều sâu). Ngoài ra, cũng có nhà sắp đọi biến thể theo kiểu nhà chữ nhị (nhà trên và nhà dưới nằm song song nhau, như chữ Nhị trong tiếng Hán) hoặc nhà chữ tam (nhà trên, nhà dưới và thêm thảo bạt, còn gọi là hàng ba); có nhà kiến trúc kết hợp cả 3 kiểu trên.

Do sự đa dạng, phong phú của tầng lớp cư dân Đồng Nai, vùng Biên Hòa xưa còn xuất hiện nhà rường theo kiểu miền Trung, nhà rội theo kiểu miền Bắc. Nhà rường có 2 hàng cột cái, vững chãi trước giông bão - là kiểu nhà đặc trưng của miền Trung thường bị bão lũ, dù xứ Đồng Nai quanh năm mưa thuận gió hòa, cho thấy tập quán về nhà ở của lưu dân Đồng Nai rất mạnh mẽ. Nhà rội thì chỉ có 1 hàng cột cái (còn gọi là nọc ngựa). Ưu điểm của kiểu nhà này là kết cấu đơn giản, dễ thi công.

Sau này cùng với sự xuất hiện của người Pháp ở Việt Nam, nhà ở  “kiểu Tây” xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu cũng có mặt tại Đồng Nai. Nhà có dạng hình hộp, trần cao, rộng rãi thoáng đãng, tường xây bằng gạch, nền lát gạch bông, mái lợp ngói hoặc đúc bằng. Nhà ông Nguyễn Văn Ân ở phường Thống Nhất, nhà ông Nguyễn Háo Thoại ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) là những ví dụ.

Không chỉ xem trọng phong thủy, hướng cửa chính, nhà cổ ở Đồng Nai còn chú trọng lối kiến trúc hài hòa với tự nhiên, không gian của một nếp nhà thường được bố trí, sắp xếp có sự cân bằng giữa người - đồ vật - cây kiểng.

Trong nhà của người dân Đồng Nai xưa, không gian sinh hoạt thường được phân bố thành 2 phần: nhà trên là nơi dành cho những hoạt động mang tính chất trang nghiêm, giao tế như thờ phụng, tiếp khách. Ở một số gia đình vùng Trung bộ, Bắc bộ, phụ nữ ít khi được phép bước lên nhà trên. Tuy nhiên, ở vùng đất mới Biên Hòa - Đồng Nai quy ước này đã giản chế đi rất nhiều khi vai trò của người phụ nữ được đánh giá cao, xem trọng. Nhà dưới là nơi các thành viên trong gia đình dùng để sinh hoạt, như nấu cơm, ăn uống, chứa thóc lúa. Bày trí, bố cục ra sao là tùy theo thói quen sinh hoạt của chủ nhà, ít theo khuôn mẫu.

Ở Đồng Nai ít thấy những dòng họ có nhà từ đường riêng biệt như ở miền Bắc, miền Trung. Trong một dòng tộc, thường con trai lớn sinh sống ở nhà từ đường để đảm nhiệm hương khói, giỗ quảy. Do tính cách thoáng mở của dân Đồng Nai, trách nhiệm thờ cúng ở nhà từ đường không chỉ là “đặc quyền đặc lợi” của nam giới, nếu nhà không có con trai thì con gái vẫn có thể đảm đương nhiệm vụ này. Những dòng họ không có nhà từ đường thì trong gia đình vẫn có bàn thờ họ.

* Mang dấu ấn Đồng Nai

So với các trang trí họa tiết của miền Bắc, miền Trung thường có tính trang nghiêm, chuẩn mực, thì cách trang trí nhà cổ ở Đồng Nai lại phóng khoáng, gần gũi, thể hiện được đời sống của vùng, miền. Đặc biệt, trong cách trang trí họa tiết nhiều nhà cổ ở Đồng Nai mang dấu ấn riêng biệt của miền Đông Nam bộ. Như nhà ông Nguyễn Văn Hảo (ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có hoa văn hình trái điều; nhà cổ dòng họ Đào (ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) ngoài các họa tiết thường thấy như trái lựu, trái phật thủ, còn xuất hiện họa tiết trang trí hình trái đu đủ, trái măng cụt, quả mướp.

Tiêu biểu cho kiến trúc nhà cổ thuần Việt ở Đồng Nai, phải nhắc đến nhà từ đường họ Đào (còn gọi là nhà Hội đồng Liêu) xây dựng năm Canh Thìn 1820. Nằm đối diện với đường vào đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), nhà Hội đồng Liêu có khuôn viên rộng đến 5 ngàn m2, được chăm chút tỉ mỉ tạo một không gian phù hợp với sự cổ kính của ngôi nhà. Toàn bộ cấu kiện nhà đều sử dụng vật liệu gỗ quý của vùng rừng miền Đông, trong đó có 48 cột cái bằng gỗ căm xe, theo thời gian đã lên nước đen bóng tăng thêm vẻ bề thế của ngôi nhà. Các cột, kèo, xiên, đòn tay, rui, xà… đều nối với nhau bằng hệ thống mộng, ngàm chốt trong thế liên hoàn, không hề sử dụng một cây đinh mà vẫn vô cùng vững chãi. Nghệ nhân xưa đã tính toán được độ giãn nở, dịch chuyển của các cấu kiện gỗ khiến ngôi nhà vững chắc trước những biến đổi của điều kiện tự nhiên.

Giống như một số nhà cổ khác, phần lớn cấu kiện nhà Hội đồng Liêu được trang trí bởi nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo. Các đầu đao, vì kèo, vách buồng, bao lam, khuôn bông… đều được chạm khắc các hoa văn, vừa có tính mỹ thuật, vừa mang ý nghĩa văn hóa phương Nam. Đoạn 2 đầu vì kèo giao nhau được đẽo tạc theo mô-típ chày - cối mang biểu trưng trời - đất, có cánh dơi (tượng trưng cho chữ phúc) bao bọc bên ngoài rất công phu. 2 bên hông và mặt dưới của vì kèo đều được chạm trổ các họa tiết theo phong cách Việt Nam như: trúc - tước, mai - điểu, tùng - lộc, vân - long, bút - thư… cùng hệ thống dây lá đan xen hài hòa. 6 đầu kèo hiên được cách điệu hình đầu rồng vươn mình đỡ mái hiên, xen lẫn là hoa lá rất tinh tế.

Hệ thống cửa trước được thiết kế theo kiểu đà võng, chạm trổ công phu, cầu kỳ với những họa tiết dây leo, hoa lá, hồi văn, quyển thư, nho, sóc, mai, chim chóc… đối xứng nhau, tạo thành một mảng kiến trúc độc lập so với các cấu kiện khác. Tương tự, nhiều ngôi nhà cổ khác ở Đồng Nai như nhà cổ Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) xây dựng năm 1916, nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đều là những công trình mỹ thuật tuyệt đẹp, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân xứ Đồng Nai.

Tịnh Hà

Tin xem nhiều