Báo Đồng Nai điện tử
En

No ấm trên quê hương thứ hai

07:12, 12/12/2017

Rời quê, nhiều người đã đưa gia đình đến các vùng nông thôn của huyện Cẩm Mỹ (thời điểm đó còn thuộc huyện Xuân Lộc) để lập nghiệp, trồng trọt trên mảnh đất trước kia còn là rừng, dân cư thưa thớt.

Rời quê, nhiều người đã đưa gia đình đến các vùng nông thôn của huyện Cẩm Mỹ (thời điểm đó còn thuộc huyện Xuân Lộc) để lập nghiệp, trồng trọt trên mảnh đất trước kia còn là rừng, dân cư thưa thớt. Sau nhiều năm cần cù lao động, một số người đã tạo lập cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, con cái lập gia đình và bám chặt với quê hương thứ 2.

Ông Trần Văn Hiển (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Trần Văn Hiển (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Hơn 30 năm đưa gia đình từ tỉnh Hải Dương về lập nghiệp tại ấp Cọ Dầu 1 (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ), với nghề nông truyền thống và sự cần cù lao động, vợ chồng ông Đồng Văn Hiếu (67 tuổi) - bà Phạm Thị Khang (64 tuổi) đã dần tạo dựng được một cuộc sống ấm no.

* “Đất lành chim đậu”

Bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất mới với 2 bàn tay trắng, phải đi làm mướn kiếm sống, cố gắng dành dụm, rồi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn khác, vợ chồng ông Hiếu mua đất trồng lúa, bắp, đậu... đến năm 2005 thì thoát nghèo. Đến nay, vợ chồng ông Hiếu đã có nguồn thu nhập ổn định từ 7 sào đất trồng cây đu đủ, 2 sào bắp, đặc biệt là trồng hoa để bán vào dịp cuối năm (năm nay vợ chồng ông Hiếu trồng 7 ngàn chậu hoa).

Ông Phạm Xuân Hìu (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Đối với những người xa quê, đưa gia đình đi lập nghiệp nơi khác như chúng tôi, ngoài việc vùng đất mới hiếu khách và thích hợp làm ăn thì mỗi người còn phải cần cù lao động và biết tiết kiệm mới trụ vững, mới tạo dựng cuộc sống ổn định được. Hầu hết mọi người ở đây đều có cuộc sống ở quê khó khăn mới đi lập nghiệp nơi khác và cũng vì vậy mà họ quý từng tấc đất, biết bắt đất đai đem đến nguồn lợi kinh tế và cuộc sống ấm no cho gia đình”.

“Năm 1984 khi về đây định cư, rừng mới được khai hoang, gia đình tôi phải dọn dẹp rất nhiều cây cối, bụi rậm quanh nhà. Ngày ấy hầu như các gia đình ở đây chỉ có nhà ván gỗ ọp ẹp. Đến năm 1986 xã Xuân Đông được thành lập. Khi đó dân số đã đông dần lên, nhưng cuộc sống người dân ở đây cũng còn khó khăn, chủ yếu trồng bắp, lúa, đậu... Ở đây đất rộng người thưa, ai cũng xa quê lập nghiệp nên sống đoàn kết với nhau, vì nếu không nương tựa vào nhau thì lúc gặp khó biết kêu ai” - bà Khang nhớ lại.

Từ tỉnh Hải Dương vào Nông trường Sông Ray lập nghiệp năm 1988, ông Phạm Xuân Hìu (62 tuổi, ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) kể thời gian đi bộ đội chiến đấu giải phóng miền Nam, ông đã thấy đất Đồng Nai trù phú, rất thuận lợi để trồng trọt. Đến năm 1985, khi có nhiều người thân vào miền Nam đi kinh tế mới, ông đắn đo suy nghĩ mãi đến năm 1988 mới quyết định đưa vợ vào đây xây dựng cuộc sống mới.

Vào miền Nam chỉ với 2 bàn tay trắng, lại bị mất một chân vì giẫm mìn trong thời chiến tranh, vợ chồng ông Hìu chăm chỉ cày cuốc, trồng đủ loại nông sản trên mảnh đất màu mỡ, từ lúa, bắp, đậu đến rau, cải… Nhờ tính cần cù và biết tích góp, đến nay gia đình ông đã có gần 2,5 hécta đất, con cái lập gia đình ra riêng và có đất đai sản xuất ổn định.

“Hồi mới vào, nhiều hộ ở đây là dân đi kinh tế mới nên ai nấy đều chăm chỉ lao động và rất thân thiết với hàng xóm mới. Khi xã thành lập, nhờ tinh thần dám nói dám làm và tính tình thẳng thắn nên tôi được mọi người tin tưởng bầu làm trưởng ấp. Từ đó, tôi càng yêu quý và gắn bó với vùng đất này hơn và coi đây là quê hương thứ hai” - ông Hìu bộc bạch.

* Chắt chiu đồng vốn vay

Về vùng kinh tế mới lập nghiệp, hầu hết mọi người chỉ có một số ít tiền đem theo, thậm chí chỉ có vài món đồ gia dụng và 2 bàn tay trắng. Do đó, họ thường vay vốn làm ăn và dành dụm dần sau những mùa nông sản bán được giá.

Bà Phạm Thị Khang bên những chậu hoa bán tết trong vườn. Ảnh: Đ. Tùng
Bà Phạm Thị Khang bên những chậu hoa bán tết trong vườn. Ảnh: Đ. Tùng

Khoảng đầu năm 1990, vợ chồng ông Đồng Văn Hiếu quyết định vay vốn để mua đất trồng trọt thêm nhiều loại nông sản, dùng sự tiết kiệm và tính cần cù của bản thân để chắt chiu từng đồng lời, trả tiền vay vào cuối năm. Nhờ rẫy bắp và ruộng lúa mà 4 người con của ông được ăn học nên người. Hiện 3 người đã lập gia đình ở riêng, còn một người con trai ở cùng và phụ ông bà trồng trọt.

Bà Khang cho hay nhiều năm vay vốn sản xuất bà luôn tìm cách trả đủ, trả trước hạn, để sang năm nếu cần còn có thể vay tiếp. Nhờ uy tín như vậy nên những lúc khó khăn, vợ chồng bà luôn được mọi người giúp đỡ nhiệt tình.

“Quá trình sản xuất, vợ chồng tôi nghiên cứu, học hỏi thêm cách trồng những giống cây mới, cho lợi ích cao hơn, như: trồng đu đủ và trồng hoa bán dịp tết bên cạnh việc trồng bắp, đậu…” - bà Khang chia sẻ.

Với ông Trần Văn Hiển (57 tuổi), từ sự chỉ dẫn của bạn bè về vùng đất màu mỡ, nhiều cơ hội đổi đời, vào năm 1999, ông đưa vợ con từ Nghệ An vào ấp Suối Lức (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) lập nghiệp. Ngày ấy, vợ chồng ông phải ở nhà thuê, ai thuê gì làm đó, kể cả những công việc vốn xa lạ, như hái cà phê, hái tiêu.

“Từ năm 2000, tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương và nhiều nơi khác để thuê đất trồng trọt theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã và bà con xung quanh. Nuôi bò, nuôi dê, trồng bắp, cà phê…, dần dần tích lũy tôi đã mua được từng mảnh đất nhỏ để gộp lại thành 1,3 hécta đất trồng bắp, cà phê. Làm nghề nông không giàu có nhưng nếu cần cù cũng sống khá hơn trước, đặc biệt là ở nơi đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt thế này” - ông Hiển vui vẻ cho hay.

Nhờ sự cố gắng nơi vùng đất mới mà đến năm 2008 gia đình ông Trần Văn Hiển đã thoát diện hộ nghèo và đến năm 2016 thì ông không còn phải vay vốn sản xuất nữa. Năm 2016, ông còn được Hội Cựu chiến binh các cấp và Bệnh viện 7A hỗ trợ 40 triệu đồng để xây căn nhà đồng đội khang trang. Từ một người không nhà cửa, dắt vợ con đi ở thuê, giờ ông đã có đất trồng trọt, có nhà kiên cố, 3 người con đều được học hành và lập gia đình riêng. Với ông, cuộc sống bây giờ đã vượt quá những gì ông mong đợi khi đặt chân vào miền Nam.

“Hiện giờ ngày ngày tôi chỉ lo việc ở vườn rẫy, cắt cỏ cho bò ăn, gặp gỡ bạn bè bàn việc làm ăn cuối năm và hướng đến năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang đến” - ông Hiển tâm sự.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều