Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "địa đầu" phương Nam

07:03, 17/03/2018

Trên hành trình mở rộng bờ cõi về phía Nam, với công lao mở lối của công nữ Ngọc Vạn và cuộc di cư của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên, Đồng Nai đã trở thành cửa ngõ của cả phía Nam và danh xưng này được dùng để chỉ toàn bộ khu vực miền Nam.

Trên hành trình mở rộng bờ cõi về phía Nam, với công lao mở lối của công nữ Ngọc Vạn và cuộc di cư của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên, Đồng Nai đã trở thành cửa ngõ của cả phía Nam và danh xưng này được dùng để chỉ toàn bộ khu vực miền Nam.

Trên hành trình mở rộng bờ cõi về phía Nam, với công lao mở lối của công nữ Ngọc Vạn và cuộc di cư của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên, Đồng Nai đã trở thành cửa ngõ của cả phía Nam và danh xưng này được dùng để chỉ toàn bộ khu vực miền Nam.
Trên hành trình mở rộng bờ cõi về phía Nam, với công lao mở lối của công nữ Ngọc Vạn và cuộc di cư của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên, Đồng Nai đã trở thành cửa ngõ của cả phía Nam và danh xưng này được dùng để chỉ toàn bộ khu vực miền Nam.

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: “Lúc ấy, địa đầu của Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai”, qua đó khẳng định các địa điểm tiếp nhận di dân và hình thành khu vực dân cư sớm nhất trước thời điểm năm 1698 là Mô Xoài và Đồng Nai với đại diện là Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).

* Mô Xoài - điểm đến đầu tiên ở phương Nam

Đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn mới xác lập chủ quyền đến dinh Bình Khang, tức tỉnh Bình Thuận ngày nay. Khi Công nữ Ngọc Vạn xin vua Preachey Chetta II cho người Việt được lập dinh điền khẩn hoang tại Mô Xoài, lưu dân Việt đến đây sinh sống ngày càng đông. Theo Địa chí Đồng Nai, vùng Mô Xoài (còn gọi là Mỗi Suy, trước đây thuộc tỉnh Đồng Nai, từ năm 1991 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trên trục giao thông đường bộ từ Bình Thuận vào, lại giáp biển, nằm giữa mũi Thùy Vân, mũi Bà Két và vịnh Ô Trạm (nay là các vùng Long Hương, Phước Lễ, Đất Đỏ của TP.Bà Rịa) nên rất thuận lợi về giao thông đường biển. Xét về vị trí địa lý quân sự, vùng Mô Xoài đất đai tương đối cao, lại gần sông biển thích hợp xây dựng tuyến phòng thủ. Với những lợi thế đó, Mô Xoài đã trở thành “địa đầu” của vùng đất mới.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh từng nhận xét: chưa có vùng đất nào như Cù lao Phố, trong vòng bán kính chỉ vài cây số mà có đến 11 ngôi đình, 9 ngôi chùa, 3 tịnh xá, trong đó có 2 ngôi chùa (chùa Ông và chùa Đại Giác) và 1 đình (đình Bình Kính) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 đình là di tích lịch sử cấp tỉnh (đình Bình Quan) - mật độ này có thể nói là đứng đầu Nam bộ. Ấy là chưa kể nơi đây còn có rất nhiều mộ cổ xây bằng đá ong với vật liệu ô dước rất độc đáo, có cả mộ huyền táng của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Từ Mô Xoài, di dân Việt ngược sông Đồng Nai hoặc theo đường bộ tiến sâu vào các vùng đất khác của Đồng Nai, như: Bàn Lân (hoặc Bàn Lăn), Bến Gỗ, An Hòa, Cù lao Phố (nay thuộc TP.Biên Hòa), Long Thành, Bến Cá, Cù lao Tân Triều, Cù lao Tân Chánh (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu), Cù lao Rùa (nay thuộc tỉnh Bình Dương)…

Các lưu dân vào Đồng Nai sinh sống thời đó phần lớn là người nghèo, phải phiêu tán vì chiến tranh hoặc vì sinh kế. Vào vùng đất mới, phần lớn người dân sinh sống về nông nghiệp để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt về lương thực thực phẩm. Một số hộ khác làm các nghề như: đánh bắt cá, làm nước mắm, săn bắt, khai thác gỗ, dệt cửi, làm mộc, dệt chiếu, đan lát, làm đồ gốm, buôn bán nhỏ…

Quy mô khẩn hoang của lưu dân Đồng Nai bắt đầu thuộc loại nhỏ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán ở quê cũ có thay đổi để phù hợp với vùng đất mới. Đồng Nai là vùng đất thổ nhưỡng tốt nên việc canh tác có hiệu suất cao, đời sống người dân ngày càng nâng cao từ đó làn sóng di dân càng lúc càng tăng, làng mạc mới hình thành ngày càng nhiều. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ 18, Đồng Nai đã sớm hình thành những vùng ruộng lúa, vườn cây ăn quả, hoa màu rộng lớn cùng làng mạc sầm uất. 

* Trăm năm Nông Nại đại phố

Ngày nay dẫu hơn 300 năm đã đi qua, đọc lại Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức vẫn có thể hình dung quang cảnh phồn hoa một thời của Cù lao Phố (Nông Nại đại phố): ‘’Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quán đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền tục năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn giữa phố lát đá trắng, nhai ngang lát đá ong, nhai nhỏ lát đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to thì ở đây nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội”.

Người dân viếng Thất phủ cổ miếu (còn gọi là chùa Ông, ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).
Người dân viếng Thất phủ cổ miếu (còn gọi là chùa Ông, ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).

Hàng hóa các chủ thuyền tiêu thụ tại Đồng Nai là sản phẩm tiêu dùng gồm tơ lụa, vải bố, dược phẩm cho đến những đồ xa xỉ, trang trí như gạch ngói, sứ men, đá xây cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc; đồng thời mua sản vật được sản xuất tại địa phương như gạo, cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo.

Nguồn xuất khẩu chính ở Cù lao Phố là lúa gạo. Lúa gạo ở Đồng Nai nhiều nên rất rẻ. Địa chí Đồng Nai dẫn nguồn từ Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn) như sau: ‘’Đồng tiền xưa thì 1 tiền (60 đồng) đong được 16 đấu thóc. Cứ lường theo bát được gạt bằng miệng mà dân gian địa phương thường dùng thì 3 bát ấy ngang với 30 bát của Nhà nước. Một quan tiền đong được 300 bát đồng của Nhà nước (tức bát định chuẩn). Giá rẻ như vậy, các nơi khác chưa từng có’’. Kế đến là nguồn gỗ quý dùng để làm tàu thuyền, có các thứ gỗ sao, trắc, dầu, giáng hương, gụ.

Một số Hoa kiều sinh sống ở Đồng Nai đã trở thành “đại lý” thu mua nguyên vật liệu, hàng hóa tại chỗ cung cấp về Cù lao Phố, như Tân Bản, Tân Mai, Vinh Thanh, Bình Trước, Bình Phước cung cấp lúa gạo; Mỹ Khánh, Bình Long là nơi tập trung hàng vàng bạc; Chợ Đồn (nằm trong làng Bình Long) thì sản xuất lu, hũ, cát, đá ong; Đổng Bản, Thủ Đồn Xứ  cung cấp gỗ quý, thú rừng; Bình Sơn có đá rửa dùng tô nhà; Phú Hội xuất trà; An Lợi có sầu riêng; Long Tân có chuối; Phước An có đặc sản cá buôi, sò huyết; Tam An có tôm càng… Gia Định thành thông chí viết: “Phía Bắc ghềnh có vực sâu làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền các nước. Tàu buôn đến đây, hạ neo xong là lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lấy đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá và mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là ‘’hồi đường’’, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ hiệu buôn ấy cũng chiều ý ước đơn mà mua giùm và chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ và khách chiếu theo hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã có nước ngọt tắm rửa sạch sẽ, lại không lo hà trùng ăn lủng ván thuyền, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi’’.

Cùng với sự phát đạt của thương nghiệp, Cù lao Phố cũng là nơi tập trung nhiều nghề thủ công như dệt chiếu, dệt hàng tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường từ mía, làm bột, làm đồ gỗ gia dụng và chạm khắc gỗ đóng thuyền, làm pháo thăng thiên, nhuộm... Trong số các nghề nói trên, có những nghề truyền thống do những lưu dân Việt mang theo từ nơi quê cũ, nhưng cũng có những nghề do thợ thủ công Trung Quốc du nhập. Các nghề này đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dân gian qua những địa danh: chợ Chiếu, xóm Cửi, xóm Lò Đúc, rạch Lò Gốm...

Đến cuối thế kỷ 17, số lượng dân đến khai phá, định cư ở Cù lao Phố đã lên đến 40 ngàn hộ. Từ 2 yếu tố chính là tập trung đông dân cư và dồi dào sản vật, nguyên liệu, Cù lao Phố nói riêng và Đồng Nai nói chung trở thành trung tâm thương mại của cả vùng Nam bộ. Tuy nhiên, sự thịnh vượng của thương cảng chỉ kéo dài gần 100 năm. Năm 1747, một nhóm thương nhân Phước Kiến do Lý Văn Quang cầm đầu và tự xưng là ‘’Giản Phố đại vương’’ tập trung bè đảng hơn 300 người toan đánh úp dinh Trấn Biên. Theo Gia Định thành thông chí, nhân ngày Tết Nguyên đán nhóm Lý Văn Quang đem quân mai phục trong phố, sau đó đem theo 50 người giả đi chúc tết rồi giết Khâm sai Cai đội Cẩn Thận hầu Nguyễn Cư Cẩn. Quan Lưu thủ Cường Oai hầu họ Nguyễn điều lính thủy bộ của dinh Trấn Biên dàn trận ở bờ Bắc, đốt phá cầu ván bắc qua Cù lao Phố để cố thủ, sau đó báo cáo và hiệp binh với Cai cơ Đại Thắng hầu Tống Phước Đại ở đạo Mô Xoài đánh dẹp. Cây cầu ván từ khi bị phá bỏ vẫn không sửa lại được, phải dùng đò đưa người qua lại.

Cuộc bạo loạn bị dập tắt nhưng đã gây nhiều thiệt hại cho Cù lao Phố. Sau này từ năm 1776 đến năm 1785, cuộc chiến dằng dai giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh diễn ra chủ yếu ở vùng Gia Định và Biên Hòa - Đồng Nai cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Cù lao Phố. Trong đó, có việc quân Tây Sơn đốt phá, triệt hạ gần như toàn bộ kiến trúc trú sở của các nhà buôn, nhà khá giả ở Cù lao Phố để tránh cho quân Nguyễn Ánh sử dụng, thậm chí gỡ cả đá lót đường phố,  “chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Quy Nhơn”. Sau này khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập nên triều Nguyễn, Cù lao Phố được ổn định nhưng đã mất vị trí trung tâm thương mại do các nhà buôn chuyển về Chợ Lớn (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh). Tính ra, Cù lao Phố giữ vị trí trung tâm thương mại khoảng 97 năm.

Hà Lam

Tin xem nhiều