Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên Mù Cang Chải xem nuôi cá tầm

07:01, 06/01/2018

Những ngày cuối năm 2017 các tỉnh miền núi phía Bắc rơi vào đợt rét đậm rét hại, nhiệt độ có lúc xuống đến 9OC, tôi lại hớn hở vác ba lô đi Yên Bái bởi nhìn thấy các facebooker tung hình ảnh hoa nở rực núi rừng Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Những ngày cuối năm 2017 các tỉnh miền núi phía Bắc rơi vào đợt rét đậm rét hại, nhiệt độ có lúc xuống đến 9OC, tôi lại hớn hở vác ba lô đi Yên Bái bởi nhìn thấy các facebooker tung hình ảnh hoa nở rực núi rừng Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Ông Nguyễn Quang Huy (bìa trái), chủ Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ, giới thiệu quy trình nuôi cá tầm.
Ông Nguyễn Quang Huy (bìa trái), chủ Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ, giới thiệu quy trình nuôi cá tầm.

Hoa tớ dày cánh màu hồng thường nở rộ vào cuối tháng 12, hoa nở rất dày nhìn giống như hoa đào ở Nhật, có rất nhiều ở “vùng cao của vùng cao” Mù Cang Chải, nhất là ở xã La Pán Tẩn. Đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải có câu: Thấy hoa tớ dày nở là biết tết đến. Thế nhưng vác ba lô lên đến Mù Cang Chải, co ro trong cái lạnh buốt của núi rừng, tôi não nề khi biết mình ăn phải “quả lừa” của dân mạng. Chị Hoàng Thị Hạnh, “thổ địa” ở Yên Bái, giải thích do ảnh hưởng đợt rét nặng của năm trước nên năm nay hoa tớ dày không chỉ ít hoa mà còn nở muộn, dự kiến khoảng gần 1 tháng nữa mới bắt đầu bung nụ. Nhìn vẻ mặt thất vọng của tôi, chị Hạnh cười bảo: “Không phải buồn. Lên đến Mù Cang Chải thì phải đi xem nuôi cá tầm không thì… phí cuộc đời”.

Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 1.000-1.500m so với mặt biển. Theo quốc lộ 32, chúng tôi vượt qua đèo Khau Phạ - một trong “tứ đại đèo” của vùng Tây Bắc, cung đường đèo quanh co chóng mặt với nhiều đoạn dốc đứng thót tim. Càng lên cao, không khí càng lạnh hơn. Chị Hạnh bảo có lạnh như vậy mới phù hợp với con cá tầm, bởi yêu cầu của loài cá này là nhiệt độ môi trường phải đảm bảo luôn dưới 27OC, nếu trời nóng cá khó phát triển, dễ mắc dịch bệnh.

Cá tầm nuôi trong bể nước chảy ở Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ.
Cá tầm nuôi trong bể nước chảy ở Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ.

Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ của ông Nguyễn Quang Huy nằm dựa vào núi (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải), rộng khoảng 2 hécta, được xây dựng hoành tráng, bài bản với nhiều khu vực riêng như: khu ương cá, khu ao nước chảy, khu xử lý nước... Còn phía ngoài là nhà hàng Khau Phạ luôn sẵn sàng phục vụ du khách với các món ăn chế biến từ cá tầm, kể cả món trứng cá quý hiếm.

Ông Huy xởi lởi cho biết mình bắt tay vào nuôi cách đây 10 năm. Thời điểm đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong cả nước về nuôi cá tầm và cá hồi nên ông khăn gói lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu, thấy Mù Cang Chải quê mình rất phù hợp với yêu cầu nuôi cá tầm là có môi trường nước lạnh, sạch và oxy hòa tan cao. Vì thế, ông quyết định đầu tư 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ.

Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ đang xây dựng để mở rộng thêm bể nuôi cá tầm.
Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ đang xây dựng để mở rộng thêm bể nuôi cá tầm.

Lúc đầu do chưa nắm hết về kỹ thuật nuôi cá tầm, ông Huy “nếm” vài bài học xương máu. Đợt cá giống đầu tiên chuyển bằng máy bay từ Lâm Đồng về, do ông vội vã thả xuống hồ, bỏ qua giai đoạn chờ nhiệt độ cân bằng giữa bên trong bao cá và môi trường nước bên ngoài nên cá bị “sốc” nước, chết gần hết. Giá cá tầm giống lúc đó mắc như vàng, ông ngậm ngùi vay mượn để mua lại đợt cá giống mới. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và học hỏi thêm, như: ngày đêm thả cá giống không nên cho ăn ngay mà phải đợi cá quen với môi trường nước, cá tầm ăn vào ban đêm sẽ phát triển nhanh hơn… dần dần ông Huy nắm vững hơn về kỹ thuật nuôi và đã thành công trong việc nuôi cá tầm ở miền cao Yên Bái. Từ đó ông quyết định đầu tư thêm 8 tỷ đồng để mở rộng cơ sở nuôi.

Hiện nay mỗi năm cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ thả 50 ngàn cá giống, thu về khoảng 50 tấn cá thương phẩm. Do nguồn nước ở Mù Cang Chải sạch, khí hậu trong lành nên cá tầm phát triển rất tốt, cá giống lúc thả có trọng lượng từ 100-150gr, nuôi hơn 1 năm có thể đạt từ 2-2,5kg/con. Với giá cá tầm dao động từ 200-250 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông Huy lãi khoảng 4-5 tỷ đồng. “Khoảng năm 2014 cá tầm nhập từ Trung Quốc về có giá thành rẻ hơn so với giá cá trong nước nên người nuôi lao đao, có lúc tôi tưởng đã phải bỏ nghề. Nhưng sau đó người tiêu dùng đánh giá cá tầm trong nước ăn ngon hơn, thịt dai và chắc, kể cả khi ăn sống hoặc được chế biến thịt cá vẫn giữ nguyên hương vị và tính chất, không bị bở nhũn, sụn cá cũng giòn hơn, vì vậy nhiều nhà hàng, quán ăn đã quay trở lại sử dụng cá tầm nuôi trong nước để giữ uy tín. Đợt đó, tôi được các ngành chức năng ở Yên Bái hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, đồng thời khoanh nợ ở ngân hàng để đầu tư nuôi cá tầm trở lại. Mấy năm nay giá cá khá ổn định nên người nuôi như chúng tôi rất yên tâm. Cá tầm của cơ sở Khau Phạ hiện không đủ cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận” - ông Huy kể.

Cá tầm ở Yên Bái sau hơn 1 năm nuôi trọng lượng có thể lên đến gần 3 kg.
Cá tầm ở Yên Bái sau hơn 1 năm nuôi trọng lượng có thể lên đến gần 3 kg.

Chị Hoàng Thị Hạnh cho biết khách du lịch đến Mù Cang Chải thường chọn các món ăn chế biến từ cá tầm bởi vị lạ, ngon mà không đắt tiền. Một con cá tầm khoảng 2kg giá 500 ngàn đồng có thể chế biến thành 2 món ăn phổ thông là nướng và nấu lẩu cho cả chục người ăn. Nghề nuôi cá tầm hiện được chính quyền tỉnh Yên Bái đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế cao, nhưng lại rất thận trọng trong việc mở rộng sản xuất bởi nỗi lo cung vượt cầu nếu để người dân nuôi tự phát.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều