Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Mai Giồng Trôm

07:03, 20/03/2018

Ở tổ 2, ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) ai cũng biết bà Tư Mai (Nguyễn Thị Mai, 72 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thường trú ấp 4, xã Mã Đà). Tuy vậy, để tìm ra nhà bà Tư Mai giữa bạt ngàn rừng, rẫy thì chúng tôi phải lần theo những con đường mòn quanh co.

Ở tổ 2, ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) ai cũng biết bà Tư Mai (Nguyễn Thị Mai, 72 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thường trú ấp 4, xã Mã Đà). Tuy vậy, để tìm ra nhà bà Tư Mai giữa bạt ngàn rừng, rẫy thì chúng tôi phải lần theo những con đường mòn quanh co.

Bà Nguyễn Thị Mai (Tư Mai) của dân ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Bà Nguyễn Thị Mai (Tư Mai) của dân ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

38 năm nay, bà Tư Mai đóng góp cho vùng sơn cước Mã Đà rất nhiều nghĩa cử đẹp.

* Bám trụ miền sơn cước

Xóm nhà ven bờ hồ Trị An, nơi vợ chồng bà Tư Mai ở, lưa thưa vài căn nhà. Từ nhà mình, muốn sang nhà hàng xóm gần bà Tư Mai băng rào bước qua; còn đến nhà hàng xóm xa thì bà đạp xe qua những con đường mòn quanh co hoặc cắt rẫy, rừng mà đi.

Ông Nguyễn Hải Thần, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà, cho biết bà Tư Mai rất được lòng người dân trong tổ, ấp nơi bà sinh sống, công tác. Người dân quý vợ chồng bà ở tấm lòng luôn biết giúp đỡ người khó, sống mẫu mực và chân thành; lưu luyến hình ảnh bà Tư Mai với bước chân thoăn thoắt ở tuổi 72, rành rọt hoàn cảnh trên 60 hộ dân trong tổ 1 và tổ 2 (ấp 2, xã Mã Đà) như người nhà của bà vậy.

Bà Tư Mai kể vào năm 1980, bà tạm xa chồng con theo dòng người đồng hương xứ dừa về công trình Nhà máy thủy điện Trị An kiếm cơm vì quê nhà kinh tế khó khăn. Ngày đó, bà bám các trại khai thác gỗ, lò đốt than của đồng hương Bến Tre để nấu ăn, làm rừng. Số tiền công được đồng hương phân chia qua từng mẻ than, từng khối củi bốc lên xe, bà gửi về quê nhà cho mẹ chăm sóc 3 con nhỏ. Trong khi đó, ông Dương Công Khanh (chồng bà Tư Mai, thương binh 3/4) vẫn còn tại ngũ và cũng vì màu áo bộ đội mà ông chấp nhận để vợ chịu cảnh tủi thân một mình nơi rừng già.

Ngày thủy điện Trị An đóng đập tích nước, các đơn vị khai thác, tận thu cây rừng làm kinh tế cũng rút khỏi rừng già. Những người như bà Tư Mai kẻ thì quay về quê nhà, người ở lại bám trụ hoặc tản mác đi nơi khác làm kinh tế.

Ở lại, bà Tư Mai được Lâm trường Mã Đà giao khoán cho khu đất rộng 8 hécta để sản xuất. Dù chỉ có một mình, bà vẫn biến đất rừng sau khai thác trắng thành những rẫy bắp, đậu, tiêu, điều…

Không có lương thực để chờ vụ bắp, đậu mới tỉa cho thu hoạch, bà Tư Mai ngày chăm chỉ đi làm đổi công cho những người trong xóm, tối tranh thủ tận thu cây rừng còn sót đốt than đem đổi gạo, bắp. Lòng hồ Trị An ngày nước phủ trắng rừng, cá, tôm rất nhiều nên bà làm thêm tay lưới để kiếm cá ăn, đem bán đổi nhu yếu phẩm và phơi khô gửi về quê.

Năm 1990, ông Khanh xuất ngũ và đưa các con đến Mã Đà đoàn tụ với bà Tư Mai thì vườn điều của bà trồng mới cho trái bói. Vốn là bộ đội quân y trong kháng chiến, vợ chồng bà Tư Mai lại có dịp trổ tài giúp đỡ mọi người khi ốm đau bệnh tật.

Ai bị bệnh, vợ chồng bà đến nhà tiêm, cấp thuốc chỉ lấy tiền vốn mà không lấy tiền công. Phụ nữ đến ngày sinh nở không có điều kiện ra trạm xá hay bệnh viện...

Tháng 6-2017, sau nhiều năm bệnh tật, ông Dương Công Khanh qua đời. Còn lại một mình ở nhà khi các con trưởng thành, lập gia đình làm ăn xa, bà Tư Mai chống chọi với sự cô đơn bằng việc hăng say tham gia công tác xã hội và đoàn thể.

* Bà Tư Mai nghĩa tình

Cũng vì nhiệt tình, uy tín với dân rừng Mã Đà nên khi Mã Đà được thành lập xã, bà Tư Mai được chính quyền vận động làm Tổ trưởng Tổ nhân dân số 2, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ, Chi hội Phụ nữ ấp 2... Càng trách nhiệm, nhiệt huyết với công tác xã hội và đoàn thể, biệt danh “Tư Mai Giồng Trôm” do người dân rừng ấp 2, Mã Đà đặt cho bà càng thêm thân thương và nghĩa tình.

Bà Tư Mai thường qua thăm hỏi, giúp đỡ anh em ông Trang và Điệp hàng xóm.
Bà Tư Mai thường qua thăm hỏi, giúp đỡ anh em ông Trang và Điệp hàng xóm.

Nhà có nhiều đất, khi nước lòng hồ Trị An càng lấn sâu vào vùng bán ngập, thấy dân rừng chạy ngập bất tiện, bà Tư Mai gọi một số người thân về chỗ đất nhà bà cất nhà ở cho vui. Người có điều kiện thì bà nhượng lại đất với giá bằng tiền công phát dọn, còn người có hoàn cảnh khó khăn bà chia đất chỗ cao ráo để cất căn nhà nhỏ tiện bề đi lại làm ăn, các con học tập.

Xóm làng có người bệnh tật, qua đời, nhà cháy..., bà Tư Mai chạy khắp xóm kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Riêng phần bà, nếu nhà sẵn tiền bà lấy ra hỗ trợ ngay hoặc cho mượn. Gặp lúc nhà kẹt tiền, bà đi vay mượn người khác để kịp thời giúp đỡ người cần.

Xã Mã Đà vốn là xã khó khăn nên cuộc sống của một bộ phận nông dân, ngư dân ở đây khó, khổ trăm bề. Chính quyền địa phương các cấp và mạnh thường quân biết đến nên lui tới hỗ trợ tiền, quà, nhà ở cho những hộ nghèo, bà Tư Mai vui mừng và tất bật chạy tới chạy lui lập danh sách những hộ nghèo của tổ, ấp để gửi về xã xin tài trợ.

Bà Tư Mai bộc bạch, do quen mặt, hiểu hoàn cảnh từng người dân trong tổ nên bà biết họ cần gì, thiếu gì khi đề xuất với địa phương, đoàn thể giúp đỡ.

Ông Dương Công Khanh bệnh tật nằm nhà 13 năm cho đến ngày mất, một tay bà Tư Mai chăm sóc chồng từ miếng ăn, giấc ngủ. Dù bận bịu chuyện gia đình, vườn tược và xã hội, bà Tư Mai vẫn tranh thủ lúc ít việc sang nhà 2 anh em mồ côi, bệnh tật là Điệp và Trang giúp đỡ quét nhà, nấu giùm nồi cơm... Nhờ sự quan tâm, cưu mang của bà Tư Mai, sức khỏe 2 ông Điệp và Trang dần được phục hồi, nên tự lo cho nhau được. Đồng thời, cả 2 còn chăm sóc tốt con bò sinh sản do Hội Chữ thập đỏ xã tặng.

Rừng Mã Đà mùa khô lá rơi xào xạc, bà Tư Mai thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân nghèo trong tổ bà quản lý đến rã rời đôi chân. Trên đường đi, bà kể cho chúng tôi biết bao câu chuyện về sự hy sinh, cơ cực của nữ y tá trong kháng chiến và cả câu chuyện dài của bà suốt 38 năm bám rừng già Mã Đà với những vui buồn gắn với người dân, phong trào. Tuy vậy, bà vẫn lạc quan cho rằng vợ chồng bà lành lặn, đủ đôi từ cuộc chiến sinh tử trở về là mừng rồi; còn số phận bà khổ cực, vất vả  nơi rừng già Mã Đà ra sao bà không bận tâm. Bởi bà Tư Mai nghĩ, dân rừng Mã Đà tuy nghèo khó hơn dân ở các nơi khác, nhưng mọi người sống chân thành, quý tình cảm hơn tiền tài.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều