Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh ngày hè

08:06, 11/06/2018

Hè về, nhiều học sinh, sinh viên chộn rộn tìm lớp học thêm hoặc du lịch đó đây cùng gia đình nhưng cũng có không ít bạn trẻ phải lăn lộn mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập chuẩn bị chi phí cho năm học mới.

Hè về, nhiều học sinh, sinh viên chộn rộn tìm lớp học thêm hoặc du lịch đó đây cùng gia đình nhưng cũng có không ít bạn trẻ phải lăn lộn mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập chuẩn bị chi phí cho năm học mới.

Tranh thủ ngày nghỉ hè, sinh viên Trường đại học Đồng Nai Phạm Kim Thảo (phải) phụ  bán hủ tiếu gõ kiếm thêm thu nhập.
Tranh thủ ngày nghỉ hè, sinh viên Trường đại học Đồng Nai Phạm Kim Thảo (phải) phụ bán hủ tiếu gõ kiếm thêm thu nhập.

Quán hủ tiếu gõ của bà Ngân trên đường Nguyễn Thành Đồng (thuộc KP.8, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) là nơi làm việc của 2 chị em Phạm Kim Thảo (sinh viên năm 3 Trường đại học Đồng Nai) và Phạm Kim Hiếu (lớp 12 Trường THPT Nam Hà) khi hè về.

* Nghị lực vượt khó

Kim Thảo cho biết hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn, cả nhà có 5 người chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ trường học của cha và tiền công làm thuê của mẹ. Trong khi đó, cha mẹ đều đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút đi nhiều nên 2 chị em Thảo tự nguyện đi làm thêm để có thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới.

Có thể thấy, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau để sớm mưu sinh lo cho cuộc sống nhưng đều có chung một nghị lực mạnh mẽ. Dù trước mắt, các em đang đối diện với nhiều khó khăn, vất vả, chấp nhận làm cả những công việc lao động chân tay, nhưng điều đó vẫn không thể dập tắt ước mơ được học tập, được ngồi trên giảng đường đại học luôn cháy bỏng trong các em. Bởi vì, trong trái tim và ý chí các em luôn xác định, chỉ còn con đường duy nhất là học tập thì tương lai các em mới xán lạn, thoát khỏi cảnh nghèo khó, phụ giúp được gia đình.

Một ngày hè của chị em Kim Thảo khá bận rộn. Cứ chiều tối hàng ngày, 2 chị em chia nhau phụ giúp việc, bưng bê, rửa chén cho quán hủ tiếu gõ của bà Ngân, còn thời gian rảnh khác trong ngày Kim Thảo và Kim Hiếu nhận giúp việc nhà theo giờ cho một số gia đình. Việc nhiều, 2 chị phải làm việc luôn tay luôn chân nhưng nhờ vậy 2 chị em có thêm được một khoản thu nhập phụ giúp cha mẹ.

“Đến tối về đến nhà là em mệt rã rời. Vậy mới thấy thương cha mẹ suốt nhiều năm nay làm lụng cực khổ nuôi tụi em ăn học. Càng vất vả, em càng phải ráng học thật tốt. Chỉ có học mới biến giấc mơ trở thành cô giáo được truyền đạt kiến thức và cảm hứng sống cho học trò của em thành sự thật, để thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn” - Kim Thảo chia sẻ.

Với Nguyễn Thị Linh (ở xã Suối Tre, TX.Long Khánh), sinh viên năm 3 Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, mùa hè này Linh tiếp tục những tháng ngày lao động vất vả để kiếm tiền trang trải mọi chi phí học tập, ăn ở vì gia đình quá nghèo, không có tiền lo cho em ăn học.

Mỗi ngày, Linh nhận làm đủ thứ việc vặt do bạn bè giới thiệu, từ nhân viên bán hàng đến phục vụ tiệc cưới, phục vụ quán cà phê mới đủ chi phí trang trải cho việc học. Mỗi sáng thức dậy, Linh lao vào công việc đến 23 giờ mới về đến ký túc xá. Linh bộc bạch: “Tuy làm việc vất vả nhưng em thấy vui vì có thể tự kiếm tiền lo cho việc học và có nhiều trải nghiệm, kỹ năng sống mà trong giảng đường không thể có được”.

* Không đầu hàng số phận

Một chiều tối cuối tuần tháng 6, mưa xối xả ngập trắng đường lớn đường nhỏ, sau khi dạy kèm xong cho mấy đứa trẻ nhà ở phường 4, quận 5 (TP.Hồ Chí Minh), cô sinh viên Châu Kim Ngân (Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) vẫn tranh thủ chạy xe máy về thăm cha mẹ ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ăn vội bữa cơm cùng gia đình xong, Kim Ngân lại vượt đoạn đường vừa mới ráo mưa trở lên TP.Hồ Chí Minh để sáng mai kịp giờ dạy kèm cho học sinh khác, cách nơi ở trọ khoảng 2km. 

Phạm Trần Bích Phương, học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, cùng mẹ đi làm.
Phạm Trần Bích Phương, học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, cùng mẹ đi làm.

Thu nhập từ việc dạy kèm cho 3 học sinh được khoảng 4 triệu đồng/tháng và tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật, Ngân còn phục vụ đám cưới tại các nhà hàng (thu nhập từ 250-300 ngàn đồng/buổi tiệc). Với số tiền kiếm được, chi tiêu tiết kiệm cũng trang trải được phần lớn chi phí sinh hoạt, học tập cho Ngân và cả em trai đang học ở TP.Hồ Chí Minh. Những nỗ lực của cô con gái ngoan, hiền, học giỏi Châu Kim Ngân luôn là niềm tự hào của vợ chồng ông Châu Ẩn, bà Kim Ánh ở cái xóm lao động nghèo tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa. Hoàn cảnh gia đình ông Ẩn ngày càng khó khăn từ khi bà Ánh bị tai nạn phải điều trị lâu dài tốn kém.

Đồng cảnh ngộ với Ngân, Phạm Trần Bích Phương (lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, nhà ở KP.4, phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) từng dang dở việc học (lớp 9) để ở nhà chăm sóc cha bị tai nạn lao động nằm một chỗ. Khi sức khỏe cha ổn định, Bích Phương theo mẹ đi giúp việc cho các hàng quán để lo thuốc thang cho cha và kiếm tiền đi học trở lại. Đến năm học 2015-2016, Bích Phương quay lại ghế nhà trường và chọn giải pháp vừa học vừa làm.

Mùa hè 2018, Bích Phương xin vào làm việc cho một cửa hàng bán điện thoại di động với mức lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Mức thu nhập này sẽ giúp em có một khoản tiền để phụ gia đình và lo cho năm học mới. Bích Phương tâm sự: “Em đi làm cực mấy cũng chịu được, miễn có điều kiện được đi học trở lại là em vui rồi. Nhớ hồi phải nghỉ học ở nhà em buồn và tủi thân lắm. Thầy cô, bạn bè biết em đi làm thêm nên mọi người thường động viên và giúp đỡ rất nhiệt tình”.

Hè đến, một số học trò nghèo ở KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) lại rủ nhau đi cắt hom tràm (để làm giống) thuê cho những chủ vườn tràm giống. Trong số đó, cậu bé Nguyễn Hữu Tuấn (lớp 5 Trường tiểu học Cây Gáo B) mới 11 tuổi nhưng cắt hom tràm rất giỏi, được những người cắt hom tràm thuê thán phục bởi năng suất làm việc của cậu bé không thua kém người lớn giỏi việc.

Chỉ cần 2-3 giờ làm việc, Hữu Tuấn kiếm được từ 40-50 ngàn đồng (mỗi bó 100 hom, tiền công 2 ngàn đồng/bó). Số tiền cắt hom tràm thuê trong hè, Tuấn đưa hết cho mẹ mua sách vở, giày dép, áo quần cho năm học tới. Cũng từ số tiền cắt hom tràm thuê mà năm học vừa rồi cậu bé Tuấn mua được chiếc xe đạp mới trị giá 2 triệu đồng thay cho chiếc xe cũ đã hỏng...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều