Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức cau Đồng Môn

08:06, 18/06/2018

Trái cau Đồng Môn có trong khay trầu của người dân Long Thành, Nhơn Trạch từ khi nào, điều này chưa ai lý giải được. Chỉ biết rằng, theo lão nông trồng cau Đồng Môn lâu năm Nguyễn Văn Bội (76 tuổi, ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch), cây cau xuất hiện trên vùng đất Long Tân từ thời ông sơ, ông cố của ông.

Trái cau Đồng Môn có trong khay trầu của người dân Long Thành, Nhơn Trạch từ khi nào, điều này chưa ai lý giải được. Chỉ biết rằng, theo lão nông trồng cau Đồng Môn lâu năm Nguyễn Văn Bội (76 tuổi, ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch), cây cau xuất hiện trên vùng đất Long Tân từ thời ông sơ, ông cố của ông.

Ông Tăng Văn Thanh (ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cho biết lúc 10 tuổi đã biết leo hái cau cho các nhà vườn ở trong xã.
Ông Tăng Văn Thanh (ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cho biết lúc 10 tuổi đã biết leo hái cau cho các nhà vườn ở trong xã.

Ngày nay trên vùng đất thuộc các xã: Long Thọ, Phước An, Phú Hội, Long Tân, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch); Tam An (huyện Long Thành)... vẫn còn những cây cau Đồng Môn hiên ngang trong các khu vườn của nông dân. Cau Đồng Môn được nông dân trồng với 2 giống chủ yếu: cau vú sữa, cau đít nhọn. Mỗi buồng cau có từ 120 trái trở lên mới được gọi là cau trăm.

* Giữ hồn cau Đồng Môn

Cho dù ấp Long Hiệu (xã Long Tân) đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, rất nhiều nông dân chặt cau chuyển sang vườn cây ăn trái, xây dựng nhà trọ cho thuê... nhưng vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Bội vẫn hàng ngày chăm chút từng gốc cau Đồng Môn trong khu vườn rộng hơn 2 hécta của gia đình. Phần lớn cây cau trong vườn của ông Bội đều trĩu quả, thân cao thẳng tắp, được dây trầu ôm quanh rất đẹp mắt. 

Lão nông Nguyễn Văn Bội là người có công giữ hồn cho cau Đồng Môn, cũng là người biết làm cau Đồng Môn ra trái vụ để bán được giá cao hơn. Ông Bội cho biết trái cau tươi Đồng Môn dùng để ăn trầu cau ngon nhất khi được 3 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, cau dẻo, ngọt chát, thơm, béo... khiến người sành ăn trầu cau nhận biết ngay đó là cau Đồng Môn chứ không phải cau vùng khác.

Căn nhà ngói cổ 3 gian rộng rãi vợ chồng ông Bội đang ở được dựng lên từ tiền tích cóp của những mùa cau Đồng Môn đã qua. Vợ chồng ông Bội cũng nuôi được 7 người con thành tài từ vườn cau này. 

Trước sự “ghẻ lạnh” của phần lớn nhà vườn vùng đất Long Thành, Nhơn Trạch với cây cau Đồng Môn, thời hoàng kim của loại cây này không còn nữa, lão nông Bội chạnh lòng nên nghĩ ra kế sách giữ hồn cho cau Đồng Môn quê hương. Ông Bội đã viết đề án mô hình trồng cau Đồng Môn huyện Nhơn Trạch theo phương pháp móc xích, có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, ông đem mô hình này đi dự thi Hội sáng tạo kỹ thuật tỉnh và được giải khuyến khích.

Ông Bội đúc kết từ thực tế mấy đời trồng cau Đồng Môn của gia đình và nông dân vùng đất Long Thành, Nhơn Trạch nên xây dựng được chuỗi giá trị từ cây cau Đồng Môn nếu nông dân biết khai thác hợp lý. Chẳng hạn, trái cau tươi thì bán cho người ta ăn trầu, vật cúng lễ theo truyền thống. Cau tươi tiêu thụ không hết thì đem phơi khô hoặc sấy, dùng làm dược liệu trong y học, thuốc nhuộm. Tàu cau già rụng xuống thì tận dụng làm chổi, ủ phân, đốt lò. Thân cau lão (già) dùng làm nhà (cột, rui, mè), đồ dùng trong nhà (chén, đũa, muỗng), đồ mỹ nghệ... Bên cạnh đó, thân cau Đồng Môn còn là nơi để cho dây trầu leo nên còn có thêm giá trị kinh tế từ việc bán lá trầu.

Từ đó, ông Bội đã làm sống lại giá trị kinh tế của cây cau Đồng Môn, khuyến khích được nhiều nông dân khác giữ lại cây cau trong vườn và trồng mới thêm. Ông Bội cho biết khi cây cau Đồng Môn được các nhà vườn Nhơn Trạch, Long Thành nhìn thấy giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, giải quyết được vấn đề nhàn rỗi đối với người già, người sức khỏe kém thông qua việc đan chổi tàu cau, chẻ cau khô... thì tự thân nó hấp dẫn được nhà vườn, mời gọi thương lái, địa phương hỗ trợ đầu tư.

* Một thời vàng son…

Trái cau Đồng Môn của nhà vườn Nhơn Trạch, Long Thành luôn gắn với tập tục ăn trầu cau của người dân địa phương. Ông Cao Văn Leo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Hội, kể cách đây 20 năm người dân Phú Hội vẫn còn tập tục mời nhau miếng trầu cau từ chính lá trầu, quả cau Đồng Môn ngon nhất hái trong vườn khi khách đến nhà chơi hoặc những dịp lễ, tết, đám tiệc. Nay cuộc sống hiện đại, người dân địa phương cũng như các vùng khác dần bỏ tập tục này vì thấy bất tiện (ăn trầu cau nhổ nước ra nền nhà, nền sân gây mất vệ sinh; đi đâu cũng mang theo trầu cau để ăn, khá bất tiện).

Những buồng cau Đồng Môn đẹp mắt của nhà vườn Phú Hội (huyện Nhơn Trạch).
Những buồng cau Đồng Môn đẹp mắt của nhà vườn Phú Hội (huyện Nhơn Trạch).

Thời nhà nhà, người người ăn trầu cau thì cây cau Đồng Môn phủ kín khắp các nhà vườn của người dân xã: Phú Hội, Long Tân, Long Thọ... Trái cau Đồng Môn cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, các loại cây ăn trái khác (nay giá cau mua tại vườn chỉ 50 ngàn đồng/100 trái).

Ông Trần Văn Linh, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Hội, cho hay từ năm 1975-1990, 1 buồng cau Đồng Môn có giá bằng tới 10kg lúa. Những nhà vườn cần số tiền lớn để làm nhà, cưới gả con, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình đắt tiền thì có thể bán vườn cau 1 năm cho các mối lái hoặc tích cóp theo từng mùa cau.

Việc thu hoạch cau Đồng Môn thời đó được ông Năm Hội (78 tuổi, ngụ ấp 2, xã Long Thọ) kể nghe khá ly kỳ. Những đứa trẻ 12-15 tuổi hoặc thanh niên nhỏ con đều là những tay leo cau “cự phách”. Để mỗi lần leo hái được từ 4-5 buồng cau rồi mới “tụt” xuống đất, người hái phải chuyền từ cây cau này sang cây cau khác (cao từ 20-25m) mà không sợ té ngã.

Tiền công hái cau được trả theo số buồng cau hái được trong vườn, thường cao gấp 3 lần so với công việc khác như: cắt lúa, hái trái cây, làm cỏ nên hấp dẫn không chỉ đám trẻ con mà có cả người lớn.

Ông Tăng Văn Thanh (60 tuổi, ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội) cho hay 10 tuổi ông đã biết leo cau. Xưa vườn nhà ông trồng rất nhiều cau, mỗi lần thu hoạch ông leo liên tục 3 ngày mới hái xong. Xong vườn nhà thì ông đi hái cau thuê cho bà con trong xóm.

Hồi đó, trái cau Đồng Môn ngon, thơm, dẻo vang tiếng khắp xa gần kéo theo nhóm người chuyên chạy ghe bầu, xe lam đi khắp các nhà vườn tìm mua cau chở về TP.Hồ Chí Minh hoặc ra miền Bắc, miền Trung bán. Rồi nghề truyền thống bó chổi tàu cau, chẻ cau, sấy cau của người dân vùng sông nước Nhơn Trạch, Long Thành cũng nở rộ tạo ra rất nhiều công ăn, việc làm cho người dân miệt vườn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều