Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn kíp xe thiết giáp

07:11, 11/11/2017

Là một trong những binh chủng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ngoài nhiệm vụ huấn luyện hàng ngày, những năm qua Đại đội Thiết giáp (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) đã dành nhiều thời gian, công sức để bảo dưỡng xe hàng tuần; đảm bảo sẵn sàng cơ động, làm nhiệm vụ ngay khi có lệnh.

Là một trong những binh chủng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ngoài nhiệm vụ huấn luyện hàng ngày, những năm qua Đại đội Thiết giáp (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) đã dành nhiều thời gian, công sức để bảo dưỡng xe hàng tuần; đảm bảo sẵn sàng cơ động, làm nhiệm vụ ngay khi có lệnh.

Binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn lau chùi vũ khí trên xe vào ngày kỹ thuật hàng tuần.
Binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn lau chùi vũ khí trên xe vào ngày kỹ thuật hàng tuần.

Thứ sáu hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Thiết giáp lại dành cả ngày để kiểm tra các chi tiết trên xe; từng bộ phận, công tắc, chốt khóa đều được các kíp xe “soi” kỹ. Hàng tháng, xe lại được nổ máy chạy để kiểm tra hỏng hóc, bất thường trong quá trình vận hành kéo dài; tất cả nhằm mục đích đặt các xe thiết giáp trong tình trạng thường trực, sẵn sàng chiến đấu.

* Giữ tốt, dùng bền

Công tác tại Đại đội Thiết giáp từ năm 2012, Thiếu tá Hoàng Thanh Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội Thiết giáp, cho biết công tác kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là một trong những công tác thường xuyên được Đại đội Thiết giáp chú trọng hàng đầu vì nếu xe bị trục trặc, máy không nổ khi có lệnh thì đơn vị không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đại đội Thiết giáp thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã được nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng tặng. Nổi bật trong số đó có giải nhì hội thi Kỹ thuật tăng - thiết giáp toàn quân năm 2012 và bằng khen của Quân khu 7 với thành tích đạt loại giỏi trong hội thi kỹ thuật tăng - thiết giáp Quân khu 7 vừa qua. Riêng cá nhân Hạ sĩ Lê Đăng Thành đạt thành tích xuất sắc trong hội thi, hội thao cấp Quân khu 7 năm 2017.

Trong Đại đội Thiết giáp, những người thuộc kíp xe (gồm: trưởng xe, lái xe và pháo thủ) là những người trực tiếp bảo dưỡng, kiểm tra xe. Họ là người sử dụng xe nên hiểu rõ xe nhất; từ chỗ con ốc vít nào bị lỏng, chốt nào siết chặt quá, bánh xe nào mềm… họ đều nắm vững. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các quân nhân chuyên môn kỹ thuật; hoặc trường hợp xe bị trục trặc nằm ngoài tầm tay thì phải nhờ đến những người thuộc Phòng Kỹ thuật kiểm tra, đưa ra phương án sửa chữa.

“Chúng tôi yêu cầu các thành viên kíp xe phải cố gắng để thành “bác sĩ” xe thiết giáp, hiểu được đặc tính và cả “bệnh” của xe, giữ vững hệ số kỹ thuật của xe huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm người và phương tiện luôn sẵn sàng, có lệnh là lên đường được ngay” - Thiếu tá Tuấn chia sẻ.

Vào mỗi ngày kỹ thuật trong tuần, các trung đội, kíp xe sẽ theo sự phân công từ trước đồng loạt kiểm tra tất cả các xe, ai làm việc nấy theo vị trí trên xe, như: trưởng xe kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, kiểm tra chung; lái xe kiểm tra các thiết bị đảm bảo xe vận hành trơn tru; pháo thủ lau chùi, kiểm tra vũ khí, các trang bị đi kèm... Vì xe chỉ có thể đảm bảo đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ khi tất cả mọi chi tiết, trang bị của xe được đảm bảo, kể cả những thứ, như: xẻng, cuốc, búa được trang bị trên xe cũng phải đủ, đề phòng những trường hợp cần thiết vượt qua địa hình khó.

Về đơn vị công tác từ tháng 3-2015, Thiếu úy Hoàng Cao Minh (lái xe thiết giáp, Trung đội 1, Đại đội Thiết giáp) chia sẻ là lái xe thiết giáp anh luôn ý thức được nhiệm vụ đưa kíp xe, chiến sĩ trên xe đến nơi làm nhiệm vụ. “Do đó, sau mỗi giờ huấn luyện, tôi lại báo cáo những trục trặc của xe. Đến ngày kỹ thuật hàng tuần, tôi lại kiểm tra hệ thống máy móc, bánh xe, các loại kiếng… Hầu như mỗi người lái xe đều biết rõ xe của mình mạnh, yếu chỗ nào nên việc kiểm tra thường rất nhanh. Cuối ngày, kết quả kiểm tra sẽ được báo cho chỉ huy đơn vị để kịp nắm bắt tình trạng phương tiện” - Thiếu úy Minh cho hay.

* Trưởng thành từ những hội thi

Với những chiến sĩ, quân nhân mới về Đại đội Thiết giáp, dù đã được đào tạo 6 tháng tại Trường hạ sĩ quan xe tăng 1, nhưng họ vẫn cần sự hướng dẫn của các cán bộ đi trước để nhanh chóng bắt kịp tiến độ huấn luyện và làm quen với phương tiện. Vì các xe thiết giáp là phương tiện đặc biệt nên việc làm quen xe không chỉ là ngồi lái hoặc các thao tác cơ bản, mà còn phải biết những hỏng hóc xe thường gặp và cách xử lý trong mọi tình huống; những điều này cần phải có kinh nghiệm và sự truyền đạt trực tiếp tại đơn vị.

Thiếu úy Hoàng Cao Minh kiểm tra thiết bị trên xe trong quá trình bảo dưỡng.
Thiếu úy Hoàng Cao Minh kiểm tra thiết bị trên xe trong quá trình bảo dưỡng.

Binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn (pháo thủ ở Trung đội 2, Đại đội Thiết giáp, về đơn vị từ ngày 1-6) cho biết khi mới về đơn vị công tác anh nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ rất nhiều từ những đàn anh đi trước. Là người ở sau lưng lái xe và trưởng xe, lại sử dụng vũ khí chính của xe nên anh phải hiểu rõ nhiệm vụ của từng người. Khi đã lên xe thì mọi người trong ê-kíp phải phối hợp cho bài bản, kể cả trong lúc bảo dưỡng vũ khí, phương tiện; ai làm việc nấy, tuần tự từng việc và luôn kiểm tra chéo cho nhau trước khi kết thúc.

Hàng năm, Đại đội Thiết giáp tham gia khoảng 2 cuộc thi chuyên ngành thiết giáp do các cấp tổ chức. Qua các hội thi, từng cá nhân, từng kíp xe sẽ thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy hoặc chỉnh sửa. Cũng từ các hội thi, chỉ huy đơn vị sẽ thấy được dưới áp lực thời gian và sự soi xét của cấp trên, từng kíp xe sẽ gặp lúng túng, trục trặc ở khâu nào, nhanh nhẹn ở khâu nào, phối hợp có nhịp nhàng không…, để từ đó điều chỉnh lại phương án huấn luyện cho phù hợp.

Ngoài các hội thi, những lần huấn luyện bắn đạn thật, các đợt diễn tập cũng là dịp để từng cá nhân trong kíp xe tự rèn luyện, rút kinh nghiệm cho bản thân để góp phần cùng cả đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu úy Hoàng Cao Minh cho biết: “Xe thiết giáp là phương tiện chiến đấu chính của đơn vị. Bên cạnh sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân thì xe cũng phải được đảm bảo các hệ số kỹ thuật theo yêu cầu. 2 yếu tố này phải song song với nhau nên chúng tôi thường tham gia các hội thi để cả người và xe đều được thể hiện, thử sức dưới áp lực lớn về thời gian và sự soi xét của các cấp lãnh đạo. Qua các hội thi, chúng tôi học hỏi được nhiều điều, nhất là hội thi về kỹ thuật giúp chúng tôi ý thức rõ hơn vai trò quan trọng của việc chăm sóc xe hàng ngày, hàng tuần, nhất là những dịp lễ lớn của đất nước”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều