Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức một thời máu lửa

07:04, 12/04/2018

Chiến tranh đã đi qua gần 43 năm, nhưng ông Hai Bình, tên thật là Lê Minh Phương (72 tuổi, nguyên Giám đốc Lâm trường Xuân Lộc, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) vẫn còn nhớ như in ký ức một thời máu lửa trên mảnh đất Xuân Lộc kiên cường.

Ông Lê Minh Phương (Hai Bình) tại vùng núi Mây Tàu năm 1972.
Ông Lê Minh Phương (Hai Bình) tại vùng núi Mây Tàu năm 1972.

Chiến tranh đã đi qua gần 43 năm, nhưng ông Hai Bình, tên thật là Lê Minh Phương (72 tuổi, nguyên Giám đốc Lâm trường Xuân Lộc, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) vẫn còn nhớ như in ký ức một thời máu lửa trên mảnh đất Xuân Lộc kiên cường.

Sớm ảnh hưởng và giác ngộ lý tưởng cách mạng từ truyền thống gia đình nên khi cùng cha mẹ lưu lạc từ Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) vào vùng đất Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Hai Bình, khi đó mới 16 tuổi, đã tham gia hoạt động bí mật với các chiến sĩ cách mạng trong vai trò giao liên.

* “Nếm mật nằm gai”

Đến năm 17 tuổi, do chống giặc bắt lính, ông Hai Bình đã bỏ học, chính thức tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ đưa thư, in truyền đơn, sau đó đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Đội trưởng Đội Vũ trang xã Bình Giã, Đội trưởng Đội Vũ trang huyện Xuyên Mộc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông từng “nếm mật, nằm gai”, cùng đồng chí, đồng đội trải qua biết bao gian khổ, hiểm nguy.

Những năm tháng bom đạn, chiến tranh, bàn chân ông đã đi “mòn” lối các vùng căn cứ cách mạng: núi Mây Tàu (huyện Xuân Lộc), núi Bể (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), các căn cứ ở vùng Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mà không biết mệt.

Ông Hai Bình kể từ năm 1960 trở về trước, các cơ quan của cách mạng còn làm việc ở các lán, trại trong rừng sâu. Việc đi lại và trao đổi với nhân dân còn thuận lợi nên được dân tiếp tế thường xuyên. Trong những năm 1961-1965, Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, lập ra các “Khu trù mật”, “Ấp chiến lược”, “Dinh điền”… để dồn dân về đó quản lý, nhằm tách hẳn dân ra khỏi cách mạng. Do đó, hoạt động cách mạng hết sức khó khăn.

Các cơ quan cách mạng phải rút vào làm việc trong hầm. Mỹ, chính quyền Sài Gòn kiểm soát rất chặt chẽ, người dân không được mang theo một lon gạo hay mớ rau nào ra khỏi khu tập trung nên có lúc các cơ sở cách mạng hầu như không nhận được lương thực, thực phẩm chi viện từ hậu phương, có khi 6-7 tháng không kiếm đâu ra gạo. Lượng gạo dự trữ ít ỏi trong kho cứ vơi dần nên chỉ để dành cho những người ốm đau, thương tật và các đồng chí tuổi cao, sức yếu.

Ông Hai Bình bùi ngùi nhớ lại, để có thức ăn, các chiến sĩ cách mạng phải đi kiếm khoai, sắn hay chuối, mít... về băm nhỏ rồi trộn vào chảo nấu chín. Gạo có ít thì nấu riêng. Khi ăn mới trộn chung vào chảo rồi múc ra chia nhau. Hôm nào đào được củ chụp thì coi như vớ được bữa ăn sang. Có hôm đói quá mọi người phải ăn cả củ nần. Nhiều hôm do làm củ nần không kỹ, khi ăn vào bị say đến “lộn cả trời đất”. Để kiếm được thức ăn, có người cũng phải đổi bằng máu vì bị quân địch phát hiện.

Thức ăn đã thiếu thốn nhưng không khổ bằng cảnh thiếu nước trong mùa khô. Khó khăn lắm mới tìm được những ao nước nhưng khi múc lên thì nhung nhúc những vi sinh vật. Chỉ một ao nước, có khi những đơn vị đi trước đã sử dụng cho sinh hoạt, tắm rửa, đơn vị đến sau cũng phải chấp nhận dùng lại để ăn uống. Đó là chưa kể có khi mặt nước đóng nguyên lớp váng màu vàng, rửa rau, vo gạo dính toàn chất váng màu da cam ấy nhưng vẫn phải dùng để ăn uống.

 Hướng ánh mắt về cánh rừng xanh ngát do người dân và nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc trồng, ông Hai Bình nhớ về chiến trường Xuân Lộc năm xưa: “Đúng là sức mạnh tinh thần lúc đó rất dữ dội, đè lướt tất thảy mọi gian nguy. Quân Mỹ, quân đội Sài Gòn dù có thực hiện nhiều âm mưu, chiến lược thâm độc đến cỡ nào cũng chưa bao giờ quy phục được lòng người dân miền Nam”.

* Ý chí kiên cường

Không thay đổi được tình thế, năm 1965 kẻ địch thay đổi chiến lược tàn bạo hơn có tên “Chiến tranh cục bộ”, tăng cường đưa quân vào miền Nam để thực hiện kế hoạch “tìm diệt”. Địch dồn tiếp dân ở những vùng rải rác, sâu xa vào các thị trấn, thị tứ. Quân đội Sài Gòn áp sát vòng trong, lính Mỹ và chư hầu đóng chốt kiểm soát vòng ngoài.

Ông Hai Bình (trái) chụp hình lưu niệm với tác giả.
Ông Hai Bình (trái) chụp hình lưu niệm với tác giả.

Trước tình hình đó, các vùng căn cứ cách mạng phải thực hiện phương án: “Đi không để dấu, nấu không để khói, nói không để tiếng”, cố gắng ém quân đồng thời tổ chức nhiều đợt mai phục nổ súng vào quân địch. Cấp trên đã quyết định chia 9 tỉnh miền Đông thành 3 phân khu (phân khu 4, 5, 6), đồng thời đưa cán bộ đến các phân khu hoạt động. Trong đó, phân khu 4 gồm 3 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Long Khánh. Lúc này, Ban Kinh tài - nơi ông Hai Bình công tác - được tách thành 2 tiểu ban tài chính và thương nghiệp. Khoảng năm 1969, ông được đưa về làm Trưởng tiểu ban thương nghiệp.

 Ông Hai Bình nhớ lại thời kỳ này cấp trên cho phép khai thác lâm sản để tạo hậu cần tại chỗ. Lúc này đơn vị nhỏ, địa bàn hẹp, lại tăng cường bám trụ trên các trục giao thông nên mọi hoạt động của ta cũng nhanh nhạy, linh hoạt hơn. Dần dần quân ta thâm nhập được vào các vùng địch hậu, liên hệ được với các nhà tư sản, thương nhân để mua bán, đổi chác lâm sản lấy lương thực để chi viện cho cách mạng.

 Ông Hai Bình nhận xét, có thể nói năm 1971 là thời kỳ khó khăn nhất do phía trên quân đội Sài Gòn đóng, phía dưới là xe tăng Mỹ. Lúc này, vào mùa mưa xe không vào được sâu trong rừng nên khi nhập hàng chục tấn gạo ngay quốc lộ 1, quân ta phải dùng kế sách là trải ny-lông che mưa trên đường để đổ gạo, sợ gạo vung vãi trên đường bị lộ. Kỳ tích là chỉ với 15 anh em trong một buổi tối mà di chuyển cất giấu mười mấy tấn gạo vào rừng an toàn. Thắng lợi của chuyến hàng làm cả phân khu mừng rơn vì có lương thực chống đói đúng lúc.

Trong bối cảnh của chiến tranh, sự thiếu thốn, gian khó trăm bề, các cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Xuân Lộc vẫn kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng, chiến đấu ngoan cường tạo nên chiến thắng Xuân Lộc vào ngày 21-4-1975, mở toang “cánh cửa thép” cho quân ta tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngọc Hoàng

(ghi theo lời kể của ông Lê Minh Phương)

Tin xem nhiều