Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề điện lạnh vào mùa

08:04, 17/04/2018

Vào cao điểm nắng nóng, không chỉ các cửa hàng bán máy điều hòa, tủ lạnh… mới đắt hàng mà các thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh cũng tất bật chạy việc do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tăng cao.

Vào cao điểm nắng nóng, không chỉ các cửa hàng bán máy điều hòa, tủ lạnh… mới đắt hàng mà các thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh cũng tất bật chạy việc do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tăng cao.

Những ngày nắng nóng, nhu cầu lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa luôn tăng cao. Trong ảnh: Một thợ điện máy lắp đặt máy lạnh cho khách hàng ở TP.Biên Hòa.
Những ngày nắng nóng, nhu cầu lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa luôn tăng cao. Trong ảnh: Một thợ điện máy lắp đặt máy lạnh cho khách hàng ở TP.Biên Hòa.

Mấy ngày nay những người làm nghề sửa điều hòa, tủ lạnh, quạt điện... làm không xuể. Ngày nào cũng phải làm việc với công suất gấp 2-3 lần ngày thường. Nhiều người cho hay kể từ khi bắt đầu cho đến hết mùa khô, gần như ngày nào họ cũng dồn sức “chạy sô”.

* Tất bật “chạy sô”

Anh Đào Văn Thành (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) làm công việc này đã trên 10 năm, chuyên sửa chữa các loại máy móc, thiết bị liên quan đến làm mát, chia sẻ khoảng vài năm trở lại đây, nghề này phất lên nhanh chóng khi nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt điện… của người dân tăng cao.

Theo chia sẻ của một số người làm nghề sửa điều hòa, tủ lạnh, quạt điện trên địa bàn TP.Biên Hòa, vào mùa nắng nóng, công việc nhiều thu nhập có tăng cao nhưng cũng rất vất vả, đối diện với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do thường xuyên phải leo trèo cao, làm việc ngoài trời dưới trời nắng gắt, tiếp xúc với nguồn điện không an toàn...

Mùa nắng, việc nhiều nên anh phải kêu thêm vài người làm chung. Hiện tại, nhóm của anh có 3 người thay phiên, đổi ca cho nhau, ngày nào cũng làm từ lúc sáng sớm đến chiều tối, cuối tuần có khi đông khách bận rộn phải làm đến đêm mới nghỉ. “Nhu cầu lắp đặt, sửa chữa tăng cao nhưng rất khó để thuê thêm được thợ lành nghề. Tôi đã tuyển hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa tìm được” - anh Thành bộc bạch.

Nguyên nhân là do công việc này có ít người làm, số thợ lành nghề ở TP.Biên Hòa không nhiều phải tuyển dụng ở các nơi khác đến. Ngoài sự nhanh nhẹn, nghề này còn đòi hỏi phải giỏi về kỹ thuật, am hiểu tường tận các loại máy móc. Bởi hàng điện máy ngày càng có công nghệ hiện đại thì càng có nhiều chi tiết phức tạp, tinh vi.

Những cửa hàng “đắt” khách là những nơi có thợ bắt “bệnh” chính xác. Họ nhanh chóng xử lý ngay tình trạng máy hư hỏng, không để khách hàng mất thời gian chờ đợi và hạn chế tốn kém cho khách hàng. Nếu thợ không bắt đúng “bệnh” thì mất uy tín và cũng mất khách luôn.

Chủ tiệm điện cơ, điện lạnh trên đường Đồng Khởi (đoạn qua phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ông Nguyễn Hoàng Vinh cho biết mấy tháng nay, tiệm của ông làm hết công suất mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Chỉ riêng công lắp đặt máy điều hòa mới đã tốn hết 2 thợ/lần đi “tác nghiệp” nên số thợ còn ở tiệm phải tập trung để sửa tủ lạnh, quạt điện, tủ mát… cho khách.

Nhiều chủ tiệm còn “thầu” lắp đặt hay sửa chữa, bảo dưỡng máy móc cho các cửa hàng, siêu thị, trung tâm điện máy, khi cần là phải tập trung quân số đi gấp. Đây là những “đầu mối” lúc nào cũng có đơn hàng nên được ưu tiên hàng đầu và phải phục vụ tốt, đảm bảo chất lượng.

* Làm một mùa “ăn” cả năm

Những người gắn bó lâu năm với nghề sửa chữa điện lạnh cho rằng thời tiết miền Nam nắng nóng nhiều nên công việc sẽ đều đặn hơn. Vào tháng nắng nóng thu nhập từ nghề này cao gấp mấy lần so với ngày thường, vì thế sửa điện lạnh được coi là làm một mùa mà “ăn” cả năm.

Thợ làm nghề sửa chữa quạt máy, điều hòa... làm việc không xuể trong những ngày nắng gắt.
Thợ làm nghề sửa chữa quạt máy, điều hòa... làm việc không xuể trong những ngày nắng gắt.

Trong những ngày giữa mùa khô, nhóm thợ của ông Trần Nhật Phong (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) luôn tất bật, làm không hết việc, khách hàng chủ yếu là các gia đình có nhu cầu bảo dưỡng máy điều hòa. Với công việc như vậy, mỗi người trong nhóm thợ có thể kiếm được từ 300-500 ngàn đồng/ngày.

Vào thời điểm nắng nóng giá lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng sẽ cao hơn từ 30-50% so với bình thường. Sau khi trả lương cho 4 nhân viên, bình quân mỗi tháng ông kiếm được số tiền kha khá, đủ để bù lại chi phí những ngày ít khách. Ngoài sửa chữa hàng điện lạnh tại tiệm, ông còn kiếm thêm thu nhập từ việc bán đồ thanh lý.

Nhiều người khi mua đồ mới sẽ thanh lý các mặt hàng điện lạnh với giá cực rẻ. Ông Phong đứng ra thu mua về “tuốt” lại rồi cho chạy thử một thời gian, nếu máy ổn định và không bị lỗi sẽ bán với giá cao gấp 3-5 lần so với giá mua. Mùa cao điểm, tủ lạnh, điều hòa và quạt hơi nước cũng thường “cháy hàng”, vì vậy mà nghề sửa điện lạnh mang lại thu nhập cao.

Trong những tháng gần đây, các trung tâm, cửa hàng điện máy trên địa bàn tỉnh cũng mua bán tấp nập hơn. Anh Nguyễn Minh Hùng, quản lý của một trung tâm điện máy lớn ở TP.Biên Hòa, chia sẻ khoảng 2 tháng nay nhu cầu tiêu thụ điều hòa, tủ lạnh, quạt máy... của người dân tăng cao. Mỗi ngày nơi anh làm bán ra thị trường hàng chục chiếc. Trung tâm điện máy ăn nên làm ra so với ngày thường.

Anh Hùng cũng khuyến cáo hiện nay trên các trang mạng người dân rất dễ dàng tìm được cơ sở dịch vụ điện lạnh khi có nhu cầu, tuy nhiên cái khó là lựa chọn nhà cung cấp đảm bảo uy tín. Vì vậy, khách hàng nên cảnh giác khi được mời mua những món hàng điện lạnh giá rẻ cũng như việc bảo dưỡng, sửa chữa kiểu “thần tốc”, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

Anh Hùng bộc bạch: “Mùa nóng việc “chạy sô” nhiều, không ít tiệm lợi dụng tình hình này để chặt chém hay lấy cắp bộ phận, thay hàng kém chất lượng. Thậm chí nhiều thợ sửa chữa còn kê thêm “bệnh” cho máy khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với thợ điện lạnh. Vậy nên nghề này phải làm đàng hoàng, chu đáo mới có thể trụ lâu dài”.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích