Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc đời mới

07:12, 18/12/2017

Sau hàng chục năm định cư trên đất Đồng Nai, gần 200 hộ dân của xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mới chính thức trở thành công dân của xã Đắc Lua (huyện Tân Phú).

Sau hàng chục năm định cư trên đất Đồng Nai, gần 200 hộ dân của xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mới chính thức trở thành công dân của xã Đắc Lua (huyện Tân Phú). “Khi có danh phận rõ ràng thì mọi thủ tục hành chính liên quan đến cuộc sống của chúng tôi cũng đỡ nhiêu khê hơn so với trước đây” - ông Triệu Văn Phùi (51 tuổi, ngụ thôn 1, xã Đắc Lua) tâm sự khi được trở thành công dân mới của Đồng Nai.

Sau khi nhập về xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), người dân bắt đầu được tạo điều kiện làm lại giấy chứng minh nhân dân ngay tại chỗ.
Sau khi nhập về xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), người dân bắt đầu được tạo điều kiện làm lại giấy chứng minh nhân dân ngay tại chỗ.

Ông Phùi chia sẻ những năm 1980-1990 là khoảng thời gian người dân từ các tỉnh miền núi Tây Bắc như ông vào đây lập nghiệp. Xem nơi đây như vùng đất lành để định cư nên ai cũng mong mỏi sớm ổn định để phát triển kinh tế.

* Bao năm mang phận “ở đậu”

Nơi bà con sinh sống nằm trọn trong Vườn quốc gia Cát Tiên, gần khu vực Trạm Kiểm lâm Đabongkua. Xung quanh rừng núi bao phủ, người dân khá gian nan để khai phá đất đai làm ruộng trồng lúa. Khi những cánh đồng rộng lớn hình thành thì đời sống của mọi người mới bớt vất vả.

Thực hiện chỉ đạo của UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về việc bàn giao công tác quản lý hộ khẩu, vào ngày 14-12, Công an tỉnh đã tổ chức lễ tiếp nhận 964 nhân khẩu của 194 hộ dân thuộc các thôn 1 và 3 của xã Đăng Hà  (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) về nơi cư trú mới tại xã Đắc Lua sau hàng chục năm chậm giải quyết do vướng địa giới hành chính. Những hộ dân này vốn thuộc diện quản lý hành chính của xã Đăng Hà, nhưng lại sinh sống ở địa phận xã Đắc Lua nên không được cấp hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân…

Do ở nơi khí hậu không mấy ưu đãi, nguồn nước chủ yếu dựa vào tự nhiên nên việc trồng lúa chỉ được 2 vụ/năm, người dân phải bám rừng mà sống. Sau này được chính quyền địa phương hỗ trợ thêm cây điều giống để trồng, kinh phí để chăn nuôi nên thu nhập của người dân phần nào được cải thiện.

“Lúc đó, Bình Phước chưa tách tỉnh mà vẫn còn thuộc tỉnh Sông Bé. Đến năm 1997, chúng tôi mang danh phận mới, là công dân của xã Đăng Hà” - ông Phùi cho hay.

Tiếng là công dân xã Đăng Hà, nhưng phần lớn diện tích đất của thôn 1 và thôn 3 xã này lại thuộc địa phận xã Đắc Lua, khiến công tác cấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân… cho người dân ở đây gặp nhiều khó khăn (cả 2 thôn chỉ có vài hộ được cấp hộ khẩu). Người dân muốn thực hiện các thủ tục hành chính để cho con em đi học, xin việc làm, phát triển kinh tế… không được thuận lợi do không làm được sổ hộ khẩu.

Gia đình ông Phùi sau gần 20 năm định cư ở đây mà trong tay không có bất cứ loại giấy tờ nào. Cả gia đình 6 người sống trong cảnh 3 không: không hộ khẩu, không giấy chứng minh nhân dân và không “sổ đỏ”. Để các con có cơ hội tìm con chữ, ông phải nương nhờ vào nhà khác.

Cũng giống gia đình ông Phùi, ông Nông Văn Định (50 tuổi, ngụ thôn 1) vào đây lập nghiệp đã gần 30 năm. Sau nhiều năm chăm chỉ cày cuốc, gia đình ông đã có 2 hécta đất ruộng trồng lúa, năng suất 5 tạ/sào. Có trong tay chút vốn, gia đình ông muốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nhưng không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chẳng thể thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn.

Từ đó đến nay, mọi thu nhập của gia đình ông Định chủ yếu phụ thuộc vào việc làm lúa. Những năm thời tiết không thuận lợi, mùa màng thất bát, kinh tế gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó. Cách đây chừng 2 tháng, nghe trưởng thôn thông báo các hộ dân ở đây sắp được nhập về xã Đắc Lua cũng là lúc ông Định mừng vui hơn bao giờ hết.

Ông Định tâm sự với người dân quê, không có gì quý giá bằng việc được cầm giấy tờ đất đai, nhà cửa và tài sản mang tên mình. Quan trọng hơn hết là ai cũng được thực hiện quyền công dân, được cấp hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân…

Trưởng thôn 1 Triệu Văn Tích cho biết thêm, cả thôn chỉ có người dân sống ở tổ 1 thuộc tỉnh Bình Phước nên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số còn lại không ai có hộ khẩu, không được cấp sổ đỏ. Đất đai không có giấy tờ, bà con không tiếp cận được các nguồn vốn vay của Nhà nước để phát triển kinh tế.

“Mong mỏi lớn nhất của bà con ở đây khi thành công dân Đồng Nai là được các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” - ông Tích hồ hởi nói.

* Mong sớm an cư

Bao năm nay, thôn 1 và thôn 3 bị đồi núi chia cách, cản trở. Từ đây vào trung tâm xã Đắc Lua phải đi hơn 20km đường rừng. Mùa mưa, đường sá lầy lội, sình bùn ngang tận đầu gối, việc lưu thông vô cùng khó khăn. Dân trong thôn có đến 98% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là các dân tộc: Tày, Nùng, Mường). Được nhập về Đồng Nai, bà con hy vọng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí làm đường sá đàng hoàng hơn so với trước kia, để đường nối đường, ấp nối ấp nhằm sớm an cư lập nghiệp.

Ngày chính thức trở thành công dân tỉnh Đồng Nai (14-12-2017) là sự kiện đáng nhớ với người dân thôn 1 và thôn 3.
Ngày chính thức trở thành công dân tỉnh Đồng Nai (14-12-2017) là sự kiện đáng nhớ với người dân thôn 1 và thôn 3.

Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua Trương Văn Oanh cho hay đường địa giới hành chính ở thực địa giữa Bình Phước và Đồng Nai đã được 2 tỉnh thống nhất, cắm mốc và bàn giao cho các xã. Việc quản lý về địa giới hành chính thực hiện theo đúng quy định, các hộ dân nằm dọc đường địa giới hành chính thuộc địa bàn xã, huyện, tỉnh nào thì thuộc quyền quản lý hành chính của xã, huyện, tỉnh đó.

Như vậy, những hộ dân sinh sống thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước do xã Đăng Hà quản lý; những hộ sinh sống trên đất Đồng Nai do xã Đắc Lua quản lý. Trong quản lý hành chính, sẽ có khó khăn xảy ra vì địa bàn rộng, dân cư không tập trung. Công tác vận động tuyên truyền cũng không thuận lợi do ảnh hưởng đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, UBND xã Đắc Lua đã sẵn sàng đón nhận bà con trở về địa phương.

Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian qua Đồng Nai đã khẩn trương tiến hành giải quyết các công tác về hộ khẩu cho người dân ở khu vực này. Trước mắt, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh và Công an huyện Tân Phú sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Bình Phước nhanh chóng tiếp nhận, vận chuyển đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan đến số dân ở đây.

Do vị trí khu vực thôn 1 và thôn 3 xa trung tâm hành chính xã Đắc Lua nên lực lượng công an sẽ trực tiếp xuống địa bàn tạo điều kiện cho bà con điều chỉnh giấy tờ cá nhân, không phải đi lại xa xôi, vất vả và sớm ổn định cuộc sống. Đến tháng 1-2018, phải hoàn tất xong các thủ tục pháp lý theo quy định.

 “Việc bàn giao công tác quản lý nhân hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân cho người dân tại đây hết sức cần thiết, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính trong công việc và cuộc sống sinh hoạt. Đây cũng là cầu nối chuyển tải thông tin, tuyên truyền pháp luật góp phần đảm bảo an ninh trật tự ổn định trên địa bàn tỉnh” - Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều